Thượng phương bảo kiếm và kim bài miễn tử

Ông Trọng ngày càng yếu đi trên cả hai lĩnh vực, sức khỏe và đồng chí cánh hẩu. (Hình minh họa: Báo Chính Phủ)

Xem phim cổ trang Trung Quốc các hoàng đế thời phong kiến luôn có những ý tưởng củng cố quyền lực của mình và lôi kéo các quan lại cúc cung tận tụy với ngôi chí tôn bằng hai vật phẩm có khả năng răn đe và dụ dỗ quần thần dưới trướng, đó là thượng phương bảo kiếm và kim bài miễn tử.

Để răn đe thì thượng phương bảo kiếm là vật có thể làm cho quan tham run sợ khi đối diện với thanh kiếm đầy quyền lực này. Nó tượng trưng cho vua và khi người cầm nó tuyên lệnh chém đầu ai đó thì sức mạnh ngang với chiếu chỉ vua ban không được quyền từ chối hay phản đối. Thượng phương bảo kiếm thường được trao cho một nhân vật anh hùng, trung cang nghĩa khí để bảo vệ ngai vàng và dùng nó để tăng thêm quyền lực cho người được ban.

Nếu thượng phương là kiếm thì kim bài miễn tử là tấm lá chắn nhằm vô hiệu hóa nó. Chiếc kim bài này khi vua trao cho ai thì người đó dù có bất cứ tội trạng gì ngoại trừ phản quốc đều được miễn tội chém đầu. Kim bài miễn tử thường được trao cho các công thần với đất nước, có công trạng bảo vệ quốc gia xã tắc khỏi một cuộc binh biến hay xâm lược nào đó của kẻ thù. Giống như thượng phương bảo kiếm người mang chiếc kim bài miễn tử đầy quyền lực này có thể tự tin rằng được bảo vệ bởi một chiếu chỉ và không ai có thể vượt qua để xử bản án nặng nhất là chém đầu người cầm nó.

Tưởng đâu chỉ trong thời đại phong kiến mới xuất hiện hai loại vật phẩm này, nhưng tuy sống ở thế kỷ 21 người Việt Nam đang chứng kiến sự hiện hữu của hai loại “thanh kiếm và lá chắn” tại chính quê hương mình, mặc dù thời kỳ bị Bắc phương chiếm đóng đã hơn cả ngàn năm.

Kim bài miễn tử và thượng phương bảo kiếm trong những năm gần đây đang rần rần xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng kể cả mạng xã hội và các nền tảng khác như Tik Tok hay Youtube.

Trước tiên là thượng phương bảo kiếm. Thanh kiếm quý báu này xuất hiện khi ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nhóm lửa cho chiếc lò chống tham nhũng của ông vào năm 2013 thì Thượng phương bảo kiếm được giao cho Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, với ý hướng là toàn quyền sinh sát bất kể kẻ phạm tội có chức tước to đến cỡ nào.

Bắt đầu từ Đinh La Thăng vào năm 2017 với sai phạm từ tập đoàn dầu khí PVN và Thăng bị truy tố ra tòa. Từ đó đến nay đã có tổng cộng 22 ủy viên trung ương đảng bị truy tố và người mới đây phải ra tòa là Mai Tiến Dũng, bộ trưởng Văn Phòng Chính Phủ đã bị thượng phương bảo kiếm chặt đầu, hình thức ở đây là truy tố và lãnh án cho việc làm sai trái của mình.

Có thượng phương bảo kiếm trong tay, Đại Tướng Tô Lâm tỏ ra rất tự tin trong việc ‘chém theo chỉ thị’ của ông Trọng. Tuy nhiên có những người không do ông Trọng ra lệnh nhưng thanh kiếm bén ấy tỏ ra bất kham khi chém cả những tay chân thân thiết của ông tổng bí thư mà không hề sợ sệt hậu quả, bởi cái thanh kiếm này được phép tiền trảm hậu tấu nên người cầm nó rất tự tin vào việc của mình làm.

Nếu ông tổng bí thư có thượng phương bảo kiếm để răn đe đám quan tham thì trong cái thượng tầng lãnh đạo ấy cũng không dại gì làm ngơ để cái đầu của mình bị treo trên giàn lửa từ lò của ông Trọng. Thế là kim bài miễn tử ra đời theo quyết định của đảng, chiếc kim bài này lấy tên theo thời đại ngày nay đó là Quy Định 41. Quy định này được ban hành vào ngày 3 Tháng Mười Một năm 2021 với nội dung “Quy định này quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.”

Có nghĩa là đảng sẽ xem xét ai là người được tấm kim bài miễn tử chiếu cố, tuy bị ‘trảm nhưng không chết,’ tức là chỉ bị kỷ luật, mà kỷ luật lại theo Quy Định 22-QĐ/TW năm 2021 trong đó ghi rõ ràng: “Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán; Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ; Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo.”

Kim bài miễn tử này đã được trao cho Hoàng Trung Hải vào năm 2020, với mức kỷ luật cảnh cáo. Lê Thanh Hải năm 2020 hình thức cách chức bí thư mặc dù ông này đã nghỉ hưu. Nguyễn Văn Bình cũng trong năm 2020 với hình thức cảnh cáo. Trong năm 2023 hai ông phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị thôi chức, đáng nói nhất là mới đây trong năm 2024 hai chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, cũng được xét cho thôi chức cùng với Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cũng cùng biện pháp.

Tất cả đều vi phạm pháp luật trầm trọng và tất cả đều được kim bài miễn tử cho phép thoát khỏi bị chém đầu, tức là phải ra tòa trả giá cho hành vi phạm tội của mình.

Có một điều thú vị là Lê Thanh Hải, người được kim bài miễn tử năm 2020 nhưng bốn năm sau lại bị kỷ luật một lần nữa vì vụ Vạn Thịnh Phát không biết lần này có còn được “ưu ái” như trước đây nữa hay không? Và nếu không thì sau khi “bị kỷ luật” lần thứ hai có còn khăn gói về nhà chờ lần thứ ba?

Phải chăng thanh thượng phương bảo kiếm trong tay Tô Lâm đang lạm dụng quyền lực của mình để vượt qua tầm kiểm soát của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người được xem là hoàng đế của Việt Nam hiện nay? Thật khó có câu trả lời chính xác cho những hành động liên tiếp vừa qua đang khiến cho triều đình hỗn loạn và đình trệ. Hỗn loạn vì hai vị trí hàng đầu không thể trám vào bởi một nhân vật đủ nặng ký và đình trệ vì sự chọn lựa đang bế tắc và cần thời gian cho các phe phái đạt thỏa thuận với nhau.

Thượng phương bảo kiếm đã có khắc tinh nên việc chém giết của Tô Lâm có thể đã tạm đủ để dừng lại. Những bước tiến kế tiếp có thể nhấn bộ chính trị vào cuộc khủng hoảng nhân lực nhưng cũng là cơ hội để người cầm thanh kiếm báu này có thời gian kiện toàn phe cánh của mình chỉ một bước tiến lên ngai vàng thay cho ông Trọng ngày càng yếu đi trên cả hai lĩnh vực, sức khỏe và đồng chí cánh hẩu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: