Nghĩ về giải thơ Văn Học Mới 2024

Trang web Tạp chí Văn Học Mới

Lễ Phát Giải GIẢI THƠ VĂN HỌC MỚI 2024 diễn ra vào cuối Tháng Sáu năm 2024. Ban Giám khảo (BGK) được mời đã nhận được đầy đủ các thi phẩm của 104 Tác giả (TG) dự thi cũng như Quy định/Bảng điểm chấm thi.

Là một thành viên BGK, tôi có mấy nhận xét sơ khởi trong bài viết dưới đây.

Trước hết, tôi muốn dành một điểm son cho Văn Học Mới (VHM) đã đi tiên phong trong việc tổ chức một Giải Thơ cho một tạp chí văn học ở hải ngoại (1). Thư ký thường trực của Giải Thơ nầy là nhà thơ Hà Nguyên Du (HND), Chủ biên tạp chí, đồng thời là Giám đốc nhà xuất bản Văn Học Mới tại Hoa Kỳ. Lại thêm BGK đều là những người có uy tín, đã thành danh về các lãnh vực thi ca, sáng tác, biên khảo và phê bình văn học từ trong nước tới hải ngoại, trước và sau năm 1975. Theo Thông báo của Ban Tổ chức đăng trên Văn Học Mới số 27 (tháng 10, năm 2023), thành phần BGK gồm “Những Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhà Biên Khảo Như Sau:  Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Kiến Thiết, Nguyễn Minh Triết, Hoàng Xuân Sơn, Nguyện Đức Tùng, Đức Phổ, Hà Nguyên Du”. Về sau còn bổ sung nhà văn Quyên Di trong BGK (VHM số 29, tháng 02, Xuân Giáp Thìn 2024), tổng cộng 9 người. Trong số 9 vị trong BGK (2) có một số nhà giáo đã dày dặn kinh nghiệm trong việc “cầm cân nẩy mực”. Có vài vị đã từng là Giám khảo Cuộc thi văn học của một cơ quan ngôn luận hay một đoàn thể. Đã có “hô” phải có “ứng”. Tính ra có tới 104 bạn làm thơ, những người yêu thơ và những “chuẩn thi sĩ” khắp mọi miền đất nước tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại đã nhiệt tình hưởng ứng Lời mời gọi của Ban Tổ chức và đã hăng hái gởi bài dự thi.

(Hình: tác giả cung cấp)

Nhìn chung về Nội dung, các “tác phẩm” dự thi đã sử dụng Đề tài rất thoáng, thi nhân tha hồ phóng bút. Đó là tình yêu quê hương, tình tự dân tộc (TG#10 (3); 3; 11, 56…), tình cảm gia đình như ông/bà Nội, công Cha nghĩa Mẹ (TG#10; 24; 45; 47; 71; 72, 81…), nhiều nhứt là tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng (TG#10; 11; 82; 92…). Thỉnh thoảng có tác giả đề cập đến tháng tư, “đất nước tôi nhức nhối những đoàn viên” (TG#80), rồi số phận thuyền nhân (TG#22), cuộc vượt biển, nạn hải tặc hãm hiếp (TG#87), thân phận kẻ “ngụy”, “vô sản”, “định cư” xứ người (TG#87). Có người luận về “tử sinh, hủy diệt, có-không vô thường” (TG#31), rồi Kẻ sĩ (TG#57) đến Hào khí (TG#73). Các địa danh lần lượt nhắc tới không riêng gì khắp mọi miền đất nước Việt Nam mà còn rải rác ở vài nơi trên thế giới.

Thỉnh thoảng chúng ta còn bắt gặp một vài nhà văn, nhà thơ như Sơn Nam, Bà Huyện Thanh Quan (TG#30), một vài nhân vật trong truyện thơ nước ta như Lưu Bình-Dương Lễ (TG#26). Đôi khi còn là nỗi canh cánh bên lòng với “Nỗi hoài hương” (TG#56), nhớ về “Bạc Liêu ký ức” (TG#4) và lắng “Nghe đàn Vọng Cổ trên sông Hậu” (TG#67); có lúc “về thăm Huế” (TG#92), thăm “Quê Hội An”, “Về Hà Tân”, hóng “Gió bên cầu Giao Thủy” (TG#11), thơ thẩn bên “cầu Hiền Lương”, rồi lang thang “bên hồ con Rùa” (TG#103), dưới “Mưa Sài Gòn” và “Trời Văn Khoa” (TG#104), v.v… Đó là tiếng lòng của người yêu thơ, là tình cảm chân thật nhưng vô cùng cảm động của con người được thể hiện bằng ngòi bút của người yêu thơ.

Về Hình thức, các “thi phẩm” dự giải được sử dụng rất đa dạng, không phải tuân thủ một thể loại thơ nào. Đọc suốt 104 “thi phảm” dự giải, chúng tôi ghi nhận như sau: Từ thơ hai chữ, ba chữ, bốn chữ rồi thơ năm chữ, sáu chữ, bảy chữ đến thơ tám chữ, chín chữ; đôi khi hỗn hợp các thể thơ kể trên một cách phóng túng. Phần đông các TG gởi đúng 10 “thi phẩm” dự thi, trung bình 5-6 bài. Có một TG gởi 1 bài dự thi (TG#64). Còn TG#11 gởi tớí 27 bài chiếm kỷ lục về số lượng. Duy có một người gởi “Tản thơ” (một hình thức văn xuôi/thơ) với ba bài và 7 bài thơ để dự thi (TG#81). Đa phần các tác giả “sính” dùng thơ tự do, thơ tân hình thức (các TG#1; 2; 5; 6; 7; 8; 21; 25; 31; 33; 61, v.v…) hơn là thể thơ mềm mại lục bát (các TG#3; 22; 24; 30; 93; 94, v.v..) hoặc song thất lục bát. Ngoài thể thơ thất ngôn tự do (TG#10; 12; 32; 92, v.v…) còn có thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Hai “tác giả bát cú” nầy (TG#26 và TG#73) thay vì bước trên con đường bằng phẳng lại “tìm chỗ đoạn trường mà đi”. Bởi lẽ đi trên “chỗ đoạn trường” nầy phải tuân thủ những quy luật nghiêm ngặt của thể thơ Đường luật bát cú như Bố cục, Niêm, Luật, Vần, Đối; sơ suất một chút là dễ bị phát hiện ngay. Chúng tôi đánh giá cao các bài thơ luật của hai TG#26 và TG#73.

Thật khó đánh giá thơ tân hình thức và thơ tự do bởi tiết tấu và vần điệu. Các tác giả nầy gieo vần đôi khi khá tùy tiện, quá cách tân? Nhưng về thơ mới, các thi phẩm dự giải khi thì sử dụng vần ôm, lúc vần liền (vần liên tiếp), có lúc lại vần chéo hoặc hỗn hợp các cách gieo vần kể trên. Về cách ngắt nhịp thơ sáu tám mà chúng tôi gọi là lục-bát-cắt-vụn, một số tác giả dự thi đã thử “cắt vụn” thơ lục bát, khi thì một chữ, lúc hai chữ, có khi hai, ba chữ nhằm cắt đứt mạch thơ để diễn tả hoặc nhấn mạnh đến nhiều dạng cung bực của tình cảm (TG#90). Họ muốn nối gót đàn anh đã thành công (chẳng hạn Hà Nguyên Du, Hoàng Xuân Sơn) về cách ngắt nhịp/cắt vụn thơ lục bát hoặc thơ tân hình thức, điều mà Du Tử Lê gọi là “một thứ trò chơi chữ nghĩa tùy hứng”.

Với tư cách người tuyển chọn, với tất cả sự vô tư khách quan, tôi đánh giá cao cho hai nhà thơ Đường luật bát cú (TG#26 và TG#73), và TG#81, TG#10, TG#2, TG#61, TG#71, TG#88 cũng như trên 15 TG khác. Đặc biệt bài bát cú “Dụng Mèo” (4) của TG#26 thật “tuyệt cú mèo” bởi Niêm, Luật, Vần, Đối chỉn chu, chứng tỏ TG am hiểu phép làm thơ Đường luật. Bất giác tôi liên tưởng tới Học Lạc (1842-1915) – nhà thơ trào phúng Nam Kỳ – qua bài thơ luật “Chó chết trôi” với “cái giọng thống thiết, đau đớn” (Thanh Lãng). Còn TG#73, với bài bát cú “Hào khí” mặc dầu Đối chưa chỉnh nhưng vẫn gây chú ý. Tuy nhiên kết quả chung cuộc tùy thuộc vào thang điểm của 6 thành viên còn lại trong BGK. Nếu chẳng may một trong hai bài thơ bát cú nầy không được sự đồng thuận của BGK thì thật đáng tiếc!

Trước khi kết thúc bài viết, chúng tôi muốn nhắn nhủ các “chuẩn thi sĩ” mấy điều sau đây:

1.Các bạn có thể chọn bất cứ đề tài nào, bất cứ thể loại thơ nào cũng được, miễn là thơ hay và có hồn có sức lay động lòng người;

2.Đối với thơ Đương luật thất ngôn bát cú (gọi tắt là thơ Đường luật, thơ luật hoặc thơ bát cú) phải tuân thủ nghiệm ngặt quy tắc có phần khắt khe như Niêm, Luật, Vần, Đối. Đành rằng trên thực tế đã có những nhà thơ lớn ở nước ta đã “vi phạm” các nguyên tắc nầy (gọi là “phá cách”), nhưng thơ vẫn hay và có hồn. Những nhà thơ “phá cách” đó có thể kể là: Hồ Xuân Hương với bài Đèo Ba Dội (thất luật), Nguyễn Bỉnh Khiêm với Dĩ Hòa Vi Quý (thất niêm), Bà Huyện Thanh Quan với Qua Đèo Ngang (cưỡng vận), Nguyễn Khuyến với Thu Vịnh (lạc vận), Vũ Hoàng Chương với Nghe Hát (thất đối), Phan Văn Trị với Vịnh Hát Bội (khổ độc), vân vân…

3.Để cho viên-ngọc-thơ không có tì vết, nên tránh dùng chữ gây phản cảm như “điện thoại cầm tay” (TG#13), “sờ l.” (TG #42), sexy” (TG#68 ), “phượt ngày” (TG#75), v.v…

4.Nên tra cứu cẩn thận để hạn chế tối đa Lỗi chánh tả. Một số từ có thể chấp nhận tùy cách phát âm và thói quen từng vùng, miền như: “dày xéo/giày xéo” (TG10), “dòng/giòng” (TG 51), “xá gì/sá gì” (TG42), “Hoàng Xa/Hoàng Sa” (TG100), v.v… Thật ra viết đúng chánh tả là: “giày xéo”, “dòng sông”, “gì”, Hoàng Sa”. Rất nhiều Lỗi chánh tả như: “Ô Thướt” (TG#26), “nổi buồn”, “chổ dấu”, “cỏi hư không” (TG#36), “mãnh đời” (TG#48), “vô vàng”, “tắt liệm” (TG#55), “mõi cánh” (TG#58), “nổ lực” (TG#61), “cây cầu bắt qua” (TG#63)… Viết đúng chánh tả là: “Ô Thước”, “nỗi buồn”, “chỗ giấu”,  “cõi hư không”, “mảnh đời”, “vô vàn”, “tắt lịm”,  “mỏi cánh”, “nỗ lực”, “cây cầu bắc qua”, v.v…

5.Tránh Lạc vận. Thông thường đối với những thể thơ có vần như yêu vận (vần lưng), cước vận (vần chân/vần cuối) phải tuân theo cách gieo vần như: vần chánh (vần có âm hoàn toàn giống nhau) hoặc vần thông (vần có âm na ná giống nhau) và tuyệt đối tránh lạc vận (lạc: rụng), tức vần không hoàn toàn hiệp nhau. Đa phần các TG sử dụng vần chánh (các TG#3; 19; 22; 24; 26; 63; 73; 93; 94…), một số TG gieo vần thông, rất ít TG lạc vận (các TG#27; 35; 36; 44; 68…).

Về phía Ban Tổ chức, thay vì chỉ mặc áo thụng vái nhau, người viết cũng muốn lượm lặt những lời “bàn ra tán vào” để đóng góp một vài ý kiến nho nhỏ hầu rút tỉa kinh nghiệm. Nhưng theo lẽ thường, hễ “trung ngôn” dễ bị “nghịch nhĩ”, chúng tôi thành thật xin lỗi trước về những “Lời thật” vô tình làm “Mất lòng”!

1.Việc công bố Bảng điểm chấm thi trên FB của tất cả Giám Khảo chưa đầy đủ 100%.

2.Để kết quả Cuộc thi hoàn toàn vô tư, khách quan, tránh gây xôn xao dư luận, thiết tưởng việc chấm thi phải đi từ vòng “Sơ khảo”, sau đó mới đi đến “Chung khảo”. Ở vòng “Chung khảo” nầy, các Giám khảo sẽ bỏ phiếu “kín” để chọn thí sinh trúng giải.

Tóm, với thành phần BGK có tầm có tâm, với sự hưởng ứng nồng nhiệt của 104 TG gởi bài dự thi, mặc dầu còn một số hạn chế nhứt định (khách quan, chủ quan) có khi gây “dư luận xôn xao” như phần đông các cuộc thi khác, chúng tôi tin rằng GIẢI THƠ VĂN HỌC MỚI 2024 sẽ thành công tốt đẹp.

(Montréal, Canada)

Chú thích:

(1) Thật ra ở trong nước, Tạp chí NHÀ VĂN & TÁC PHẨM (Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân) đã tổ chức thành công Cuộc Thi Thơ 2017-2018.
(2) Giờ chót các GK Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Vy Khanh đều xin rút tên (người thì vì lý do sức khỏe, người vì lý do riêng).

(3) TG#10 đã gởi 10 bài thơ dự thi gồm thơ lục bát, thơ thất ngôn, thơ mới… Nhưng không hiểu vì sao cuối cùng “nhà thơ” lại xin rút tên. Chúng tôi tôn trọng quyết định ấy. Thơ anh hay và có hồn, giàu tính nhân văn, vần điệu chỉn chu. Đặc biệt thơ mới bảy chữ có hơi hướm “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của Kiên Giang rất được đánh giá cao. Thật đáng tiếc.
(4) Để bạn đọc tiện tham khảo, xin dẫn bài thơ bát cú “Dụng Mèocủa TG#26:

Lắm chó can chi phải dụng mèo

So tài đọ sức khó mà theo

Rừng sâu núi thẳm chưa lần đến

Bếp rộng kho đầy mặc sức leo

Lúc đói đi rình quanh xó chạn

Hồi no nhảy tót ngủ đuôi kèo

Thì ra được cái rành ăn vụng

Thịt cá giàn cao mấy cũng trèo

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: