Một số ngày qua, cộng đồng yêu nghệ thuật Đông Dương dậy sóng vì một chuỗi những nghi án lịch sử nay đã được phơi bày ra ánh sáng, mà công đầu phải thuộc về nhà nghiên cứu trẻ Kevin Vuong.
Trong phiên đấu sắp tới ngày 14 Tháng Ba 2022 của nhà Aguttes [1], bức tranh được “chọn mặt gửi vàng” để lên bìa cuốn catalogue – nói cách khác, là vị trí được kỳ vọng tăng giá nhất, với sự tự tin cao nhất về tính xác thực, được ghi là “Thiếu nữ chải đầu” (1932) của danh họa Trần Bình Lộc, cựu thủ khoa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (EBAI), với mức giá kỳ vọng 80,000-120,000 EUR (mà theo lịch sử đấu tại một nhà lớn như Aguttes, con số gõ búa sẽ thường cao gấp 2-4 lần con số này).
Tuy nhiên, chỉ cần nhìn thoáng qua chữ ký tiếng Việt, ta có thể thấy rõ ràng đây không phải là chữ ký họa sỹ Trần Bình Lộc, mà là của một họa sỹ khác có tên Trần Tấn Lộc. Trần Tấn Lộc là ai? Rất ít người biết tới, và Kevin Vương đã bỏ công lần ra manh mối, trò chuyện với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để có bài viết vén màn cho danh tính này [2].
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không đi sâu vào tiểu sử Trần Tấn Lộc, mà muốn phân tích một lỗi hệ thống quan trọng để đặt ra câu hỏi về khả năng nghiên cứu, cùng động cơ của các nhà đấu giá phương Tây khi làm việc với tranh Việt Nam. Qua những trao đổi với nhóm đồng nghiệp nghiên cứu của tôi, nhà Aguttes dám tự tin khẳng định “Thiếu nữ chải đầu” (1932) là của Trần Bình Lộc là do một số lý do sau đây:
Thứ nhất, nhà Aguttes dựa theo chữ ký tranh và công bố thẩm định của bốn nhà đấu giá trước đó:
Lot đấu ngày 09 Tháng Mười Hai 2020 tại nhà Thierry de Maigret [3] gõ búa 3,091 EUR.
Lot đấu ngày 03 Tháng Mười Một 2020 tại nhà Asium [4] gõ búa 1,310 EUR.
Lot đấu ngày 24 Tháng Một 2017 tại nhà Lynda Trouvé [5].
Lot đấu ngày 04 Tháng Mười 2010 theo thông tin Mutual Art [6].
Lot đấu ngày 24.01.2017 tại nhà Lynda Trouvé [5]. Chữ ký “Tr Tan Loc”, không thể nhầm sang Trần Bình Lộc được (ba hình bên dưới)
Qua quan sát mắt thường, ta có thể thấy cả bốn lot đấu này đều có chữ ký “Tr Tan Loc”, không thể nhầm sang Trần Bình Lộc được. Như vậy đây là một lỗi hệ thống trải dài suốt một thập niên của toàn bộ các nhà đấu giá kể trên. Hơn nữa, bức tranh đấu năm 2010 vẽ năm 1929, nếu là của Trần Bình Lộc (1914-1941) thật, thì lẽ nào cụ vẽ bức này lúc 15 tuổi, trước khi vào học EBAI?
Thứ hai, nhà Aguttes dựa vào một video clip của Art Online Gallery [7], có đăng một số bức tranh trong các lot đã đấu kể trên. Tuy nhiên, đây không phải là nguồn tin cậy, vì video clip này chỉ đơn thuần tổng hợp các kết quả đấu giá và cũng không có công tác thẩm tra lại. Đó là lỗi chồng lỗi.
Thứ ba, nhà Aguttes đã thông qua chuyên gia tiếng Trung trong đội ngũ của mình để đọc chữ ký họa sỹ và lạc khoản, để đưa đến kết luận là “Cô gái chải đầu” là của Trần Bình Lộc. Và đây là lỗi quan trọng nhất, bởi chữ viết trên tác phẩm là chữ Nôm, trong khi các chuyên gia tiếng Trung chỉ đọc được chữ Hán.
Theo sự tư vấn của dịch giả Hán-Nôm Châu Hải Đường, lạc khoản chữ Nôm trên bức “Cô gái chải đầu” là “Trần Tấn Lộc họa”, biên thêm tựa đề “Người con gái trải đầu” (“trải” ở đây tức là “chải”), và bốn chữ đỏ là triện của nhà sưu tập là “Hà Nội Văn Thái”, tức là họa quán Văn Thái ở Hà Nội.
Để cho chắc chắn, chúng tôi so sánh thêm một bức với chủ đề tương tự, “Hai thiếu nữ chải tóc dài” (1932) của Phùng Văn Cừ đấu ngày 18 Tháng Mười Hai 2020 tại nhà Boisgirard Antonini – ở đây nhà đấu giá cũng viết nhầm tên tác giả thành “Phung Van Cun” [8]. Cũng theo dịch giả Châu Hải Đường, lạc khoản ở bức này đề “Phùng Văn Cừ họa”, với dòng thơ “Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi” (“Thông vươn giữa tuyết mùa đông, ngàn cành như ngọc”) và dấu triện cũng mang danh chương “Hà Nội Văn Thái”. Với phong cách thư pháp của lạc khoản hai bức giống nhau, chúng tôi đồ rằng cả hai bức đều được mua bởi họa quán Văn Thái, là đơn vị biên các lời bạt vào tranh năm 1932, và ghi chú tên họa sỹ lên đó. Đây là một phát hiện rất quan trọng.
Như vậy để kết luận, loạt tranh được một loạt nhà đấu giá cho là của Trần Bình Lộc suốt một thập niên qua, thực chất là của họa sỹ Trần Tấn Lộc. Và qua vụ việc này, chúng tôi xin đặt ra câu hỏi về:
a) khả năng nghiên cứu văn hóa và lịch sử mỹ thuật Việt Nam của các nhà đấu giá kể trên;
b) động cơ vẫn bảo lưu nhận định là tranh Trần Bình Lộc khi nghi vấn được nêu lên.
Và thay mặt cho cộng đồng nghiên cứu và khán giả nghệ thuật Đông Dương, chúng tôi có một số yêu cầu như sau:
Thứ nhất, các nhà đấu giá ở trên có động thái đính chính lại tranh, nhằm trả lại công bằng cho họa sỹ Trần Tấn Lộc.
Thứ hai, về mặt lâu dài, các nhà đấu giá nên tìm đến tư vấn chuyên môn của các chuyên gia văn hóa, lịch sử mỹ thuật người Việt, nhất là những trường hợp liên quan đến chữ Nôm. Chuyên gia từ Trung Quốc sẽ không đọc được chữ Nôm.
Cộng đồng nghiên cứu luôn muốn đóng góp mang tính xây dựng, nhằm củng cố lại thị trường mỹ thuật đã vướng quá nhiều nghi vấn về tính xác tín. Hy vọng các nhà đấu giá sẽ cầu thị, mau chóng giải quyết trường hợp này.
Xin cảm ơn,
Ace Lê
28 Tháng Hai 2022
_________________
Nguồn/Source:
[1] Aguttes (via Drouot): https://bit.ly/3hlpN3M
[2] Kevin Vương: https://bit.ly/3Ioal2K
[3] Thierry de Maigret (via Lotsearch) https://bit.ly/35yDfP2
[4] Asium: https://bit.ly/3IxXwmz
[5] Lynda Trouvé (via auction.fr) https://bit.ly/3HpKeXN
[6] Via Mutual Art: https://bit.ly/3vl1qeH
[7] Art Online Gallery: https://bit.ly/3pp9uHL
[8] Boisgirard Antonini: https://bit.ly/3tg4WVe