Những ngày này, thật khó bình tâm hay tập trung để viết cho xong một câu chuyện cụ thể mà không bị những câu chuyện khác ám ảnh, thôi thúc. Quá nhiều thứ đáng để nói tới, để lưu lại một cách chân thực về những gì đã và đang xảy ra trên đất nước này. Dường như người ta đang sống với không chỉ cảm xúc thông thường mà với tâm trạng từ cuồng nộ, giận dữ đến xót xa, căm phẫn…
Nỗi dày vò tinh thần đôi khi không chỉ đến từ sự bất lực, nó mang tính lựa chọn. Không ít người đang dùng chính nỗi sợ hãi của mình để kìm hãm, kiểm soát cơn cuồng nộ, phẫn uất của bản thân. Hôm nay, tôi được xem một đoạn video ghi lại cảnh ba bố con trong một gia đình đang ngồi ăn cơm với nhau thì bị “tổ công tác Chỉ thị 16” tự ý xông vào nhà đòi… xử phạt. Đoạn video này được biết do chính “tổ công tác” ghi lại và nó được loan truyền trên mạng xã hội hôm 29 Tháng Bảy.
Lý do để xử phạt được đưa ra là “đang thực hiện giãn cách không được nhậu”. Người cha, bằng sự nhã nhặn hiếm thấy trong tình huống oái oăm này vẫn cố gắng giải thích cho “tổ công tác” hiểu rằng họ là ba cha con ở chung nhà, không ai là khách và họ chỉ đang ăn cơm mà thôi. Một người trong “tổ công tác” còn lớn tiếng mắng người con: “Im, đừng có hỗn với chú”, khi anh này phân bua rằng cả nhà đang ăn cơm bình thường, không có nhậu nhẹt gì. Tôi xem đi xem lại đoạn video không thấy hình ảnh ly, cốc hay lon bia, chai rượu để chứng tỏ họ đang “nhậu” như lời buộc tội của “tổ công tác”.
Và cho dù trong bữa cơm, cha con họ có uống với nhau mấy vại bia, vài ly rượu cũng không thể bị bêu xấu là “nhậu” hay vi phạm Chỉ thị 16. Chỉ thị 16 không cho tụ tập từ hai người trở lên ở ngoài đường, nơi công cộng, không lẽ lại được áp dụng trong mỗi căn nhà? Gia đình người ta sống chung một mái nhà, không lẽ không được ngồi ăn chung một mâm cơm? Và nếu thực hiện “giãn cách gia đình”, thì mọi thành viên trong nhà phải giữ khoảng cách bao nhiêu mét?
Không nói đến tầng lớp thượng lưu, đại đa số gia đình người Việt đều sống quây quần trong một căn nhà có diện tích nhỏ hẹp, hoặc vừa đủ (theo tiêu chuẩn tối thiểu tự đặt ra). Chưa nói đến những căn nhà trọ lụp xụp của dân nhập cư, xa quê, người lao động nghèo… Nếu chính phủ đã áp dụng việc “giãn cách xã hội” rồi, các cơ quan thừa hành lại tự ý vẽ thêm “giãn cách trong nhà” nữa thì nói theo “gu” của giới trẻ bây giờ đúng là “các anh muốn em sống sao?”.
Một sự việc khác xảy ra trước đó tại quận Bình Thạnh cũng đã khiến công luận phẫn nộ. Ngày 13 Tháng Bảy, một người phụ nữ đang chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu dùng cho gia đình trong thời gian “giãn cách xã hội” đã bị một nhóm công an, dân phòng xông vào tận trong nhà… cưỡng chế. Họ trói, xịt cồn vào mặt chủ nhà, lấy đi mọi thứ rồi bắt bà lên đồn công an. Lý do được đưa ra là người phụ nữ này có hành vi “buôn bán”, vi phạm Chỉ thị 16. Một số tờ báo quốc doanh sau đó đã bóp méo sự thật, lái dư luận theo chiều hướng có lợi cho phía công an, dân phòng.
Con trai của người phụ nữ này đã viết bài phản bác, trong đó có câu: “Dù đã có giăng dây nhưng tổ công tác vẫn tháo dây xông vào nhà em lấy hết thực phẩm thiết yếu, bắt má em và xịt cồn vào mắt anh hai của em, không hề có nhắc nhở hoặc lập biên bản trước đó như báo chí đăng”. Những hình ảnh tương tự do người dân hoặc do chính “tổ công tác” ghi lại còn rất nhiều, nhưng tôi chỉ lấy hai ví dụ cụ thể giữa trùng điệp các sự kiện diễn ra suốt hơn ba tháng qua.
Có quá nhiều câu hỏi của người dân đặt ra cần những người có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương phải trả lời. Ví dụ, vì sao nhà nước không cho phép tụ tập quá hai, ba người nhưng lại tổ chức nhiều sự kiện mà số người tham gia lên tới hàng ngàn? Có thể nhắc tới sự kiện tổ chức tiêm vaccine ở nhà thi đấu Phú Thọ thu hút gần 10 ngàn người tham gia. Hay các buổi xét nghiệm Covid-19 cũng với cả ngàn người đổ về một lúc. Hình ảnh tại các trại cách ly với người san sát người, liệu có được xem là giải pháp tốt cho việc chống lây nhiễm, hoặc đã thực hiện đúng quy định về giãn cách, ngay với phía quyền quản lý của nhà nước?
Chưa kể đến việc mỗi khi xảy ra sự việc gì, khoan bàn tới đúng-sai, phải-trái, nhưng phần thua thiệt luôn nghiêng về phía người dân. Nhiệm vụ của báo chí là viết đúng, viết đủ, biết tôn trọng người đọc nhưng không hiểu sao các phóng viên không chịu đích thân tìm hiểu sự thật mà chỉ lấy tin từ phía công an hoặc “tổ công tác”?
Cuối cùng, chỉ người dân bị bêu tên trong khi không ai trong số những người phải chịu trách nhiệm được nhắc tới như một điều cấm kỵ? Ngay cả với tôi, một người dân thuộc diện “tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của đảng”, có lẽ cũng cần đặt ra cho mình câu hỏi: “Phải sống thế nào, làm thế nào cho vừa lòng với các chỉ thị, với những “ông”, những “bà” trong cái được gọi là “tổ công tác”?