Cuốn sách có tên “To Our Grandchildren with Love” vừa được tác giả là Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh và Luật sư Lưu Nguyễn Đạt tổ chức giới thiệu tại tư gia của Giáo sư Kim Oanh ở thành phố Fountain Valley, CA.
“To Our Grandchildren with Love” thuộc dự án sách dành cho ông bà là người Mỹ gốc Việt. Điểm đặc biệt, không phải là cuốn sách để mọi người mua về đọc, bởi vì gần một nửa trong số 86 trang sách, tác giả “để dành” cho người đọc tự viết hoặc dán hình ảnh của gia đình mình vào.
Mục đích của tác giả khi thực hiện cuốn sách là giúp ông bà có cháu nội, cháu ngoại bắt đầu một hành trình hồi tưởng những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ, đáng ghi lại để chia sẻ với con cháu.
Tại buổi giới thiệu sách, Gs. Kim Oanh giải thích từng trang sách, và nói lên tâm tình của tác giả: “Khi chúng tôi bắt đầu có cháu, bỗng nhận ra một điều, đó là cảm tình giữa cháu và ông bà rất đặc biệt, không giống cảm tình giữa con cái và cha mẹ. Việc trở thành ông bà làm chúng ta đột nhiên quay lại để nhìn về quá khứ khi chúng ta ý thức rằng các cháu bé ấy là ‘hiện tại nối dài tương lai.’”
“Khi con cháu chúng ta biết, hiểu và trân quý nguồn gốc, di sản văn hóa và truyền thống gia đình, chúng sẽ phát triển và lớn mạnh với sự tự tin, đón nhận và hãnh diện với tất cả các nguồn văn hóa của chính bản thân chúng,” Gs. Kim Oanh nói.
Đồng tác giả cuốn sách là Luật sư Lưu Nguyễn Đạt – người mà theo Gs. Kim Oanh “dù có con dâu, con rể là người ngoại quốc, nhưng cả nhà vẫn giữ phong tục tập quán Việt, cứ lễ Tết thì các cháu đều xì xụp lạy bàn thờ tổ tiên.”
Tiến sĩ Võ-Tá Hân, một kinh tế gia quốc tế, rất tâm đắc khi nghe giới thiệu sách. Ông chia sẻ: “Suốt mấy chục năm trời, tôi cứ giao con cho vợ để đi làm. Con tôi không hề biết bố nó viết bao nhiêu cuốn sách, làm bao nhiêu chuyện giúp quê hương Việt Nam. Đó là một lỗ hổng!” Ông cho biết, chỉ khi các con ông lớn lên, tự đi tìm hiểu ông nội của mình là ai, rồi thỉnh thoảng lại nhắc ông mình bị Pháp bắt xử 18 năm khổ sai, tám năm viễn xứ, trải qua biết bao khốn khó thăng trầm như thế nào. “Đến khi lên Harvard University học, không biết ông thầy dạy sao mà con tôi bảo, từ rày cho đến khi chết, mỗi năm nó đều viết lá thư cảm ơn ông thầy,” Tiến sĩ Hân kể. “Tự con tôi tìm được niềm hãnh diện là người Việt Nam. Tôi trách mình sao không truyền cho con những điều tự hào về gia đình, dân tộc. Xin cảm ơn tác giả về cuốn sách, nó làm cho tôi nghĩ lại, việc này không phải cho cháu, mà cho con mình nữa!”
Tiến sĩ Trần Chấn Trí, giáo sư dạy tiếng Việt tại University of California, Irvine, chia sẻ câu chuyện của gia đình mình: “Rất mỉa mai, khi tôi đi dạy tiếng Việt, nâng niu từng dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã cho học trò, nhưng hai đứa con tôi lại không biết viết tiếng Việt. Tôi không tận tâm được với con, như những gì mình làm cho học trò.” Ông kể thêm: “Mặc dù các con tôi thuộc lòng những câu thành ngữ, ca dao Việt Nam, nhưng khi nói chuyện với nhau, chúng chỉ nói bằng tiếng Anh. Điều này không liên quan đến ngôn ngữ, mà là tâm lý. Học trò của tôi, có em nói ‘Không nghe thì thôi, chứ mỗi lần nghe tiếng Việt, chỉ là những câu la lối.’ Đó là những gì người lớn phải suy nghĩ.”
Không có mặt trong buổi ra mắt sách, nhưng Giảng sư Quyên Di (*) là người được Gs. Kim Oanh nhắc đến nhiều. Khi được hỏi về sự ra đời của “To Our Grandchildren with Love”, “Thầy Quyên Di” cho biết: “Đó là một cuốn sách thật sự hữu ích cho những người làm ông, làm bà mong muốn con cháu mình giữ được cội nguồn.” Ông kể, trong lúc dạy môn Vietnamese American Experience (Kinh nghiệm hội nhập của người Mỹ gốc Việt), ông giao bài cho các sinh viên đi phỏng vấn những người từ Việt Nam sang định cư. Nhiều sinh viên khám phá ra rằng trong cuộc sống của họ, có những chuyện mà họ chưa từng biết. “Cha mẹ của các em không muốn, hoặc không biết cách giải thích cho các em. Thì đây, cuốn sách này là ‘dàn ý’ để các ông bà theo đó mà giúp con cháu mình hiểu,” Giảng sư Quyên Di nói.
Sự hình thành cuốn sách đến trong thời gian rất ngắn, vào mùa lễ Tạ Ơn 2021, khi mọi người, khắp nơi vẫn đang đối phó với đại dịch COVID-19. Dịch bệnh khiến mọi thứ trở nên bấp bênh. Sự bấp bênh của cuộc đời làm động lực cho cuốn sách đến tay độc giả một cách nhanh chóng, chỉ trong vòng vài tháng.
Gs. Kim Oanh và chồng là cựu chuyên viên NASA – ông Nguyễn-Viết Kim – bỏ chi phí để thực hiện cuốn sách này, không nhằm mục đích thu lợi. Vì thế, sách được in bìa cứng, giấy đẹp, bán trên Amazon chỉ với giá $28/cuốn.
“Chúng ta không giữ được văn hóa của mình, thì đời con đời cháu chúng ta cũng không giữ được. Chúng tôi mong cuốn sách đến tay được khoảng 200 gia đình, là cảm thấy đạt được thành công ban đầu,” ông Viết Kim nói.
Trong ấn bản đầu tiên (Version 1.0) tác giả mong muốn người mua bỏ thời gian đọc, suy nghĩ và thêm hình ảnh ngay trên trang giấy. Có một cách khác là đánh máy, in ra và dán vào sách.
Người đọc có thể dùng ngôn từ nào gần gũi với trái tim của mình nhất, rồi giải thích cho các cháu bằng ngôn ngữ mà các cháu hiểu nhiều nhất. Với các cháu bé chưa có điều kiện được học tiếng Việt, đây có thể là động lực cho các bé chịu học ngôn ngữ gốc của ông bà, cha mẹ mình.
Cuốn sách có cả những trang đưa ra dữ kiện căn bản về chiến tranh Việt Nam, các làn sóng tị nạn và di dân, cũng như sự đối chiếu giữa người tị nạn và người di dân. Mục đích là để ông bà có tài liệu rõ ràng mà giải thích cho các cháu sự hình thành của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Nhằm giúp ông bà muốn chia sẻ với con, cháu mình về các giá trị văn hóa cốt lõi, tác giả đưa vào cuốn sách nhiều câu ca dao tục ngữ quen thuộc.
Tác giả dự kiến ra mắt ấn bản kế tiếp (Version 2.0), được thiết kế trên online để ông bà có thể viết lên các trang sách và chuyển hình ảnh vào một cách dễ dàng.
(*) Giảng sư Quyên Di dạy tiếng Việt của Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Á Châu tại Đại Học UCLA và cũng là giảng sư dạy tiếng Việt của trường CalState Long Beach, California.
Xem thêm: