Tây Nguyên: Quan chức chiếm rừng của dân như thế nào?

Những cánh rừng thông phòng hộ dọc quốc lộ 28 (Đăk Glong, Đăk Nông) ngày càng bị xâm hại để trồng cà phê, hồ tiêu – Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo số liệu công bố tại hội thảo do Bộ Nông nghiệp tổ chức ngày 3 Tháng Sáu 2022 tại Lâm Đồng, trong vòng 15 năm (2005 – 2020) diện tích rừng tự nhiên tại các tỉnh Tây Nguyên đã giảm từ 2.83 triệu ha xuống còn 2.18 triệu ha, tức đã mất tới 650,000ha rừng!

Rừng ở năm tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng) mất là do đâu?

Một phần do dân tự chiếm: thống kê hồi năm 2020 của Ban Kinh tế trung ương cho biết có 150,000 người ở các tỉnh Tây Nguyên phá 350,000 ha đất rừng làm nông nghiệp hoặc trồng các cây công nghiệp.

Một phần do lâm tặc (chữ dùng của truyền thông trong nước, ngụ ý bọn cướp rừng) phá. Mà lâm tặc thời nay không chỉ có dân đen mà còn có cả cán bộ, công ty và mục đích phá rừng đầu tiên là lấy gỗ, sau đó chiếm đất rừng đem bán!

Cuối cùng, phần lớn diện tích rừng bị mất là do cán bộ đương chức sau khi chiếm đất rừng thì ở lỳ không trả.

Tuổi Trẻ ngày 6 Tháng Tám cho biết có nhiều quan chức ở hai tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk chiếm đất rừng ở lỳ không trả. Thậm chí có trường hợp quan chức đã bị kỷ luật nhiều năm nhưng vẫn chưa chịu nhả đất rừng.

Trong số này, có ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy Đắk Nông, người chiếm rừng tới gần 100ha đất trái quy định ở hai huyện Đăk Glong và Đăk Song (Đăk Nông).

Tại Đăk Song, lúc đương chức ông Sơn đã gian dối để được cấp 41.5ha đất theo chính sách 135 (chính sách cấp đất để xóa đói giảm nghèo) sai đối tượng, trái quy định.

Còn tại Đăk Glong, ông Sơn và em trai là Nguyễn Thanh Phong cũng được giao đất, giao rừng theo chính sách 135 với tổng diện tích 54.6ha trái quy định, sai đối tượng.

Việc “vun vén cho gia đình” của ông Sơn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, buộc khắc phục nhiều năm nay nhưng ông này vẫn không thực hiện!

Rừng thuộc lâm phần quản lý của công ty lâm nghiệp Krông Bông (Đăk Lăk) bị tàn phá để lấy đất trồng cây – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Trần Nam Thuần, chủ tịch Ủy ban huyện Đăk Glong, cho biết đã ban hành quyết định thu hồi hơn 54ha đất của hai gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Thanh Phong ngày 26 Tháng Mười Một 2021.

Nhà cầm quyền địa phương đã năm lần mời hai gia đình ông Sơn và ông Phong lên làm việc để yêu cầu di dời tài sản ra khỏi khu đất nói trên nhưng hai ông không hợp tác.

Với người dân thì nhà cầm quyền cưỡng chế rất nhanh, còn hai ông này, dù không còn đương chức, vẫn được nhà cầm quyền nể nang.

Tại Đăk Lăk, số cán bộ chiếm dụng rừng bất hợp pháp còn nhiều hơn, lên đến hàng chục gia đình, với tổng cộng 874.9ha, cũng với chiêu thức đưa gia đình mình vào diện “người nghèo” để thụ hưởng chính sách 135… mà mãi hơn 10 năm nay chưa thu hồi hết được!

Số quan chức bao gồm gia đình vợ ông Phạm Minh Sơn, cựu chủ tịch huyện Krông Năng, chiếm dụng hơn 143ha; ông Trương Công Đản, cựu phó ban Ban Tuyên giáo huyện ủy Krông Năng, chiếm dụng hơn 62ha; gia đình vợ ông Nguyễn Kim Liên, cựu chủ tịch ủy ban xã Cư Klông) chiếm dụng 80.6ha; xã viên hợp tác xã Hợp Tiến, chiếm dụng hơn 525ha; gia đình ông Nguyễn Minh Trình và Nguyễn Đình Chương, cựu cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Năng, chiếm dụng hơn 63.5ha.

Hơn 3,000ha rừng bị phá tại công ty lâm nghiệp Đắk N’Tao (Đăk Nông) – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Châu, phó chủ tịch Ủy ban huyện Krông Năng, thừa nhận việc thu hồi diện tích đất cấp sai cho gia đình cán bộ, lãnh đạo gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn mới thanh lý hợp đồng, thu hồi được 655.1ha rừng giao sai đối tượng.

Hiện còn 219.8ha (trong đó có các gia đình vợ ông Phạm Minh Sơn, vợ ông Nguyễn Kim Liên, ông Nguyễn Minh Trình)… vẫn chưa thu hồi được!

Bình luận dưới bài viết, bạn đọc Minh Khanh thắc mắc: “Quan chức mà còn vậy thì sao nói dân được. Hành vi này đâu phải là lấn chiếm nữa mà là tham ô. Sao không bị khởi tố nhỉ? Tại sao chúng ta lại mất cả chục năm để xử lý trong khi sự việc nó rành rành vậy?”.

Không xử lý được vì cán bộ khó xử cán bộ chớ sao!

Thế nên, bạn đọc LeQuang mới ngậm ngùi: “Hỏi sao giờ đây cao nguyên đồi núi sạt lở ngập lụt! Tàn phá môi trường kinh khủng. Coi thường pháp luật và không ai có ý thức”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: