Việt Nam: Một xã hội thiếu tính nhân văn vì bị ám ảnh về sắc đẹp

Hoa hậu Thế giới Việt Nam Huỳnh Trần Ý Nhi vừa đăng quang đã bị “mổ xẻ” tơi bời chung quanh những phát ngôn ảo tưởng về quyền lực của hoa hậu – Ảnh: VietnamNet
Thời Sự
Thời Sự
Việt Nam: Một xã hội thiếu tính nhân văn vì bị ám ảnh về sắc đẹp
/

Không nước nào trên thế giới lại có nhiều cuộc thi sắc đẹp như ở Việt Nam, không chỉ dành cho nữ trẻ mà còn dành cho nữ trung niên (hoa hậu doanh nhân, hoa hậu quý bà); kể cả dành cho nam (Nam vương Việt Nam 2010) và cộng đồng LGBT (Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2019).

Đặc biệt, cứ sau mỗi cuộc thi sắc đẹp của nữ giới thì truyền thông báo chí, cộng đồng mạng lại ồn ào tranh cãi về người thắng cuộc, xoay quanh ngoại hình hay những phát ngôn của người đó. Những điều này cho thấy dường như xã hội Việt Nam quá ám ảnh về sắc đẹp mà không biết rằng đó là một căn bệnh.

Nước có nhiều loại hoa hậu và “siêu mẫu” nhưng chẳng biết ai là ai

Có thể nói rằng Việt Nam là nước có nhiều phiên bản hoa hậu, nhiều “siêu mẫu” nhất trên thế giới. Chỉ tính trong năm 2022, Việt Nam có 25 cuộc thi sắc đẹp, với nhiều tên gọi khác nhau như là Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam, Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam, Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam…

Còn trong năm 2023, cho đến đầu Tháng Tám, đã có sáu cuộc thi hoa hậu như Hoa hậu Sắc đẹp quốc tế, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Grand Vietnam), Hoa hậu Hòa bình quốc tế (Miss Grand International), Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều hoa hậu, rất nhiều “siêu mẫu” nhưng hầu hết những gương mặt này đều na ná nhau, không phân biệt được ai là ai, trừ hoa hậu H’Hen Niê vì sự khác biệt của cô.

Trong số các hoa hậu của Việt Nam, chỉ có H’Hen Niê là được nhớ đến nhiều vì sự khác biệt của cô – Ảnh: Thanh Niên

Khi các cuộc thi sắc đẹp kết thúc cũng là lúc truyền thông trong nước và cộng đồng mạng lên cơn sốt bàn tán, thậm chí chỉ trích người thắng cuộc, từ ngoại hình cho đến cách ứng xử. Điển hình là truyền thông và cộng đồng mạng trong nước từng chế nhạo Lê Âu Ngân Anh – Hoa hậu Đại Dương năm 2017 là “cá chùi kiếng”, rồi chế nhạo H’Hen Niê – Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam năm 2017 là “viên ngọc đen”.

Còn những ngày qua, truyền thông báo chí, cộng đồng mạng không ngớt chế nhạo người giành danh hiệu cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam là Huỳnh Trần Ý Nhi vì hàng loạt phát ngôn thiếu kiềm chế của cô “bông hậu” mà họ cho là “ăn nói sà lơ” (chữ của cộng đồng mạng dành cho những phát ngôn bừa bãi).

Thật ra ngay cái tên gọi của cuộc thi hoa hậu này đã tự nói lên bản chất “sà lơ”: “Hoa hậu Thế giới Việt Nam” là sao?

Mặt khác, truyền thông báo chí, cộng đồng mạng cũng “sà lơ” chẳng kém khi xâu vào chỉ trích những phát ngôn của hoa hậu, thậm chí còn lập ra trên 50 anti group trên mạng cốt nhạo báng “nàng hoa hậu” mới nhất. Buồn cười nhất là sau đó fan của các “bông hậu” lại bùng nổ tranh cãi để giành phần thắng về cho thần tượng của mình.

Ai sinh ra cũng muốn bản thân được đẹp và hầu hết mọi người đều yêu mến cái đẹp. Nếu dừng lại ở đó thì ổn. Tuy nhiên, ám ảnh vẻ đẹp ngoại hình theo khuôn mẫu “hoa hậu”, “nam vương” khiến giới trẻ điên cuồng tìm mọi cách thay đổi gương mặt, vóc dáng, bất kể nguy hại tới sức khỏe hoặc soi mói mọi hành vi ứng xử của những người vừa đạt danh hiệu về sắc đẹp (ẩn chứa sự ganh ghét) thì e rằng… họ đang bị chứng rối loạn tâm lý!

Hoa hậu Đại Dương Lê Âu Ngân Anh từng bị cộng đồng mạng chế giễu là “cá chùi kiếng”, cũng chỉ là một trong nhiều nạn nhân ảo tưởng “có sắc đẹp là có tất cả” – Ảnh: vietq.vn

Ám ảnh vẻ đẹp ngoại hình – chứng rối loạn tâm lý

Xét theo khía cạnh tâm lý học, nỗi ám ảnh về ngoại hình là một căn bệnh hay nói cách khác, người nào quan tâm đến vẻ đẹp ngoại hình và làm đẹp đến độ thái quá thì có nghĩa là người đó đang bị rối loạn tâm lý.

Bản chất của từ “ám ảnh” cũng đã là hành vi bất bình thường. Nỗi ám ảnh về ngoại hình của người Việt một phần do giáo dục (vốn đề cao xu hướng đám đông, tập thể, bỏ qua sự khác biệt, độc đáo của từng cá nhân), phần khác là do ảnh hưởng từ truyền thông, mạng xã hội – luôn tung hô vẻ đẹp ngoại hình.

Truyền thông trong nước ngày nào cũng ra rả ca tụng nhan sắc và body (hình thể) của ai đó, từ người bình thường như nữ sinh, nữ giáo viên… đến giới showbiz, và khai thác cả ngoại hình của con gái/người yêu/vợ-chồng của người nổi tiếng.

Các tựa bài kiểu “đẹp không tỳ vết”, “dung nhan cực phẩm”, “vẻ đẹp vạn người mê”, “xinh như hoa hậu”, “vòng eo con kiến”, “body 6 múi”, “diện bikini bốc lửa, khoe body siêu nuột”, “body nóng bỏng, nhan sắc thăng hạng”, “nóng bỏng từng cm”… xuất hiện hằng ngày, lâu dần thì thấm, như cái sai nói mãi thì cũng thành đúng.

Mới nhất là bài báo ngày 3 Tháng Tám 2023 của báo Lao Động, khi mô tả về người yêu của Jisoo – một trong bốn thành viên của BlackPink, đã dùng cái tựa: “Nhan sắc cực phẩm của bạn trai Jisoo Blackpink…”. Chả hiểu chữ “cực phẩm” – một từ không có trong từ điển, là nghĩa gì?

Còn cộng đồng mạng Việt Nam thì sao? Trào lưu khoe gương mặt, khoe body bên bãi biển, dòng sông, hồ bơi… cuốn hút từ người trẻ đến người sồn sồn. Và trước khi khoe thì thường ai cũng “tút tát” qua đủ mọi loại app, cốt để được khen “đẹp không tỳ vết”!

Nguy hiểm nhất là sự cổ súy của truyền thông về việc tẩy trắng da, khi liên tục ca ngợi các “sao” hay người nổi tiếng có làn da trắng mịn, trắng sáng, trắng hồng… ; hay cổ súy “đại tu nhan sắc”, “nâng tầm sắc vóc” bằng phẫu thuật thẩm mỹ, làm dấy lên phong trào đua nhau tẩy trắng da và phẫu thuật thẩm mỹ, bất chấp tính mạng ở nhiều cô gái trẻ.

Một câu nói của Huỳnh Trần Ý Nhi về giới trẻ đã được nghệ sĩ Thành Lộc đưa vào kịch nói như một cách chế giễu sự ngộ nhận quyền lực sắc đẹp của hoa hậu – Ảnh: mạng xã hội FB

“Em đẹp em có quyền”

Hầu hết những cô gái đẹp được truyền thông ca ngợi sau đó đều lấy được chồng giàu, hoặc “làm dâu hào môn” – một chữ dùng mới ám chỉ những cô gái đẹp về làm dâu nhà đại gia, tỷ phú. Nếu không lấy được chồng giàu, “làm dâu hào môn” thì các cô gái đẹp cũng kinh doanh hái ra tiền, kiểu “Ngọc Trinh, nữ hoàng nội y” nay được Wikipedia phong là “doanh nhân thành đạt”.

Nhìn vào những cuộc đời nhờ đẹp mà thăng tiến, nhờ đẹp mà… làm gì cũng được (kể cả bán thân), đã khiến giới trẻ ngộ nhận “em đẹp em có quyền”. Chính vì ngộ nhận “có sắc đẹp là có tất cả” mà Huỳnh Trần Ý Nhi, một cô gái Bình Định mới đăng quang hoa hậu đã tự tin phát biểu việc đi thi hoa hậu là “bản lĩnh” và việc mình đạt hoa hậu là đã “trưởng thành hơn các bạn”. Cô gái trẻ ấy còn ngộ nhận “hoa hậu là hình mẫu lý tưởng” nên coi đó là “trọng trách” của cô! Thật là đáng thương hơn đáng trách!

Rõ là nền giáo dục tại nhà trường (coi trọng thành tích và bằng mọi cách “tạo ra” nhiều học sinh giỏi theo khuôn mẫu) và sự cổ súy sắc đẹp tai hại của truyền thông đã mặc định cho giới trẻ quan niệm “có sắc đẹp là có tất cả” và hoàn toàn xem nhẹ (hoặc bỏ qua) những giá trị khác.

Hơn 50 group Anti hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi được lập ra trên mạng xã hội FB cho thấy sự a dua chỉ trích của giới trẻ nhiều hơn là sự nghiêm túc học hỏi về cách ứng xử – Ảnh chụp màn hình FB

Tuyển chọn lao động “có ngoại hình ưa nhìn” thiếu tính nhân văn và nền kinh tế trục lợi từ các cuộc thi sắc đẹp

Hiện có nhiều công ty đăng tuyển nhân sự ở Việt Nam đã yêu cầu “ngoại hình ưa nhìn” hay “ngoại hình đẹp” là một tiêu chuẩn bắt buộc.

Vì vậy không ít trường hợp người có khả năng chuyên môn nhưng vì ngoại hình không ưa nhìn hay bị dị tật thì rất khó xin được việc làm phù hợp chuyên môn hay thậm chí không xin được việc làm. Như vậy thì rõ ràng các công ty đang trục lợi từ ngoại hình đẹp của nhân viên.

Một trang web tuyển dụng đã khẳng định thế này: “…có những công việc trước đây không yêu cầu về ngoại hình thì giờ đây nhà tuyển dụng bắt đầu khắt khe, xem đây là điều kiện cần để ứng viên có thể trúng tuyển. Đơn giản, nhân viên chính là bộ mặt, là hình ảnh của công ty và họ muốn có được hình ảnh tuyệt vời nhất. Còn theo sự đánh giá của các chuyên gia, việc có lợi thế về ngoại hình sẽ giúp chúng ta tạo nên được thiện cảm, sự gần gũi, yêu mến từ mọi người xung quanh. Không những thế, nó còn giúp các bạn nhanh chóng phát triển sự nghiệp, chinh phục ước mơ, hoài bão của mình”.

Sự định nghĩa thế này khiến các ứng viên trẻ mặc nhiên cho rằng “ngoại hình đẹp sẽ giúp họ thăng tiến nhanh trong sự nghiệp” và mau chóng giàu có, nên họ sẽ càng trau chuốt ngoại hình bằng nhiều cách.

Còn những người có bề ngoài bình thường, thậm chí xấu xí sẽ ngậm ngùi tìm cho mình một lối đi khác vì cánh cửa vào công ty mà họ mơ ước đã đóng sầm trước mặt.

Chuyện tình Ngọc Trinh – Hoàng Kiều kết thúc chóng vánh cho thấy các người đẹp lộ diện trong các cuộc thi nhan sắc chính là “con mồi ngon” của đại gia, giới truyền thông, mạng xã hội và các công ty – Ảnh: buiphan.net

Bên cạnh một xã hội thiếu nhân văn vì coi trọng vẻ đẹp của ngoại hình, nhiều công ty (trong đó có đơn vị tổ chức, đơn vị tài trợ, đơn vị quản lý hoa hậu – người mẫu) còn trục lợi từ các cuộc thi sắc đẹp. Trong khi các nhà tài trợ có cơ hội quảng bá sản phẩm/dịch vụ của họ với công chúng, thì các công ty tổ chức và các đơn vị quản lý các “nàng hoa hậu”, “người mẫu” tha hồ “lượm” tiền vé, tiền quảng cáo sản phẩm/dịch vụ trong chương trình hoặc “hoa hồng” khi ký hợp đồng đưa các nàng hoa hậu và người mẫu làm đại diện cho các nhãn hàng.

Vô hình trung, các “nàng hoa hậu” hay “người mẫu” trở thành “con mồi ngon” để các công ty, kể cả các cơ quan truyền thông, mạng xã hội… đua nhau khai thác. Thậm chí, đằng sau các cuộc thi sắc đẹp, luôn có những đại gia háo sắc âm thầm tuyển lựa những “chân dài” mới mẻ để ra giá cặp kè.

Cuối cùng thì nạn nhân vẫn là các “nàng hoa hậu” và “người mẫu” phải vùng vẫy giữa các bên đang cấu xé chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bản thân, mà vẫn cứ ngỡ là “em đẹp em có quyền”!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: