Điện Biên: Gần 1,000 bệnh nhân tâm thần phân liệt sống chung với cộng đồng

Năm vụ án mạng xảy ra trong vòng 10 tháng tại Điện Biên đều do người bị bệnh tâm thần phân liệt gây ra – Ảnh: Lao Động

Theo thống kê của bệnh viện Tâm Thần tỉnh Điện Biên, hiện toàn tỉnh có gần 1,000 bệnh nhân tâm thần phân liệt (dân gian gọi là “điên”) sống chung với cộng đồng.

Dân số Điện Biên năm 2022 là 635,921 người, như vậy trung bình 636 người dân ở Điện Biên thì có một người bị bệnh tâm thần phân liệt.

Số bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị tại bệnh viện thường xuyên từ 30-40 người. Sau khi điều trị xong, bệnh tình tạm ổn thì bệnh nhân được trở về nhà. Điều khó khăn là căn bệnh này thuộc loại mãn tính, không dứt hẳn mà có thể bộc phát bất cứ lúc nào, Lao Động ngày 8 Tháng Mười 2023 dẫn lời lãnh đạo bệnh viện Tâm Thần tỉnh cho biết.

Vị này cho biết: Khi phát bệnh, bệnh nhân từng bị tâm thần phân liệt thường mất kiểm soát hành vi trong thời gian rất nhanh, có khi chưa kịp xử lý thì đã xảy ra hậu quả.

“Hậu quả” mà dân Điện Biên phải gánh chịu là trong chưa đầy một năm (từ Tháng Mười Hai 2022 đến Tháng Mười 2023) đã có năm vụ án mạng do bệnh nhân tâm thần phân liệt gây ra tại địa phận tỉnh này.

Một vụ án mạng do người tâm thần gây ra ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) ngày 5 Tháng Mười – Ảnh: Lao Động

Mới nhất là ngày 5 Tháng Mười, một người đàn ông đi bán dao dạo trên xe gắn máy đã bị người đàn ông tâm thần phân liệt vừa ra khỏi bệnh viện đâm chết.

Nạn nhân là ông Giàng A Rùa (53 tuổi), người dân ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) làm nghề bán dao dạo. Khi đi đến bản Nậm Cá, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) thì bị ông Lường Văn Thưa (46 tuổi), ngụ tại bản Nậm Cá dùng dao đâm chết.

Theo Công an tỉnh Điện Biên, hung thủ Lường Văn Thưa vừa từ bệnh viện Tâm Thần tỉnh Điện Biên trở về nhà ngày 26 Tháng Chín và có biểu hiện loạn thần do rượu.

Ngày 28 Tháng Chín, một ông chồng có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt, đã đi bộ 10km từ nhà ở xã Pom Lót, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) để đến cửa hàng kinh doanh vàng mã  thuộc tổ 12, phường Mường Thanh, TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) giết chết bà vợ.

Hung thủ là Nguyễn Trung T (65 tuổi) đã bóp cổ vợ là bà Đoàn Thị L (65 tuổi) đến chết, sau đó định bóp cổ đứa cháu vừa đi học về nhưng may mắn là đứa cháu chạy thoát. Camera tại cửa hàng đã ghi nhận toàn bộ sự việc.

Trước đó, bà vợ đã đến nhà con gái có cửa hàng kinh doanh vàng mã sinh sống để tránh ông chồng nổi cơn điên bất ngờ mà vẫn không thoát.

Cửa hàng kinh doanh đồ hàng mã, nơi người chồng tâm thần giết vợ ngày 28 Tháng Chín – Ảnh: Lao Động

Ngày 2 Tháng Mười Hai 2022, một người phụ nữ 31 tuổi tên Đặng Thị Thanh Tâm có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt đã dùng dao đâm cha ruột là ông Đặng Văn L. (59 tuổi) tử vong tại chỗ ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Người phụ nữ này đã có gia đình riêng, có một con nhỏ, từng đi chữa bệnh tâm thần và về nhà hay đi lang thang, không nghề nghiệp.

Nửa đêm ngày 27 Tháng Mười Hai 2022, ông L.V.C. (27 tuổi) đã dùng dao sát hại hai đứa con nhỏ tại bản Kéo, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông.

Hai đứa bé, ba tuổi và khoảng một tuổi, đã chết dưới tay cha mà không hiểu tại sao. Án mạng xảy ra khi có vợ của C. và một đứa cháu của C. nhưng không ai dám can ngăn vì C. cầm dao nhọn trong tay với bộ dạng hung dữ.

C. không có việc làm ổn định vì có biểu hiện của bệnh tâm thần (nhưng chưa đi chữa trị), gia đình nghèo túng. Thời điểm xảy ra án mạng, cả hai vợ chồng cũng chẳng cãi vã, vợ C. kinh sợ vì không hiểu vì sao chồng lại đang tâm giết con.

Hiện trường vụ bệnh nhân tâm thần đốt nhà xảy ra tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đầu năm 2023 – Ảnh: Lao Động

Rạng sáng 3 Tháng Hai 2023, tại bản Pa Kín, xã Na Tông, huyện Điện Biên, một nam bệnh nhân tâm thần đã tự đốt nhà mình. Khi lực lượng địa phương đến chữa cháy thì kẻ này dùng dao đâm liên tiếp vào lực lượng chức năng khiến một người tử vong là ông trưởng bản!

Lao Động dẫn thông tin từ Công an huyện Điện Biên cho biết, khoảng 0:30 ngày 3 Tháng Hai, ông Quàng Văn Dương (40 tuổi, trưởng bản Pa Kín, xã Na Tông) báo tin một ngôi nhà sàn trong bản bị cháy, do chính chủ nhà là Vì Văn Tinh (44 tuổi) tự châm lửa đốt.

Nhận được thông tin, Công an xã Na Tông đã cử tổ công tác đến chữa cháy, trong đó có ông Quàng Văn Dương và ông Quàng Văn Hiển (32 tuổi, em trai ông Dương) – thôn đội trưởng bản Pa Kín.

Sau khi chữa cháy xong, tổ công tác đang trên đường về,  đến khu vực Huổi Ỏn, thuộc bản Pa Kín, cách hiện trường khoảng 200m thì bị chủ nhà là Vì Văn Tinh từ trong bụi cây nhảy ra dùng dao nhọn lớn, cán dài 2m, đâm ông Quàng Văn Hiển và ông Quàng Văn Dương. Hành động của Tinh bất ngờ nên không ai kịp phản ứng.

Ông Dương bị vết thương rất nặng nên đã tử vong sau đó khoảng nửa giờ. Ông Quàng Văn Hiển phải cấp cứu tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Điện Biên.

Công an xã Na Tông cho biết Vì Văn Tinh bị bệnh tâm thần, đã điều trị từ năm 2016 và có bệnh án tại Trạm Y tế xã, được cấp phát thuốc điều trị hằng ngày và nhận trợ cấp xã hội hằng tháng.

Dập lửa xong là ông trưởng bản bị chủ nhà tâm thần đâm chết cách lãng xẹt – Ảnh: VOV

Nhìn nhận lỗ hổng trong việc quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt, ông Phạm Giang Nam, giám đốc Sở Y tế Điện Biên, cho biết bệnh viện và cơ sở y tế chỉ quản lý được bệnh nhân trong thời gian họ đang chữa bệnh.

Theo ông Nam, biện pháp tốt nhất để kiểm soát các bệnh nhân tâm thần có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng là đưa họ vào các Trung tâm nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần, để bệnh nhân được quản lý, chăm sóc và điều trị, tuy nhiên tỉnh Điện Biên chưa có Trung tâm này.

Nếu gia đình có điều kiện thì sẽ đưa bệnh nhân đến các Trung tâm ở tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, nhưng đa phần gia đình của các bệnh nhân này đều nghèo túng nên để mặc họ.

Thời gian vừa qua, cả nước đều biết đến Điện Biên vẫn còn rất nhiều người nghèo đói, thông qua tin nhắn liên tiếp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương (từ Tháng Sáu đến Tháng Chín 2023, tổng cộng năm tin nhắn) có cùng một nội dung:

“Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, MTTQ Việt Nam kêu gọi ủng hộ làm nhà cho người nghèo của tỉnh Điện Biên, bằng cách chuyển khoản tới Quỹ vì người nghèo Trung ương, số tài khoản… tại Vietinbank”.

Tin nhắn xin tiền liên tiếp của MTTQ Việt Nam làm phiền người dân – Ảnh chụp màn hình điện thoại

Có lẽ thấy ít người gửi tiền quá, không đủ “sở hụi”, nên MTTQ Việt Nam cứ nhắn liên tiếp trong ba tháng, thật ngán ngẩm khi dân bị làm phiền vì những kiểu tin nhắn xin tiền như vậy, mà xin vì “Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” mới hài!

Tại sao MTTQ Việt Nam không nhắn tin xin tiền xây dựng “Trung tâm nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng tâm thần” cho tỉnh Điện Biên, chắc đợi 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ!

Điều thú vị là tên gọi Điện Biên là phiên âm Hán Việt của “奠邊”, do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. “Điện” nghĩa là vững chãi, “Biên” nghĩa là vùng biên giới, biên ải, “Điện Biên” tức là miền biên cương vững chãi.

Phủ Điện Biên (tức Điện Biên Phủ) thời Thiệu Trị gồm ba châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó.

Hiện nay Lai Châu là một tỉnh riêng biệt, nằm ở phía Bắc tỉnh Điện Biên.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: