Nhạc sĩ Tuấn Hải là một cái tên không phải ai cũng nhanh chóng nhận ra, nếu không liệt kê một vài bài hát nổi tiếng của ông làm điểm tựa, bởi ông chọn sống một cuộc đời yên lặng và khiêm tốn. Suốt hàng chục năm, nhiều phóng viên văn nghệ đã từng đề nghị ông kể lại câu chuyện đời sáng tác của mình, nhưng ông chỉ cười xòa, và nói rằng kể lại, cũng giống như tự ca ngợi mình nên ông thấy ngại.
Vì vậy, tư liệu về ông trên internet thật ít ỏi. Ngay trên Wikipedia, phải mất nhiều năm, thông tin về ông mới có được chút ít qua những mẩu chuyện, tin tức lượm lặt về ông mà người ta gom lại được. Theo đó, nhạc sĩ Tuấn Hải có tên thật là Lê Xuân Nghị, sinh ngày 1 Tháng Sáu năm 1939 tại Hải Phòng. Người ta ghi nhận ông còn có những bút danh khác như Lê Kim Khánh (lấy tên con ông), Song Kim và Phụng Anh (trong một số bài). Khi hỏi ông về các thông tin này, ông lại cười xòa, nói rằng “có những điểm trên đó cũng không chính xác, nhưng thôi không quan trọng, vì đời mình rồi cũng qua đi, được quên cũng tốt”.
Năm 2023, ông bước qua tuổi 83. Hiện ông đang sống ở Brisbane, Úc châu. Cuộc định cư ở quê hương thứ hai vào Tháng Tư 1990. “Tôi có ở lại cũng không làm gì, nhưng đi thì lại thấy mình nhớ nhiều thứ quá”, ông kể, “giống như thân xác mình đi, nhưng trái tim mình ở lại với miền Nam cũ”.
Như số phận chung của giới văn nghệ sĩ sau 1975, nhạc sĩ Tuấn Hải ngừng công việc của đời mình. Trở về yên lặng và từ chối giao tiếp với đời sống văn nghệ của xã hội mới. Ông kể rằng những tháng sau biến cố đó, một số anh em nghệ sĩ quen cũng như các viên chức văn hóa của nhà nước đến đề nghị ông tham gia sáng tác và sinh hoạt ca ngợi cuộc sống mới. Nhưng nhạc sĩ Tuấn Hải từ chối. Ông nhận ra rằng mình không thể hội nhập được. Nói thẳng với những người mời mình, nhạc sĩ Tuấn Hải nói “tôi xin lỗi là tôi vừa trải qua một biến cố quá lớn của xã hội, và vẫn chưa lấy lại được tinh thần, nên hẹn khi nào cảm thấy có thể tham gia được thì tôi sẽ đến”.
Lời hẹn đó vẫn treo mãi, vì ông chọn sống một cuộc đời không thay đổi. “Tôi thấy mình tham gia, rồi viết ngược với suy nghĩ và cách sống của mình trước đây, khó quá. Làm người không làm vậy được”, nhạc sĩ Tuấn Hải nói. Khi hỏi vì sao ông lại mang suy nghĩ đó, ông chỉ nói đơn giản là “làm vậy kỳ lắm”. Câu trả lời đơn giản đầy phẩm giá này, không phải ai sống trong miền Nam Việt Nam, sau 1975 cũng có được suy nghĩ như vậy.
Vốn là chuyên viên âm thanh của Bộ Quốc Phòng, và được biệt phái qua hoạt động kỹ thuật phòng vi âm của bộ phận Tâm Lý Chiến. Tháng Sáu năm 1961, ông được tuyển chọn vào làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn, và mở rộng quan hệ với giới sáng tác của miền Nam Việt Nam. Sau đó, ông đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – Giám đốc hãng nhạc, giao cho việc phụ trách kỹ thuật âm thanh và chọn lựa bài hát, tổ chức thu âm cho hãng dĩa Continental.
Cuộc đời làm việc với âm nhạc của nhạc sĩ Tuấn Hải trải đầy những giải thưởng. Ông từng được các giải thưởng trong cuộc thi sáng tác được tổ chức bởi các cơ quan như: Văn Hoá Vụ, Tuyên Úy Phật giáo, Thiếu Nhi, Phòng Vệ Dân Sự, Dân Vệ Đoàn, bộ Thông tin và bộ Tư lệnh Cảnh Sát Quốc gia. Đặc biệt là ông đạt được giải nhất với bài “Mừng Ngày Quân Lực”, trong cuộc thi sáng tác toàn quốc năm 1965, do Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức.
Ông đã được sự khen thưởng đặc biệt của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như Địa phương quân và Nghĩa quân. Cho tới nay, ông có khoảng hơn 100 tác phẩm để lại cho đời, bao gồm sáng tác cùng với những nhạc sĩ khác. Rất nhiều bài đã lưu mãi trong ký ức của người yêu nhạc như Phượng Buồn, Một Trăm Phần Trăm, Gửi Niềm Thương Về Huế, Kỷ Niệm Nào Buồn, Như Một Cơn Mê… và đặc biệt là ba bài về mùa Giáng Sinh.
Ông kể lại với giọng hào hứng, tràn ngập kỷ niệm về những ngày làm việc không ngừng, và mô tả một xã hội sinh hoạt văn hóa của miền Nam Việt Nam tự do đầy sức sống. Lúc đó, ba ban nhạc ghi âm thường xuyên là ông làm việc, là ban của nhạc sĩ Lê Văn Thiện, ban của nhạc sĩ Văn Phụng và ban của nhạc sĩ Y Vân. “Mỗi nhạc công lúc đó, mỗi bài ghi âm trước trả tiền là 2 ngàn đồng. Một ngày thu tối đa là 4-5 bài, chuyện kiếm tiền rất nhẹ nhàng”, ông cười. Lúc đó thời giá một lượng vàng khoảng gần 3,500 đồng, còn một chiếc xe Honda mới, chỉ trên dưới 20,000 đồng. Cuộc sống của giới văn nghệ sĩ không cực nhọc như sau này.
“Vậy giá thu âm của ca sĩ là bao nhiêu vậy, thưa ông?” Câu trả lời của nhạc sĩ Tuấn Hải thật thú vị: Ca sĩ không đòi hỏi giá ghi âm, nhưng cách tính của giới sản xuất dĩa và in nhạc giấy không làm họ thiệt thòi. Ca sĩ như Khánh Ly, Jo Marcel, Thái Thanh… thường ở mức giá 5,000 đến 6,000 đồng/bài. Nhưng hiện tượng lúc đó là ca sĩ Hùng Cường với thời trình diễn sân khấu lừng danh, được các nhà sản xuất chiều chuộng, trả có lúc lên đến 20,000 đồng/bài. Theo trí nhớ của ông, ca sĩ vedette phòng thu lúc bấy giờ là Hùng Cường và Hà Thanh.
Nói về bài hát “Một trăm phần trăm” lừng danh một thời, nhạc sĩ Tuấn Hải kể nguồn cơn của việc ra đời, là một ngày ông và nhạc sĩ Ngọc Sơn đi ăn cháo cá ở đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, thì nhạc sĩ Ngọc Sơn mới đưa cho ông tờ giấy nháp viết câu hát đầu tiên “100 em ơi, chiều nay 100%”, và đề nghị ông về phát triển thành một bài kích động nhạc. Vài hôm sau, ông mang bản chép tay toàn bài đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nói là bán đứt cho ông. Lúc đó, bài hát bán được 10,000 đồng và chia đôi cho cả hai người Tuấn Hải – Ngọc Sơn.
Chuyện tiếp sau đó, là một điều thú vị mà ít người biết: Vì mua đứt, nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa cho một người xuất bản nhạc giấy, cũng là đàn em, tên là Minh (sau này định cư ở Sydney, Úc). Tưởng là chỉ in bán để lấy vốn, do Hùng Cường hát trên đài phát thanh được yêu cầu nhiều lần, không ngờ lúc đó số bản in vượt hơn 100,000 bản, tiền lời nhiều đến bất ngờ.
Ông Minh sau này gặp lại nhạc sĩ Tuấn Hải, có kể rằng con số thu được đến gần hai triệu đồng, là phần tiền góp vào mua căn nhà của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở đường Nguyễn Minh Chiếu, cho đến bây giờ. Nghe kể xong, nhạc sĩ Tuấn Hải bật cười. Lúc đó, chỉ nghĩ là một bài hát vui, không quá quan tâm nên ông cùng nhạc sĩ Ngọc Sơn đồng ý bán đứt, chứ đoán trước được thì đã cùng làm giàu rồi.
Nhạc sĩ Tuấn Hải chỉ có bạn trong đời, không có người ghét bỏ hay tỵ hiềm. Ông cũng là người hay giúp đỡ anh em trẻ mới vào nghề, chép lại nhạc cho họ, đưa vào chương trình ghi âm. Luôn ngại làm người khác phiền, nên ông hay cho qua mọi chuyện, kể cả những thị phi. Những năm tháng cách trở – và đặc biệt một phần là ông ít dùng mạng xã hội – nên việc gán đặt sai tên tác giả diễn ra, nhưng ông nghe rồi cũng cho qua, vì thấy tranh cãi cũng không để làm gì. Năm 2015, sau khi nghe nhiều người nhắn hỏi, ông buộc lòng phải viết một thư ngỏ, trong đó có nhắc đến ba bài bị tranh cãi nhiều.
Ca khúc Phượng Buồn
Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ…
Sau khi tặng Vinh Sử một CD Phượng Buồn thì người bạn này nói liền: “Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài Phượng Buồn nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền…” Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui… Thế là vấn đề thông qua.
Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc “tam sao thất bản” càng lan tràn theo tỉ lệ thuận. Cũng từ đó một số thân hữu của tôi tỏ ra bất đồng về sự im lặng này, cũng có vài người còn suy nghĩ ngược lại. Trong thời điểm này tôi không biết dùng computer nên chẳng muốn bận thêm làm gì. Nay tiện có cháu nội bà xã tôi sang du học tại Australia nên tôi nhờ cháu Thanh Trinh giúp cho việc này.
Cũng xin được nói thêm là giữa tôi và Thanh Sơn đã có thâm tình từ những ngày hai đứa mới vào nghề (nhắc tên bạn ở đây bằng tất cả lòng quí mến). Tôi nhớ rõ là nhạc sĩ Thanh Sơn có mấy bài viết về phượng rất nổi tiếng như: Nỗi buồn hoa phượng, Hạ buồn và Hai cánh phượng buồn (bài này ghép mấy bài cũ của Thanh Sơn). Tôi cũng thấy vài trung tâm còn ghi tác giả bài Phượng Buồn của Nguyên Vũ hay Nguyễn Vũ. Theo tôi được biết không có nhạc sĩ nào tên Nguyên Vũ, còn nhạc sĩ Nguyễn Vũ và chúng tôi cũng rất thân quen từ những ngày cùng cộng tác ở Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông điều hành. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết nhiều bài về tình yêu lính biển và mấy bài Giáng sinh rất nổi tiếng. Tôi chưa nghe thấy bài nào viết cho phượng.
Ca khúc Nhớ Nhau Làm Gì
Ca khúc này đã do Elvis Phương hát trong dĩa Continental. Sau năm 1975 vài trung tâm khác sử dụng lại nhớ lầm là của Anh Việt Thu. Nhạc sĩ Anh Việt Thu với chúng tôi đã quen nhau sau khi ông viết bài Dòng An Giang.
Ca khúc Trót Dại
Ca khúc này cũng được viết năm 1968 có ghi tên tôi và con trai lớn của tôi là Lê Kim Khánh, đã do Giao Linh hát trong dĩa Continental cùng năm ấy. Cho đến sau năm 1975 tôi đã nghe ca sĩ Đình Văn hát ở trung tâm Mưa Bụi đã tự ý đổi tên ca khúc này là Lỡ Lầm. Thật là phản nghĩa! Cũng tình trạng đó Tuấn Vũ lại hát trong chương trình của trung tâm Vân Sơn mà không hề có trao đổi ý kiến gì hết. Trót dại cũng có web còn ghi thêm tên của nhạc sĩ Vinh Sử.
Tôi, Tuấn Hải, xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về các phát ngôn trên.
(Trích thư ngỏ)
Kỳ sau: Ba bài hát Giáng sinh trong đời của nhạc sĩ Tuấn Hải