Có phải chăng đây là con nữ quỉ trên đầu đường đời của Hiếu? Hiếu rợn người lên và nhìn mớ tóc quăn tự nhiên, nhìn nước da nâu sậm, đôi môi dầy của Hoàng.
Nhưng nàng đã bị bùa mê thuốc lú rồi, không sao rút ra được khỏi tay của Hoàng nữa bởi vì nàng rất ham nghe để hiểu biết chuyện đời còn hoàn toàn bí mật đối với cô học trò mới lìa khỏi mái trường.
Sợ và nhờm, Hiếu vẫn tự nhủ cho an lòng là nàng sẽ học kinh nghiệm của Hoàng mà không để cho Hoàng lôi kéo. Như vậy chỉ sẽ được khôn ra thôi chớ chẳng mang hại đâu mà lo. Vả Hoàng đã nói là sẽ bảo vệ nàng kia mà! Biết đâu nó chỉ hư thân nó mà lại quyết giữ gìn cho người bạn mà nó thương.
Hư thân! Phải, tuy Hoàng chưa gởi gắm tâm sự gì cả, tuy Hoàng chưa tiết lộ bí mật về đời sống của nó, Hiếu cũng thừa biết rằng Hoàng đã kinh nghiệm về con trai. Một cô con gái, cho dẫu thiếu giáo dục bao nhiêu, cũng vẫn ngại mồm, ngại miệng, không dám ăn nói bạo tợn như Hoàng.
Hoàng ưỡn ngực lên nói:
-Có kém Ma-Ri-Lin chút nào đâu. Nếu chị muốn thì…
Nhưng…
Nhưng chị không muốn. Chị chỉ mong lấy chồng, một người chồng khá giả để thoát cảnh khốn khổ của chị, để bà ngoại đỡ cực vài năm trước khi theo ông, theo bà, nhưng không biết có được hay không. Lũ nó thích chị là khác, còn cưới chị lại là một chuyện khác nữa, xem chừng thì dường như không từ mặt nào có gan cưới chà lai cả. Cái số của chị giá chồng mà.
Hoàng nói tới đó rồi ngồi dậy ôm Hiếu mà cười ngất một hơi. Hiếu không hiểu gì hết nhưng cũng không nín cười được vì Hoàng nằm trên ngực nàng khiến nàng buồn buồn rất khó chịu.
-Em có biết giá chồng là gì không?
-Giá chồng là góa chồng, nói theo giọng quê dốt, và nói theo nghĩa rộng là không lấy chồng được.
-Trật lất, giá chồng là… giống chà, nói lái đó mà. Đôi bạn cười xòa.
-Bi ơi! Xuống bà mượn cái nầy!
Hoàng dạ một tiếng rồi bỏ chân xuống đất. Khi nàng rời khỏi võng, hai đầu cột mắc võng bị sức nặng kéo chụm đầu lại nãy giờ, dang ra, nếp nhà lại lung lay như sắp sập đến nơi.
Thì ra ở nhà, Hoàng vẫn được gọi như thuở bé: con Bi.
Ở nhà là con Bi, xắn ống quần, gánh nước, tưới cải, nhưng ra đường nếu không thấy màu da, là một trang giai nhân tuyệt sắc với gương mặt Âu-Châu, với một thân hình của các minh tinh chiếu bóng.
Nhưng tâm hồn của cô gái kỳ dị nầy không biết thế nào. Hiếu vừa nghe sợ, vừa nghe mê, như con nhái sợ con rắn mà vẫn cứ riu ríu nằm im cho rắn táp.
Hoàng gọi giựt ngược:
-Hiếu ơi, xuống chị chỉ cái nầy, mau lên kẻo trễ.
Hiếu bỏ guốc chạy đùi đụi và khi xuống đến nơi nàng thấy Hoàng đang đè cổ một con gà giò, lấy dao ăn trầu của bà ngoại mà cứa cổ nó: con dao bửa cau dùng lâu ngày nên hết bén, Hoàng cứ cứa qua cứa lại mãi mà không đứt khiến Hiếu rùng mình bụm mặt.
Hoàng cười ngất và nói:
-Chị sẽ cứa cổ bọn đàn ông con trai như thế này nếu chúng nó hại chị. Hiếu rú lên một tiếng rồi đâm đầu chạy mất.
-Con dịch, sao mầy lại nhát nó làm gì?
Bà ngoại mắng Hoàng rồi chạy ra sân tìm Hiếu. Bà bắt gặp cô gái hiền lành nầy đang lấy một cọng rác thả trôi trên mặt nước vũng để cứu một bầy kiến sắp chết đuối.
Bà ngoại bấy giờ đã dạn ra, dám vịn vai của Hiếu và nói:
-Con giống ngoại lắm. Ngoại cũng không dám cắt cổ gà. Con Bi thì cái gì nó cũng dám hết. Thuở bé, nó hay bóp chết ngộp những con thằn lằn nào rủi ro lọt vào tay nó.
-Ngoại ơi, rồi đây ngoại!
Nghe Bi kêu, bà ngoại trở vào nhà và Hoàng tự ra sân. Cô đao phủ nầy kéo bạn mà rằng:
-Ta đi qua bên nầy xem nghĩa địa, đợi ngoại nướng thịt gà rồi tụi mình về xực.
Thật ra, nghĩa địa các tỉnh không đủ hăm mốt cái như Hoàng đã nói. Có vài tỉnh, dân họ chết, không biết chôn ở đâu chẳng hạn như tỉnh Bình Dương và Phước Tuy.
-Nè, bà ngoại xin làm gác-dan nghĩa địa nầy!
Hoàng chỉ nghĩa địa của dân tỉnh Biên-Hòa, chỉ mới lập ra độ năm năm thôi, rồi tiếp:
-Ở đây còn đất trống nhiều, qua Tết có thể trồng bông thọ, bông mồng gà kiếm thêm chút ít.
Cả hai vào nghĩa địa. Người gác-dan cũ sắp thôi việc ở đây, và hai vợ chồng hắn ngồi bó gối trước nhà chớ không hoạt động gì cả. Hoàng nói nhỏ với bạn:
-Anh chị ấy thú thật rằng từ nhỏ đến lớn họ chưa hề để chân ra ngoài Sài Gòn lần nào cả. Họ không ý thức chút nào về lối sống ngoài ấy nên không tham vọng lớn, nhờ vậy mà họ hạnh phúc được với sự nghèo nàn của họ. Chị em mình cũng nghèo, em có hơn họ thì có chớ chị thì không. Nhưng mình đã trót ý thức, nên nhiều ham muốn. Mình khổ lắm phải không em?
Hiếu chỉ làm thinh, vì nàng chưa thấy rằng nàng khổ. Nàng đang khám phá cuộc đời, thấy có tươi đẹp. Nhưng chưa bị ham muốn dày vò.
-Em nè, Hoàng lại nói, mặc dầu chịu được cảnh lam lũ nầy, chị vẫn mộng làm chúa ngoài kia, và chị thề sẽ thành công. Em thì khác, chị không thể sống vừa chừng như em hay như phần đông con gái khác được. Chị bị lép vế thiên hạ về màu da, về nguồn gốc của chị thì phải làm chúa hay làm tôi mọi chớ không mong được một đời hơi hơi khá giả, làm vợ thầy ký, thầy thông như ai.
Về sau, em sẽ nhớ đến buổi nói chuyện của ta hôm nay, và chừng đó, hoặc là em sẽ thán phục chị thành công hay em sẽ ngậm ngùi thương người bạn cũ cứ sống tối tăm trong nầy, không dám chường mặt ra vì đã chiến bại trên đường đời.
Một chiếc máy bay, lượn sà sà gần ngọn cây, tiếng máy nổ rền vang dội một góc trời, khiến Hiếu sợ hãi cứ dượm chui đầu trốn đâu đó.
-Em sợ đủ thứ như vậy làm sao mà đi đến nơi đến chốn được trên con đường sống nhiều chông gai; ở đây gần sân bay, nên tàu bay nó sà sà như vậy mỗi ngày mấy bận, không có sao đâu. Thôi về ăn cơm.
Hai người bạn gái băng ngang qua đường, và Hoàng hỏi:
-Bác có tìm cho em được chỗ làm nào chưa?
-Chưa.
Dầu sao em cũng có bác. Chị trơ trọi một mình… Nhưng chị sẽ tìm được chỗ làm, bằng cách bán công rẻ mạt. Chị chỉ đòi 500 đồng lương mỗi tháng, lẽ nào họ không cho.
Năm trăm đồng? Rồi lấy cái gì mà sống? Hoàng hóm hỉnh cười bằng mắt và nói:
-Thì cũng phải sống chớ.
***
Qua tuần lễ thứ ba. Hiếu đánh máy nghe đã đỡ khổ tai người khác, và biết sử dụng đủ cả mười ngón tay. Trường đông thêm được năm học viên nam phái, và vơi đi bớt tám nữ học viên đã mãn khóa. Hiếu còn phải học thêm ba tuần lễ nữa, mà Hoàng thì đã sắp sửa thi lấy bằng vì nàng học trước Hiếu ngót nửa tháng.
Cái ý nghĩ phải xa Hoàng, làm cho Hiếu nghe trước một cảm giác bơ vơ kỳ lạ. Năm kia, khi rời khỏi trường trung học, nàng không có ý thức gì về sự tàn bạo của cuộc đời nên không cần ai che chở. Nhưng hôm nay Hoàng đã hé màn cho thoáng thấy gương mặt không hoàn thiện của cuộc sống, và bảo vệ nàng, nên nàng quen với sự dìu dắt ấy. Nay…
-Làm gì mà mơ mộng dữ vậy bồ? Đã hết giờ rồi kia mà. Hiếu giựt mình, ngẩng lên, cười với bạn rồi nói:
-Họ bảo đánh máy chữ, dễ ho lao, tôi sợ quá. Nhưng họ lại an ủi rằng không sao, vì phụ nữ nhờ có kinh kỳ nên “cái đó” theo ra ngoài hết, khỏi phải sợ như đàn ông.
Hoàng cười ngặt nghẹo một hơi rồi hỏi:
-Cái đó là cái gì?
-Là cái tức ngực do sự đập tay lên máy gây ra.
-Làm sao “cái đó” lại theo “cái kia” cho được nó bà nội. Thầy thuốc mà họ nghe bà nội nói như vậy họ sẽ cười bể bụng.
-Đây, một ông bác sĩ bạn đã giải thích cho tôi nghe như thế nầy: sở dĩ các thầy thư ký đánh máy mà hay mắc bịnh ho lao, chỉ vì họ bị trả lương rẻ mạt, họ sống thiếu thốn lâu ngày chầy tháng nên vi trùng cốc mới thừa dịp xâm nhập vào người họ được.
Hiếu bán tín bán nghi. Tất cả người Việt Nam điều tin những điều nàng vừa nói, thì một vài ông bác sĩ, biết có nói đúng hơn cả một dân tộc hay không và cái cô học viên đánh máy, ngày chúa nhựt gánh nước tưới cải, làm gì có được bác sĩ bạn mà khoe như vậy.
Nhưng không lẽ khoa học giỏi thế, lại không biết cách ngăn một tai hại cỏn con, ngăn máy đánh chữ làm cho tức ngực?
Nàng còn chưa quyết định phải tin ai thì bỗng nghe Hoàng nói to:
-Hello!
Cả trường đều ngước lên, dòm ra đường. Phần đông học viên đều mỉm cười, trừ vài người mới vào sau, trong đó có Hiếu. Họ mỉm cười mà nhìn một người thanh niên đậu xì-cút-tơ ở phía bên kia đường, vẫy tay chào họ.
Không hiểu sao, tự nhiên Hiếu nhìn xuống không dám ngó ra đường nữa. Thiên hạ chộn rộn rút giấy, đậy máy để đi về, nhưng nàng cứ ngồi đó mà thẫn thờ.
Hoàng bước vội ra ngoài, len lỏi qua không biết bao nhiêu lớp xe cộ chạy hai chiều để qua bên kia đường với thanh niên mới đến.
Cả lớp lần lượt đứng lên đi ra cửa và Hiếu là người ra sau hết. Theo thói quen, họ đứng dài theo vỉa hè để nói với nhau vài câu chuyện, và lần nầy để đợi người bạn trai đang cùng Hoàng vượt xe cộ để qua bên nầy.
-Chào các chị!
-Anh Trọng, sao giờ nầy lại rảnh mà đi dạo phố?
-Coi, chớ lại không phải giờ tan sở sao? Nếu không, sao các chị lại nghỉ.
-Nhưng tụi tui chỉ mới nghỉ đây thôi, còn anh thì chắc đã đi rểu từ lâu rồi. Trọng cười hì hì mà không đáp.
-Anh Trọng nè, có chỗ làm cho tụi tui chưa? Anh liệu hồn, anh mà nói không thì đừng mong rời khỏi chốn nầy.
-Có một chỗ thu ngân viên.
-Thôi lạy tổ, tiền đâu mà tụi nầy đóng thế chưn! Trọng nhìn qua một lượt rồi nói:
-Nhiều gương mặt mới quá, tháng sau tôi trở lại đây chắc ngỡ ngàng lắm, không còn ai quen hết.
-Vì thế mà phải trở lại cho thường, kẻo rồi phải tiếc.
Vỉa hè trống lần lần vì ai cũng lo về để cơm nước, nghỉ ngơi và rốt cuộc chỉ còn lại có Hoàng, Hiếu và Trọng thôi.
Hiếu không đi được vì nàng đã quen đánh đôi đánh đọ với Hoàng, ngại đi một mình lắm, còn Hoàng thì cứ nói chuyện với Trọng mãi, nói không biết mấy xe mấy tàu mà chở cho hết.
Bỗng cô gái Ấn giựt mình nói:
-Ý chết, tôi quên giới thiệu với anh Trọng người em gái cưng của tôi – Hiếu, em gái tôi – Trọng người bạn học cũ của trường ta.
Đôi bạn trẻ chào nhau, nhưng Hiếu trốn đôi mắt tò mò của Trọng, hắn nhìn nàng trừng trừng từ nãy đến giờ ngay cả trong khi trò chuyện với Hoàng.
-Em làm sao đó chị Hoàng?
-Thì em chớ còn em làm sao nữa.
-Nhưng chắc không phải là em ruột?
-Cố nhiên. Hắc, bạch hai thứ khác nhau xa, làm sao mà ruột thịt cho được. Nhưng thôi, để bữa khác sẽ nói nhiều, hay anh có bảnh thì mời tụi nầy đi xi-nê, đi ăn cơm rồi mặc sức mà nói. Nè, hai chỗ nhé! Một cho trẫm và một cho ái khanh của trẫm đây nhé!
Trọng lại chỉ mỉm cười không đáp, rồi họ chia tay nhau. Khi tới trước nhà thờ Huyện Sĩ, họ lại đi hàng hai như thường lệ. Hoàng nói:
-Thằng Trọng hồi nãy đó, nó tương lai lắm. Nó đang làm thơ ký bút toán phụ cho hãng Vicolédo thì được ông chủ hãng ổng thương, cất nhắc lên làm thơ ký riêng cho ổng.
-Sao chị nói anh ấy lúc trước học đánh máy ở trường ta?
-Ậy, cái tụi bút toán đâu có biết đánh máy. Mà công việc thơ ký riêng phải giỏi đánh máy, thành thử nó phải đi học một khóa.
-Thơ ký riêng làm những công việc gì chị?
-Làm lu bù, cực lắm, mà toàn là việc riêng cho chủ nhơn, lắm khi phải đi mua vé chiếu bóng cho các ổng như là người nhà của các ổng vậy. Nhưng bù lại lương tháng tương đối khá cao. Khi nãy em có để ý gì hay không?
-Không.
-Thành thật chớ?
-Sao chị lại không tin lòng thành thật của em?
-Nó nhìn em thiếu điều rớt con mắt é. Hiếu thẹn đỏ mặt tía tai và nói:
-Cái đó thì em thấy.
-Nó tốt lắm, hiền hậu dễ thương lắm, mà nhiều tương lai nữa. Hiếu nè, chỉ còn có một tuần lễ nữa thì chị em ta xa nhau. Thỉnh thoảng ta sẽ đến thăm nhau, nhưng chị sẽ không còn ở cạnh em như bây giờ để mà làm cố vấn cho em và bảo vệ em nữa. Vậy em nên ráng mà giữ gìn. Con trai phần lớn toàn là quỷ dịch cả, không khéo sẽ khổ về sau, nhứt là em, tánh nhút nhát lại đa cảm, đa sầu.
Đôi bạn đi song song với nhau, mãi cho đến công trường Dân-Chủ. Nơi đây, như hằng bữa, họ núp vào đầu đường Yên-Đổ tương đối vắng xe, để trò chuyện thêm giây lát rồi mới chia tay nhau.
Một tuần nữa! Trên đường đời vạn nẻo, không biết rồi ta sẽ gặp lại nhau như thế nào. Giữa em và chị, ai sẽ thành công chưa biết, nhưng chắc chắn là chị quyết chiến đấu và quyết chiến thắng, mặc dầu chị không được võ trang đầy đủ cho lắm. Em cho chị là nhiều tham vọng? Có lẽ em nghĩ đúng, nhưng chỉ có xã hội nào gồm đông kẻ nhiều tham vọng thì xã hội ấy mới tiến mau.
Nhưng em e khổ cho cá nhân ta một khi ta chiến bại. Nhưng nếu nằm đó mà chờ đợi thời, không cựa quậy ta vẫn khổ như là chiến bại. Điều cốt yếu là ta có tham vọng hay không? Nhưng không làm sao ta khỏi có, vì cuộc sống ở đô thành tự nhiên bắt những con người ý thức về số kiếp mình phải có tham vọng. Như em chẳng hạn, với sắc đẹp có một không hai của em, không sớm thì muộn em sẽ thấy rằng em không an phận được với địa vị cô thư ký đánh máy của em. Em phải ngồi trên đầu trên cổ người ta.
Hiếu rất hiểu những lời nói của người bạn da nâu, nhưng nàng hiểu như học trò đệ nhị cấp hiểu những bài Triết, khi thầy giảng thì thấy những điều giảng giải rõ như ban ngày, mà một lát sau thì quên hết.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP