Tết năm nay là một mùa vui đối với gia đình kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh. Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ (WGAD, tên đầy đủ là Working Group investigates alleged cases of arbitrary detention) vừa công bố văn bản số 43 năm 2022, khẳng định việc Hà Nội bắt giữ ông Ánh là một trường hợp phi luật pháp, tùy tiện và không có nhân quyền
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh, 43 tuổi, là một người lên tiếng cho môi trường và nhân quyền. Ông bị bắt cóc trên đường và giam giữ vào Tháng Chín 2018. Ông Ánh là gương mặt quen thuộc trong vụ Formosa xả thải ra biển, khiến làm tê liệt biển của 4 tỉnh miền Trung. Vốn là một kỹ sư thủy sản, những phân tích về môi trường đã ảnh hưởng đến người dân đang quan tâm thời cuộc.
Ông Ánh bắt đầu dấn thân và các sự kiện xã hội, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa và viết bài trên các nền tảng truyền thông xã hội về chính trị, kinh tế, xã hội. Chính quyền Việt Nam đã tuyên án ông 6 năm tù và 5 năm quản chế cho các hành động ôn hòa và được quyền theo pháp luật Việt Nam của ông.
Văn bản này được Liên Hợp Quốc chính thức công bố, vì sau 60 ngày gửi đến Hà Nội mà không có phản hồi.
Việc nhìn nhận này khiến bà Nguyễn Thị Châu hết sức vui mừng, vì bà nói rằng vụ án của ông Ánh chồng bà giờ đã được soi dưới ánh sáng minh bạch của quốc tế. Nhiều năm nay, bà Ánh vẫn khẳng định chồng minh vô tội, bị gán đặt án tù và hoàn toàn không có chút pháp luật nào trong sự kiện gioam giữ chồng mình. “Tôi chỉ cầu mong cho một người vô tội như chồng tôi, và các anh chị em đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam được sớm thoát khỏi nhà tù”, bà Châu tâm tình và ngày 25 Tháng Một, tức mùng Một Tết. Saigon Nhỏ cũng có cuộc trao đổi ngắn với bà Nguyễn Thị Châu.
Bên phía Liên Hợp Quốc đã liên lạc với chị như thế nào? Và chị đã cung cấp cho họ những điều gì để chứng minh chồng mình bị oan?
Họ cho người liên lạc với tôi qua điện thoại và hỏi nhiều chi tiết. Nhưng tôi nhấn mạnh ba điều chính: Một là vụ bắt giữ chồng tôi không có một tờ giấy lộn nào cả. Chính xác thì đó là một vụ bắt cóc vào ngoài đường và mang đi giam. Cái sai thứ Hai là chồng tôi lên tiếng về vấn đề môi trường xấu đang tác động đến người dân, là quyền chính đáng, sao lại ngăn chặn? Thứ Ba, đất nước này nói người dân có quyền được ăn được nói, nhưng khi chồng tôi nói điều đúng theo quyền tự do ngôn luận, thì lại vu cáo là chồng tôi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống nhà nước. Chồng tôi không có gì làm sai hết, nên tôi vẫn luôn ủng hộ chồng mình làm những điều đó.
Được biết các trại giam có quy trình yêu cầu người thụ án chính trị phải ký giấy nhận tội và xin khoan hồng, mà anh Ánh là người từ chối tham gia. Có lần chị cũng kêu lên về những chuyện bất thường trong trại, xung quanh thái độ này của anh Ánh?
Dạ từ lúc chồng tôi bị giam thì nói chung anh ấy bị chịu nhiều loại áp lực. Áp lực thứ nhất là trại giam hay làm khó như cúp điện, cúp nước sinh hoạt, cài người vô để gây sự đánh chồng tôi. Từ lúc bị giam đến giờ, có hai lần bị đánh nặng. Trại giam Xuân Lộc còn đưa chó săn vào phòng giam của chồng tôi để cho chó tấn công. Ngoài ra các kiểu để cho tù nhân trong phòng gây sự, chia rẽ thì nhiều lần lắm. Anh Ánh đã phải tuyệt thực hai đợt để phản đối. Ngay cả bây giờ ở tại trại Xuân Lộc cũng không được tự do. Mỗi ngày anh Ánh chỉ được ra ngoài nấu cơm trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ, sau đó phải trở vào phòng 6m2 dành cho 2 người.
Tất cả những điều như chị nói, được coi là ngược đãi và bạo hành trong trại giam. Đã có bao giờ chị thông báo với trại để nhờ giải quyết?
Mỗi lần chồng tôi bị khủng bố như vậy, tôi đều lên tận trại để yêu cầu giải quyết, đòi hỏi quyền lợi cho anh Ánh. Nhưng công an ở trại chỉ giải thích đơn giản là cái đó xuất phát từ mâu thuẫn anh em, hay anh Ánh bị phản ứng vì đòi hỏi quá đáng. Tôi chỉ có thể nói với cán bộ trại rằng lúc bắt chồng tôi đi, anh ấy là một người khỏe mạnh; thì khi trả chồng tôi về, cũng phải trả về một người khỏe mạnh. Nếu không mẹ con tôi quyết đeo khăn tang lên đòi người.
Những tin tức như vậy chị đều đã cung cấp hết cho phía Liên Hợp Quốc?
Những chuyện gì xảy ra với anh Ánh, tôi đều cung cấp đủ. Tôi nhớ không nhầm thì vào khoảng tháng Chín năm ngoái, trong một cuộc họp của Liên Hợp Quốc, tôi cũng có làm một đoạn video ngắn kêu gọi Việt Nam trả tự do cho chồng tôi, cùng người thân của tất cả các anh chị em tranh đấu ở Việt Nam, và yêu cầu bãi bỏ điều luật 117. Trong cuộc hợp đó, có cả đại diện của Việt Nam tham dự.
Trong công việc lên tiếng cho chồng mình thì chị có gặp những khó khăn nào từ chính quyền địa phương hay không?
Kể từ khi chồng tôi đi tù, tôi và các con cũng như đi tù chung với chồng mình. Bất kỳ tôi đi đâu, làm gì, cũng đều có người đi theo, dòm ngó sau lưng. Đi chợ hay làm gì thường ngày cũng có người theo sát. Riêng trước nhà thì công an làm hẳn ba cái camera chĩa thẳng vào nhà của tôi. Còn chuyện công an đe dọa cũng có. Họ nói tôi không được trả lời Đài Á Châu Tự Do, không được kể chuyện chồng mình hay mình lên Facebook, bạn bè từ trên mạng đến ngoài đời đều có người đến nói không nên qua lại với tôi. Nói chung là đủ đường.
Cám ơn chị, chúc chị chân cứng đá mềm trong con đường lên tiếng cho chồng mình.