“Trèo lên cây bưởi…”

Hay là “Tâm thức của người (bị) phụ bạc/Kẻ đi lừa” 
Hình minh họa: pexels-ratul-chakraborty

Dẫn Nhập.

Chúng tôi, những người sinh ở thập niên 40’s của thế kỷ trước, và những thế hệ trước hoặc sau hẳn ai cũng cũng từng nghe, đọc (thuộc) những câu ca dao: “Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân… Em lấy chồng rồi, anh tiếc lắm thay..” Và hầu như ai cũng (rất) bằng lòng về tình trạng “cô nàng đi lấy chồng- Anh chàng bị thất tình kia chỉ biểu lộ nỗi niềm thương tiếc nhẹ nhàng, vừa phải..”. 

Sinh trưởng, lớn lên, quen dần tinh thần, tâm lý cam chịu mất mát kia, những thế hệ người Việt (nếu) có nghĩ đến thì (cứ) coi như một mối thương tâm, thường tình tất nhiên! Tuy nhiên, cuối đời, suy nghĩ so sánh lại, người viết thấy ra: Nói vậy mà không phải là vậy – Mối mất mát ấy không chỉ giới hạn trong tình yêu trai gái mà là phản ảnh một tâm thức sâu xa mạnh mẽ hơn: Tâm thức của người bị phụ bạc/Cũng là người gây nên tình cảnh phụ bạc ngang trái thương đau. Bài viết dẫn chứng từ lịch sử, đời sống có thật từ, của Con Người – Những Người Việt Nam đã, đang sống cùng, nói đến. 

Một. 

Hai anh chị trẻ tuổi chịu cảnh lỡ làng, ngang trái trong câu ca dao “Trèo lên cây bưởi..” không phải bất ngờ vô cớ xuất hiện! Tình cảnh nầy đã được chuẩn bị rất xa từ huyền sử/lịch sử nước Nam lúc còn trong giai đoạn khuyết sử: Chuyện Mỵ Châu-Trọng Thủy với nhân vật huyền sử Mỵ Châu, con gái An Dương Vương Thục Phán, vua  nước Âu Lạc. Do Mỵ Châu đã tiết lộ thông tin quân sự (Chuyện Nỏ Thần) cho chồng là Trọng Thủy, con của Triệu Đà, đối thủ của Thục Phán. 

Truyền thuyết về Mỵ Châu-Trọng Thủy có thêm một chi tiết mang kịch tính cao độ, Mỵ Châu rải lông ngỗng cho chồng theo dõi, tìm kiếm khi cô công chúa chạy trốn cùng cha khi Thục Phán thất trận trước quân Triệu Đà (vì mất nỏ thần). Từ đây, huyền sử thuộc giai đoạn cổ đại của nước Nam đã cho thấy ra một điều: Tính bi thảm, cách lừa lọc của “cuộc tình sơ khởi” của Dân Việt/Lạc Việt không là một điều bất ngờ, ngẫu nhiên. 

Hình minh họa: pexels-văn-long-bùi

Chẳng phải tình ái của hàng ngũ cầm đầu tộc, bộ lạc, đơn vị gọi là “nước” mà ngay giữa chốn nhân gian cũng bàng bạc bao điều thương tâm, ngang trái: Chuyện Trầu – Cau với bi kịch của hai anh em Tân, Lang; chuyện ba vợ chồng Táo chết thảm khốc trong lửa.

Nhưng không chỉ có thế, từ huyền sử xa xôi, cổ tích truyền khẩu xa xôi kia đến tận thế kỷ 20, trong thơ văn trước, sau 1945 đã vang vọng những lời khóc than bi thảm, điển hình với Nguyễn Bính trong “Lỡ Bước Sang Ngang”: .. Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng. Người ta: Pháo đỏ rượu hồng. Mà tâm hồn chị: Một vòng hoa tang!!. 

Cô nàng 17 tuổi của Nguyễn Bính không “khóc” một mình mà có rất nhiều người đồng cảnh ngộ, hoặc khác hơn chút nhỏ chi tiết, nhưng đại khái vẫn là mối oan khiên của một cô nàng không toại chí/không lấy (được) người yêu thương: “.. Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân lạt lẽo với chồng tôi. Mà từng thu chết, từng thu chết. Vẫn giấu trong tim bóng một người…” qua bi kịch của “Hai Sắc Hoa Ti-gôn”, T.T.Kh. đã khóc hộ cho bao người cam phận “sống bên cạnh người chồng (không) yêu thương”

Quý độc giả lưu ý: Lần khóc than vật vã của cô nàng 17 tuổi trong thơ Nguyễn Bính; của người vợ trẻ vừa qua tuổi 20 trong Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.Kh. phải “.. vẫn đi bên cạnh cuộc đời với từng mùa thu chết..” không chỉ xẩy ra nơi Hà Nội, ở Việt Nam trước, sau 1945 mà đã là một “thảm kịch chiếm tầm vóc thế giới” với Un Amour Secret/Mối Ẩn Tình của Arvers.. “Mon âme a son secret, ma vie a son mystère..” được Khái Hưng chuyển sang Việt Ngữ một cách tài hoa: “Lòng ta chôn một khối tình. Tình trong giây phút mà thành thiên thu. Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu..” 

Không ngừng ở đây, lần “khóc thảm” tình ái nầy (vẫn) dội đến sau 1954 nơi Miền Nam, mà phải đến 1960 mới tàn lụi để nhường chỗ cho những mối “tình đau thương/phản kháng/hiện sinh” của một thế hệ người viết/đọc khác – Thế hệ của Túy Hồng, Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng… với đe dọa có thật gọi là “chiến tranh” – Nhưng đây là một chủ đề khác không thuộc chủ điểm của bài viết nầy. 

Hai. 

Cũng cần nêu thêm khía cạnh: Gã đàn ông bị khinh thị/coi thường (trong hệ thống (bị) phụ bạc trình bày ở phần Một) cũng có lúc trả thù lại không “thương tiếc” với cách tàn nhẫn:Thôi thế là em đã có chồng. Anh về lấy vợ thế là xong. Tạm lấy cho đêm đỡ lạnh lòng!” Chúng tôi không rỗi công bày đặt chuyện “chữ nghĩa”, vô cớ chẻ sợi tóc ra làm tư, làm tám, nhưng từ sự việc, con người vừa kể ra từ Tây qua Đông (trong phần Một) đã cho thấy ra một quá trình tâm lý phổ quát: Con Người – Tất cả Con Người đã được/bị TẬP LÀM QUEN SỰ KHINH MIỆT ĐỐI VỚI BẢN THÂN CON NGƯỜI – Không trừ một ai trong ấy có mỗi người Việt Nam. 

Từ The Times of Indifference/Thời Đại của Sự Dửng Dưng của Alberto Moravia đến L’Étranger/Người Khách Lạ của Albert Camus: Màn khinh miệt con người toàn diện, cùng khắp thể hiện qua chữ nghĩa, văn học, triết học trên phạm vi toàn cầu – Con Người/Tất cả Con Người bị khinh miệt mỗi nơi một cách, một cường độ khác nhau – Khinh miệt ngay từ bản thể, trong (tự) định giá bản thân và tha nhân.

Vì đã có một thời kỳ rất lâu, từ châu Âu qua châu Mỹ, tràn châu Á câu thần chú của J.P. Sartre: “Địa Ngục là Kẻ Khác/L’enfer: C’est L’Autre đã hướng dẫn rất đông con người địa cầu trong một thời gian dài – Rất dài – Dài đến hôm nay, thế kỷ 21 cụ thể rõ ràng tại Mỹ, xứ sở văn minh kỹ thuật đạt tới điểm cao nhất với “thời trang” rách rưới xé nát; những ý niệm đạo đức tôn giáo, xã hội bị vất bỏ; giá trị lịch sử, dân tộc bị coi khinh, phá hủy… 

Hình minh họa: pexels-sheep

Từ những vong thân tệ hại kể trên, chúng ta thấy ra điều cốt lõi: Tại sao Con Người bị khinh miệt – Bởi Thượng Đế đã bị giết – Thượng Đế bị thanh toán từ thế kỷ 19 từ (mối) nghi hoặc trong tiểu thuyết của Dostoevsky (1821-1881) đến khẳng định của Nietzsche (1844-1900): Thượng đế đã chết! Hiện thực với Chủ Thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin (1809-1882) bằng “vũ khí kính hiển vi” của thế kỷ 19 có khả năng nhận dạng được vi trùng.

Darwin không hề có kiến thức cơ học về quá trình tiến hóa; cũng chưa hề thấy ra diễn tiến của quá trình tiến hóa trong thiên nhiên – Tất cả chỉ là lý thuyết – Mà càng ngày càng lộ rõ thô thiển, sai lạc bởi khả năng tiến bộ trong lãnh vực sinh-lý-hóa của thời đại khoa học lượng tử hôm nay! 

Tóm lại, từ chữ nghĩa, triết học, văn học, khoa học của thế kỷ 19 đã vang vang một đắc thắng (tai hại/tai họa) của phận người qua cách (tự) đánh giá đầy kiêu hãnh: Tôi là kẻ VÔ THẦN! của lớp lớp thành phần gọi là “trí thức phản kháng” Âu Mỹ suốt hai thế kỷ trước cho tới hiện nay, thế kỷ 21.

Đến đây có thể kết luận: Không phải là vấn đề chữ nghĩa lãng mạn/ái tình trai gái/đời sống vợ chồng như phần Một đã bàn đến, nhưng do từ quá trình con người bị/tự khinh miệt, đặt bản thân vào vị thế bị thất bại/bị đánh lừa đưa đến Tình thế Vong Thân Chính Trị với tai họa có thật gọi là Chiến tranh – Chủ Nghĩa Cộng Sản – mà Con Người/Người Việt Nam không có khả năng thanh toán lật đổ. Việt Nam, nơi đất lửa nhận đủ vô lượng bom đạn của Chiến tranh và Sự Ác Cộng Sản từ 1945 mãi đến hôm nay. 48 năm sau ngày 30/4/1975. Chúng tôi tiếp trình bày phần thứ Ba.

Ba.  

Sau kết thúc Quốc Dân Đại Hội tại đình làng Tân Trào, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang ngày 16/8/1945, để chuẩn bị cho lần “cướp chính quyền” tại Hà Nội, 19 Tháng 8; ông Hồ bế lên một em bé (hình còn lưu giữ, được quảng bá rộng rãi) và có lời trang trọng: “Đời tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng như em bé nầy có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị (?), các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo từ các địa phương trong cả nước (??) và Việt Kiều ở Thái Lan, Lào (Sic!) về dự đại hội họp ai cũng cảm động, có người bật khóc vì lời nói chí nhân.

Bảy-mươi bảy năm sau, 31 Tháng 12, 2022, cũng 48 năm sau ngày “giải phóng Miền Nam”, 30 tháng 4, 1975 xẩy ra sự việc cháu Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi chết thảm ở Đồng Tháp. Nhưng không chỉ có thế, bởi từ năm 1945, 1946 xa xôi kia; trước, sau 1954 nơi Hà Nội ở đất Bắc; sau 1975 khắp cả nước những chuyện thương tâm/bình thường luôn xẩy ra hằng ngày với con trẻ. 

Hình minh họa: pexels

30 Tháng 4, 1975, bốn quân đoàn Cộng sản Bắc Việt gồm 16 sư đoàn bộ đội chính quy tập trung đánh vào Sài Gòn, gồm thâu đất nước thành một mối – Một mối hận thù. Một mối đau thương (thơ Nguyễn Chí Thiện). Từ đấy hình thành chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, sạch bóng quân xâm lược Mỹ, đánh tan tập đoàn Ngụy Quân-Ngụy Quyền.

Toàn Miền Nam, điển hình ở Sài Gòn thành phần thắng trận, lực lượng quân sự đến từ Hà Nội hiện thực “quyền cướp của/quyền giết người” nhằm xây dựng sự nghiệp “Vì độc lập. Vì tự do. Vì hạnh phúc đời đời con cháu mai sau!!”. Và một bên, tập thể những người trần trụi tuyệt vọng, Dân-Lính của một đất nước thất trận không cơ may khoan thứ, không phương tiện chống giữ, không hy vọng thoát thân.

Đau thương hơn họ không chịu thảm họa riêng của mình mà cùng lần những thân thích ruột thịt – Những con trẻ phần đông chưa tới 10 tuổi – Con nhỏ của thế hệ đứa bé mà ông Hồ bế nơi đình Tân Trào, 16 tháng 8, 1945 với lời nhân hậu, nay trưởng thành và (nếu) còn sống sau chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” 1960-1975. 

Nầy đây, hãy nghe câu chuyện về hai con nhỏ của tử sĩ Nguyễn Văn Thuận, đơn vị sư đoàn Nhảy Dù, quê Long An: “Thằng Nô, 12 tuổi, Phát 14 tuổi cùng mẹ đi vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười, nhưng đời sống quá cực nhọc, và không đủ ăn, người mẹ dẫn hai đứa con về Sài Gòn sống lang thang.

Nô và Phát thường khoe rằng, cha chúng đi lính, mặc áo hoa rừng chết vào mùa hè 1972. Gần đến ngày giỗ cha, chúng cố “làm ăn” để có nhiều tiền để về Long An thăm mẹ. Vào một đêm nọ, hai anh em thằng Nô, Phát lặng lẽ mở nắp cống chui xuống, khoảng vài ba giờ sau sấm chớp rầm rầm, một trận mưa như vũ bão đổ ào xuống, kéo dài cho đến sớm. Bình thường, hai anh em thằng Phát vẫn ở lâu hơn bạn bè dưới cống, nhưng sao giờ nầy chúng nó vẫn chưa lên?

Thôi rồi, đám bắt cá báo động, chẳng đứa nào thấy anh em thằng Nô. Cho đến, ba mươi-ba ngày sau, một đứa khác đang lội bì bõm ở ống cống gần chợ Cầu Ông Lãnh tìm cá, bất ngờ đụng phải một cái gì giống như “trái dừa”; soi dưới ánh đèn, nó hét lớn và bỏ chạy. Nó vừa lượm một cái đầu lâu! Đội dân quân gác chợ mở cống tìm xác hai đứa nhỏ, cuối cùng chỉ nhặt được một khúc đùi đã thối rữa, và nửa thân người còn lại. Bọn trẻ nhận ra cái quần đùi màu đỏ của thằng Phát, bên trong còn ít tiền gài kim băng cẩn thận. Tiền thằng Phát để dành về quê giúp mẹ làm đám giỗ cha”. 

Không chỉ giới hạn với con trẻ, người Miền Nam, năm 2019, 39 thanh niên nam nữ Miền Bắc (sinh sau 1975), gồm trẻ vị thành niên, ra đi từ Nghệ An, sau cuộc hành trình dài (chính thức, trả giá đắt (?)) từ sân bay Nội Bài, Hà Nội, qua lãnh thổ Trung Cộng, Nga, đến Đông Âu…

Cuối cùng, nhóm người đi kiếm sống lên xe tải đông lạnh vượt biên giới vào đất Anh tại cửa khẩu Essex. 39 người trẻ tuổi dần chết do ngạt thở và khí lạnh. Báo chí nhà nước Hà Nội đưa tin “trung trực”: Chính phủ Anh lập tòa án xét xử tài xế xe tải do tội đưa người nhập cư trái phép vào Anh có sự cộng tác điều tra của công an nhân dân nhà nước Hà Nội! Song song với 39 người chết ở cửa khẩu Essex, còn có 50 người khác chết ở vùng Đông Âu (có nhiều người Việt chưa xác định danh tánh). Còn bao nhiêu người (chết thảm) khác nữa?

Chỉ biết nhóm (người Việt) tổ chức, buôn người, chuyển người trái phép đầy dẫy các cấp ở Hà Nội đến các tòa đại sứ ở Đông Âu và những nơi nào nữa? Bởi đưa người ra nước ngoài (hợp pháp và bất hợp pháp) là một chủ trương lớn của đảng mà nhà nước Hà Nội đã thâu được một số lượng kiều hối rất quan trọng – Niên khóa 2022, đảng, nhà nước thâu được 19 tỷ Mỹ kim kiều hối!     

Hình minh họa: pexels-jorryn-morais

Những trẻ nhỏ có tên Nô, Phát… từ những câu chuyện trên (Phan Minh Hiển-Nguyễn Văn Huy Những Mảnh Đời Rách Nát- MN, US. 1999) kể đến nay, qua thế kỷ 21 nếu còn sống đang ở độ tuổi 50, 60. Hóa ra câu chuyện ở Việt Nam/Nơi Miền Nam về những trẻ nhỏ thảm tử gần nửa thế kỷ đi qua không hề cũ, 48 năm sau ngày “giải phóng Miền Nam”.

Căn nhà xiêu vẹo hiện nay của gia đình anh Thái Văn Tấn Tài cha của Hạo Nam cho chúng ta nhận định: Đấy là hậu quả của cách cướp nhà/đất đã, đang hiện thực từ sau “đổi mới” 1986, được hợp pháp hóa nên thành một chủ trương lớn của đảng thực hiện từ Bắc xuống Nam nơi Giáo xứ Thái Hà, Dương Nội, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Nam, Thủ Thiêm, chùa Liên Trì, vườn rau Lộc Hưng..v.v. 

Và 39 người tuổi trẻ ở Nghệ An biết làm gì khác hơn khi môi trường biển, ngư trường đánh cá truyền thống bị nhà máy Formosa hủy hoại – Nhưng lại là một “Điển hình tiên tiến”, đánh giá của TBT Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm trong năm 2016. Trọng đến thăm Formosa cốt để bao che cho bí thư Nghệ An Võ Kim Cự an toàn qua Canada lánh nạn, hưởng tài sản từ “sự nghiệp tiên tiến” bán Formosa cho người Hoa.    

Kết luận: 

Cháu Thái Lý Hạo Nam chết trong lòng ống cống Cầu Rọc Sen là thế hệ thứ ba Con Trẻ Việt Nam đã chứng nhận: Lịch Sử/Lịch Sử viết và thực hiện bởi người và chế độ cộng sản là một điều bất biến của Tính Ác – Tính Ác hôm nay nơi Xã Phú Lợi, Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp có xuất xứ từ cây đa Làng Tân Trào, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang với mục tiêu mà người gọi là  “bác Hồ” đã trang trọng tuyên hứa:  “Đời tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc..”. 

Ông Hồ không thể một mình trình diễn chuỗi trường thiên bi thảm kịch Việt Nam từ 2 Tháng 9, 1945 qua những thời điểm 1954, 1960, 1968, 1972, 1975… nhưng bởi ông ta có được một hệ thống trung ương đảng, những “học trò “ được đánh giá là “kiệt xuất” điển hình với Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ… tiếp tục, phát triển sự nghiệp. Và sau 1975 với Lê Khả Phiêu, Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Tấn Dũng và hiện nay với Nguyễn Phú Trọng, giữ chức TBT nhiệm kỳ thứ ba, chủ tịch nước lần thứ hai. 

Tổng Bí thư Trọng, người thản nhiên, tự tin, tiến hành việc “đốt lò/chống tham nhũng” suốt hơn 10 năm qua thanh toán dần những đối thủ chính trị: Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng, và một khuôn mặt mới, Nguyễn Xuân Phúc, vừa được giữ chức chủ tịch nước chưa kịp ổn định.

Trọng không hành xử một mình, y ta lập lại cách thức gia trưởng, tổng lý, làng xã, miền Bắc của thế kỷ trước với những tay em đã thấm sâu tập quán/tâm thức vong thân chính trị mà Dân Tộc Việt đã nên quen: Tự lừa dối hoặc đánh lừa người – Dối gạt từ trái tim, tiếng nói của chính bản thân. Thói quen mà khối đông người Việt/Đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đã bị nhiễm từ 2/9/1945, 20/7/1954, sau 30 Tháng 4, 1975 càng ngày càng nặng. Không phải chỉ là chuyện vợ chồng, trai gái, thương khóc tình ái như mới nghe qua. Hoàn toàn không phải vậy! 

California, 1 Tháng 2, 2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: