Các nhà tu hành, các chuyên gia Phật học đều cho biết, đạo Phật không chủ trương và tổ chức cúng sao, không tổ chức cúng giải hạn cho ai hết. Đạo Phật chỉ dạy Phật tử cách tu để giải tai ách cho chính mình.
Thế nhưng, cứ ngày đầu năm tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội (và nhiều chùa khác) cả ngàn người chen chân, chịu lạnh giá, ngồi chật kín khuôn viên chùa, tràn ra cả ngoài đường, cho sư thầy ở đấy làm lễ giải hạn do năm Quý Mão “phải” mang sao xấu.
Cụ thể năm nay, 19h mùng 8 tháng Giêng (29/2), chùa Phúc Khánh cúng giải hạn sao La Hầu; tối 15 tháng Giêng (5 Tháng Hai) cúng giải hạn sao Thái Bạch; tối 18 tháng Giêng (8 Tháng Hai) cúng giải hạn sao Kế Đô.
Năm nay, ngay từ 16h chiều, đã có nhiều người đến chùa ghi sớ, đóng tiền và giành chỗ ngồi. Mỗi người ghi tên được nhà chùa phát cho một cuốn sách mỏng nói về cung mệnh và sao theo từng tuổi. Ban tổ chức cho biết, ngày hôm nay có gần 1.000 cuốn sách được phát cho người dân và phật tử.
Chưa kể tiền cúng dường, nếu chỉ tính lệ phí giải sao mỗi người đóng 300 ngàn đồng/người (khoảng $12.78), tối mùng 8 Tết nhà chùa đã thu vào khoảng 300 triệu đồng ($12,780).
Một phật tử đứng ngoài đường cho biết: “Tôi chen chân mãi mới đóng được tiền, rồi ra ngoài đứng, bên trong ngộp lắm. Tôi nhớ năm 2019 (trước khi có đại dịch Covid-19), sư thầy chùa Phúc Khánh thu 150 ngàn đồng/người, năm nay như vậy là tăng gấp đôi”.
Đêm mùng 8 Tết thời tiết tại Hà Nội khá lạnh, chỉ từ 12 -14 độ C, nhiều người vẫn cố gắng ngồi ngoài trời ít nhất hai tiếng từ khi chờ đến lúc nhà sư tụng kinh làm lễ.
Tài khoản Dung Đặng chia sẻ trên Facebook: “Tuy Giáo hội không công nhận cúng sao, giải hạn là phật sự, nhưng do tín ngưỡng dân gian nên chùa mang danh ‘cúng giùm’ nhưng thu tiền thật. Tôi cho rằng các chức sắc Giáo hội Phật giáo ở Hà Nội cũng mắt nhắm mắt mở cho các chùa làm để kiếm thêm thu nhập”.
Với thu nhập mỗi ngày cúng sao giải hạn cao như thế thì khó có chùa nào đúng ngoài cuộc chơi. Dung Đặng cho rằng “mỗi ngày tổ chức cúng sao, các thầy kiếm cả trăm triệu đồng thì dại gì không cúng”.
Tuy nhiên, các chùa cũng không thu về được toàn bộ số tiền đó, vì còn phải chia cho địa phương nữa, để họ giữ trật tự bên ngoài cho chùa. Có thể gọi đó là tiền “bảo kê”, nhưng mang tên “bồi dưỡng”.
Có thể mức “bồi dưỡng” chùa Phúc Khánh chi cho chính quyền quận Đống Đa khá tốt nên tối cùng ngày, công an quận đã cử 300 công an cùng 100 dân phòng đến khu vực chùa bố trí làm ba vòng khép kín, phân luồng giao thông từ xa để bảo đảm người dân làm lễ an toàn, xe cộ qua lại đường Tây Sơn thông suốt.
Thương phật tử, thương chùa đến thế thì làm sao chính quyền không giàu cho được!