Đại diện cho con gái của mình là Phạm Đoan Trang, bà Bùi Thị Thiện Căn, năm nay 81 tuổi, đã có mặt tại lễ trao giải Martin Ennals năm 2022. Vào buổi tối ngày 2 Tháng Sáu tại Geneva, Thụy Sỹ (23:00 giờ Việt Nam), giải thưởng nhân quyền này đã xướng tên nhà hoạt động đang chịu án chín năm tù ở Hà Nội. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch đồng thời là một thành viên ban giám khảo của giải thưởng nhận xét cho rằng, Phạm Đoan Trang là một người truyền lửa cho rất nhiều nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam, nơi mà tự do biểu đạt bị xem là mối đe dọa.
Phát biểu khi nhận giải thay mặt cho con gái mình, bà Căn nói:
“Hôm nay tôi rất vui sướng, tự hào vì con gái tôi được giải và tôi đến đây nhận giải nhân quyền quốc tế năm 2022 thay mặt con gái vì con tôi đang bị cầm tù. Cho đến nay, bốn ngày nữa là đầy 20 tháng tôi chưa được gặp con. Tôi rất yêu thương con tôi, tôi cảm thấy cháu là một người phụ nữ can đảm, kiên định đi theo con đường mà con đường đó rất nguy hiểm, gian khổ. Cháu vẫn dấn thân, đấu tranh không mệt mỏi cho đất nước Việt Nam có được dân chủ, nhân quyền, cho người dân Việt Nam được tự do, hạnh phúc.Bản thân tôi là người mẹ, tôi phải hy sinh tình mẫu tử để cho con tôi hoạt động. Tôi hy vọng một ngày nào đó, càng sớm càng tốt, đất nước Việt Nam có dân chủ, được tự do, hạnh phúc”.
Nhiều người đã lặng đi, khi chứng kiến bà Căn rưng rưng khi nói về Phạm Đoan Trang và sự xa cách mà chính quyền CSVN đã cố ý tạo ra, từ lúc Trang bị kết án cho đến nay.
Trên Twitter, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Michèle Taylor, ghi lại thời khắc bà tiếp bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang, tại trụ sở của Phái bộ Hoa Kỳ tại Geneva, Thụy Sĩ. Ghi trên Twitter, bà Đại sứ nói: “Tôi vinh dự được gặp mẹ của Phạm Đoan Trang, một trong những người nhận Giải Martin Ennals năm nay, một nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo truyền cảm hứng, hiện bị giam giữ một cách bất công ở Việt Nam. Ngày hôm nay là lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của những việc chúng ta làm ở Geneva”.
Phạm Đoan Trang được vinh danh vì các nỗ lực từ hơn 10 năm nay trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ban tổ chức giải thưởng nhấn mạnh các sáng kiến của cô, bao gồm việc lập ra trang mạng thông tin nhân quyền và luật pháp Luật Khoa tạp chí, và Nhà xuất bản Tự Do.
Phạm Đoan Trang bị bắt vào ngày 7 Tháng Mười 2020, bị giam giữ biệt lập suốt hơn một năm, sau đó bị kết án chín năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bản án này bị các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ. Hiện tại, nhà báo Đoan Trang bị giam tại Hà Nội. Kể từ sau bản án cô tiếp tục không được phép gặp gia đình và không được điều trị y tế.
Giải thưởng Martin Ennals được tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực và vận động bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới. Giải thưởng được thành lập năm 1992, mang tên Martin Ennals, nhà hoạt động nhân quyền người Anh từng là tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Hội đồng chấm giải gồm đại diện của mười tổ chức nhân quyền nổi tiếng.
Báo chí của Nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn luôn lên tiếng phản đối, chỉ trích liên tục các giải thưởng trao cho bà Phạm Đoan Trang. Nói về giải Martin Ennals 2022 đã xướng tên bà Trang, website có tên Xây Dựng Đảng, ngày 29 Tháng Tư ghi rằng “Việc trao giải cho một đối tượng vi phạm pháp luật và bị một quốc gia tuyên án phạt tù không chỉ thể hiện sự cổ vũ, khích lệ việc chống đối các nhà nước độc lập, có chủ quyền mà còn cho thấy bản chất của giải thưởng Martin Ennals cũng không khác gì các loại giải thưởng mang danh nhân quyền khác để trao cho những đối tượng lợi dụng quyền tự do để xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
Khi được truyền thông quốc tế phỏng vấn suy nghĩ về công việc quá nguy hiểm của Phạm Đoan Trang, bà Căn đã nói ngắn gọn “Tôi tự hào về con gái mình”.