Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS).
Trong buổi làm việc với Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) về các lĩnh vực liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam mới đây, ông Đính cho biết hiện nay thị trường đã bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết, tuy chưa tới mức khủng hoảng như giai đoạn 10 năm trước, nhưng do những bất cập từ quản lý nhà nước, đến dòng vốn đang khiến thị trường tắc nghẽn.
Doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu tăng từng ngày và danh sách doanh nghiệp chậm thanh toán ngày càng kéo dài thêm do chưa có khả năng thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.
Bức tranh ảm đạm này như một dự đoán xấu về chuyện vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Ông Đính phân tích, giữa năm 2022, hàng loạt các thông tin cùng với những cơ chế, chính sách siết chặt thị trường bất động sản khiến nguồn cung sụt giảm mạnh, thanh khoản của thị trường ngày càng suy yếu.
Bước sang quý 1/2023, thị trường bắt đầu có chút khởi sắc nhờ chính phủ có động thái “tháo gỡ vướng mắc”, nhờ đó Ngân hàng Nhà nước được hạ lãi suất điều hành.
Mới đây nhất, việc quyết định tạm hoãn thực hiện một số quy định hạn chế cho vay trước những ý kiến phản hồi và đề xuất của các đối tượng tham gia thị trường cũng cho thấy nhiều sai lầm về chính sách của Chính phủ được sửa chữa. Số lượng nhà bán ra có tăng dù chậm, nhưng cho thấy có dấu hiệu về khả năng mua bán trên thị trường.
Ông Đính dự báo khả năng cao, thị trường sẽ có đợt điều chỉnh giá lớn vào cuối năm 2024, đầu năm 2025. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển trong trung và dài hạn và khác với quá trình phát triển mạnh mẽ như ở giai đoạn trước. Thị trường sẽ phát triển theo hướng ổn định, bền vững hơn.
Về sức khỏe doanh nghiệp, theo khảo sát của VARS, có khoảng 23% doanh nghiệp chỉ có thể “cầm cự” được hết năm nay nếu không có các chính sách điều hành vĩ mô, sự tác động mạnh mẽ của các chính sách.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dàn trải theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”, huy động vốn từ dự án này để phát triển dự án khác, do đó khi gặp vấn đề về nguồn vốn, hàng loạt dự án đã phải đồng loạt tạm dừng.
Đến thời điểm hiện tại, hệ lụy dễ thấy từ việc sử dụng đòn bẩy quá cao đã cho các doanh nghiệp bất động sản “bài học xương máu” để định hướng trong việc phát triển thị trường bền vững.
Nhiều doanh nghiệp sẽ phải bán bớt tài sản để có nguồn tiền trả nợ. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể “vực dậy” nếu quyết liệt tái cấu trúc nhanh hơn để giải quyết tận gốc các vấn đề gai góc mắc phải. (Theo Nhịp sống Thị trường)