Vụ “xuất bản tặc” – bao giờ mới nhổ được gốc?

Các nghi phạm bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 13/02/2023 trong vụ án tại nhà xuất bản Giáo dục (từ trái qua: Nguyễn Đức Thái, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đinh Quốc Khánh và Tô Mỹ Ngọc). Ảnh Bộ Công an/Tuổi trẻ

Truyền thông trong nước đưa tin ngày 13 Tháng Hai 2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (NXBGD) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt giam bốn người, trong đó có ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên NXBGD và hai cán bộ dưới quyền.

Ông Thái bị điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng bị bắt tạm giam và cùng tội danh với ông còn có bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu trưởng ban Kế hoạch Marketing, ông Đinh Quốc Khánh, cựu phó ban Kế hoạch Marketing và bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng.

Trong số bốn người này, bà Thủy đã bị bắt tạm giam một tháng trước trong vụ án Việt Á, với tội danh “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Bà Thủy được cho là đã lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số bộ, ngành tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trục lợi trong việc sản xuất, kinh doanh kit test Covid-19. Có thông tin trên mạng nhưng không thể kiểm chứng rằng bà Thủy là em họ của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và vụ bắt bà Thủy là một trong những yếu tố dẫn tới sự từ chức của ông Phúc.

NXBGD – một doanh nghiệp lạm dụng vị thế độc quyền cung cấp sách giáo khoa để móc túi người dân nhiều chục năm qua. Ảnh Phạm Tuấn/Tuổi trẻ

Theo thông tin trên các báo, bộ sậu NXBGD bị bắt để điều tra vụ vi phạm quy định về đấu thầu cung cấp giấy in, trong đó ban lãnh đạo NXBGD được cho là đã thông đồng với công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng để “nhận lợi ích vật chất” từ bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch công ty. 

Báo VNExpress nói rõ hơn rằng công ty Giấy Phùng Vĩnh Hưng cung cấp tới 83% lượng giấy in sách giáo khoa cho nhà xuất bản, trị giá khoảng 1,900 tỷ đồng. “Kiểm tra xác suất [ngẫu nhiên] một số hợp đồng cung cấp giấy in của Phùng Vĩnh Hưng, Thanh tra Chính phủ thấy giá giấy in cao bình quân gấp khoảng 1.7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng)”, VNExpress viết. Do NXBGD là công ty quốc doanh, nhà nước nắm 100% vốn, nên hành vi này được coi là gây thiệt hại trầm trọng cho lợi ích của nhà nước.

Vụ bắt giam bộ sậu NXBGD được dư luận trong nước đồng tình, thậm chí trên mạng có nhiều người bình luận rằng họ chờ đợi việc này đã lâu. Tham nhũng ở các cơ quan và doanh nghiệp của nhà nước là chuyện ai cũng bức xúc nhưng NXBGD là một ổ tham nhũng, tồn tại đã nhiều thập niên và gây hại cho mọi gia đình và hầu như ai cũng muốn triệt hạ nó.

***

Nhưng bức xúc của người dân đối với NXBGD không phải là chuyện đấu thầu không “bảo đảm công bằng, minh bạch” trong việc mua giấy in mà là cung cách làm ăn bất nhân kéo dài hàng chục năm qua của doanh nghiệp này: Lạm dụng vị thế độc quyền xuất bản và phát hành sách giáo khoa để móc túi người dân bằng những thủ đoạn gian manh. 

Là công ty kinh doanh thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXBGD nghiễm nhiên được độc quyền cung cấp sách giáo khoa từ mẫu giáo đến hết trung học, với số lượng rất lớn mà học sinh nào cũng phải mua. Chỉ tính năm 2021, NXBGD đã phát hành hơn 164 triệu cuốn sách giáo khoa, tổng doanh thu đạt 1,828 tỷ đồng, lãi sau thuế 287 tỷ đồng – những con số mơ ước của tất cả những người làm nghề sách báo.

Thế nhưng không thỏa mãn với lợi nhuận khổng lồ từ mặt hàng sách giáo khoa độc quyền, NXBGD cấu kết với bộ chủ quản ban hành những chỉ thị mập mờ về sách tham khảo, sách bài tập… để buộc phụ huynh học sinh phải dốc những đồng tiền đẫm mồ hôi để mua về. Chuyện khó thể tưởng tượng được là một học sinh lớp một tiểu học – lớp đầu tiên trong cuộc đời đi học chỉ cần phải học chút chút về tiếng Việt – đã phải mua tới 23 cuốn sách giáo khoa (!) đựng trong một cái cặp, hoặc ba-lô mà các cháu mang không nổi! Cặp sách của cháu càng nặng thì túi tiền của các quan chức ngành giáo dục cũng sẽ thêm nặng thêm!

Một số sách trong bộ sách giáo khoa 23 cuốn mà một học sinh lớp Một tiểu học phải mua! Ảnh Thùy Linh/GDVN

Thâm hiểm hơn nữa NXBGD chủ trương năm nào cũng phải “thay sách”: Mỗi năm chỉnh sửa một chút trong nội dung để sách đã phát hành không còn dùng được cho năm học sau, những đứa em không thể dùng lại bộ sách mà lứa anh chị đã học xong, buộc phụ huynh học sinh phải mua sách mới từng năm học. Chưa kể rằng, mỗi năm phát hành sách mới, NXBGD lại tăng giá sách một cách vô tội vạ, đổ thừa cho tình trạng lạm phát.

Chủ trương này chỉ nhằm làm cho NXBGD năm nào cũng phát hành được sách mới, doanh số và lợi nhuận tăng lên, làm giàu cho các quan chức mà không đoái hoài tới tình trạng lãng phí khủng khiếp và gây một tai họa cho hàng triệu gia đình nghèo, phải chật vật nhịn ăn nhịn tiêu để mua sách học cho con vào đầu mỗi năm học.

***

Cung cách làm ăn phi pháp và vô đạo đức của NXBGD tồn tại đã lâu, bức xúc của xã hội đã nhiều và báo chí truyền thông cũng không ít lần phê phán trên đài trên báo, nhưng hầu như không được giải quyết tận gốc. Cái mà người ta cần là phụ huynh học sinh có thể mua được sách hay, vừa túi tiền, dùng được cho nhiều năm học; học sinh nghèo có thể được mượn sách học miễn phí hoặc xin sách cũ từ những anh chị đi trước. Ước mong đơn giản đó đã không thể thực hiện do sự thông đồng, cấu kết giữa bên kinh doanh là NXBGD và cơ quan cầm quyền là Bộ Giáo dục và Đào tạo để cùng lũng đoạn xã hội. 

Gần đây đại án tham nhũng Việt Á đã làm lộ mặt thủ đoạn lũng đoạn quyền lực nhà nước để trục lợi ở Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ, vụ “chuyến bay giải cứu” phơi trần thủ đoạn của các quan chức Bộ Ngoại giao. Công luận mong đợi nhà cầm quyền tiếp tục bóc trần thủ đoạn lũng đoạn và trục lợi của đám quan chức Bộ Giáo dục và NXBGD – mà người ta gọi một cách khinh bỉ là “xuất bản tặc” – vì so với vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu thì thiệt hại mà đám xuất bản tặc này gây ra là không kém trầm trọng, nếu không nói là tinh vi và nguy hiểm gấp bội.

Bao giờ thì mong ước đó mới thành hiện thực?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: