Người phục chế cổ vật trẻ nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Khắc Duy, người phục chế cổ vật trẻ nhất đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: Pháp Luật

Một thanh niên ở Đồng Tháp đã nổi tiếng với nghề hiếm: Phục chế cổ vật, hàn gắn những mảnh vỡ thành đồ lành lặn.

Thoạt tiên, anh Nguyễn Khắc Duy (34 tuổi, ngụ khóm 2, phường 4, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) chỉ mày mò tự hàn gắn những đồ cổ vật mà gia đình đang kinh doanh, vì thấy cổ vật còn nguyên vẹn ngày càng ít dần đi.

Sau đó, những cổ vật được Duy phục chế xuất hiện ngày càng nhiều trong các cuộc trao đổi, mua bán, nhiều người biết đến nên họ tin tưởng tìm đến Duy để nhờ anh phục hồi giúp họ những món đồ quý giá. Mặt khác, hiện nay, cổ vật lành lặn hiếm hoi nên người sưu tầm đã chuyển hướng mua cả những món đồ cổ bị mẻ, nứt, vì thế, Duy ngày càng có đông khách.

Tuổi Trẻ ngày 28 Tháng Tám 2023 đã kể câu chuyện về chàng thanh niên, vị “bác sĩ” cổ vật của Đồng Tháp.

Nhìn những sản phẩm đã được Nguyễn Khắc Duy phục chế, hiếm ai nhận ra món đồ đó từng bị sứt mẻ, nứt bể hoặc khiếm khuyết. Chính sự đam mê đã giúp Duy theo đuổi được công việc hiếm người làm này.

Miệng bình hoa trước và sau khi được trám lại chỗ khuyết – Ảnh: Nguyễn Khắc Duy

Duy tâm sự: Mỗi một sản phẩm lại có chỗ khuyết khác nhau, yêu cầu của người chủ đòi hỏi tôi phải luôn nỗ lực trước thách thức mới, nên không bao giờ thấy nhàm chán. Riết rồi như ghiền luôn vậy.

Công việc phục chế một sản phẩm mất nhiều công đoạn, mà bước nào cũng rất quan trọng. Như pha keo phải đúng tỷ lệ để phần chi tiết được phục hồi có thể bám chắc vào món đồ cổ, không bị rớt ra khi bị tác động.

Việc chà giấy nhám cũng cần khéo léo, nhẹ nhàng cho liền lạc các mối nối, thậm chí sản phẩm phải có độ bóng lên như chất men mới đạt yêu cầu.

Khâu tốn nhiều thời gian nhất là lúc pha màu, sơn thử xem có gần giống với màu gốc chưa, rồi tiếp tục gia giảm sắc độ đến khi nào ưng ý mới thôi. Cũng có khi màu sơn còn ướt tới lúc đã khô khác xa mẫu gốc, lúc đó phải bôi hết, pha lại từ đầu…

Mỗi món đồ qua tay Duy đều mang theo những ký ức đẹp của người lưu giữ. Anh nhớ lại:

“Ngày trước có ông chú gửi cái bình cắm hoa từ thế kỷ 19 bị bể tan tành cho tôi phục chế, nhìn món đồ lúc đó giống như mất đi cái hồn. Khi sửa chữa xong xuôi cũng là lúc mình trả lại cái hồn cho món đồ đó. Thấy cái bình liền lại, họ cảm ơn tôi rồi biếu quà nhiều lắm”.

Duy chỉ vị trí đã phục chế trên chiếc bình cổ – Ảnh: Tuổi Trẻ

Thực tế, người phục chế cổ vật như Duy không chỉ kiên nhẫn, khéo tay, mà cần kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Kiến thức hóa học khi sử dụng hóa chất trong tạo hình, pha màu; khả năng điêu khắc để tạo hình lại phần đã mất; năng khiếu hội họa để vẽ lại các hoa văn, họa tiết bị bong tróc; kiến thức khảo cổ để tạo màu thời gian tương xứng với cổ vật cùng thời… Vì thế thật dễ hiểu khi chả mấy ai đi theo nghề này.

Duy bộc bạch: Bản thân mình cũng thất bại liên miên rồi thành công mới đến. Như việc pha màu, không bao giờ pha một lần là có được màu sơn như ý; phải pha tới pha lui, thêm cái này quét lên thử, không được lại pha thêm một chút màu khác rồi lại thử tiếp có khi gần chục lần mới ra được cái màu gần với nguyên bản nhất.

Điều đáng quý là Duy luôn tâm niệm: “Tôi luôn giữ cho mình sự thật thà trong công việc. Khi nhận làm, tôi thường nói thẳng với khách chỉ hồi phục lại khoảng 80 – 90%, chứ không hoàn hảo được. Nhưng may mắn sau khi phục chế xong người ta cũng chấp nhận, dù không giống như nguyên thủy”.

Ngoài ra, thị trường đồ cổ hiện nay cũng có nhiều người dị ứng với chuyện đắp vá, sửa chữa cổ vật, vì có không ít người biến đồ vỡ thành đồ lành, đồ thường thành đồ độc bản để lừa gạt, hiểu được điều đó, Duy không nhận sửa chữa đồ giả thành đồ cổ!

Ông Q.T., một người chơi cổ vật (ngụ phường 1, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) nhận xét: “Người như Duy là rất đáng quý bởi tính thật thà có sao nói vậy, không thêm, không bớt.

Khi đã nhận làm của bất cứ ai, Duy chỉ lấy đúng công sức mình bỏ ra chứ không theo cái kiểu nhìn chủ nhân hoặc giá trị món đồ mà hét giá này nọ. Duy cũng thẳng thừng từ chối những người muốn làm giả cổ đồ vật với mục đích không tốt”.

Các cổ vật đã được Duy sửa chữa, phục hồi bằng niềm đam mê – Ảnh: Tuổi Trẻ

Thấy kết quả công việc của Duy, các ban ngành địa phương từng ngỏ ý đưa công việc phục hồi cổ vật của Duy giới thiệu với du khách, quảng bá nét đẹp văn hóa tại Sa Đéc, nhưng đặc thù công việc cần sự chú tâm nên Duy từ chối. Dù vậy, mỗi lần có khách ghé qua để tìm hiểu nghề “độc” này, Duy vẫn sẵn lòng dành thời gian tiếp đón, giải thích cặn kẽ những thắc mắc.

Pháp Luật hồi giữa Tháng Năm 2023 cũng kể về Duy và cho biết lý do bước vào nghề phục chế cổ vật của Duy: Vì gia đình buôn bán đồ cổ, anh có dịp gặp gỡ nhiều nhà sưu tầm và biết họ có nhiều bình, ấm, bát chén tuổi hàng trăm năm nhưng bị hư hỏng mà nhưng không biết cách để sửa chữa.

Từ đó, Duy liền tìm các món đồ có sẵn trong nhà rồi tự mày mò học cách sửa. Sau thời gian thành thạo kỹ thuật, anh mới dám nhận sửa đồ cổ cho người khác.

Nhìn món cổ vật liền lạc chỉ bằng vài thao tác đơn giản, ai cũng nghĩ đây là việc dễ dàng, nhưng thật ra đòi hỏi nhiều thời gian, sự kiên trì và chú tâm cao.

Cổ vật bị sứt mẻ hay nứt, khi được Duy nhận sửa sẽ được thực hiện trong bốn bước: Đầu tiên dùng loại keo AB chuyên dụng đắp lại phần khuyết, rạn trên món đồ, sau đó gò lại, tạo hình sao cho giống hình dáng ban đầu; Bước tiếp theo, dùng giấy nhám chà lên bề mặt làm mất những chỗ gồ ghề; Cuối cùng là công đoạn pha màu, trang trí lại chỗ khuyết vừa mới hoàn thiện và phủ lên một lớp sơn bóng.

Miệng một bình hoa cổ trước khi Duy phục chế đã bị mẻ và vỡ nhiều mảnh, nay liền lạc như cũ – Ảnh: SGGP

Báo Cần Thơ hồi Tháng Sáu 2023 nói rõ hơn Duy là nghệ nhân phục chế đồ cổ trẻ tuổi nhất hiện nay tại miền châu thổ sông Cửu Long. Nhà của Duy nằm trong hẻm cũng là nhà của cha mẹ, chứa rất nhiều cổ vật, từ đồ đá, sành đến đồ đất.

Theo Duy, đồ cổ không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn với nhiều người. Như bình tích, chén, tô, bình bông được ông bà tổ tiên để lại… có tuổi đời trăm năm, tự thân nó đã có một giá trị thời gian không gì thay thế được.

Tùy vào giá trị và độ khó của từng sản phẩm mà thời gian phục chế khác nhau, có món chỉ một ngày đã hoàn thành nhưng có món phải làm hơn tuần mới xong, tiền công cũng căn cứ vào đó mà người thuê trả cho Duy, từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng cho mỗi sản phẩm.

Bà Quảng Thị Thu Thảo, mẹ Duy, cho biết: “Duy chịu khó mày mò, học hỏi. Và rất mừng vì sản phẩm Duy làm ra được mọi người đón nhận, góp phần giữ gìn văn hóa của ông bà ta để lại”.

Ông Nguyễn Quang Sáng, một khách hàng (ngụ phường 2, TP Sa Đéc) nhận định về Duy: “Tôi có một bộ ấm trà của ông bà để lại đến nay đã trên trăm năm. Không may một lần mang ra vệ sinh, bị va chạm nên một phần của nắp bình bị mẻ góc. Chính vì giá trị thời gian, cũng như kỷ vật của ông bà để lại nên tôi rất tiếc. Nhưng qua tay cháu Duy, món đồ này đã được phục chế lại y như mới nên tôi rất vui”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: