Olivia Newton-John, 1979 (ảnh: Keystone/Hulton Archive/Getty Images)

Lần đầu tiên nghe bài “If not for you” trong một dĩa nhạc của Olivia Newton-John, tôi còn bé tí, chẳng biết nhiều về nhạc Âu Mỹ. Mãi sau này khi đã lớn, được nghe phiên bản của George Harrison (Beatles) tôi mới phát hiện ra tác giả của nó không ai khác hơn nhà thơ và nhạc sĩ thiên tài Bob Dylan.

_______________

Olivia Newton-John, 1948-2022

_______________

Olivia Newton-John vừa qua đời ngày 8 tháng 8, 2022, vì bệnh ung thư, hưởng thọ 73 tuổi. Đối với thế hệ của tôi, lớn lên vào thập niên 1970, tiếng hát của Olivia là một phần của tuổi teen mơ mộng, với nhiều bài nhạc giờ nghe lại thấy cũng hơi… sến, nhưng vẫn hay. Ở chỗ nó làm mình nhớ lại cái “thuở còn thơ” chưa nếm mùi đời, chưa biết sợ. Từ lâu không còn nghe nhạc của Olivia nữa, đột nhiên hay tin bà mất khiến tôi bàng hoàng. Bèn lên YouTube lục lại mấy bản nhạc từng làm mình mê mẩn, xao xuyến.

Người hâm mộ đặt hoa tưởng niệm Olivia Newton-John tại Hollywood Walk of Fame ngày 8 Tháng Tám 2022 (ảnh: Michael Buckner/Variety via Getty Images)

Nào là “If You Love Me, Let Me Know” làm mưa làm gió một thời, rồi thì “I Honestly Love You” ngọt như mía lùi. Hoặc là “Have You Never Been Mellow” hay “Please Mr. Please” mà mấy bà chị trong nhà nghe đến độ rè cả cây kim. Nhớ mãi mùa hè 1978, khi phim nhạc kịch “Grease” ra đời, Olivia Newton-John đang từ một ca sĩ “country”, “easy listening” bước cái rẹt sang “pop/rock” một cách nhẹ nhàng thoải mái, cứ như con sâu hoá bướm qua đêm. Những bài như “You’re the One That I Want,” “Summer Nights,” “Hopelessly Devoted To You” được radio thời bấy giờ chơi suốt ngày suốt đêm; soundtrack của phim leo cái ào lên hạng nhứt Billboard và nằm đó cũng phải mười mấy tuần lễ. Tên tuổi Olivia Newton nổi lên như cồn.

Olivia Newton-John, 1978 (ảnh: Keystone/Hulton Archive/Getty Images)

Sự nghiệp

Tuy sự nghiệp của Olivia Newton-John bắt đầu ở Melbourne và gắn liền với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ Úc như John Farrar (The Shadows), Andy Gibb (Bee Gees), Helen Reddy v.v. nhưng thật ra cô là người gốc Anh. Olivia ra đời ngày 26 Tháng Chín 1948 tại Cambridge, thuộc dòng dõi trí thức hàn lâm lâu đời. Ông ngoại Olivia, Max Born, là nhà khoa học người Do Thái đoạt giải Nobel Vật Lý năm 1954 môn cơ học lượng tử (quantum mechanics). Ông cố ngoại của Olivia, Victor Ehrenberg, là một vị thẩm phán nổi tiếng ở Đức vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Cha của Olivia, Bryn Newton-John từng làm việc cho cơ quan tình báo MI5 của Anh. Có gốc Đức, ông được làm công việc giải mã chiếc máy Enigma tuyệt mật của quân đội Hitler. Ông là người đã áp giải Rudolph Hesse, cận thần của Adolph, sau khi tên này bị bắt ở Anh. Sau chiến tranh, Bryn được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường nam trung học Cambridgeshire, nơi Olivia sinh ra đời. Năm cô lên 6, gia đình cô dọn xuống Melbourne, Úc, nơi cha cô làm hiệu trưởng trường Ormond College và University of Melbourne.

Năm lên 14, Olivia và ba người bạn lập một ban tứ ca tên là Sol Four, chủ yếu hát trong quán cà phê của người anh rể. Ít lâu sau Olivia xuất hiện thường xuyên trên đài TV địa phương trong các chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Năm 1965, Olivia tham dự chương trình tìm tài năng “Sing, Sing, Sing” và thắng nhất, giải thưởng là một chuyến du lịch sang Anh nhưng Olivia nhất định không đi. Mẹ cô phải mất cả năm thuyết phục.

Olivia Newton-John và John Travolta trong ‘Grease’, 1978 (ảnh: Paramount Pictures/Fotos International/Getty Images)

Trong thời gian ở Melbourne, qua chương trình “The Go! Show” Olivia làm quen với hai nhân vật về sau đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự nghiệp ca hát của cô. Đó là ca sĩ Pat Carroll và nhà sản xuất nhạc John Farrar. Hai người này về sau thành vợ chồng. John Farrar là người biên soạn nhiều ca khúc cho Olivia, kể cả những bài top hit như “Have You Never Been Mellow” (1975), “You’re The One That I Want” (1978), “Magic” (1980). Ngoài ra John Farrar cũng là nhà sản xuất cho hầu hết các dĩa nhạc của Olivia vào thời điểm đó, kể cả soundtrack cho phim “Grease.”

Olivia Newton-John trong buổi biểu diễn tại Royal Albert Hall London ngày 13 Tháng Ba 2013 (ảnh: Neil Lupin/Redferns via Getty Images)

Pat Carroll dọn sang Anh vào giữa thậo niên 1960 và rủ Olivia đi cùng. Sang Anh họ lập một ban nhạc tên là Pat and Olivia. Sau khi Pat Carroll trở về Úc (vì visa hết hạn) và lấy John Farrar, Olivia ở lại Anh để bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình. Năm 1971 Olivia Newton-John ra dĩa solo đầu tiên ở Anh mang tên “If Not For You”. Tại Mỹ, dĩa đơn cùng tên lên được đến hạng 25 cho thể loại Pop và hạng nhất cho Adult Contemporary (AC).

Năm 1973 dĩa “Let Me Be There” được phát hành ở Mỹ. Với bài “Take Me Home, Country Roads” của John Denver, Olivia Newton-John bỗng dưng trở thành một ca sĩ “country pop” được nhiều người Mỹ biết đến. Olivia thắng giải Grammy đầu tiên nhờ album này, và sự nghiệp của cô lên như diều gặp gió.

Olivia Newton-John và nam ca sĩ Úc John Farnham trong một chương trình biểu diễn tại Sydney vào Tháng Hai 2020 (ảnh: Cole Bennetts/Getty Images)

Sau nhiều thành công trong làng nhạc, kể cả bốn giải Grammy, năm 1992 Olivia Newton-John phát hiện mình bị ung thư vú và phải ngưng đi show. Tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cô luôn giữ tinh thần lạc quan và chia sẻ kinh nghiệm thuốc men của mình với công chúng. Chồng của Olivia, ông John Easterling, viết trong bản cáo phó:

“Suốt 30 năm qua, Olivia là biểu tượng của niềm hy vọng và ý chí chiến thắng, luôn chia sẻ với mọi người cuộc hành trình cùng căn bệnh ung thư. Những phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược mang tính thử nghiệm và tiên phong của Olivia sẽ được tiếp tục nghiên cứu qua tổ chức Olivia Newton-John Foundation Fund, ngõ hầu truyền cảm hứng cho đời sau.”

Vĩnh biệt, Olivia. We love you!

________________________

Nghe lại Face to Face

Mạnh Kim

Đã nghe không biết bao nhiêu lần ca khúc Face to Face mà Barry Gibb viết cho bà, và dĩ nhiên nghe lần nữa, rồi lần nữa, khi nghe tin bà – Olivia Newton-John – vừa từ trần ở tuổi 73.

Tất cả những bài nhắc lại sự nghiệp Olivia Newton-John, trên The New York Times, The Washington Post, AP, Reuters và CNN (mà tôi đọc qua), không bài nào nhắc lại ca khúc này. Olivia Newton-John hát Face to Face nhẹ như tơ, với bản hòa âm cực đẹp. Barry Gibb thật sự là bậc thầy kỳ tài trong đo ni đóng giày. Woman in Love chỉ dành Barbra Streisand; Experience chỉ dành cho Diana Ross; và Face to Face chỉ dành cho Olivia Newton-John… Ca khúc này nằm trong album Now Voyager (1984) của Barry Gibb. Hẳn đó là lý do khi nhắc lại sự nghiệp ghi âm của Olivia Newton-John, báo chí Mỹ không đề cập đến Face to Face.

Với những người mà gout nghe nhạc bị hóa thạch (như tôi), Face to Face không chỉ là một ca khúc. Nó là một giai đoạn, thời khốn khó nghèo nàn. Tôi nhớ mình phải để dành rất lâu mới đủ tiền mua một băng tape trắng (chưa ghi âm) rồi để dành thêm một ít lâu nữa mới đạp xe lọc cọc đến ngã năm Bình Hòa, Bình Thạnh để chép Face to Face từ cái đĩa lậu sản xuất ở Ba Lan chứ không phải đĩa Mỹ. Cầm được cuộn băng tape có bài Face to Face không chỉ là sự sung sướng tận cùng của người ghiền nhạc. Nó là một hạnh phúc không thể tả bằng lời của một lớp thanh niên vạ vật khốn khó đến mức đôi khi thèm một điếu thuốc cũng không thể mua.

Barry Gibb và Olivia Newton-John, 1979 (ảnh: Michael Putland/Getty Images)

Gần như chưa bao giờ nghe những ca khúc cùng thời Face to Face mà tôi không nhớ lại những hình ảnh Sài Gòn thời đó, nhớ những người bạn một thời từng “ngồi đồng” quán cà phê nhiều giờ đồng hồ và yêu cầu chủ quán bật đi bật lại những ca khúc yêu thích mà Face to Face là một trong số đó; thậm chí nhớ cả những giấc mơ ngày ấy và dĩ nhiên nhớ người bạn mà tôi đã cùng nghe đi nghe lại Face to Face để chép lời. Không gì có thể gợi lại ký ức bằng âm nhạc.

Tôi không biết mình nghe Face to Face nói riêng và những ca khúc thời đó bao nhiêu lần. Có thể xấp xỉ một triệu? Lần thì chỉ nghe mỗi tiếng bass; lần thì chỉ nghe trống; lần thì chỉ nghe tiếng “nấc” xuất sắc của Barry Gibb và lần thì chỉ nghe hơi thở của Olivia Newton-John. Face to Face và Olivia Newton-John đi theo tôi rất lâu. Nó đã thành một di vật được lộng kính trong cái bảo tàng cá nhân cuộc đời, mà khi đối diện với nó, face to face, nó sẽ tự kể cho mình nghe lại vô số chuyện cũ, những kỷ niệm, những con người, những hình ảnh – rất nhiều thứ mà ngày trước thèm khát có tiền để mua nhưng bây giờ thì tiền muôn bạc vạn cũng không bao giờ có thể có được.

Những ca sĩ của thế hệ người nghe hóa thạch (như tôi) ngày càng vắng. Ai-rồi-cũng-chết sẽ không nghe như một sáo ngữ rỗng tuếch nếu chúng ta có thể tự tạo một kho “bảo quản” nhỏ lưu giữ lại những gì họ đã trao cho cuộc đời, những ca khúc của họ, hoặc những quyển sách của họ, trong đó – một cách vô tình – có cả ký ức của chúng ta.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: