Một bà mẹ ở Quảng Ngãi nộp hồ sơ xin xác nhận tình trạng khuyết tật tâm thần của con, để hoàn tất hồ sơ nhập học lớp 1 cho con, chờ… 40 ngày vẫn chưa xong.
Tức mình, bà Giang, mẹ cháu V.T.P., đến Ủy ban phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) để hỏi thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ nói… do bận quá nên chưa trình lãnh đạo phường ký!
Ngày 21 Tháng Tám 2023, sau khi nhận được câu trả lời vô cảm của cán bộ phường, bà Giang đã gọi đến báo Tuổi Trẻ phản ảnh. Bà kể khi mua hồ sơ nhập học lớp 1 cho cháu P. tại trường tiểu học Nghĩa Chánh, bà có nói tình trạng khuyết tật tâm thần của cháu, nhà trường giới thiệu qua Ủy ban phường Nghĩa Chánh làm hồ sơ sức khỏe cho cháu P., vì đây là cơ sở để trường xếp lớp học phù hợp.
Ngày 3 Tháng Bảy, bà Giang đến Ủy ban phường Nghĩa Chánh hỏi thủ tục, ông Phạm Viết Tâm, cán bộ phụ trách lao động – thương binh và xã hội trên đưa mẫu để bà điền thông tin. Ngay hôm đó, Ủy ban phường xác nhận vào giấy giới thiệu để bà Giang đưa con đến bệnh viện Tâm Thần tỉnh Quảng Ngãi khám.
Ngày 5 Tháng Bảy, bệnh viện xác nhận cháu “chậm phát triển tâm thần nặng” và ngày 7 Tháng Bảy, bà Giang nộp giấy khám sức khỏe của cháu P. cho phường.
Thay vì hướng dẫn thủ tục luôn cho bà, ông Tâm hẹn bà ngày 10 Tháng Bảy. Ngày 10 Tháng Bảy, bà Tâm phải lên phường lần nữa mới hoàn thiện hồ sơ cho cháu P. nộp cho phường. Cán bộ Tâm bảo bà Giang về khi nào xong sẽ gọi điện thoại.
Chờ mãi chả thấy cán bộ gọi, bà đến phường ba lần để hỏi nhưng lần nào cũng không gặp được cán bộ Tâm. Như vậy, bà Giang đã mất sáu lần lên xuống phường!
Ngày 14 Tháng Tám khi xin được số điện thoại của cán bộ Tâm, bà Giang gọi hỏi thì cán bộ bảo… nhiều hồ sơ quá, con của bà tên gì? Bà Giang cẩn thận nhắn tin tên đứa trẻ cho cán bộ, và lại chờ.
Bức xúc, bà Giang phàn nàn với Tuổi Trẻ: Bà cần phường cấp giấy xác nhận khuyết tật tâm thần để nộp cho trường, giúp con được sắp xếp vào lớp đặc biệt, nhưng ngày khai giảng sắp tới mà phường vẫn chưa xác nhận dù nộp đã 40 ngày!
Khi Tuổi Trẻ làm việc với Ủy ban phường Nghĩa Chánh thì ông Lý Hồng Sơn, phó Chủ tịch phường này tỏ ra rất bất ngờ khi hồ sơ của cháu P. chậm đến 40 ngày?! Ông gọi cán bộ Tâm, thì ông này biện minh: “Chậm trình hồ sơ cho hội đồng phường xét duyệt bởi thời gian qua lo ngày Thương binh – Liệt sĩ (27 Tháng Bảy) bận quá”.
Thay vì buộc cán bộ Tâm này phải trình ký ngay thì ông Sơn chỉ… cam kết với bà Giang sẽ đốc thúc cán bộ phường trong tuần này sẽ cấp giấy xác nhận sức khỏe cho cháu P. đi học?!
Nghĩa là đến phường lần thứ bảy sau 40 ngày nộp hồ sơ mà bà Giang vẫn tiếp tục phải chờ!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho biết theo luật thì trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận đơn của công dân thì chủ tịch Ủy ban xã, phường phải triệu tập hội đồng xác định mức độ khuyết tật, trên cơ sở kết luận của hội đồng thì cấp giấy xác nhận khuyết tật cho công dân.
Thời gian “giam hồ sơ” của cháu P. quá 30 ngày như phường Nghĩa Chánh là quá chậm và trái luật, ngoài ra hành vi này còn là biểu hiện thờ ơ, vô cảm trong thi hành công vụ!
Có một điều không hiểu là việc trẻ bị khuyết tật tâm thần thì chỉ cần bệnh viện xác nhận là đủ chứ cần gì Ủy ban phường xác nhận nữa cho rắc rối? Rõ là thủ tục nhập học lớp 1 dành cho trẻ khuyết tật của các trường cũng hành phụ huynh!
Ngày 14 Tháng Bảy 2023, dưới bài báo “Thủ tướng: Bỏ ngay thủ tục hành chính ‘làm khó’ người dân, doanh nghiệp”, nhiều độc giả của Tuổi Trẻ đã nêu mình từng là nạn nhân của thủ tục HÀNH LÀ CHÍNH – từ cá nhân đi mua bảo hiểm y tế tự nguyện ở phường, làm căn cước công dân, xin xác nhận tình trạng hôn nhân hay doanh nghiệp đi làm thủ tục hải quan, xin cấp giấy phép mua bán hoặc xây dựng.
Độc giả Linh Thy hài hước: “Nếu tôi nhớ không lầm thì Thủ tướng đã có nhiều lần yêu cầu bỏ ngay những thủ tục, quy định hành dân như vậy, nhưng tại sao tình hình vẫn còn?”.
Ngày 25 Tháng Năm 2022, Tuổi Trẻ dẫn một kết quả khảo sát cho biết trong năm 2021, vẫn còn 61 địa phương, người dân phải đi lại trên bốn lần mới xong thủ tục giấy tờ. Bên cạnh đó, có đến 57 địa phương trả kết quả chậm, và công chức vẫn gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân.
Báo cáo đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021) ghi nhận có đến gần 60% người dân phải đi lại hai lần mới xong việc.
Có 61/63 tỉnh- thành phố để xảy ra tình trạng người dân phải đi lại từ 4 lần trở lên mới xong, và 57 tỉnh-thành phố luôn trả hồ sơ không đúng hẹn.Với tinh thần làm việc và trách nhiệm như thế, người ta không ngạc nhiên khi con số thống kê cho thấy chỉ có 4/57 tỉnh thành, biết “xin lỗi” người dân, dù không biết họ “xin lỗi” vì xấu hổ hay cho qua chuyện.
Báo cáo SIPAS 2021 cũng chỉ ra tình trạng nhận tiền lót tay trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước, vẫn là chuyện thường xảy ra.
Báo cáo cho thấy năm địa phương dẫn đầu cả nước về sự hài lòng của người dân, tổ chức trong cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tĩnh. Chính quyền Hà Nội, Đà Nẵng, và TP.HM không nằm trong top đứng đầu, mà chỉ xếp ở thứ hạng dưới trung bình: Hà Nội xếp thứ 30, Đà Nẵng xếp thứ 34, TP.HCM xếp thứ 39/63 tỉnh thành. Điều này cho thấy tổ chức nhà nước càng lớn, dân bị hành càng nhiều.
Cũng theo số liệu SIPAS 2021. Năm tỉnh Cao Bằng, Bình Phước, Bình Thuận, Quảng Bình, Đăk Lăk, là nơi cán bộ hống hách, hành dân nhiều nhất.
Dưới bài viết này, độc giả Tly493745 phản ảnh: “Làm căn cước công dân sau năm tháng mới có, hẹn đi lại sáu lần!”. Độc giả Sổ Hồng chua chát: “Nhà tôi làm sổ hồng (nhà) đi 52 lần trong hai năm!”. Còn độc giả Coc phát cộc: “Chỉ đơn giản việc mua bán xe mà phải đi ba chỗ, chỗ thứ nhất là ủy ban phường để xác nhận độc thân, chỗ thứ hai là phòng công chứng để công chứng mua bán xe, chỗ thứ ba là công an quận để sang tên xe!”.
Bởi thế ai cũng biết, chính quyền hành dân “lên bờ xuống ruộng”, cốt chỉ để dân xì tiền ra thôi.