Ca khúc nào sẽ chiếm giải?

“Nhạc trưởng” Nguyễn Hòa Bình với tài chỉ huy dàn nhạc lừng lẫy toàn cầu với những “tổ khúc” án oan chồng án oan (ảnh: VNE)

“Nhằm ca ngợi, tôn vinh những cống hiến, thành tựu của ngành Tòa án, đặc biệt là sự hi sinh thầm lặng, những khó khăn, áp lực của đội ngũ thẩm phán, TAND Tối cao đã phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND”

Đó là nguyên văn một bài báo trích phát biểu của ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, cho biết cuộc thi là một trong những hoạt động điểm nhấn của đợt tuyên truyền nhân dịp kỉ niệm 78 năm Ngày truyền thống TAND. Trong bài báo ông Nguyễn Hoà Bình mong muốn, các tác phẩm sẽ trở thành niềm tự hào của đội ngũ thẩm phán, thường xuyên được cất lên trong các trụ sở tòa án cũng như đời sống hằng ngày và đủ chất lượng, sức thuyết phục để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về ngành tòa án.

Thật ra viết một bài ca theo kiểu tuyên truyền đâu có gì khó miễn là ta “quán triệt” được nội dung của một câu chuyện, một vấn đề thậm chí một câu nói nổi tiếng liên quan đến tòa án là “ăn giải” ngay.

Này nhé, ai là người theo dõi tòa án thì đều biết vụ ba luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân sau khi tham gia vụ án “Thiền Am bên bờ vũ trụ” đã bị công an tỉnh Long An dọa dẫm, truy đuổi gắt gao trong nhiều tháng đến độ họ phải chạy nước ngoài xin tỵ nạn chính trị. Ngày 16 Tháng Sáu 2023, các luật sư và gia đình đã đến Mỹ an toàn, kết thúc những tháng ngày lẩn trốn giữa lúc các luật sư bị điều tra với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Từ câu chuyện này quý vị nhạc sĩ có thể thoải mái sáng tác một ca khúc lấy tựa đề “Ba anh em trên một chuyến bay chung” nhằm vinh danh năm chiến sĩ xe tăng…, à quên, vinh danh ba vị luật sư mà nhờ công tâm làm tròn trách nhiệm của Tòa Long An nên cuộc đời họ thay đổi.

Nếu nhạc sĩ nào thích nhạc vàng thay vì nhạc đỏ hãy mạnh dạn nghĩ tới vụ án xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, khi Hà Nội biết và thầm thì với nhau những bản nhạc vàng trong Nam và điển hình nhất lúc ấy là Toán Xồm, Lộc Vàng và Nguyễn Văn Đắc, vì phổ biến nhạc vàng mà bị tòa án mang ra làm vật tế thần cho Xã hội Chủ nghĩa.

Phiên tòa đã diễn ra ba ngày để xét xử vụ án. Theo Hà Nội Mới ngày 12 Tháng Mười Một 1971, xét tính chất nghiêm trọng của vụ án, ông Phan Thắng Toán (Toán Xồm) bị tuyên án 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân, ông Nguyễn Văn Ðắc bị 12 năm tù giam, và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân, ông Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng) bị 10 năm tù giam, và sau đó 4 năm bị tước quyền công dân.

Theo nội dung bản án rất “chính đáng” này, nhạc sĩ nào dự thi nên đặt lời cho “máu me” một chút: “Nhạc vàng, anh là ai?” Chắc chắn sẽ không chiếm giải nhất thì là giải nhì vì thế giới làm gì có loại tòa án xét xử một loại nhạc, phải không các vị?

Nếu nhạc sĩ nào thích thể loại ẩn dụ, có thể chọn bài hát mang tên: “Người tù không chân dung” để viết về những tên “tội phạm” có mỹ danh “Tù nhân lương tâm”. Đó là những người đòi hỏi này, tranh đấu nọ đến nỗi “bọn phản động nước ngoài” rêu rao là tòa án Việt Nam đã xét xử, giam cầm trái phép hơn 300 nhân vật tại Việt Nam! Bọn họ là ai mà khiến tòa án chúng ta bận rộn thế? À, đây là vài khuôn mặt: Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Bá Phương, Nguyễn Bá Tư, Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, Phạm Đoan Trang, Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Châu Hữu Danh, Trần Đức Thạch, Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Túc… Họ là những người tù không chân dung bởi không ai trong họ muốn làm người nổi tiếng cả, chỉ có tòa án Việt Nam chúng ta tạo điều kiện cho họ và may thay, cả thế giới đều biết công trạng này dành cho Tòa án!

Ca dao tục ngữ Việt Nam luôn vinh danh con cò vì tính chất chịu thương chịu khó của nó mà quên đi những con vật khác cũng không thua gì con cò là mấy, chẳng hạn con vịt, nó đã được tòa án chúng ta vinh danh mà người dân chưa thấy ai hưởng ứng có phải là bất công với loài vịt hay không?

Chuyện kể rằng ngày 16 Tháng Ba 2017, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành tuyên xử Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1997, trú ấp Phước Chung, xã Mong Thọ) 7 năm tù về hành vi “cướp tài sản” là một con vịt! Anh Khang đi nhậu vì thiếu mồi nên đi bắt trộm một con vịt và bị bắt. Tòa án công minh, chính trực đến nỗi thấy ngay anh ta muốn… giết người vì trên tay đang cầm con dao cắt cổ vịt, thế là con vịt cùng anh vào tù bảy năm cho cái tội ăn trộm.

Nhạc sĩ có tài và có tâm không khó khăn gì mà sáng tác căn cứ theo câu chuyện “đắng lòng” với cái tựa: “Vịt ơi ta bảo vịt này…” Chắc không khó lắm để nhận giải phải không nào? Tuy nhiên còn một bài hát hay nhất mọi thời đại, hay nhất mọi tòa án trên khắp thế giới đó là bài mà một giáo viên đã bật hát lên giữa tòa, và muốn làm cho bài hát hay hơn chúng ta chỉ cần hát theo là đủ.

Đó là nhạc phẩm bất hủ: “Địt mẹ Tòa” do người thầy giáo, nhạc sĩ, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc sáng tác ngay tại tòa án. Chuyện kể rằng từ Tháng Hai 2014, Nguyễn Văn Túc tham gia “Hội anh em dân chủ”. Đây là hội “trái pháp luật”. Thời gian đầu, Nguyễn Văn Túc được phân công làm trưởng nhóm ở tỉnh Thái Bình, sau đó được đề cử bầu làm phó ban đại diện “Hội anh em dân chủ” miền Bắc, nhiệm kỳ 2017-2019, rồi phó chủ tịch thứ nhất của “Hội anh em dân chủ”…

Ngày 14 Tháng Chín 2018, Nguyễn Văn Túc bị kết tội “tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị.” Tại tòa, ông Nguyễn Văn Túc không giữ im lặng mà bật lên tiếng hát: Địt mẹ tòa!

Ôi tiếng Việt thần kỳ, một câu chửi thề nay được nhân dân hát lên khắp nơi, chứng tỏ tòa án chúng ta thực thi pháp luật chính đáng đến cỡ nào!

Quay lại với ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, cũng là người đề nghị cuộc thi này. Chính bản thân ông cũng đã có một tác phẩm để đời rồi thì cần gì thi cử nữa? Ai cũng biết vụ án Hồ Duy Hải, một tử tù nổi tiếng nhất Việt Nam trong gần 20 năm nay. Hải bị tuyên án tử hình căn cứ trên vật chứng là cái thớt đập vào đầu nạn nhân và con dao tại hiện trường. Tuy nhiên người ta nhận thấy tấm thớt và con dao không phải là vật chứng vì chúng được mua ngoài chợ sau khi vụ án xảy ra.

Trước tòa, Hội đồng xét xử vẫn kể chúng là hung khí giết người; và để trả lời dư luận trước vấn đề này, ông Nguyễn Hòa Bình, với tư cách thẩm phán Tòa tối cao đã khẳng định trước Quốc hội: “Về con dao, Hải khai ở bên tường bưu điện có cái bảng và dắt dao vào bảng đó. Không ai tìm thấy dao cả, chỉ có Hải mới biết vị trí cái dao. Sau khi khám nghiệm hiện trường, có ba anh dân phòng vào dọn phòng đó, phun nước, dỡ bảng ra thì có dao rơi xuống, nhưng người ta sơ suất vứt dao đi. Cơ quan điều tra đi tìm dao đó không được, nên cho ba anh dân phòng mô tả, đi mua dao về.”

Bài hát đầy tính “nhân văn” này sẽ có tựa: “Bài ca dao thớt” và mọi người tin đi, không bài hát nào qua mặt được nó. Chưa hết, những nhạc phẩm bất hủ lấy hứng khởi từ tòa án còn một bài không kém “Bài ca dao thớt” là mấy. Nó mang cái tên rất nhẹ nhàng, gợi mở: “Oan khúc những con hưu”. Đây là những con hươu làm bằng nylon gửi từ phòng biệt giam của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Mọi người nhìn rõ được ba chữ cái trên ức của con hươu, mỗi con một chữ: O,A và N, ghép lại thành chữ OAN rất thê thảm và đau đớn.

Trong hơn 16 năm qua, Nguyễn Văn Chưởng, bị buộc tội sát hại một thiếu tá công an vào năm 2007 và bị kết án tử hình vì hai tội danh giết người và cướp tài sản. Anh Chưởng, mới 24 tuổi khi bị kết án, khẳng định mình không có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ án đêm ngày 14 Tháng Bảy 2007 dẫn đến cái chết của thiếu tá Nguyễn Văn Sinh. Trước tòa, anh nói rằng anh bị tra tấn, bức cung và nhục hình để phải nhận tội lỗi mà anh không làm.

Vào năm 2015, vụ án được viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị nhưng Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, cũng do ông Nguyễn Hòa Bình chủ xị, bác kháng nghị này. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lúc đó nói rằng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì “vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng.”

Vậy là ông Nguyễn Hòa Bình đồng tác giả tới hai bài hát mang tính cách mạng rất rõ nét thông qua các bản án tử hình hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng. Kiểu này thì các bài ca khác nếu dự thi sẽ không qua được tài năng của ông này. Thôi thì chờ nghe ca sĩ nào hát sau khi ca khúc được thành hình mới biết độ “hy sinh” của Tòa án Nhân Dân nào là đáng nhớ nhất.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: