Kiểm tra lại vị thế của giáo sư ‘hạnh phúc không tủ lạnh’

Ông Phan Văn Trường nói đã ngửi thấy mùi thơm trên dòng kênh đen Thị Nghề (Hình: Một Thế Giới)

Cơn bão mạng xã hội mang tên “ông Phan Văn Trường và cái tủ lạnh” ập đến với những luồng ý kiến trái chiều.

Có người tôn thờ ông như thánh sống, ráo riết săn lùng video phỏng vấn dài lê thê để được “tắm” trong “ánh hào quang” của vị “tài năng lỗi lạc.” Bản thân tôi, sau khi cố nhồi nhai vài phút “bữa tiệc ngôn từ” đầy nhạt nhẽo, đã quyết định chuyển sang “thực đơn” khác – nghiên cứu về lai lịch, học vị của “chuyên gia” này xem có gì “bất thường” để lý giải cho những phát ngôn gây sốc kia chăng.

Ông Trường có thực sự là giáo sư tại Pháp?

Danh xưng “giáo sư” được gán cho ông Phan Văn Trường trên một số trang báo chí trong nước và trang Wikipedia tiếng Việt đã khiến tôi đặt ra nhiều nghi vấn. Mặc dù Wikipedia là nguồn thông tin mở khá phổ biến, nhưng tính xác thực của nó vẫn luôn là điều cần được kiểm chứng.

Để có cái nhìn khách quan hơn, tôi tìm đến LinkedIn – mạng xã hội chuyên nghiệp uy tín với cơ chế xác minh thông tin người dùng chặt chẽ. Trên nền tảng này, người dùng dễ dàng kiểm tra chéo thông tin học vấn, kinh nghiệm làm việc của nhau, từ đó hạn chế tối đa khả năng xuất hiện thông tin giả mạo.

Ông Phan Văn Trường sinh năm 1946 tại Hải Dương. Sang Pháp từ năm 17 tuổi sau khi hoàn tất chương trình trung học tại trường Jean-Jacques Rousseau, nay là trường THPT Lê Quý Đôn Quận 3 – TP.HCM, ông Trường theo học tại đại học Cầu Đường Quốc Gia Pháp từ năm 1967 đến 1970. Đến năm 1973, ông ghi danh vào chương trình tiến sĩ tại đại học Paris Sorbonne 1. Tuy nhiên, quá trình học tập bị gián đoạn do sự ra đi đột ngột của giáo sư hướng dẫn, dẫn đến việc ông không thể hoàn thành chương trình. Dù vậy, thông tin trên LinkedIn vẫn ghi nhận khoảng thời gian từ 1973 đến 1975 là giai đoạn ông theo học tiến sĩ, tạo nên sự thiếu rõ ràng.

Trong suốt thời gian sinh sống và làm việc tại Pháp, ông Trường làm việc cho hai tập đoàn lớn của Pháp là Alstom và Suez, nhưng cũng không có ghi nhận nào về việc tham gia giảng dạy tại các trường đại học.

Với việc không sở hữu bằng tiến sĩ và không có kinh nghiệm giảng dạy đại học, có thể thấy rõ ràng, dù cho “giáo sư” được hiểu là một chức danh hay học hàm, chức vụ tại Pháp, ông Trường cũng không đáp ứng đủ điều kiện cần thiết.

Vậy danh xưng “giáo sư” xuất hiện từ bao giờ và từ đâu? Dường như nó chỉ bắt đầu được sử dụng khi ông Trường trở về sinh sống và làm việc tại khu vực Đông Nam Á từ năm 2005, thời điểm ông không còn công tác tại các tập đoàn Pháp nữa. Đáng chú ý, cả Wikipedia và LinkedIn đều ghi nhận thông tin về việc ông được gọi là “giáo sư” tại Việt Nam. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn: phải chăng danh xưng này được một số cá nhân, tổ chức tại Việt Nam gán cho ông, hay do chính ông tự sướng và gắn vào mình? Dù là trường hợp nào, việc sử dụng danh xưng học thuật một cách thiếu minh bạch và có phần tùy tiện như vậy thật đáng để lên án.

Thực hư huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh Pháp

Để kiểm chứng thông tin về huân chương của chính phủ Pháp, tôi  truy cập vào trang web chính thức về huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của chính phủ Pháp tại www.legifrance.gouv.fr. Tại đây, thông tin về ông Phan Văn Trường, với tên gọi Van Phan Thomas, được ghi nhận vào năm 2006 với những đóng góp cho các doanh nghiệp Pháp tại thị trường Malaysia nói riêng và Á châu nói chung. Có thể thấy chính phủ Pháp khá sòng phẳng khi ghi nhận một cách rõ ràng những cá nhân mang lại lợi ích cho đất nước họ. Và ông Trường, với vai trò quản lý thị trường Á châu của Alstom trong thời kỳ tập đoàn này phát triển mạnh mẽ tại đây khi trúng lớn các dự án về hạ tầng và năng lượng, chắc chắn đã đáp ứng được tiêu chí này khi chúng ta cũng cần nhìn nhận yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa cho ông.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng huân chương của ông Trường nhận được thuộc hạng hiệp sĩ, cấp bậc thấp nhất trong 5 cấp bậc của Huân Chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Đây là loại huân chương được trao cho hàng trăm nghìn cá nhân, cả người Pháp và người nước ngoài, miễn là có đóng góp nhất định cho nước Pháp, bất kể lĩnh vực hoạt động. Huân chương này có giá trị khác biệt so với các cấp bậc cao hơn, nơi các cống hiến trong lĩnh vực quân sự thường được ưu tiên hơn so với dân sự.

Để dễ hình dung, chúng ta có thể so sánh với trường hợp của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet Air. Năm 2021, sau thương vụ mua và thuê số lượng lớn máy bay Airbus A330, bà Thảo cũng được chính phủ Pháp trao tặng huân chương cùng cấp bậc với ông Trường.

Ông có thực sự là “chuyên gia đàm phán quốc tế” hay “cố vấn ngoại thương thường trực chính phủ Pháp”?

Như đã nói ở trên, giai đoạn sự nghiệp thành công tại Pháp của ông Trường gắn liền với giai đoạn Alstom trúng thầu hàng loạt dự án năng lượng và giao thông tại Á châu. Có thể nói, thành tựu này đến từ sự hội tụ của nhiều yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa đối với ông khi chiến lược kinh doanh của Alstom tập trung vào thị trường Á châu, cùng với bối cảnh thị trường năng động và tiềm năng phát triển lớn.

Tuy nhiên, giai đoạn hoàng kim này cũng đan xen với những góc khuất. Alstom vướng vào bê bối hối lộ hàng chục triệu USD để giành lợi thế trong nhiều dự án, trong đó có dự án tại Malaysia – thị trường do ông Trường trực tiếp phụ trách. Điều này đặt ra những nghi vấn về vai trò của ông trong các dự án này.

Về danh xưng “Cố vấn ngoại thương thường trực Chính Phủ Pháp” là một sự bịa đặt khi thực tế ông không thuộc biên chế nhân viên chính phủ Pháp. Mà là vì với kinh nghiệm lãnh đạo một mảng kinh doanh của tập đoàn Pháp tại Á châu, ông Trường có khả năng tham gia vào các buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin giữa chính phủ Pháp và các doanh nghiệp Pháp muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường châu Á. Đây có thể xem là hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin thị trường thường kỳ, chứ không mang tính chất chính thống hay quyền lực đặc biệt.

Sau khi chuyển sang tập đoàn Suez, hoạt động của ông Trường dần lu mờ do kết quả kinh doanh kém khả quan của tập đoàn này tại thị trường Đông Nam Á.

Sự nghiệp của ông Phan Văn Trường tại Việt Nam cũng bắt đầu khá trễ khi ông gần 60 tuổi, cũng là danh xưng “giáo sư” xuất hiện khi ông cộng tác với các trường đại học và doanh nghiệp trong nước với vai trò gọi là “cố vấn.” Điều trớ trêu là trong khi bản thân được tận hưởng cuộc sống tiện nghi, hiện đại tại Pháp, vì lý do nào đó mà ông Trường lại đi ru ngủ dân xứ quê nhà bằng những lập luận về tiêu chuẩn hạnh phúc, văn minh đi ngược lại những cái văn minh ổng được hưởng hàng ngày. Liệu có sự mâu thuẫn nào lớn hơn thế?

Phải chăng, ẩn sau những phát ngôn đẹp đẽ về hạnh phúc, văn minh là sự ích kỷ và toan tính cá nhân? Câu chuyện “vị tha” về chiếc tủ lạnh có thể là giọt nước tràn ly khi những hoạt động gần đây của ông ở Việt Nam nhiều lúc không có cái nhìn công tâm, khách quan mà có lẽ đặt lợi ích cá nhân ông lên trước?

Gần đây nhất, trong một đoạn video clip Tháng Sáu 2024 khi lênh đênh trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với phóng viên tạp chí Một Thế Giới, ông phát biểu rằng ông đã ngửi thấy mùi thơm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Bất cứ ai trong hơn 1.5 triệu dân đang sinh sống tại khu vực rộng lớn, được kéo dài từ đầu đường Út Tịch ở Tân Bình đến tận Ngã 3 sông ở hạ lưu cầu Thị Nghè trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đều hiểu rõ thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng của dòng kênh này.

Khi toàn bộ hàng triệu mét khối nước thải chưa qua xử lý từ các hộ dân đổ thẳng ra kênh rạch, tạo nên mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải đình trệ bao lâu nay đã đẩy khoản đầu tư $500 triệu cho hệ thống thu gom toàn bộ lưu vực này có tác dụng đưa nước thải về nhà máy để xử lý được hoàn thiện hàng chục năm trước trở nên lãng phí. Vấn đề này được báo chí, người dân phản ánh nhiều năm qua đến ngao ngán. Vậy mà vị “giáo sư,”“cố vấn Chính Phủ Pháp” này lại hoàn toàn không hay biết? Hay đây chỉ là lời nói xuất phát từ mục đích cá nhân?

Điều đáng nói hơn, ông Trường từng làm việc cho tập đoàn Suez, một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực xử lý nước thải. Lẽ nào ông hoàn toàn không biết về quy trình cơ bản của đầu tư xây dựng hạ tầng xử lý nước thải là phải đồng bộ từ xây dựng tuyến cống thu gom tới nhà máy xử lý thì mới cải thiện được chất lượng nguồn nước thải ra để cải thiện mùi hôi? Phải chăng “chuyên gia quốc tế” lại thiếu hiểu biết đến vậy, hay đằng sau những phát ngôn “gây sốc” kia là những toan tính riêng?

Đáng buồn thay, dù từng học tập và làm việc lâu năm tại Pháp, nơi ông lẽ ra phải thấm nhuần phong cách lịch sự và tôn trọng của người phương Tây, ông Trường dường như lại không tiếp thu được tinh thần đó. Khi đối diện với câu hỏi mà ông cảm thấy khiêu khích và chê bai Việt Nam từ người bạn Mỹ, thay vì trả lời một cách khéo léo, nhấn mạnh sự khác biệt văn hóa và đặc tính giữa hai quốc gia, ông lại có tư duy và phản ứng một cách tiêu cực, thiếu tôn trọng khi phát biểu chỉ trích ngược lại như một tư duy nước nhược tiểu.

Dù ông Trường có thể có những đóng góp nhất định trong quá khứ, nhưng những phát ngôn và hành động gần đây của ông lại cho thấy một thái độ và cách hành xử không phù hợp với nền tảng học vấn và kinh nghiệm quốc tế mà ông có. Tinh thần yêu nước là một điều đáng quý khi dòng máu Việt vẫn chảy trong huyết quản của chúng ta. Nhưng ta hãy yêu nước với một tư duy rộng mở, lý trí và tôn trọng đúng như tinh thần bao dung, hiếu khách của người Việt Nam để thu phục nhân tâm người ta. Thay vì đưa ra những nhận định thiếu căn cứ và gây sốc, ông nên học cách phản hồi một cách văn minh và tôn trọng hơn, đúng với những giá trị mà ông từng được tiếp thu và trải nghiệm ở phương Tây.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: