Nhiều ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, Agribank, Sacombank đã hàng chục lần rao bán bất động sản thế chấp nhưng không ai mua, dù hạ giá liên tục. Nguyên nhân được cho là nhiều tài sản thế chấp khi phát mãi được định giá chưa sát với giá thị trường.
Điển hình như Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) (tạm tính đến cuối Tháng Mười) là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 567 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm năm quyền sử dụng đất và tài sản nằm trên đó, cùng với hàng hóa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn, phiếu nhập kho.
VietinBank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là 166 tỷ đồng, tương đương khoảng 1/9 giá trị khoản nợ, nhưng họ cho biết vẫn không ai mua.
Ngoài VietinBank, nhiều ngân hàng khác cũng liên tục đại hạ giá các tài sản thế chấp nhưng không bán được. Cụ thể, Sacombank ra thông báo đấu giá toàn bộ 18 khoản nợ của dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, Sài Gòn). Tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31 Tháng Mười Hai 2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5.134 tỷ đồng.
Giá rao bán đầu Tháng Tám là gần 10.000 tỷ đồng, nay hạ xuống còn 8.640 tỷ đồng, vẫn không có người mua.
Tại BIDV, nhà băng này cũng chật vật với món nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên – chủ đầu tư dự án dở dang hơn 13 năm vừa được đổi tên thành Grand Sentosa (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Sài Gòn).
Theo BIDV, tính đến ngày 30 Tháng Sáu, tổng dư nợ của Công ty Tài Nguyên là hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó 2.506 tỷ đồng là nợ gốc, còn lại là nợ lãi. Giá khởi điểm đấu giá là 4.425 tỷ đồng. Đây là lần thứ ba khoản nợ này được rao bán kể từ đầu năm đến nay, giảm hơn 230 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu Tháng Tám.
Đó chỉ là vài khoản nợ trung bình mà các ngân hàng đang tìm cách “bán để thu hồi nợ”.
Theo chuyên gia kinh tế Lương Duy Sinh – Công ty GIBC, nhiều tài sản bảo đảm khi phát mãi được định giá chưa sát với giá thị trường nên dù đại hạ giá nhiều lần so với đấu giá lần đầu, các ngân hàng vẫn khó bán. Chưa kể, giá khởi điểm phải được sự đồng ý của cả ngân hàng lẫn khách hàng nên mất nhiều thời gian cho thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, có một giả thuyết khác đang được dân buôn bán bất động sản bàn tán. Họ cho rằng ngay khi định giá vay nợ, giá trị tài sản đã được kê khống để con nợ có thể mượn được nhiều tiền hơn giá trị thực. Đa số tài sản thế chấp là những nơi không sinh lợi, nên xem như họ bán cho ngân hàng nhưng nấp dưới hình thức “vay”.
Đó là “hiệp 1”. “Hiệp 2” bắt đầu khi ngân hàng phát mãi tài sản thế chấp, rồi cho “quân xanh”, “quân đỏ” vào chê đắt, không đúng giá thị trường, để có cớ hạ giá xuống. Trong tình hình thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay, càng có cớ để hai bên thỏa thuận giảm sâu hơn nữa, sau đó để đồng bọn “cá mập” nhào vô hốt trọn.
Đây cũng là lý do khiến các buổi đấu giá rất ít người trong ngành địa ốc được biết, mà biết cũng chẳng thể lập hồ sơ tham dự.