Câu chuyện mấy trăm người dân từ Sài Gòn được phép chạy dịch về quê, đến cửa ngõ Long An bị chận và tắc lại, là một kinh nghiệm đáng nhớ của người dân về sự tắc trách không thể tưởng tượng được của chính quyền hai địa phương liền kề nhau.
Từ cuối ngày 26 Tháng Bảy, có hơn 300 người dân bị “mắc kẹt” trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Long An, khi họ đang trên đường về quê. Lý do bởi chính quyền thành phố Hồ Chí Minh muốn giãn mật độ cư trú của người lao động thuê, giãn dịch và cũng vì không lo nổi cho những người này ăn ở trong mùa dịch. Việc khuyến khích về quê rõ là một cách làm gây khó cho người dân– vì ngay cửa ngõ Long An, chính quyền tỉnh này đã sắp đặt chốt chặn với lực lượng cơ động, cảnh sát giao thông, trang bị cả roi điện… để ngăn người ngoài vào tỉnh, sợ lây nhiễm Covid-19.
Cảnh tượng cay đắng chưa từng thấy, vài trăm người với ngồn ngộn hành lý di tản, có người đi cùng con nhỏ, thậm chí có cả phụ nữ đang mang thai… bị ngăn lại ngay giữa đường, vật vạ từ ngày 27 Tháng Bảy đến hết ngày 29 Tháng Bảy. Họ ăn, ngủ, đi vệ sinh ngay trên đường, đi tới không xong và có muốn quay lại cũng không được.
Không có ai trả lời cho họ là khi nào được đi, và cũng không có ai nói họ biết là phải làm gì để thoát khỏi tình cảnh này.
Trong cảnh quay video được phát trên mạng xã hội, vào lúc thời tiết giữa trưa của mùa hè Tháng Bảy, vẫn có nhiều người đứng ở ngay điểm chốt chặn đòi cho biết là khi nào họ được đi. Một người gào lên qua tấm khẩu trang: “Cha mẹ già tôi ở dưới quê đang bệnh. Các anh có cha mẹ già không? Các anh có hiểu không? Các anh là chính quyền, các anh phải nghĩ cách cho dân chứ?”. Người đàn ông này giọng lạc đi trong lúc nói lớn, cho thấy đây không phải lần đầu anh phải gào lên như vậy. Nhưng “chính quyền” mà anh đòi hỏi phải xuất hiện lúc khó khăn này, ở đây, chỉ là một đội quân cảnh sát cơ động vô cảm. Cứ sau mỗi tiếng hét của anh, họ lại nhích gần anh hơn, như thể chuẩn bị bắt giữ anh như một loại tội phạm.
Chuyện hàng trăm con người bị “nhốt” giữa trời suốt nhiều ngày, mà cả hai chính quyền địa phương không nói chuyện được với nhau, không có giải pháp tức thì, khiến người ta phải ngạc nhiên về sự dư thừa lực lượng hùng hậu chốt chặn khắp từ Sài Gòn đến Long An mà lại hoàn toàn thiếu hụt các giải pháp trí tuệ và kể cả tình người trong tình huống cụ thể này.
Còn việc ra thông báo, trình bày và yêu cầu dân cảm thông thì có. Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Thành ủy ở Sài Gòn, được trích lời trên báo chí vào ngày 28 Tháng Bảy rằng: “Bà con từ các tỉnh trở về quê ở miền Trung, Tây Nguyên và những ngày gần đây là về miền Tây phải đi qua TP.HCM. Do TP.HCM đang thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn thành phố nên gặp khó, việc đi lại khó khăn, dẫn đến tình trạng ùn ứ ở các địa phận giáp ranh”.
Nguyên nhân “khó”, là bởi chính quyền Sài Gòn cho phép, khuyến khích đi về nếu không sống nổi ở thành phố, nhưng yêu cầu phải có tổ chức về bằng xe ô tô, chứ không được về bằng xe máy. Việc đến hơn 300 người phải đi về bằng xe máy, cho thấy yêu cầu đó không thực tế, và chính quyền hai địa phương cũng không nghĩ ra được giải pháp nào cho họ.
Ông Mãi nói trên tờ Thanh Niên rằng đề nghị người dân đăng ký với các địa phương để phối hợp tổ chức chu đáo, giúp việc về quê đỡ vất vả hơn. Dĩ nhiên, nghe thì hợp lý, nhưng trong toàn cảnh mà người dân ghi lại, cho thấy, các lực lượng ở địa phận Long An chỉ có chận, giữ lại chứ không có một phương thức “đăng ký” nào như ông Mãi nói. Thậm chí cũng không có quan chức nào có trách nhiệm xuất hiện ở đây. Và việc ông Mãi nói với báo chí như thế chỉ như một cách nói cho qua chuyện mà thôi.
Đáng nói hơn 300 lao động miền Tây từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã được xét nghiệm và đều có kết quả âm tính với Covid-19, lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe máy theo QL1 về quê tránh dịch. Thế nhưng, tới Trạm kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh Long An đặt tại ranh giới giáp với H.Bình Chánh (TP.HCM) thì bị chặn lại. Lẽ nào chính quyền Long An không tin vào giá trị xét nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, và ngược lại, thành Hồ cũng không chứng minh được khả năng y tế của mình với Long An chăng?
Trong đêm tại chốt Long An, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Đám đông tức giận đã cùng nhau bấm kèn xe để phản đối, tiếng loa của chính quyền xen lẫn tiếng la hét khiến tình hình vô cùng hỗn loạn. Trong một video, có tiếng một thanh niên nói “Ở đây là nó không cho qua luôn, chứ không có test nhanh, test chậm gì hết”. “Nó bảo lập danh sách nhưng ai nấy làm ba lần rồi mà nó đâu có giải quyết hay trả lời gì”. Không lâu sau, đã có những xe phóng thẳng vào phía hàng rào trên đường. Lực lượng cơ động cũng có xô xát với hàng đầu của những người đang phản đối. Tắc nghẽn diện rộng xảy ra tại đây.
Rõ ràng, ở đây chỉ có duy nhất lực lượng cơ động với dùi cui, roi điện ngăn chận con người, không hề có một quan chức nào có trách nhiệm đứng ra trấn an, đưa ra giải pháp với người dân khốn khổ. Không ai muốn chịu trách nhiệm để giải quyết nhanh sự kiện này.
Chỉ đến khi tình hình bước vào giai đoạn không còn đối thoại hay kiểm soát gì nữa, thì may mắn thay, lực lượng quân đội thuộc Bộ Tư Lệnh TP.Hồ Chí Minh được điều đến, phối hợp cùng công an để phân bố xe để đưa người dân về quê. Từ sáng 29 Tháng Bảy, cửa ngõ Long An mới chấm dứt sự tắc nghẽn và hỗn loạn.
Hơn 300 người dân, cùng với rất đông công an, quân đội, cảnh sát cơ động, dân quân, người dân trong vùng… “xà quần” với nhau trong gần bốn ngày vừa qua như thế, ai chắc rằng sẽ không có chuyện lây nhiễm Covid?
Một sự việc cần xử lý với vài trăm người dân mà đã rối rắm, lộn xộn đến vậy, ắt sẽ tạo nên nỗi lo lắng thật sự về khả năng quản lý 10 triệu dân ở Sài Gòn của chính quyền này, trong trận dịch nguy cấp hiện nay.
Và những điều này, cũng không có tờ báo nào ở Việt Nam dám mô tả, phân tích đầy đủ và chính xác.