Gần một tuần nay người dân khắp nơi tại Việt Nam ta thán vì tiền điện lại tăng một lần nữa trong năm, lần này tăng 4.5% tức hơn 2.000 đồng một kWh. Mỗi gia đình chịu mất vài trăm ngàn tiền điện nhưng cả nước thì số tiền ấy không hề nhỏ, vậy mà công ty điện EVN luôn luôn than lỗ và cứ đòi tăng điện mỗi quý. Trong khi đó báo Dân Trí đưa tin: “Đại diện tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định việc tăng giá điện dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cụ thể!”
Câu trả lời cho bài toán giá điện thật rõ ràng: Chính phủ độc quyền điện vì hệ thống chính trị muốn thế. Giá điện phải thấp để dân thấy rằng Đảng luôn lo nghĩ cho đời sống nhân dân, Đảng bao cấp giá điện trong nhiều chục năm qua vì cơ sở chính trị tức là người dân phải buông bỏ mọi thắc mắc về giá điện có lên hay xuống gì thì kệ nó, miễn là nhìn sang các nước lân cận Việt Nam được tiếng chính phủ cho dân qua giá điện rất “quốc doanh” là đủ.
Cách đây hơn nửa thế kỷ đã như vậy thì bây giờ vẫn vậy. Cơ chế độc quyền phân phối và định giá điện được Đảng thông qua nhà nước giao cho EVN ngoài mặt là điều hành nhưng bên trong là chia chác. Những công ty tư nhân thì được cổ phiếu tạo thành nhưng EVN tuy là quốc doanh nhưng ai đoán chắc được nó không có “cổ phiếu” bí mật? Thứ cổ phiếu được phân phát cho những khuôn mặt ẩn danh trong guồng máy luôn phát biểu dè sẻn nhưng “lời ròng” nhận hàng tháng, hàng năm không hề sai sót.
Thử nhìn ra thế giới mới thấy đất nước lâm vào cảnh kinh tế bị lệ thuộc vào điện nghiêm trọng như thế nào. Nhìn xa tận Mỹ, nước này có 50 tiểu bang, dân số hơn 300 triệu lại có đến 1.600 công ty điện trên toàn quốc. Thế thì nhìn gần, bên cạnh Việt Nam là Campuchia và Lào là anh em cùng cha Cộng sản mỗi nơi chỉ có một công ty điện quốc doanh như Việt Nam, nhưng Thái Lan thì khác, nước này dân số chưa bằng Việt Nam nhưng lại có tới 11 công ty tư nhân kinh doanh điện!
Sự khác biệt độc quyền và cạnh tranh ngày càng rõ nét. Điện được tự do cạnh tranh nên doanh nghiệp có quyền chọn công ty nào thích hợp về giá cả, vận hành và bảo đảm cho dây chuyền sản xuất của mình không bị đình trệ hay gián đoạn. Độc quyền cung cấp điện gây hại trực tiếp cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất.
Vì độc quyền sản xuất nên EVN luôn luôn kêu gào thiếu điện. Giải pháp duy nhất đối với việc thiếu điện là cúp điện luân phiên, và tai họa đã xảy ra hồi gần đây: Intel không tiếp tục mở rộng sản xuất mà sang Ba Lan và Malaysia thành lập nhà máy!
Intel sản xuất con chip nên rất chú trọng tới nguồn điện ổn định, mặc dù Intel có hẳn một nhà máy phát điện nhưng nó chỉ dành cho việc đóng gói khi điện bị cúp, nhà máy này không thể giúp Intel đối phó với việc cúp điện thình lình vì trong công nghiệp chất bán dẫn, cúp điện thình lình là một tai họa, nhẹ thì thiệt hại vài triệu đôla nhưng nếu nặng hơn thì con số vài chục triệu là bình thường.
Trong công nghệ semiconductor, tức sản xuất chất bán dẫn, sự tinh vi và yêu cầu kỹ thuật lên tới mức mà người bình thường khó thể nghĩ ra. Trước tiên là tấm bán dẫn wafer silicon, chúng được chăm chút từ bước đầu cho tới khi trở thành những con chip có giá trị làm nên những sản phẩm cao cấp. Bên cạnh đòi hỏi về độ phẳng tuyệt đối để khi các vi mạch điện tử được cài lên chúng qua rất nhiều công đoạn, mà công đoạn nào cũng đòi hỏi nguồn điện không những phải liên tục mà điện áp phải ổn định nếu điện áp bị dao động hay sụp đổ thì ngay lập tức những tấm wafer sẽ bị lỗi lập tức.
Những con chip cũng đòi hỏi kỹ thuật tinh vi hơn gấp trăm lần sản xuất tấm wafer và khi điện bị gián đoạn thì hàng ngàn con chip đang process coi như bỏ đi không thể tiếp tục.
Mỗi một lần cúp điện thì Intel phải chạy lại hệ thống calibration, đây là kỹ thuật cực kỳ phức tạp mà mỗi lần định vị lại hệ thống là một lần rắc rối cho toán kỹ sư thực hiện công việc này. Những thông số thật tỉ mỉ, những thuật toán phức tạp có thể hao tốn cho Intel nhiều triệu đôla, chưa kể mỗi lần cablication sai số có thể xuất hiện khiến cả hệ thống cần phải điều chỉnh lại. Công việc đòi hỏi thời gian nhanh nhất là vài tuần có khi lên đến vài tháng nhà máy mới khởi động lại được, bao nhiêu thời gian phí phạm đó ai là người bồi thường cho Intel?
Nếu ở Mỹ hay các nước tân tiến việc bồi thường được hợp đồng cụ thể với công ty phân phối điện, nếu công ty này không ưng ý thì có thể chọn một công ty phân phối điện khác. Những hợp đồng bảo hiểm ấy giúp cho nhà máy sản xuất semiconductor yên tâm hơn so với Việt Nam, nơi mà dòng điện chạy hay không tùy vào miếng ăn của lãnh đạo.
Intel chọn Ba Lan thành lập nhà máy trị giá hơn $4 tỉ, TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co), công ty chất bán dẫn nổi tiếng nhất thế giới của Đài Loan cũng chọn Arizona làm nhà máy sắp tới với $12 tỷ, không phải là ý thức chính trị, mặc dù Đài Loan rất cần sự bảo vệ của Mỹ, những công ty này vì một mục tiêu lớn hơn cho những con chip nổi tiếng của họ: Dòng điện ổn định và được bảo đảm từ luật pháp của nước sở tại.
Cả hai yếu tố đó nằm mơ cũng không xuất hiện tại Việt Nam. Và hậu quả ai cũng thấy trước mắt: Điện đang giật chết nền kinh tế Việt Nam nếu EVN tiếp tục là sân chơi của tập đoàn giấu mặt.