Mới đây, ông Vũ Văn Tuyên, chủ nhà hàng Minh Anh Quán ở Sa Pa vừa bị phạt 7.5 triệu đồng ($312.5) vì tội “chém” du khách nặng tay quá.
Với dĩa thịt heo rừng được thái mỏng dính, ông Tuyên tính cho khách với giá tới 495.000 đồng ($21.22), đắt gần gấp 5 lần giá bình thường.
Điều khôi hài là slogan ông Tuyên đưa ra cho tiêu chí kinh doanh lại là “Ngon từ chất – Thật từ tâm” bị dân mạng xã hội đổi lại thành “Ngon từ chất – Chặt từ tâm”.
“Chặt chém” du khách bằng cách nâng giá bán đồ ăn thức uống hoặc dịch vụ vận chuyển (taxi, xe ôm) đã xảy ra lâu nay tại nhiều điểm du lịch Việt Nam, nhất là dịp lễ Tết.
Hồi Tháng Ba 2022, một chủ quán ăn ở đường Tăng Bạt Hổ, phường 1, Đà Lạt đã bị phạt 16 triệu đồng ($666) vì chửi bới và đuổi du khách. Hồi Tháng Sáu 2022, chủ nhà hàng hải sản Ngọc Phú ở đường Dã Tượng, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang bị xử phạt 21 triệu đồng ($875) do niêm yết giá không rõ.
Tuy nhiên, việc phạt tiền này vẫn chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, vì theo phân tích, các chủ quán chỉ cần “chém đẹp” một hai người khách sộp là dư “sở hụi” đóng phạt. Nhất là sau khi bị “chém” nhiều du khách chỉ âm thầm tẩy chay chứ không đưa lên mạng xã hội, hoặc báo với cơ quan chức năng.
Podcasts Vnexpress ngày 6 Tháng Giêng phản ảnh rất nhiều câu chuyện từ du khách ngoại quốc, khẳng định chuyện “chặt chém” du khách xảy ra ở hầu hết các địa điểm du lịch thuộc nhiều tỉnh thành. Một nam du khách Ấn Độ đến Việt Nam lần đầu tiên, khi du ngoạn Bưu điện Thành phố (Sài Gòn) đã bị “chém” ngọt sớt 300,000 đồng ($12.5) một quả dừa, vì thấy người bán sởi lởi vui vẻ. Khi về khách sạn đổi tiền ông mới hiểu với giá đó có thể mua 30 quả dừa ở Ấn Độ! Ông kết luận: Du lịch Việt Nam đừng trông mặt mà bắt hình dong.
Một nữ du khách người Anh so sánh: “Tôi sống ở Trung Quốc và Dubai hơn 10 năm mà chưa bao giờ gặp tình trạng giống ở Hà Nội. Trong những ngày ở đây, hầu như ngày nào tôi cũng mua thứ gì đó mắc hơn thứ người Việt mua giống vậy. Khi gọi xe đi từ Sóc Sơn về Hà Nội, đã thỏa thuận giá 350,000 đồng ($14.5) nhưng đến nơi tài xế đòi tôi 500,000 đồng ($20.8)”.
Bà còn phàn nàn từng gọi đường dây nóng du lịch để phản ảnh nhưng sau đó biết rằng không nên phí thời gian, vì người trực tổng đài không biết nói tiếng Anh, hoặc nếu biết, họ lấy thông tin cá nhân của bà xong rồi chẳng báo lại với bà đã giải quyết thế nào.
Việt Nam có rất nhiều đường dây nóng phản ảnh dành cho du khách, nào của quận, của thành phố, của tỉnh… thế nhưng những đường dây này hầu hết không hoạt động, hoặc từ chối trợ giúp bằng tiếng Anh.
Ông Phan Đình Huê, chuyên gia tư vấn du lịch đồng bằng sông Cửu Long, kết luận: “Vấn đề lớn của Việt Nam là mỗi ngành quản lý một lãnh vực, thiếu phối hợp với nhau, mỗi ngành làm một cách khác nhau, không có sự quản lý chung. Đã vậy, có quá nhiều hotline mang tính chất địa phương, khách làm sao nhớ hết?”
Theo ông Huê, Việt Nam cần học tập Thái Lan, tổ chức đội cảnh sát du lịch bảo vệ du khách, chỉ cần một số hotline du lịch, áp dụng chung cho mọi tỉnh thành và phải giúp du khách truy xuất được nguồn gốc của người bán, người làm dịch vụ vận chuyển.
Một số người lại mỉa mai cho rằng cảnh sát du lịch Thái Lan nên học theo cách làm việc của cơ quan chức năng Việt Nam trong việc xử lý các quán ăn “chặt chém”, có thế mới giúp cán bộ giám sát có thêm thu nhập.