Việt kiều yêu nước về quê, nhưng Việt cộng không yêu

Kiều hối – tiền “tươi” từ thế lực thù địch (Openstock.vn)

Không chỉ bị Việt cộng lừa, bị chiếm đoạt hết tài sản, mà Việt kiều về Việt Nam còn bị bắt giam vì những bản án oan ức

T ông Vit kiu may mắn ‘được xin lỗi’ sau 34 năm

Hồi cuối Tháng Năm, ông Lâm Hồng Sơn, 68 tuổi, một Việt kiều Mỹ, được chính quyền CSVN xin lỗi công khai tại Ủy Ban Phường Vĩnh Mỹ, Châu Đốc – quê hương của ông.

Nguyên nhân vụ việc xảy ra từ cuối thập niên 80, khi ông Sơn từ Mỹ về Việt Nam hợp tác làm ăn với công an tỉnh An Giang để mở xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc.

Theo hợp đồng, Tháng Tư năm 1988, ban chỉ huy Cảnh Sát An Giang lo phần đất đai mặt bằng và thủ tục pháp lý, còn ông Sơn đầu tư 30 cây vàng xây cất nhà xưởng và mua sắm thiết bị để hoạt động và nộp khoán 1.5 triệu VNĐ/tháng cho Công An Tỉnh.

Sau đó ông Sơn được giao làm giám đốc xí nghiệp, có tên là Ancresdo. Hơn một năm sau, Công An An Giang dùng mặt bằng này liên doanh với đối tác Thái Lan, lập Công ty Ancresdo để kinh doanh dịch vụ. Họ tiếp tục cho ông Sơn làm giám đốc Ancresdo.

Nhưng đầu năm 1990, công ty Ancresdo và Công ty Kinh Doanh Tổng Hợp Huyện Thủ Thừa (Long An) thực hiện hợp đồng mua bán sắt trị giá 200 triệu VNĐ (thời giá năm 1990), Công An tỉnh An Giang thông báo ông Sơn không phải giám đốc Ancresdo. Do vậy, ngày 10 Tháng Một 1990, ông Sơn bị Công an tỉnh Long An khởi tố, bắt tạm giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

Trong lúc ông Sơn đang bị Công An Long An giam, thì Công An An Giang gửi biên bản “xin mượn bị can hai ngày để làm việc” nhưng họ lại giam ông Sơn thêm ba tháng tù. Sau khi Công An An Giang trả ông Sơn lại cho Công An Long An, ngày 16 Tháng Năm 1990, Công An Long An trả tự do cho ông Sơn và đình chỉ điều tra bị can với lý do hành vi của ông Sơn “không cấu thành tội phạm.”

Ngay sau khi được trả tự do, ông Sơn đã làm đơn kiện Công An tỉnh Long An. Vụ án được toà án tỉnh Long An thụ lý vào Tháng Mười Một năm 1990. Nhưng ngày 15 Tháng Mười Hai, khi ông Sơn đến toà để làm việc thì lại tiếp tục bị công an tỉnh An Giang bắt giam với cáo buộc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Sau đó, viện kiểm sát tỉnh An Giang chuyển tội danh của ông Sơn thành tội “trốn thuế.”

Tuy nhiên sau một năm tạm giam thì cơ quan điều tra không thể chứng minh được hành vi phạm tội của ông Sơn. Cho nên Tháng Mười Một năm 1991, Viện Kiểm Sát tỉnh An Giang ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ bị can và trả tự do cho ông Sơn.

Trong thời gian bắt giam ông Sơn, Công An tịch thu toàn bộ hàng hóa, nhà xưởng công ty của ông. Khi ra tù thì cơ nghiệp không còn gì. Cuộc sống gia đình bị đảo lộn hoàn toàn từ khi ông bị bắt oan. Tài sản tiêu tan, ông phải bán căn nhà ở quận Nhứt, Sài Gòn, để trang trải cuộc sống, lo cho các con và làm kinh phí cho hành trình đòi lại công lý.

Ông Sơn nộp đơn khởi kiện Công An tỉnh An Giang để đòi lại tài sản, gồm giá trị xí nghiệp thức ăn gia súc do ông bỏ vốn đầu tư với tổng giá trị 30 lượng vàng và 217 triệu VNĐ. Cùng với đó là phải trả lại cho ông vốn đầu tư 1.2 tỷ VNĐ và bồi thường giá trị xuất khẩu theo hợp đồng bị thiệt hại là $3.3 triệu. Tổng số tiền ông khiếu kiện là gần $4 triệu.

Trường hợp của ông Sơn, rõ ràng cơ quan công an cố tình lừa ông Sơn đầu tư tiền của cho nhà nước rồi bắt giam, chiếm đoạt hết tài sản của ông. Theo kiểu vừa ăn cướp vừa la làng, lừa hết tiền của người dân rồi lại bắt dân phải ở tù.

Trước ông Lâm Hồng Sơn, cũng có một Việt Kiều từng bị nhà nước CSVN lừa hết tài sản và bắt giam, là ông Trịnh Vĩnh Bình. Nhưng may mắn hơn ông Sơn là ông Bình đã không bị giam giữ và có thể bỏ trốn khỏi Việt Nam trong thời gian tại ngoại. Và sau nhiều năm kiện cáo ông Trịnh Vĩnh Bình thắng được chính phủ Việt Nam tại toà án quốc tế. Tuy nhiên phía CSVN chỉ mới đền bù $45 triệu, trong khi ông Bình đòi bồi thường tối thiểu là $1.25 tỷ.

Tới những vụ án tiền mất tật mang

Trên đây chỉ là hai trường hợp may mắn, đã thắng kiện và phục hồi danh dự. Vẫn còn nhiều trường hợp Việt Kiều mang tiền về Việt Nam đầu tư và mất trắng, thậm chí thân bại danh liệt. Như vụ án ông Nguyễn Văn Đức, Việt kiều Pháp mang tiền về Lâm Đồng đầu tư.

Ông Đức sanh năm 1947, quê ở Vĩnh Long, lớn lên ở Sài Gòn. Sau năm 1975 qua Pháp hành nghề nha khoa. Tới năm 1998, ông đem tiền về Việt Nam mua đất đầu tư với mong muốn đóng góp cho quê hương.

Lúc đó, CSVN kêu gọi kiều bào mang tiền về xây dựng quê hương, nhưng không cho Việt kiều được đứng tên tài sản, nên ông Đức gửi tiền mua đất rồi nhờ một người anh đứng tên khu du lịch sinh thái rộng 30 hecta ở khu vực tác Dambri (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Ba căn nhà mặt tiền ở thành phố Bảo Lộc, và một dự án du lịch sinh thái 20ha ở xã Đại Lào (TP Bảo Lộc), ông nhờ một người cháu họ đứng tên giùm. Tổng số tiền những năm 2000 mà ông Đức gửi về là gần 15 tỷ VNĐ sau bao nhiêu năm tích góp ở trời Tây.

Nhưng dự án 30 hecta do người anh đứng tên bị người này chiếm đoạt và bán cho người khác. Sau đó ba căn nhà mặt tiền và dự án 20 hecta đất còn lại cũng bị đứa cháu dùng thủ đoạn thâm độc để chiếm luôn toàn bộ. Oan ức nhất có lẽ là lúc đang ra tòa đòi đất đòi nhà với cháu mình, ông Đức lại dính vào vụ án “giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi” dẫn đến mang thai (năm 2013).

Theo ông Nguyễn Văn Đức thì vụ án xảy ra lúc ông mới mổ tim ở Pháp về. Bác sĩ kết luận ông không còn khả năng sinh lý, liệt dương, thì làm sao có thể giao cấu được. Mặt dù không đủ chứng cứ, kết quả giám định ADN mô thai không thể chứng minh ông Đức là thủ phạm; nhưng tòa án tỉnh Lâm Đồng vẫn xử ông Đức 5 năm tù vào năm 2015. Nhưng sau đó, tòa án tối cao tuyên hủy án sơ thẩm vì không đủ căn cứ buộc tội.

Mặc dù tòa tuyên hủy án nhưng cơ quan công an vẫn “điều tra bổ sung” để siết tội ông Đức. Vụ án cho tới nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa kết thúc, danh dự của ông Đức vẫn chưa thể phục hồi. Đó là chưa kể những tài sản trong các vụ án tranh chấp đất đai của ông Đức với người thân vẫn chưa giải quyết xong. Có thể thấy sau 20 năm đem tiền về quê hương, ông Việt kiều này chẳng những tiền mất tật mang mà còn gặp án oan, sa lầy vào kiện tụng, có lẽ phải đem đơn tố tụng tới cuối đời, nhưng cũng chưa chắc giành lại được những gì đã mất.

Mới đây nhất, Viện Kiểm Sát Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Dũng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.” Theo đó, từ năm 2007 tới 2008, ông Dũng lừa ông Triệu Trọng A. (Việt kiều Canada) số tiền hơn 20 tỷ VNĐ để đầu tư dự án và mua cổ phần các công ty tại Việt Nam. Sau đó ông Dũng trốn tránh và cắt liên lạc với ông A. Mãi tới ngày 4 Tháng Mười 2023, ông Dũng mới ra công an đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội. Có lẽ vụ kiện sẽ kéo dài và việc đòi lại 20 tỷ của người Việt kiều Canada sẽ rất nhiêu khê.

Và nhiều nguyên nhân khác

Ngoài việc bị nhà nước CS lừa hoặc bị người thân chiếm đoạt tài sản, Việt Kiều về Việt Nam đầu tư còn mất tiền vì nhiều lý do khác. Thứ nhất là môi trường kinh doanh tại Việt Nam không giống với nơi mà người Việt Kiều từng sinh sống. Ví dụ gần đây nhiều bạn trẻ đi sang Nhật Bản, Nam Hàn làm việc và dành dụm được một số vốn, quay về Việt Nam kinh doanh thì gặp thất bại. Lý do là xã hội, pháp luật Việt Nam hoàn toàn khác biệt với các nước phát triển.

Thứ 1, Đầu tư kinh doanh tại Việt Nam không phải chỉ là thỏa mãn nhu cầu khách hàng, mà còn phải thỏa thuận với nhà cầm quyền. Tùy mỗi ngành hàng mà phải nộp tiền “hụi chết” (tiền hối lộ) cho cán bộ quản lý ngành đó. Ví dụ mở nhà hàng thì hàng tháng chi tiền cho cán bộ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, cán bộ thuế vụ, công an phường xã, công an quận huyện, lãnh đạo địa phương, ngoài ra thỉnh thoảng có nhà báo, phóng viên tới thì vẫn phải gửi “bao thư.” Những ngành khác cũng vậy. Mặc dù phải nộp tiền hàng tháng, nhưng nếu có bị thanh tra đột xuất gì thì vẫn phải chi thêm tiền hoặc chịu trách nhiệm pháp luật.

Thứ 2, phải hợp tác với cộng sản trong các thương vụ lớn. CSVN rất dè chừng những nguồn tiền có yếu tố nước ngoài. Nên nếu mang tiền về đầu tư mà không có “quà bánh” với lãnh đạo các cấp thì chắc chắn sẽ bị công an “tới lui” thường xuyên gây khó dễ. CSVN quá quen thuộc với thói làm việc quan liêu, tham nhũng, nên những ai quen với môi trường làm ăn trong sạch thì nhất định sẽ gặp khó khăn.

Thứ 3, pháp luật Việt Nam hiện nay không rõ ràng và được sử dụng một cách tùy tiện. Người dân thường ví Việt Nam có một “rừng luật,” công an thích dùng “luật rừng” này. Khi có tranh chấp tài sản, bên nào chung chi nhiều hơn, bên đó thắng. Khi có mâu thuẫn trong làm ăn với đối tác, họ có thể sử dụng xã hội đen để giải quyết vấn đề thay vì nhờ công an vào cuộc. Thậm chí, công an vào cuộc cũng không khác gì xã hội đen.

Ngoài ra, mỗi địa phương lại áp dụng một cách làm luật khác nhau, mỗi cán bộ lại hiểu luật theo một hướng khác nhau, tùy theo trình độ thực tế của họ. Cán bộ CSVN có bệnh “nói một đường làm một nẻo,” nên thường xuyên hướng dẫn người dân theo hướng này, nhưng khi xử lý, thanh tra lại làm theo hướng khác. Ông chủ tịch chỉ đạo thế này, nhưng ông công an lại làm thế kia…

Đó là chưa kể nếu Việt kiều tìm cách bắt tay với hệ thống tham nhũng của Việt cộng mà bị các nước phương Tây phát hiện thì coi như hết đường làm ăn với xứ văn minh. Vì vậy, Việt kiều muốn mang tiền về Việt Nam làm ăn, cần cân nhắc trước viễn cảnh “tiền mất tật mang.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: