Bỏ tiền xây sáu phòng trọ sạch sẽ, có bếp nấu ăn nhưng lại không thu tiền của học sinh và công nhân ở trọ, đó là tấm lòng của vợ chồng ông bà Trần Anh – Trần Thị Hải ở Quảng Nam.
Câu chuyện về nghĩa cử của gia đình ông bà Trần Anh – Trần Thị Hải được Tuổi Trẻ ngày 13 Tháng Ba phản ảnh. Trước đó, Giáo Dục Thời Đại đã đăng câu chuyện này ngày 10 Tháng Hai 2023. Gia đình ông bà ở trung tâm thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, bao quanh là các trường học lớn của tỉnh.
Có riêng mảnh đất gần nhà, ông bà Trần Anh đã khởi công xây phòng trọ từ Tháng Sáu 2022 với số tiền dành dụm vài trăm triệu đồng. Khu nhà trọ gồm sáu phòng, mỗi phòng 20m2 (215.28 square feet) có wifi, bàn ghế học tập, giường ngủ, cuối dãy phòng trọ có một bếp riêng với xoong nồi và bếp gas. Ngoài ra, ông bà còn trang bị vài cái xe đạp để sẵn cho khách ở trọ mượn, xong rồi treo tấm bảng phía trước “Phòng trọ 0 đồng cho học sinh và công nhân” làm nhiều người dân địa phương không khỏi bất ngờ.
Núi Thành là huyện có diện tích rộng, có nhiều nơi học sinh phải đi học xa nhà hàng chục cây số. Khi học lên cấp III thì một số em ở xa phải thuê nhà, tốn từ 500,000 đồng – 1,000,000 đồng/tháng ($21-$42). Vì thế được nhận ở trọ miễn phí trong căn nhà này là niềm vui mừng lớn lao đối với các em học sinh và công nhân nghèo.
Nhờ thầy cô giáo giới thiệu, hiện phòng trọ của ông bà Trần Anh có tất cả 19 em học sinh, cùng học trường trung học phổ thông Nguyễn Huệ, huyện Núi Thành.
Em Nguyễn Tịnh (xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành) ở trọ tại đây cùng hai người bạn, đã kể rất mừng vì có được chỗ ở an toàn, tiện nghi, thuận lợi cho việc học hành và đi lại, thay vì phải đón xe buýt đến trường mỗi ngày từ tảng sáng. Lần đầu tiên xa nhà, Tịnh nói việc ở đây giúp cha mẹ Tịnh ở nhà rất an tâm.
Một em khác, tên Châu Huyền Hạ Trâm (xã Tam Trà, huyện Núi Thành) cho biết nhà cách trường gần 30km (18.6 miles), để đến trường Trâm phải dậy sớm từ 4 giờ sáng đón xe buýt, lúc thì phải tự đi xe đạp. Vì đường quá xa và chi phí ăn ở lớn nên có lúc Trâm đã nghĩ tới việc bỏ học.
Cao Thị Ánh Sương và Nguyễn Kim Huệ cũng chung hoàn cảnh như Tịnh và Trâm. Sương nói với phóng viên Giáo Dục Thời Đại: “Thời gian qua, em được vợ chồng cô Hải cho ở trọ miễn phí và chăm sóc khi đi học xa nhà. Không những vậy, từ áo quần đến xe cộ đi lại cũng được gia đình cô chú giúp đỡ. Em chỉ biết cảm ơn cô chú thật nhiều và ráng học giỏi để không phụ sự trông đợi”.
Câu chuyện ông bà Trần Anh tự bỏ tiền túi xây nhà trọ rồi đón học sinh về ở bắt đầu nhen nhóm từ nhiều năm trước, khi hai vợ chồng đi làm từ thiện ở các xã thôn quê và thấy đời sống người dân ở đó quá khó khăn. Vốn có xe cứu thương đưa đón miễn phí bệnh nhân có hoàn cảnh nghèo, khi quyết định làm nhà trọ 0 đồng, bà Hải – vợ ông Trần Anh, cho rằng đây cũng là một cách “cho đi” nhưng hướng đến hiệu quả lâu dài, đó là giúp nuôi ước mơ, giúp những học sinh nghèo có điều kiện đến trường mỗi ngày. Bà nhấn mạnh: Cho đồng tiền thì dễ, nhưng cho con chữ thì căn cơ và thiết thực hơn nhiều.
Mặt khác, theo bà Hải, khi cảm nhận được sự giúp đỡ dành cho mình, khi ra đời, các em sẽ tìm cách quay lại giúp người khác.
Nói về tấm lòng của những chủ nhà trọ, Tuổi Trẻ ngày 10 Tháng Mười Một 2022 có video kể về ông Lê Tuấn Giản, 80 tuổi, chủ nhà trọ hẻm 147 Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Sài Gòn, người đã thông cảm cho công nhân xa xứ vì dịch bệnh không đi làm được đã miễn cho họ tiền nhà, đã vậy còn tặng thêm tiền và thức ăn cho họ. Ông còn đặc biệt ưu ái hơn với những công nhân bị cách ly vì dịch bệnh, thoát chết trở về.
Các công nhân ở trọ nhà ông Cẩn đều trìu mến gọi ông là “Chú Tư”, mô tả ông “Chú Tư là người tuyệt vời” và đều nhận xét tình cảm của ông Tư làm họ cảm thấy phòng trọ như ngôi nhà thứ hai của mình.
Tháng đầu tiên, ông miễn 50% tiền nhà, ba tháng sau ông miễn luôn 100% tiền nhà, chỉ lấy tiền điện nước, nhưng ai ngặt nghèo quá, ông cũng phụ cho luôn. Lúc cao điểm dịch, các con đem về gạo, thức ăn và rau củ quả, ông chia hết cho mọi khách thuê, còn “vận động” các con cho thêm tiền để tặng mỗi phòng trọ 200,000 đồng ($8.4), kể cả những phòng trọ lân cận, thuộc ông bà chủ khác.
Khiêm tốn, ông nói với phóng viên Tuổi Trẻ cách sống của mình: “Tui từng sống trong cảnh khổ, nên tui hiểu bà con. Bốn tháng cách ly họ không được đi làm thì lấy đâu ra tiền? Nếu có tiền thì tui cho tiền, hết thì thôi; nếu không có tiền thì tui bỏ công, không có tiền cũng làm từ thiện được. Tui thấy không có thuốc nào uống khỏe bằng làm từ thiện đâu. Có lần tui đi phát gạo đến hai, ba giờ chiều chưa ăn gì cũng chưa thấy đói”.
Kênh 14 ngày 30 Tháng Giêng 2022 kể thêm, đầu Tháng Mười Hai 2021, khi Sài Gòn mở cửa, ông đã vận động các con tặng 120 triệu đồng ($5,087) cho 400 khách thuê trọ, thuộc 8 tổ của khu phố 6, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Tết 2022, ông còn tất bật chuẩn bị quà tặng cho khách thuê, và đây là việc thường niên, năm nào tết đến ông cũng trích tiền thuê phòng trọ của họ để mua quà tặng họ, như một lời cảm ơn.
Ông tâm sự: “Nhờ có mọi người thuê trọ mà chú mới có tiền để sống, mình trích một ít trong khoản thu được hỗ trợ lại cho bà con, ai cũng vui vẻ cả”.
Tuy không phải là người gốc Sài Gòn nhưng sau hơn 50 năm ở đây ông coi Sài Gòn là quê hương thứ hai. Sau khi vợ mất, ông dọn về sống gần 15 phòng trọ mà ông xây dựng kiên cố để cho thuê từ nhiều năm trước. Mỗi phòng trọ ông lấy giá mềm 1.3 triệu đồng/tháng ($55), là nguồn thu nhập chính của ông. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhìn cảnh khách thuê mất việc, không có thu nhập, ông miễn tiền thuê cho họ trong 4 tháng, còn đi xin rau củ, gạo về phát cho họ.
Những điều nho nhỏ tốt đẹp vẫn tồn tại đâu đó trên xứ Việt, đều do tấm lòng của người dân đối đãi với nhau. Câu chuyện của ông bà Trần Anh – Trần Thị Hải và ông Lê Tuấn Giản là một ví dụ.