Tin tức về chuyện nhạc sĩ Nam Lộc “đi đêm” bán bản quyền các ca khúc của mình, kể cả những bài hát ngoại quốc dịch lời Việt, để cho Trung tâm thu tiền tác quyền của CSVN kiểm soát giùm, đang trở thành chuyện bàn tán ở chốn công cộng, ở trong các diễn đàn của người yêu nhạc trên facebook…
Lúc này, trang web của Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam (VCPMC) có rất nhiều người vào thăm dò để xem thực hư thế nào. Thậm chí có một khán giả ở Việt Nam thử post lên Youtube bài Sài gòn ơi, vĩnh biệt của nhạc sĩ Nam Lộc, lập tức bị phản hồi ngay là đã có bản quyền được kiểm soát trên hệ thống của công ty Youtube, do phía Việt Nam quản lý.
Trước khi giải thích cặn kẽ về tình hình đời sống văn nghệ ở Việt Nam, về việc buôn bán tác phẩm, ủy quyền thu tiền âm nhạc, cần phải xác định ngay để không làm mất thì giờ của quý vị độc giả: Không thể có chuyện nhạc sĩ Nam Lộc bán hay ủy quyền thu tiền cho một trung tâm nào ở Việt Nam. Đơn giản vì trong một chế độ công an trị của CSVN, kiểm soát nhân thân con người chặt chẽ đến ba đời, việc để lọt nhạc sĩ Nam Lộc được lưu hành mua bán nhạc phẩm trong đời sống sinh hoạt xã hội Việt Nam lúc này, là điều không thể.
Mọi việc sẽ được nói rõ thêm, dưới đây.
Nơi được đồn thổi chỗ “đi đêm” của nhạc sĩ Nam Lộc, là Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam (VCPMC), một tổ chức phi lợi nhuận, không thuộc quyền Nhà nước CSVN, được thành lập năm 2002, với sự khởi xướng của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Giấy phép được Hội nhạc sĩ Việt Nam (Hà Nội) trình lên xin và thành lập, bởi lý do nhận thấy nguồn thu khổng lồ từ nhạc Việt – đặc biệt là nhạc của nền văn hóa VNCH luôn được người dân gìn giữ, nghe, hát và tải lên trên các mạng lưu trữ tự do như Youtube, SoundCloud… Sau nhiều năm, hiện VCPMC đã kết nối với nhiều tổ chức quốc tế để học cách quản lý, thu tiền và kiểm soát bản quyền của tác giả Việt (kể cả những người không ký hợp đồng với trung tâm này) ở trong nước lẫn nước ngoài. Phương thức của VCPMC là ăn chia theo phần trăm với các tác giả ủy quyền.
Theo công bố của VCMPC, trong năm 2020, dù gặp khó khăn vì đại dịch nhưng nơi này vẫn thu về được hơn 150 tỷ đồng (khoảng hơn 6 triệu USD, từ danh sách của hơn 4,540 tác giả âm nhạc, bao gồm văn công, nhạc sĩ của chế độ, cho đến các nhạc sĩ của VNCH. Trong danh sách đã ký kết này không có tên nhạc sĩ Nam Lộc.
Trong khoảng 10 năm đầu, rối rắm từ trung tâm này không ít, bao gồm việc liên lạc với các nhạc sĩ ở hải ngoại, các nhạc sĩ trước 1975 ở miền Nam nhưng không muốn liên hệ với chính quyền mới… Cũng trong những năm đầu đó, có bốn nhạc sĩ bị liệt vào sổ bìa đen đặc biệt không được dính líu đến là Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Nguyệt Ánh và Việt Dzũng. Các nhạc sĩ khác nổi lên sau ở hải ngoại như Trúc Hồ, Phan Văn Hưng… cũng bị bổ sung vào danh sách.
Tuy nhiên, khoảng 5-7 năm gần đây, đời sống kiểm duyệt ở Việt Nam bớt khắc nghiệt. Các quan chức văn hóa cũng mệt mỏi vì phải “lên gân” suốt một thời gian dài, đồng thời cũng muốn tận thu từ kho tàng âm nhạc của nền văn hóa VNCH – vốn không bao giờ lỗi thời – nên nhân cơ hội đó, VCPMC cũng đã âm thầm kết nối với nhiều trung tâm sản xuất ở Mỹ, Úc Pháp… để ký kết.
Mọi chuyện càng thuận lợi hơn, khi Tháng Mười Hai 2020, Hà Nội ra Nghị định 144/2020 “Không còn quy định về việc cấp phép biểu diễn tác phẩm nữa”, mà người dân, ca sĩ… được trình bày, sản xuất và thậm chí là các tác giả lâu nay chưa được phép, được khuyến khích nộp hồ sơ xin lưu hành trong nước.
Như đã nói, thu tiền bản quyền âm nhạc đang làm một mối lợi khổng lồ trong nước, nên ngay sau khi có Nghị định 144, đã có hàng loạt các công ty ma và những kẻ lừa đảo, tự xưng mình là đại diện của các tác giả còn sống nhưng không thể liên lạc được, hoặc của những tác giả đã chết, dựng nên các hồ sơ ký kết trực tiếp với VCPMC. Đẩy gánh nặng trách nhiệm về các công ty đó, VCPMC đưa vào dữ liệu bảo vệ bản quyền, để có thể mau chóng thu tiền từ các hệ thống trực tuyến đang đổ về, mà theo thống kê của chính Nhà nước Việt Nam, hiện có đến 73 triệu người trong nước đang tham gia dùng internet để giải trí, thường xuyên đăng tải video, audio.
Vì vậy, chuyện hai bài hát Sài Gòn ơi vĩnh biệt và Mùa thu lá bay của nhạc sĩ Nam Lộc ở VCPMC, chỉ là cú ăn mảnh của một kẻ nào đó, nay đã bị phát hiện. Sớm muộn gì cũng sẽ tàn cuộc sau sự lên tiếng này của nhạc sĩ Nam Lộc. Và bên cạnh đó, cũng chẳng có chuyện một Trung tâm chống cộng lừng danh của người Việt hải ngoại như Trung tâm Asia có thể làm giao kèo được với VCPMC, và nhất là giao kèo được một bài chống cộng tiêu biểu như Sài Gòn ơi, vĩnh biệt.
Để tránh bị tìm đến để kiện tụng, chất vấn, những công ty ma hay kẻ lừa đảo giả làm đại diện tác giả ở Việt Nam thường đưa tên cơ quan quản lý bản quyền trong các hệ thống internet là VCPMC. Điều khó là khi các tác giả chính danh tìm đến trung tâm này, họ mất rất nhiều thời gian để chất vấn, rồi phải chứng minh mình mới là tác giả thật. Tác giả trong nước còn gặp khó, huống gì các tác giả ở xa cách cả một đại dương và xa cách cả một hệ thống tư tưởng chính trị.
Cái tên Nam Lộc, cũng giống như Trúc Hồ, Phan Văn Hưng… khi liên lạc với trung tâm VCPMC về bất kỳ điều gì, thì rào cản đầu tiên là Điều 3 của Nghị định 144, luôn cấm đoán các tác giả và tác phẩm “chống nhà nước CHXHCN VN, không xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN VN, không xâm phạm an ninh quốc gia, không kích động bạo lực, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại…”.
Bộ mặt xã hội Việt Nam nhìn bên ngoài có vẻ ổn định và phát triển, nhưng bên trong nó đầy những sự hỗn loạn và bất cập. Nhưng không chỉ vậy, việc tổ chức “cướp” quyền sở hữu tác phẩm hay lừa tác giả để thu hết mọi nguồn tiền… vẫn xảy ra, mà nạn nhân không biết phải làm sao để lấy lại công bằng.
Trong loạt phóng sự này, vào kỳ sau, Sài Gòn Nhỏ sẽ gửi đến quý vị những chuyện khó tin như vậy, đã xảy ra với những cái tên nhạc sĩ quen thuộc như Hoàng Thanh Tâm (Tháng Sáu trời mưa, Lời tình buồn…), và nhạc sĩ Viễn Chinh (Nhật thực, Mùa xuân trong thư em…).
***
Dưới đây là nguyên văn bài viết về việc này của ông Nam Lộc
Ai Đã Bán Trung Tâm ASIA Cho Việt Cộng?
Tuần qua, sau khi phổ biến bức thư phản đối Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam (VCPMC) ở trong nước, là tổ chức đã tự nhận tác quyền nhạc phẩm Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt do tôi sáng tác. Thì ngay sau đó tin đồn thất thiệt, nói rằng: “Trung tâm Asia đã bán cho Việt Cộng” lại được phát tán trên Internet. Là một MC cộng tác với trung tâm ca nhạc này từ gần 30 năm qua, tôi nghĩ rằng mình có bổn phận phải lên tiếng để bảo vệ danh dự cho chính mình cùng các ca nhạc sĩ và chuyên viên cộng tác hầu quý vị khán thính giả cùng đồng hương được hiểu rõ vấn đề. Bởi vì chúng tôi quan niệm, đây là một điều sỉ nhục, khi mà một trung tâm đã “bán cho VC” mà mình vẫn cúi đầu phục vụ!
Nhưng sự thật không phải như thế. Kể từ khi chính thức làm việc với TTAsia cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn chỉ tiếp xúc và hoạt động với một người chủ (owner) duy nhất, đồng thời cũng là giám đốc điều hành TTAsia là cô Thy Vân, con gái của nhạc sĩ Anh Bằng. Tôi chưa bao giờ gặp mặt hay tiếp xúc với bất cứ một nhân vật nào gọi là “chủ nhân mới” của TTAsia. Chúng tôi cũng chưa hề nhìn thấy ai xuất hiện tại TTAsia và tự nhận là “chủ nhân mới” của công ty này.
Tất cả hợp đồng làm việc, trả tiền thù lao, lương bổng hay tác quyền vẫn do cô Thy Vân trách nhiệm và điều hành. Tất cả mọi quyết định liên quan đến chủ đề hay nội dung chương trình, cá nhân tôi vẫn chỉ làm việc với một người duy nhất là cô Thy Vân mà thôi. Các tác phẩm ca nhạc của TTAsia cùng những sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng vẫn do cô Thy Vân cùng gia đình kiểm soát và chủ động. Bất cứ ai cần đến các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Anh Bằng đều có thể liên lạc với cô Thy Vân cùng gia đình để xin phép được sử dụng.
Lập trường quốc gia vững chắc từ trước đến nay của TTAsia vẫn không hề thay đổi. Điển hình là vào dịp 30 tháng Tư, 2021 vừa qua, Asia là trung tâm duy nhất tại hải ngoại đã thực hiện chương trình video ca nhạc tưởng niệm quốc hận, qua chủ đề “30 Tháng Tư, Dưới Lăng Kính của Thế Hệ Tiếp Nối” (xin xem link đính kèm), với sự tham dự cùng đóng góp ý kiến của các bạn trẻ ở trong và ngoài nước:
Chính cô Thy Vân đã nhờ tôi liên lạc và tiếp xúc với các nhạc sĩ Phan Văn Hưng, Lê Tín Hương, một số quý vị nhạc sĩ khác, cùng thân nhân của cố nhạc sĩ Y Vân để sử dụng các sáng tác của họ trong bộ video này. Tôi cũng là người đại diện cho TTAsia để mời cô Amanda Nguyễn, cùng phó đề đốc Hải Quân HK, Nguyễn Từ Huấn tham dự cũng như chia sẻ các thông điệp ý nghĩa của họ với giới trẻ VN trong và ngoài nước. Và điểm đáng chú ý là nhà cầm quyền Cộng Sản VN đã ngăn chặn video này ngay từ lúc TTAsia chính thức phát hành và phổ biến trên YouTube. Cho đến ngày hôm nay, sau gần 3 tháng, chương trình ca nhạc video “30 Tháng Tư, Dưới Lăng Kính của Thế Hệ Tiếp Nối” vẫn tiếp tục bị cấm đoán ở VN.
Với tất cả những chi tiết được trình bầy ở trên, chúng tôi hy vọng quý vị khán thính giả cùng đồng hương đã tìm được câu trả lời cho đề tài của bài viết ngày hôm nay, tức là
KHÔNG CÓ AI BÁN TRUNG TÂM ASIA CHO VIỆT CỘNG như các tin tức thất thiệt cùng những lời đồn ác ý, với mục đích tạo sự tò mò của dư luận mà thôi.
Ngoài ra chúng ta cần phải hết sức thận trọng và đề cao cảnh giác về những bản “tin giả” (fake news) được tung ra hàng ngày trên mạng truyền thông xã hội để lôi cuốn người xem. Mỗi ngày có hàng triệu YouTube được phổ biến. Nếu có những YouTuber đứng đắn và nghiêm chỉnh, thì cũng không thiếu những kẻ làm YouTube nhảm nhí, lừa đảo để câu views kiếm tiền. Một trong những thí dụ điển hình là tin “MC Nam Lộc đã vĩnh viễn ra đi!” (xin xem hình ảnh ở bên dưới). Họ dựa vào tên tuổi của những người được biết đến trong xã hội ở bất cứ lãnh vực nào để làm mồi câu khách. Họ bịa ra đủ điều, đủ chuyện, rồi bàn luận một cách vô trách nhiệm, bất kể lương tâm, đạo đức hay nhân cách. Hy vọng sự lên tiếng của chúng tôi sẽ giúp quý vị tin tưởng cũng như tiếp tục ủng hộ TTAsia. Một trung tâm ca nhạc đứng đắn, đã được đông đảo khán thính giả thương mến từ nhiều năm qua.
Trân trọng cám ơn quý vị,
Nam Lộc