Sài Gòn: Tỷ lệ người có trình độ đại học thất nghiệp cao hơn các nhóm khác

Lao động tìm việc tại một sàn giao dịch việc làm ở Sài Gòn – Ảnh: Lê Tuyết

Sài Gòn có hơn 32,300 người đang tìm việc, trong đó gần 77% có trình độ từ đại học trở lên, gặp nhiều khó khăn hơn các nhóm khác.

Đó là báo cáo thị trường lao động quý III/2023 và nhu cầu nhân lực quý IV/2023 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi), VnExpress ngày 2 Tháng Mười cho biết.

Falmi đã khảo sát 14,540 doanh nghiệp, với gần 70,000 vị trí việc làm, 32,305 người tìm việc, cho biết: gần 77% là lao động có trình độ đại học trở lên; hơn 20% trình độ cao đẳng; 2% trình độ trung-sơ cấp và chỉ có 0.53% là lao động phổ thông như đóng gói, may mặc, nhập liệu tại nhà…

Còn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thì sao? Chỉ gần 23% vị trí cần trình độ từ đại học trở lên; 24.61% cần trình độ cao đẳng; gần 39% cần trình độ trung, sơ cấp.

Bên cạnh đó, có đến 13.55% cần lao động phổ thông, với gần 9,500 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở các nhóm kinh doanh thương mại, bảo vệ, tư vấn, chăm sóc khách hàng, kho bãi…

Gần 77% người tìm việc ở Sài Gòn có trình độ từ đại học trở lên – Đồ họa: VnExpress

Như vậy, lao động có trình độ từ đại học trở lên sẽ phải cạnh tranh hơn các nhóm khác do số việc làm tương ứng quá ít. Đó là nhận định của TS. Đỗ Thanh Vân, phó giám đốc Falmi.

Chẳng hạn, với ngành dịch vụ nhà hàng, lưu trú khách sạn, các doanh nghiệp đều yêu cầu ứng viên chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, vì họ cho rằng người có trình độ này thực hành tốt, bắt tay vào làm việc được ngay, không cần phải đào tạo lại. Yêu cầu này cũng tương tự ở nhóm ngành cơ khí.

Về mức lương, khảo sát của Falmi chỉ ra trên 40% người tìm việc muốn lương trên 20 triệu đồng, gần 21% lao động muốn lương trên 15-20 triệu đồng, 26% muốn mức trên 10-15 triệu đồng và số còn lại mong muốn lương từ 5-10 triệu đồng.

Thực tế thì sao? Chưa đến 15% các vị trí tuyển dụng có mức lương trên 20 triệu đồng (chủ yếu ở các vị trí như kỹ thuật điện tử, kỹ sư phần mềm, bác sĩ, quản lý điều hành); hơn 34% các vị trí có mức lương trên 10-15 triệu đồng mỗi tháng; hơn 40% các vị trí tuyển dụng có mức lương từ 5-10 triệu đồng; hơn 2% các vị trí tuyển dụng có lương dưới 5 triệu đồng.

Tỷ lệ người lao động có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp ở Sài Gòn là 36%, gấp 2.6 lần so với toàn quốc – Đồ họa: VnExpress

Một bài viết trên VnExpress ngày 30 Tháng Chín 2023 dẫn thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM cho biết trong 9 tháng của năm 2023 đã tiếp nhận 127,622 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của lao động mất việc, tăng hơn 10,000 người, tức 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 28 Tháng Chín, có gần 123,700 người có quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng từ 3-12 tháng, mức hưởng theo quy định là 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy số tiền cao nhất một lao động nhận được là 23.4 triệu đồng/tháng, thấp nhất trên một triệu đồng/tháng và bình quân 5.1 triệu đồng/tháng.

Về độ tuổi: 35% nữ giới và 28% nam giới mất việc ở độ tuổi 25-40; 16% nữ giới và 14% nam giới mất việc trên 40 tuổi.

Về trình độ, đứng đầu là nhóm không bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 53%; kế tiếp là nhóm có trình độ đại học trở lên, chiếm 36%; xếp thứ ba thuộc về nhóm trình độ cao đẳng, chiếm gần 6%.

Người dân làm thủ tục hỗ trợ thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, sáng 26 Tháng Bảy 2023 – Ảnh: Thanh Tùng

Điều đáng lưu ý là tỷ lệ lao động trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp ở Sài Gòn cao gấp 2.6 lần so với toàn quốc. Theo bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2023, toàn quốc có hơn 562,600 lao động đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp thì trình độ từ đại học trở lên chiếm 13.85%.

Trong báo cáo xu hướng nhân sự nửa đầu năm 2023 được Anphabe công bố cho thấy nhóm ngành nghề bị sa thải nhiều nhất là công nghệ thông tin, phần mềm, thương mại điện tử (cắt giảm trung bình khoảng 25% nguồn nhân lực), bất động sản (22%), tiếp theo là các ngành bảo hiểm (18%), điện tử, công nghệ cao (16%) và du lịch, ẩm thực, nghỉ dưỡng (16%).

Từ Tháng Chín 2022 đến Tháng Năm 2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có ba doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí. Điều này khiến cho 13% người đi làm chịu ảnh hưởng bởi xu thế cắt giảm việc làm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: