Nửa thế kỷ nhìn lại đời ‘Boat People’

Vài cảm nghĩ sau khi xem phim “Thuyền Nhân” của đạo diễn Thanh Tâm
Poster của phim

Ngày 12 Tháng Năm năm 2024 cũng là ngày Lễ Mẹ, Cộng Đồng Người Việt ở Dayton và các vùng phụ cận đã có dịp gặp gỡ đạo diễn trẻ, đẹp, duyên dáng; cô Thanh Tâm và được xem phim tài liệu lịch sử cận đại của Việt Nam, đó là phim “Boat People” do chính cô dàn dựng. Buổi chiếu phim miễn phí gồm hai xuất vào lúc 1:45 chiều và 5:45 tối đã được một số nhà hảo tâm tại đây tài trợ! 

Đối với lịch sử thì năm mươi năm không phải là một khoảng thời gian dài nhưng với một đời người thì nó đủ cho người ta nhìn, soi rọi và chiêm nghiệm lại đời mình. Đặc biệt đối với các nhà viết, nghiên cứu lịch sử thì năm mươi năm là một thời gian đã đủ để cho người ta phân tích, tìm hiểu những sự kiện lịch sử đã xảy ra ở thời kỳ đó. 

Trong cùng cái ý tưởng ấy, một người trẻ của thế hệ không phải là thuyền nhân nhưng đạo diễn Thanh Tâm đã băn khoăn đi tìm lại cội nguồn của mình, tìm hiểu vì sao mình hiện diện tại Canada, vì sao người Việt có mặt ở khắp năm châu, bốn bể để mới chợt khám phá ra cả một biến cố to lớn đầy đau thương sau Ngày 30 tháng Tư năm 1975 khiến cả dân tộc Việt Nam của cô phải chịu đựng biết bao khổ đau mà cô cần phải ghi lại. 

Cô ghi lại bằng những thước phim tài liệu lịch sử của Việt Nam cho chính cá nhân cô cũng như các thế hệ mai sau biết về hải trình, lộ trình của ông bà họ đã hy sinh tất cả gia tài sự sản, thậm chí cả mạng sống trên đường vượt thoát chế độ cộng sản để tìm tự do. Cô ghi lại để cho cô và những người trẻ lớn lên ở hải ngoại biết “Freedom is not free!” mà Martin Luther King đã nói, nó quý giá như thế nào để gìn giữ. Và đó là lý do phim Boat People ra đời! 

Thanh Tâm đã không quản nhọc nhằn để bỏ ra một thời gian dài đi tìm phỏng vấn các nhân chứng, nạn nhân của phong ba bão táp, của hải tặc Thái Lan tàn bạo, hãm hiếp giết người diệt khẩu trong suốt các thập niên cuối 70 tới 80 rồi 90. Và Thanh Tâm cũng không ngại “thân gái dặm trường” mà lặn lội đi khắp những trại tị nạn thuyền nhân ngày xưa như Bidong, Galang… để tìm hiểu về đời sống cơ cực của họ ở đó bằng tài chánh cá nhân ít ỏi của mình. Chính ở những quốc gia tạm dung này cô đã thấy có nhiều nghĩa trang với vô số mồ xiêu mả lạc của người vượt biển đã bỏ mình, đã gửi lại nắm xương tàn trước khi đến được xứ sở tự do thật sự. Nhiều thảm cảnh thương tâm đã từng xảy ra ở đây mà dân chúng xứ tự do không biết, lương tâm nhân loại không chứng kiến được. 

Cô đã tự hỏi tại sao đất nước không còn chiến tranh, thống nhất hai miền Nam Bắc rồi mà sao lại có hàng triệu người phải bỏ nước ra đi? Họ băng rừng vượt biển, đem sinh mạng đùa với đói khát, với phong ba bão táp, đem số phận đánh đu với hải tặc luôn rình rập ngoài biển khơi? Theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn thì đã có cả mấy trăm ngàn người bỏ mạng dưới lòng đại dương hay trong rừng sâu nước độc với hàng trăm lý do khác nhau. Ho đã dùng mọi phương tiện thay cho cứu cánh vì hai chữ tự do! 

Thế cho nên hai từ “Boat People” là cục xương khó nuốt của chính phủ Cộng Sản Việt Nam. Nó là hệ quả nói lên bởi một chính sách khắc nghiệt, phân biệt đối xử, trả thù tàn bạo dân chúng miền Nam sau 1975 mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã thực thi. Vì vậy họ ra sức dùng quan hệ ngoại giao để ép buộc những nước từng có trại tị nạn quanh vùng Đông Nam Á đập phá các bia tưởng niệm thuyền nhân nhằm xóa bỏ dấu tích cai trị dã man của mình. Nhưng dã tâm của họ không thành công vì hiện nay có vô số đài tưởng niệm thuyền nhân được xây dựng trên khắp các quốc gia tự do có người Việt sinh sống và sâu xa hơn nữa là ngay trong tim của người tị nạn! 

Và bây giờ ngoài các tác phẩm văn học hay âm nhạc nói về khúc quanh lịch sử này thì trong lĩnh vực điện ảnh, chúng ta bắt đầu có một số phim ngắn mà điển hình là Boat People của nữ đạo diễn Thanh Tâm đang công chiếu! 

Tác giả Triều Phong cùng gia đình, tại buổi ra mắt phim (Hình: TP)

Tôi là một thuyền nhân vượt biên nhiều lần, bị bắt ở tù vài ba lần và bị kẹt lại ở trại PFAC (The Philippine First Asylum Camp) gần mười một năm nhưng tôi cũng không nén nổi nỗi ngậm ngùi khi xem lại các cảnh đoạn trường xưa trên màn ảnh hoặc lúc nghe lời tâm sự đớn đau đẫm nước mắt của các phụ nữ từng là nạn nhân của hải tặc thuở nào hay nghe tiếng thét hốt hoảng của người ngồi sau khi thấy cảnh ghe vượt biên lật úp làm toàn bộ thuyền nhân phải mạng vong. 

Đạo diễn Thanh Tâm đã thành công khi khai thác các hình ảnh tài liệu thật sự thương tâm để lột tả nỗi cơ cực kinh hoàng của thuyền nhân khi vượt biển qua hình ảnh bà mẹ đã kiệt sức do đói khát nhiều ngày nhưng vẫn cố cho con bú để

cứu con khỏi chết đói. Và đứa bé thì chỉ còn da bọc xương, mắt mở trừng trừng nhưng miệng vẫn cố ngậm chặt vú mẹ tìm chút sữa cuối cùng hay chi tiết khéo léo tuy nhỏ khác nhưng cũng đã đánh động lòng người bằng việc quay lại lời kể 

của một nhân viên di trú lúc thấy một em bé bốn năm tuổi khệ nệ mang theo chiếc bình nhựa có chứa ba bốn lít nước bên trong, lẽo đẽo đi rất xa gia đình ở phía sau vì nặng khi được định cư do lo sợ chết khát bởi không có nước uống như trên ghe hôm nào! 

Họ cũng có thể là các người đã đến được bến bờ tự do nhưng chỉ còn là những cái xác không hồn vì bị khủng hoảng tinh thần bởi vô số chuyện kinh hoàng đã xảy ra trên ghe, trên biển mà họ đã chứng kiến hoặc như tôi bây giờ dù đã định cư ông Mỹ hơn hai mươi năm mà đôi lúc cũng còn giật mình hốt hoảng vì hình ảnh hãi hùng vượt biển năm xưa mà thầy tôi; một giáo sư người Mỹ gọi đó là hội chứng PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder) của thuyền nhân Việt Nam. 

Tuy nhiên phim cũng không tránh khỏi thiếu sót khách quan lúc nói về trại PFAC ở Palawan, Philippines. Do dịch Covid-19 hoành hành nên đoàn làm phim không thể tới trại tị nạn này vì vậy không biết chính phủ Phi cũng có cưỡng bức hồi hương thuyền nhân vào ngày Valentine, 14 tháng 02 năm 1996, như các trại khác chứ không phải không có như trong phim đã nói! 

Vì Phi có tham gia ký cam kết vào Chương Trình Hành Động Toàn Diện (CPA) về tị nạn Đông Dương năm 1989 nên cũng phải áp dụng biện pháp cưỡng bức nhưng là quốc gia nhân đạo duy nhất chỉ thực hiện một lần rồi cho phép thuyền nhân ở lại theo tinh thần nhân ái của người Kitô hữu khi chứng kiến người lánh cư lại một lần nữa liều mạng ngăn chặn máy bay, phản ứng quyết liệt trên phi đạo ngày ấy. 

Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn đạo diễn Thanh Tâm đã hy sinh công sức để dựng lại một cuốn phim có giá trị lịch sử rất cao về tự do, nhân bản cho hậu thế bằng cả nhiệt huyết của người trẻ có lòng với quê hương cùng sự can đảm không sợ chính quyền cộng sản Việt Nam bên nhà cũng như các vị mạnh thường quân ở đây đã tài trợ dù người Việt chúng ta nơi này không nhiều nhưng cũng đã tạo cơ hội cho các em cháu hiểu thêm về nguồn gốc, xuất xứ của bản thân, gia đình mình.

Hy vọng cuốn phim này được chiếu rộng rãi và gặt hái thêm nhiều thành công ở khắp nơi có người Việt sinh sống trên thế giới và được sự ủng hộ của mọi người dành cho Thanh Tâm; nữ đạo diễn trẻ, cả về vật chất lẫn tinh thần để cô có thêm phương tiện thực hiện những ước mơ kế tiếp. Đây là dịp cho chúng ta nhìn lại mình nhưng không phải thấy đời đã “xanh rêu” mà là xanh tươi do đã gieo hạt, ươm mầm cho các thế hệ con cháu đời sau được sống trong ấm no hạnh phúc, và thành đạt trên xứ người. 

Dayton, Ohio ngày 13 Tháng 05 năm 2024

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Album tử tế
Vào Tháng Ba năm ngoái, tại công ty cũ, tôi có một ngày làm việc đặc biệt khó khăn, là khi các dự án đều cận hạn chót phải nộp.…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: