Thủ tục đầu tiên của tân sinh viên: Tiền đâu?

Tân sinh viên trường ĐH Giao Thông Vận Tải TP.HCM (UTH) bị buộc phải mua ba bộ đồng phục vì quy định của trường buộc phải mặc đồng phục để kẻ gian khỏi trà trộn? – Ảnh UTH

Chưa nhập học, thế nhưng các tân sinh viên Việt Nam đã bị ép phải xì ra nhiều khoản tiền cho trường đại học (ĐH).

Vô lý nhất trong các khoản tiền là tiền mua đồng phục. Thật nực cười, khi sinh viên đã thoát khỏi bộ đồng phục thời tiểu học và trung học, giờ lên ĐH cũng phải mặc đồng phục? Có trường ĐH nào trên thế giới ép sinh viên mặc đồng phục do nhà trường tự lên kiểu, tự đặt may và ép sinh viên mua không?

Thế mà trường ĐH Giao Thông Vận Tải TP.HCM (UTH) buộc tân sinh viên phải đóng 1.1 triệu đồng ($45.6) tiền mua đồng phục (bao gồm hai áo sơ mi, hai quần tây, một bộ đồ thể dục và một dây đeo thẻ sinh viên).

Tân sinh viên N.T.H. nói với Tuổi Trẻ ngày 28 Tháng Tám 2023: “Vào đại học chứ đâu phải học sinh phổ thông mà nhà trường buộc phải mặc đồng phục. Tôi thật sự không hiểu sao phải mua tới tận ba bộ đồng phục. Thời học sinh tôi chỉ mặc áo trắng đồng phục, nay trường bắt mua cả quần áo và đến dây đeo thẻ sinh viên nữa”!

Còn N., tân sinh viên của UTH, phàn nàn với Dân Trí: “Em cố gắng học thật tốt để thi vào trường công lập cho học phí thấp. Thế nhưng, đọc hàng loạt khoản thu trên thông báo của nhà trường khiến em lo lắng. Em không hiểu, sao phải mua tới tận ba bộ đồng phục lên đến hơn một triệu đồng?”.

Nam sinh V.H. thì “rét run người” khi nghĩ phải đóng hơn một triệu đồng cho mấy bộ đồng phục mà em cho là không cần thiết. Tân sinh viên tính nhẩm, một triệu đồng chắt chiu cũng đủ tiền ăn được gần một tháng.

Còn P.P. (quê Bến Tre) thì hụt hẫng: “Để chuẩn bị là tân sinh viên, em đã mua rất nhiều đồ mới. Vậy mà trường buộc phải mua thêm ba bộ đồng phục. Em có nhắn tin hỏi bên tư vấn thì được trả lời là quy định mua đủ ba bộ.

Ai muốn mua thêm thì được chứ ít hơn lại không được. Nghe tới đồng phục là em ám ảnh. Trước đây khi đi học phổ thông, đồng phục có chất lượng vải, đường may thường xấu, em mua về chẳng dám mặc!”.

Ngoài học phí, tân sinh viên UTH buộc phải đóng nhiều khoản phí như đồng phục, sinh hoạt chính trị, thư viện khóa số, tin nhắn SMS… – Ảnh: UTH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng công tác sinh viên UTH, biện minh: “Khi bước chân vào cổng trường, sinh viên phải mặc đồng phục. Trường đào tạo các ngành đặc thù đòi hỏi tính kỷ luật rất cao.

Mặc đồng phục sẽ bảo đảm an ninh hơn, không để người ngoài trà trộn vào trường lấy đồ dùng, tư trang của sinh viên… Nếu không, các em có quyền lựa chọn nơi may, cung cấp. Nếu có sinh viên nào đã đóng tiền đồng phục nhưng muốn rút lại trường sẽ hoàn trả để tự trang bị” (?)

Trả lời Dân Trí, ông Tuấn khẳng định: Theo quy định của nhà trường, khi bước chân vào cổng trường UTH, sinh viên phải mặc đồng phục! – nghĩa là sinh viên không được chọn lựa.

Ông này còn lý giải: “Việc mặc đồng phục đến trường còn tôn trọng kỷ luật và không phân biệt giàu nghèo. Bên cạnh đó, UTH là nơi đào tạo về giao thông vận tải, đặc biệt là ngành hàng hải, đòi hỏi tính kỷ luật rất cao” (?)

Ai chả biết thời tiểu học, trung học, việc nhà trường ép học sinh mua đồng phục là một cách kiếm thêm tiền, nhưng thật bất ngờ khi cái trò “kiếm thêm tiền” mất giá trị nhà trường này được UTH học tập và làm theo, quyết không để sinh viên (lứa tuổi trưởng thành, muốn thể hiện cái tôi) tự lựa chọn trang phục đến trường!

Độc giả của Tuổi Trẻ, Dân Trí, diễn đàn VOZ, Tinh Tế… đều cho rằng thật phi lý khi trường ĐH bắt sinh viên mua đến ba bộ đồng phục để mặc, chưa kể giá 1.1 triệu đồng là đắt gấp đôi rồi. Độc giả Phát Nguyễn Ngọc mỉa mai: “Trong nhà chỉ cần một người làm hiệu trưởng, một người làm bên xuất bản sách giáo khoa và một người kinh doanh quần áo may sẵn, thì chỉ vài mùa tựu trường, cả nhà là… tỷ phú !”

Theo công ty Luật Minh Khuê: “việc nhà trường ép học sinh phải mua mới, may mới đồng phục là không đúng với quy định của pháp luật dân sự và vi phạm về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại điều 117 Bộ luật dân sự 2015. Tuỳ vào hậu quả và hành vi mà nhà trường thực hiện có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tân sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng làm thủ tục nhập học – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ngoài chuyện ép sinh viên phải mua đồng phục, UTH còn đòi hỏi tân sinh viên phải đóng những khoản tiền “trời ơi” khác như: “Bảo hiểm tai nạn 200,000 đồng, thư viện số toàn khóa 90,000 đồng, tin nhắn SMS một năm 80,000 đồng, sinh hoạt chính trị đầu khóa 150,000 đồng, hệ thống quét trùng lặp 150,000 đồng”!

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi với Tuổi Trẻ: “Chúng tôi thật sự không hiểu sinh hoạt chính trị đầu khóa mà trường cũng thu tiền? Các khoản tiền thư viện số, tin nhắn SMS, hệ thống quét trùng lặp… là gì? Phải chăng trường công bố không tăng học phí rồi thu các khoản này để bù lại?”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn trả lời: “Sinh hoạt chính trị đầu khóa” là sinh hoạt công dân đầu khóa căn cứ theo quy định của Bộ Giáo dục, nằm ngoài chương trình đào tạo, nên phải thu phí để nhằm trang trải chi phí cơ sở vật chất, công tác tổ chức, tài liệu, báo cáo viên (?)

Tương tự như “sinh hoạt chính trị”, hai khoản “tin nhắn SMS” và “thư viện số toàn khóa” nằm ngoài học phí, nên sinh viên phải đóng thêm.

Còn “hệ thống quét trùng lặp” là mỗi lần nộp bài thi hay bài nghiên cứu, học sinh phải kiểm tra quét trùng lặp trước khi nộp. Phí quét riêng đơn lẻ sẽ rất đắt (với luận văn, trung bình 200,000 đồng/lần), nên nhà trường thu phí quét trọn gói một năm học!

Ngoài những phàn nàn về các loại phí ở UTH, một trường công lập, tân sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng là trường công lập, phản ảnh với Tuổi Trẻ các em bị buộc phải mở tài khoản ngân hàng – do nhà trường chỉ định, khi đến làm thủ tục nhập học, dù các em đã có sẵn tài khoản ngân hàng rồi.

Cũng theo sinh viên, trường bố trí một khu vực riêng biệt cho tất cả thí sinh đến làm thủ tục nhập học, tại đây có nhân viên của ngân hàng yêu cầu sinh viên điền thông tin vào tờ khai đăng ký mở tài khoản.

Nữ sinh viên UTH giống … công nhân trên công trường xây dựng? – Ảnh: UTH

Một tân sinh viên bực bội: “Tờ phiếu đó với đủ thứ thông tin ràng buộc chi tiết, chúng tôi không thể biết bên trong có những nội dung gì. Ngoài ra, chúng tôi còn bị yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân như căn cước công dân và các loại giấy khác cho nhân viên ngân hàng.

Tôi thắc mắc thì các anh chị hướng dẫn nói là nhà trường bắt buộc phải làm thì mới cấp thẻ sinh viên. Tại sao trường lại ép buộc điều vô lý như vậy?”.

Nhiều tân sinh viên cũng nói rằng các em “chỉ muốn được làm thẻ sinh viên và không muốn cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bên thứ ba”.

Ông Nghiêm Quý Hào, phụ trách Ban truyền thông và quan hệ công chúng trường ĐH Tôn Đức Thắng, giải thích trường có liên kết với ngân hàng để phát hành thẻ sinh viên tích hợp trong thẻ ngân hàng. Thẻ tích hợp này được gắn chip, cho phép tùy biến phát triển các tính năng kèm theo.

Ông Hào biện hộ: “Trước đây, sinh viên mang theo bốn – năm loại thẻ (thẻ sinh viên, thẻ thư viện, thẻ giữ xe…), nhưng nay với thẻ tích hợp này chỉ cần một thẻ duy nhất. Sinh viên có thể dùng thẻ này để thanh toán học phí, đến thư viện… Việc mở thẻ này phía ngân hàng không thu phí”.

Bà Đặng Thị Kim Ánh, Trưởng phòng công tác học sinh sinh viên nhà trường, cho biết thêm: “Nếu sinh viên không có nhu cầu dùng thẻ tích hợp này vẫn được trường cấp thẻ sinh viên bình thường. Ngay cả sinh viên được cấp thẻ tích hợp nhưng không kích hoạt vẫn không sao”. Hy vọng là vậy.

Độc giả eleanor bóc mẽ: “Các trường giờ liên kết với ngân hàng, mở tài khoản là có hoa hồng chiết khấu. Làm ăn cả thôi. Nhiều trường không bắt buộc nhưng nói sẽ không hỗ trợ các ngân hàng khác, khác gì nhau đâu?”.

Độc giả Tiêu Phong kết luận: “Nói chung nếu gia đình không có điều kiện thì đừng nghĩ đến chuyện tham gia vào trường đại học. Còn có điều kiện thì qua Mỹ, Úc, Anh… mà học!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: