Những cuộc đấu đá trên thượng tầng chính trị Ba Đình đã vượt ngoài tầm kiểm soát của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) và đẩy đất nước vào hỗn loạn cả về chính trị lẫn kinh tế.
Bấp bênh số phận Trương Thị Mai
Người theo dõi thời cuộc tưởng rằng cái lò tôn của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, đã tạm nghỉ sau khi đốt được hai thanh củi gộc Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, hai trong bốn “tứ trụ” của triều đình Cộng Sản. Đảng cần thời gian để thu dọn chiến trường, để ổn định tình thế và đưa người lấp vào những chiếc ghế trống. Nhưng không. Từ các vụ hối lộ ở tập đoàn Phúc Sơn (dính tới Võ Văn Thưởng), Thuận An (dính tới Vương Đình Huệ), lửa lại cháy sang dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng và giới thạo tin cho rằng có thể sẽ đốt cả Trương Thị Mai.
Bà Mai, hiện là thường trực Ban Bí Thư kiêm trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng, là một trong bốn người (Trọng, Chính, Mai, Lâm) có đủ “tiêu chuẩn” ngồi vào chiếc ghế quyền lực cao nhất, tổng bí thư đảng CSVN hoặc giữ một trong tứ trụ. Nhưng sau cuộc họp bất thường của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng và Quốc Hội hôm 2 Tháng Năm, bà Mai đã không được cử vào ghế chủ tịch Quốc Hội hoặc chủ tịch nước như đồn đoán; có thể do đảng chưa tìm ra người thay vị trí của bà ta ở Ban Tổ Chức và Ban Bí Thư, mà cũng có thể do bà Mai có vấn đề giống như các “đồng chí” Thưởng và Huệ. Nếu có thay đổi gì về nhân sự thì phải đợi đến kỳ họp Quốc hội bù nhìn sẽ diễn ra trong hai tuần nữa.
Tin đồn về khả năng bà Mai bị thất sủng rộ lên sau khi công an bắt giam ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ (bắt hôm 30 Tháng Tư nhưng 4 Tháng Năm mới công bố), sau khi đã tống giam các ông Trần Đức Quận, bí thư Tỉnh Ủy Lâm Đồng, và ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, hồi Tháng Giêng về tội nhận hối lộ. Trước đó, trong năm 2023, công an cũng đã bắt ông Nguyễn Ngọc Ánh, chánh Thanh Tra Tỉnh Lâm Đồng và bà Trần Bích Ngọc, vụ trưởng Theo Dõi Công Tác Thanh Tra, Giải Quyết Khiếu Nại, Tố Cáo, Phòng, Chống Tham Nhũng, Buôn Lậu, Gian Lận Thương Mại Và Hàng Giả của Văn Phòng Chính Phủ. Những vụ bắt bớ này đều liên quan đến dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh ở Lâm Đồng – một trong những dự án của bà Trương Mỹ Lan và ông Nguyễn Cao Trí, cả hai đã bị kết án trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát vừa xét xử sơ thẩm.
Con đường của dự án Đại Ninh trong 14 năm qua, bị hủy bỏ rồi được phục hồi, rồi sang tay qua vài đời chủ, phá nát hơn 300 hécta rừng, liên quan đến nhiều quan chức lãnh đạo của Lâm Đồng và chính phủ, trong đó có bà Trương Thị Mai. Nếu bà Mai bị cho về vườn thì rõ ràng cuộc khủng hoảng chính trị ở chóp bu đảng CSVN chưa có điểm dừng và hứa hẹn có thêm nhiều màn hấp dẫn cho dân chúng thưởng lãm.
‘Đốt lò’ đi về đâu?
Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”
Không cần nói ai cũng biết cuộc khủng hoảng chính trị ở chóp bu đảng CSVN đã có tác động rất xấu đến tình hình kinh tế đất nước. Cả guồng máy chính quyền gần như bị tê liệt, không ai làm việc vào lúc người dân và doanh nghiệp đang vật lộn với vô số thách thức từ hạn hán và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đến tình trạng phá sản và đóng cửa doanh nghiệp tràn lan ở các đô thị, đẩy hàng chục vạn người lao động vào bước đường cùng. Trên các mạng truyền thông, chỉ thấy người dân cứu nhau, lá rách ít đùm lá rách nhiều, trong khi chính quyền dửng dưng, vô cảm.
Đầu tư nước ngoài, cột trụ chính của kinh tế Việt Nam – mà xưa nay đảng Cộng Sản vẫn khoe khoang là nhờ chính trị ổn định – đang bắt đầu bỏ đi dù Việt Nam được kỳ vọng là điểm lựa chọn tốt nhất trong cuộc cạnh tranh quyết liệt Mỹ và Trung Quốc.
Mới đây, các ông Tim Cook của Apple, Jensen Huang của Nvidia đã đến Hà Nội nói những lời đường mật cho chủ nhà sướng rồi đem tiền và kỹ thuật sang làm ăn ở Malaysia, Indonesia. Ngó đi ngó lại, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gần như chỉ còn các nhà tư bản Trung Quốc; họ mở cơ sở ở các tỉnh miền Bắc, nhập hàng từ Trung Quốc, lắp ráp hoặc thay đổi bao bì rồi xuất cảng sang Mỹ và Châu Âu, lấy xuất xứ “made in Vietnam” để tránh mức thuế trừng phạt của chính phủ các nước này. Không phải vô cớ mà nhà báo Shuli Ren của hãng Bloomberg có bài nhận định “Chiến dịch đốt lò đã biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc!”
Từ đảng trị đến công an trị
Cái được của công cuộc đốt lò là ở chỗ mà ông Trọng không ngờ tới: Nó đốt cháy những tấm mặt nạ vàng son mà đảng CSVN che đậy bộ mặt thật gớm ghiếc của mình suốt mấy chục năm nay, để người dân thực mục sở thị bản chất của một đảng cầm quyền lúc nào cũng chỉ tìm cơ hội đục khoét tài sản quốc gia, trấn lột người dân, đàn áp nhân dân như một thế lực thực dân chiếm đóng và cản trở con đường tiến hóa của dân tộc. Ông Trọng từng nhắc nhở đàn em: “Đánh chuột không làm vỡ bình,” nghĩa là chống tham nhũng nhưng phải giữ lấy đảng và chế độ. Tiếc thay, chuột sống ở bình, bình nuôi toàn chuột, đánh chuột đến “thượng tầng” mà không “bể bình” là chuyện không có.
Nhưng do sai lầm từ căn bản, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã trao quyền lực hầu như vô hạn cho lực lượng công an “còn đảng còn mình,” kết quả là công an đã trở thành một thứ kiêu binh, tự đặt mình lên trên pháp luật và đạo lý, không ai kiểm soát được. Với hai trong “tứ trụ” bị cưa ghế trong chỉ hơn một tháng, công an đã chứng tỏ ngay cả Bộ Chính Trị đảng CSVN cũng không nằm ngoài quyền kiểm soát của họ. Có thể nói, ở Việt Nam bây giờ, chế độ độc tài đảng trị đã biến thành chế độ công an trị.
Ở thượng tầng, công an sử dụng thủ đoạn khống chế các lãnh đạo cao cấp từ đảng đến chính phủ và quốc hội; dưới xã hội, công an gia tăng đàn áp nhân dân, dập tắt mọi biểu hiện phản kháng. Ngân sách dành cho công an nhiều gấp 16.5 lần so với ngân sách ngành y tế; họ tự tung tự tác, từ đổi xoành xoạch thẻ căn cước, hộ chiếu, bảng số xe… làm xã hội thất điên bát đảo, đến tự xây phi trường riêng, rạp hát riêng, muốn làm gì thì làm không ai dám phản đối.
Mô hình nước Nga?
Chiếc “bình” đảng CSVN đang rạn vỡ, nhưng do đất nước chưa có một lực lượng chính trị khả dĩ tập hợp được nhân dân cho nên việc thay chế độ đảng trị bằng công an trị xem ra là khó tránh mà còn tai họa hơn rất nhiều.
Nếu tìm một mô hình thể chế gần với Việt Nam trong thời gian tới, có lẽ không ở đâu thích hợp hơn là nước Nga của ông Vladimir Putin hoặc Bắc Hàn của gia tộc họ Kim. Ở Nga, đảng Cộng Sản đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ngày 6 Tháng Mười Một, 1991, nhưng Vladimir Putin – một sĩ quan cao cấp của cơ quan tình báo khét tiếng KGB thời Xô Viết – đã từng bước thiết lập một chế độ độc tài, kết hợp bạo lực của công an với mô hình kinh tế thân hữu, bè phái.
Báo chí tự do bị tiêu diệt, các nhân vật đối lập chính trị bị ám sát, bị tù tội hoặc phải lưu vong ra nước ngoài, tài sản và tài nguyên quốc gia bị một đám đầu nậu, gọi là oligarch, cướp đoạt và chia chác cho nhau. Sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, Nga đã không đi theo con đường dân chủ và tiến tới thịnh vượng như các nước Đông Âu mà ngụp lặn trong vũng lầy chuyên chế suốt ba mươi năm. Với giấc mộng bá chủ thời Xô Viết, phục hồi đế chế Nga xưa cũ, ông Putin đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine để rồi chịu những tổn thất khủng khiếp và bị cả thế giới văn minh xa lánh… Bắc Hàn thì từ lâu đã là một thứ ngoại lệ của thế giới mà không ai muốn đặt chân tới.
Ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, có thể là một Putin của Việt Nam, cai trị bằng nòng súng, nhà tù và chủ nghĩa bè phái. Nhưng khổ nỗi, Việt Nam không phải là Nga; Việt Nam không có diện tích bao la, tài nguyên vô tận như Nga, cũng không có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất hành tinh và lá phiếu phủ quyết đầy quyền lực ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cho dù Việt Nam có trở thành một bản sao đầy lỗi của nước Nga thì đó cũng không phải là điều mà người dân mong mỏi.