Gắn bó với ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện la-Pa, Gia Lai) từ năm 2015, thầy giáo Vũ Văn Tùng (43 tuổi) nhận ra học trò sắc tộc Ba-na (Bahnar) của mình phải bụng đói đến trường vì không có gì để ăn.
Sau giờ ra chơi buổi sáng, có khi lớp học của thầy chỉ còn lại vài em. Khi biết nguyên do là các em chạy đi tìm cái gì bỏ vào bụng, thầy Tùng quyết định chuẩn bị đồ ăn sáng miễn phí giúp các em ấm bụng ngồi học.
Thanh Niên ngày 7 Tháng Tám 2023 và trước đó, Thế Giới Bản Tin ngày 18 Tháng Tám 2022 đã kể câu chuyện về thầy giáo Vũ Văn Tùng phải đi quyên góp đồ ăn sáng cho học trò.
Đinh Núp là ngôi trường có 90% học sinh là người Thượng sắc tộc Ba-na, cuộc sống gia đình các em đều nghèo khó. Vào vụ mùa, cha mẹ các em lên rẫy dựng chòi ở lại nên các em thường bỏ học đi theo; em nào ở nhà thì phải tự túc mọi thứ.
Thầy Tùng đem tình cảnh của học trò tâm sự với người bạn là chủ lò bánh mì. Ngày đầu tiên, người bạn cho thầy 60 ổ bánh mì không để thầy đem đến trường. Nhà cách trường 40km nên thầy phải dậy từ 4 giờ sáng, chạy xe đến lò lấy bánh mì rồi mới đến trường.
Nhờ các cô chủ nhiệm thông báo từ hôm trước, nên khi thầy vừa chở bánh mì đến nơi thì học sinh đã chờ đợi rất đông. Không đủ bánh mì để cho mỗi em một ổ, thế mà các em vẫn vui vẻ bẻ ra chia nhau và ăn hết sạch.
Nhìn lũ trò nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn mà thiếu ăn, thầy Tùng xót xa đã bỏ tiền túi và vận động thêm bạn bè để có đồ ăn sáng phát cho các em ba lần một tuần, gồm thứ hai, thứ tư và thứ sáu.
Từ ngày đó, “Hành trang đến lớp của tôi ngoài trang giáo án còn có giỏ bánh mì phía sau. Dọc đường đi sáng sớm, trời tối đen, phảng phất sương mù hay mưa nhỏ, tôi chỉ sợ ướt bánh mì chứ không lo ướt mình vì có quần áo thủ sẵn trong cốp xe rồi”, thầy giáo Tùng bộc bạch.
Từ 60 ổ bánh mì không ngày đầu tiên, với sự chung tay góp sức của nhiều người, thầy Tùng đã có 200 ổ bánh mì/buổi để phát cho các em.
Thỉnh thoảng, bên cạnh bánh mì không, thầy còn “quyên” được cả xúc xích, cả sữa. Rồi sợ trò ngán, thầy “đổi món”, thay bánh mì bằng xôi hay bánh bao. Mỗi một buổi phát đồ ăn sáng miễn phí cho học trò trường Đinh Núp như vậy hết từ 800,000 – 1,000,000 đồng.
Gắn bó với học sinh sắc tộc thiểu số nhiều năm, thầy Tùng chứng kiến nhiều em phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình. Mỗi lần như vậy, thầy lại xách theo bao gạo, thùng mì tôm lên núi vận động các em quay lại trường.
Thầy Tùng tâm sự với Thanh Niên, ông xem học sinh như con của mình nên không nỡ xin chuyển công tác: “Dạy học sinh không chỉ là dạy chữ, mà còn dạy các em về đạo đức, lối sống nên tôi luôn minh bạch mọi thu chi và động viên các em vững bước đến trường”.
Thầy Lê Công Tấn, Hiệu trưởng trường Đinh Núp, cho biết gần 400 học sinh của trường, chủ yếu là người sắc tộc Ba-na, đa số nghèo khó, các em học sinh phải nhịn ăn sáng. “Tủ bánh mì 0 đồng” của thầy Tùng không chỉ giúp các em có bữa sáпg no bụng mà còn góp phần duy trì sĩ số học sinh đến lớp.
Không chỉ giúp học sinh có đồ ăn sáng, thầy Tùng còn tặng nhu yếu phẩm, tặng bò cho gia đình học sinh nghèo khó. Có khi, thầy Tùng còn đưa học sinh mắc bệnh hiểm nghèo đi chữa trị, thầy Tấn kể.
Nói tiếng Việt không rành, ông Đinh Tơn (40 tuổi), cha của em Đinh Phyêm, học trò của thầy Tùng, đã xúc động kể lại chuyện con trai của mình được thầy Tùng đưa đi Quy Nhơn điều trị bệnh nấm lạ ròng rã mấy tháng trời.
Ông cho biết thêm: “Tôi có ba đứa con, nuôi thêm hai đứa cháu mồ côi nữa nên con đi học không được ăn sáng. Có bánh mì của thầy, bé đi học vui lắm, về nhà thì chỉ có đi chăn bò, ăn cơm với canh lá mì thôi”.
Phải nói ở những vùng nông thôn xa xôi, việc có được những giáo viên tận tâm với học trò như thầy Tùng là điều đáng quý, nhưng để giáo viên (vốn đã nghèo) phải tự đi quyên góp đồ ăn sáng cho học sinh thế này, để trẻ em bị đói đến trường thế này, trách nhiệm của nhà cầm quyền địa phương ở đâu?
Một đất nước mà quan chức tham nhũng hằng hà sa số – vụ án nào mà quan chức ra tòa thì cũng xin giảm án bằng cách “nộp tiền khắc phục hậu quả” cả triệu, triệu đô la Mỹ, sao để người dân đói kém đến mức “lá rách đùm lá nát” thế kia?
Thật cám cảnh cho cả thầy lẫn trò!