Với mức lương hưu “chết đói” như hiện nay, người lao động Việt Nam đang ồ ạt rút tiền bảo hiểm xã hội một lần, từ chối nhận lương hưu. Tình trạng đó tác động mạnh đến quỹ bảo hiểm xã hội, có nguy cơ vỡ quỹ, nên nhà nước Việt Nam nghĩ ra phương pháp đối phó bằng cách đưa ra đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xuống 10 hoặc 15 năm, thay vì 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam như hiện hành.
Đề xuất đó thực sự làm khó người lao động khi tuổi hưu không giảm cùng lượt. Có nghĩa là, nếu người lao động có mười hay mười lăm năm làm việc đủ điều kiện để lãnh lương hưu, nhưng lúc mới 40 tuổi, thí dụ vậy, thì họ phải chờ 20 năm, hoặc 25 năm sau mới được hưởng lương hưu. Trong khi đó ở Việt Nam, ở độ 40, 50 tuổi rất khó tìm được việc làm, như thế họ sống bằng gì cho tới khi được hưởng lương hưu?
Thứ hai, từ năm 2021, Việt Nam tăng tuổi hưu mỗi năm thêm ba tháng, tính ra nữ phải đủ 60 tuổi, nam 62 tuổi thì mới được nhận lương hưu. Người dân phải chờ đợi quá mòn mỏi, với tuổi thọ trung bình 73 tuổi thì sau khi làm việc 30-35 năm, họ chỉ còn khoảng 11-15 năm được nhận lương hưu.
Tăng tuổi hưu để chậm trả lương hưu, thời gian trả lương ngắn lại và tiền trả lương ít đi vì người hưu trí đã chết bớt. Giảm lương hưu đến mức thấp nhất dù đồng lương hưu hiện hành đã quá bèo bọt- chỉ tính trên mức lương cơ sở mà không tính hệ số trượt giá, nhất là trong tình hình lạm phát như hiện nay. Và tìm cách ngăn chặn tình trạng người dân rút tiền bảo hiểm xã hội một lần nhằm giải quyết cuộc sống trước mắt. Đó là cách vận hành Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay.
Người Việt Nam vẫn chưa quên vụ án Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bị truy tố năm 2019 do làm thất thoát 1,700 tỷ quỹ bảo hiểm xã hội và không có khả năng chi trả. Số tiền ấy lại ‘bổ’ lên đầu người lao động?