Chuông vọng hồn ai

Album Tubular Bells trong bộ sưu tập cá nhân của tác giả

Xin mượn tựa cuốn tiểu thuyết bất hủ của Hemingway để gọi đĩa nhạc không lời nhưng bán chạy cách nay 50 năm và nay vẫn còn vang vọng trong trí nhớ người yêu nhạc.

Tháng Năm 2023, hãng Virgin Records tái phát hành đĩa Tubular Bells nhân kỷ niệm 50 năm ngày nó lần đầu trình làng (ngày 27 Tháng Năm 1973). Đây là album studio đầu tiên của Mike Oldfield, khi ấy mới là chàng trai 19 tuổi, đồng thời là album nhạc đầu tiên của hãng đĩa Virgin Records. Nếu Virgin Records sau này trở thành một tên tuổi khổng lồ trong ngành công nghiệp ghi âm và phát triển thành công sang cả lãnh vực in ấn sách báo, viễn thông và du lịch hàng không (hãng Virgin hiện nay vẫn bay tốt) thì Tubular Bells cũng có thành tích đáng kể.

Những tuần đầu phát hành, album đầu tay của Mike Oldfield không gây chú ý đối với thính giả đang quen nghe những bài pop, rock mượt mà của những Carly Simon, Elton John, Eagles, Tony Orlando and the Dawn… Có thể vì nó là một album với vỏn vẹn hai bản hòa tấu cùng mang tên Tubular Bells (Part One)Tubular Bells (Part Two). Mà nói chung giới trẻ yêu pop và rock thì không quen nghe nhạc hòa tấu (ngoại trừ vài bài vui tai chẳng hạn Popcorn của Hot Butter vào mùa Hè 1972). Chưa kể là Part One dài lê thê đến hơn 25 phút và Part 2 dài khoảng 23 phút, được hoàn tất sau bốn tháng ghi âm.

Bộ đĩa Tubular Bells trong bộ sưu tập cá nhân của tác giả

Đĩa nhạc đã có nguy cơ rơi vào quên lãng nếu như cuối năm 1973 không nổi lên một phim kinh dị gây sốc dư luận thế giới là The Exorcist (Quỷ ám) của đạo diễn người Mỹ William Friedkin (vừa qua đời ngày 7 Tháng Tám 2023, thọ 87 tuổi). Phần mở đầu bản hòa tấu với âm thanh thánh thót, rót đều, kéo dài của Tubular Bells đã được dùng làm nhạc nền phim này! Âm thanh từ cõi siêu nhiên nào đó như nổi lên, âm thanh ma quỷ vọng về như tiếng chuông gọi hồn.

Giới phê bình ngỡ ngàng khi được hãng đĩa cho biết Mike Oldfield là chàng trai người Anh khi bắt tay soạn Tubular Bells chỉ mới 17 tuổi và khi đĩa nhạc được phát hành thì mới 19 tuổi. Lúc ấy Mike sống nghèo khó trong một căn hộ tồi tàn ở phía Bắc thủ đô London. Mike sống qua ngày nhờ thù lao chơi guitar bass cho ban Arthur Lewis Band.

“Lúc đó tôi còn trẻ, đầu óc lúc nào cũng tập trung theo đuổi mục tiêu, dồn hết tâm trí, cảm xúc, tinh thần vào dự án. Có lúc cảm thấy vui vì hoàn thành được một phần nhỏ và có nhiều lúc bị dày vò vì tụt cảm hứng,” Mike Oldfied sau này kể. “Có đủ mọi thứ của đời sống được nhồi nhét vào trong đĩa nhạc ấy, có chất hài, bi, có sự xấu xí và có sắc đẹp, có vui có buồn, có sự bất an tâm hồn. Dù khi ấy tôi chưa hiểu biết gì nhiều về cuộc đời, về thế giới nhưng có thể đó là kết quả của sự vô vọng tuổi trẻ, khi cảm thấy mình mãi là kẻ ngoài cuộc không được ai chấp nhận.”

Mike Oldfield, 1980 (ảnh: Peter Stone/Mirrorpix/Getty Images)
Mike Oldfield trong buổi giới thiệu “Tubular Bells 2003 – Special 30th Anniversary Edition” tại Madrid, Tây Ban Nha (ảnh: Lalo Yasky/WireImage)

Thời điểm ấy chưa có synthesizer để có thể tạo ra làn sóng âm thanh hòa quyện của grand piano, organ nhiều loại khác nhau, glockenspiel; sáo (do Jon Field thực hiện), mandolin và guitar bass (do Lindsay Cooper)… Ở phần chorus – cũng không lời, bạn có thể nhận ra tiếng hát của Mundy Ellis và chị của Mike là Sally Oldfied. Nếu bạn thắc mắc âm thanh phát từ chuông tubular như thế nào thì hãy lắng nghe nó nổi lên ở phút 1:02 của bài (Mike không dùng chiếc búa nhỏ xíu đi kèm mà dùng búa đóng đinh!). Mike cho biết anh không biết sử dụng nhạc cụ này nhưng anh vẫn đặt mua sau lần trông thấy nó trong studio ở Abbey Road.

Mọi hãng đĩa lớn nhỏ ở Anh đều từ chối tác phẩm đầu đời của Mike mãi cho đến khi anh đến làm việc trong The Manor, một country house xưa cũ được Richard Branson mua lại và sửa thành studio ghi âm cho hãng đĩa mới được đặt tên là Virgin Records. Sau khi nghe thử băng demo mà Mike thu âm với máy cassette Bang & Olufsen, hai nhà sản xuất Tom Newman và Simon Heyworth đồng ý ghi âm, in đĩa. Mất khoảng một năm sau, các đĩa đầu tiên của album Tubular Bells mới ra khỏi dàn in. Tuy không thích lắm (muốn đặt tên Breakfast in Bed) nhưng Richard Branson vẫn đồng ý cho phát hành.

Cùng với sức cám dỗ của phim The Exorcist, album Tubular Bells trở thành đĩa nhạc bán chạy, leo lên hạng nhất tại Canada và Úc; hạng hai tại Anh, hạng ba tại Mỹ. Rồi đoạt giải Grammy 1974 phối khí xuất sắc nhất và đến năm 2018 thì được lưu danh vào Grammy Hall of Fame.

Năm 1992, Mike Oldfield tung ra album Tubular Bell II và năm 1998 làm tiếp Tubular Bells III. Hai đợt kỷ niệm 30 năm rồi 50 năm (vào Tháng Năm 2023), Tubular Bells đều được làm mới lại. Một cách ngắn gọn, Tubular Bells là một trong những album cột mốc của dòng progressive rock, hiện diện 279 tuần trên bảng xếp hạng các đĩa bán chạy Anh và đã tiêu thụ trên 16 triệu bản khắp thế giới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: