Phạm Duy và cổ nhạc

Năm 1997 tôi gặp Phạm Duy. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đối với tôi có thể gọi là “lịch sử”, tôi mày mò nghiên cứu về ông. Tôi hy vọng việc gặp ông giúp tôi biết nhiều hơn con người ông hơn là những gì mà tài năng của ông đã hiển lộ.

Từ Portland (Oregon), tôi bay về Orange County, tại đây cùng đi với một người bạn thân khác. Khi nghe tới gặp Phạm Duy, anh chàng tỏ vẻ lính qua lính quýnh. Thật vậy, với thế hệ chúng tôi, những người nghe và bị ảnh hưởng sâu đậm dòng nhạc Phạm Duy thì ông là thần tượng, là đỉnh cao âm nhạc không cần phải bàn cãi. Vậy đi gặp và nói chuyện với thần tượng của mình không phải là một dịp may ngàn năm có một hay sao?

“Thị trấn giữa đàng” là cách mà Phạm Duy đặt cho nơi ông trú ngụ. Đó là vùng mang tên Midway City nằm khoảng góc Bolsa và Newland. Thị trấn giữa đàng nằm trong thành phố Westminster, nơi người Việt tỵ nạn gọi là Little Saigon. Căn nhà ông thật đẹp, nhỏ nhưng ngăn nắp, đón chúng tôi trong im ắng. Người ra mở cửa là bà Thái Hằng. Với vẻ điềm đạm, bà mở cửa chào khách bằng nụ cười thật đẹp rồi sau đó im lặng trong suốt hơn một giờ đồng hồ chúng tôi nghe chồng bà nói chuyện. Cái bóng của bà làm tôi nhớ những gì tôi được đọc từ những tư liệu ít oi của thập niên 1990. Tôi nhận ra, bà giống Thái Thanh, tuy không sắc sảo bằng, và nét đẹp của bà ẩn chứa một nỗi buồn khó tả.

Chúng tôi chào ông vừa nhìn mọi vật dụng trong phòng. Bức chân dung bán thân của bà Thái Hằng nằm trang trọng giữa nhà; cạnh chiếc dương cầm là cái bàn computer của Duy Cường dùng soạn nhạc. Khi tôi chuẩn bị khai mào cho chủ đề sắp sẵn trong đầu, bất ngờ ông đưa tay ra hiệu. Chúng tôi nghe văng vẳng đâu đó câu vọng cổ bài “Tình anh bán chiếu” do Chí Tâm hát. Vừa nghe vừa gõ tay đánh nhịp, ông lộ vẻ thích thú tới độ người khác tưởng ông làm màu. Bài hát dứt, ông quay sang tôi hỏi nhẹ nhàng: “Cậu thích vọng cổ không?”

Tôi là người miền Nam, dĩ nhiên vọng cổ là một phần trong sở thích của tôi. Tôi chỉ dạ khẽ và bắt đầu nghe ông nói. Ông bắt đầu nói tới gánh hát Đức Huy-Charlot Miều. Ông kể chậm rãi và xem ra rất thích thú khi nói rằng mỗi lần nghe một bài vọng cổ hay, ông luôn nhớ về gánh hát này. Nó là bệ đỡ đầu tiên khi ông vào Nam và mang lại cho ông niềm rung khởi sáng tác.

Ông cho biết, năm 1944, ông là người mỗi đêm mở màn sân khấu Đức Huy-Charlot Miều bằng những bản tân nhạc do chính ông hát và tự đàn trước khi gánh hát diễn một vở tuồng cải lương chính thức. Chỉ hai hay ba bài thôi nhưng ông rất thích. Đứng hát trước những khuôn mặt nhà quê, với đám con nít ngồi coi cọp, khiến ông cảm thấy mình hòa quyện vào tâm hồn của khán giả bên dưới. Ông kể:

Nên nhớ là lúc ấy nền tân nhạc chưa xuất hiện mấy người đâu, tôi thích những bản dân ca có làn điệu ngũ cung nên cũng không xa quá với loại nhạc cải lương, thậm chí nó còn là bệ đỡ cho cải lương nữa đấy… Tôi thích làn điệu của thứ âm nhạc bình dân này. Ông bà chúng ta đã chắt chiu giữ nó và ngày càng làm cho nó phát triển. Cậu xem, làn điệu cải lương chỉ có trong vọng cổ mới hội đủ các thứ như Xuân, Ai, Bắc, Oán… rồi giọng Huế, giọng thơ. Thơ làm cho ngâm Sa mạc ai oán hơn, thơ Vân tiên làm cho nét bình dân của miền Nam được nhấn mạnh, rồi từ phía Bắc có lời ca Quan họ gia nhập vào cải lương khiến cho nó đa dạng huê tình hơn…

Nhíu mày như cố gắng nhớ lại điều gì, ông nói tiếp: Sau này thì Viễn Châu còn làm thêm kỳ tích cho cả hai nền âm nhạc phôi thai của chúng ta là cải lương và tân nhạc mà báo chí gọi là Tân cổ giao duyên. Tôi không rõ lắm có phải Viễn Châu là người đầu tiên sáng tác thể loại này không nhưng những bản Tân cổ giao duyên của ông ấy thật tuyệt! Các cậu có biết bản “Tình anh bán chiếu” vừa nghe được Viễn Châu sáng tác vào lúc nào không? Năm 1959 đấy, năm mà tôi sa sút tinh thần ghê gớm và mỗi lần nghe bài hát này tôi tự nhủ thì ra mình còn đỡ hơn cái anh bán chiếu kia!

Đùa thôi! Hình như tôi có giây nhợ với cổ nhạc lắm. Tôi chú trọng những khuynh hướng sáng tác của mình qua từng thời kỳ nhưng cái tình tự dân tộc không thể thoát được trong hầu hết ca khúc của tôi. Như “Bà mẹ Gio Linh” khác gì “Tình anh bán chiếu”? Cũng có làn lớp như một câu chuyện với nhiều phân cảnh. Có lẽ vì vậy mà Viễn Châu thấy nhạc của tôi thích hợp với làn điệu vọng cổ hơn nhiều nhạc sĩ khác.

Khoảng năm 1965, khi Tân cổ giao duyên ra đời, tôi không chú ý lắm vì lúc ấy nó mới quá và cũng nhiều người chống việc “cưới nhau” giữa hai thể loại này, nhưng tôi khuyến khích và đồng ý với Viễn Châu là nhạc điệu của tân nhạc chỉ nâng câu chuyện mà vọng cổ kể lại chứ không hề đè nó xuống. Khi trả lời tờ báo của bà Bút Trà về việc này, tôi cho rằng soạn giả Viễn Châu đang đổi mới cho cả hai thể loại nhạc Việt Nam khi cho chúng “giao duyên” mà không cần sân khấu.

Sau đó ít năm thì tôi cũng có nhạc được soạn thành Tân cổ giao duyên đấy! Bài “Ngày trở về” của tôi sáng tác vào thập niên 1950 được Viễn Châu ghép vào vọng cổ vào năm 1972. Rồi bài “Em bé quê”, hay “Ngày em 20 tuổi” cũng được soạn giả Viễn Châu ghép vào Tân cổ giao duyên! Thú thật với hai bạn tôi rất sướng, sướng vì được đồng hành với cổ nhạc!

Còn nữa, khi sáng tác Minh họa Kiều, tôi cũng bị cổ nhạc “nhắc nhở” một phần. Kiều là một đẳng cấp văn học bình dân. Vì bình dân nên khi đụng tới nó thì không thể dùng tính cách hàn lâm hay thể loại nhạc phương Tây nâng nội dung của nó lên. Không lẽ dùng đàn cò, đàn nhị hay trống cơm hay sao? Tôi đã bị cái tinh thần nệ cổ hành hạ nhiều ngày và sau đó phát hiện ra chỉ có ngũ cung là an toàn cho Minh họa Kiều! Minh họa thì phải làm cho người nghe biết giai đoạn xảy ra truyện Kiều, nếu dùng hoàn toàn những giai điệu nhạc Tây phương thì không lột tả được những gì mà truyện Kiều kể lại…

*****

Một cổ thụ âm nhạc vừa cho tôi một bài học: Chẳng sự “bình dân” nào là cái cũ không giá trị nếu biết làm mới nó bằng việc thổi vào nó cái hồn của dân tộc.

____________

 MỜI ĐÓN ĐỌC CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT TƯỞNG NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT PHẠM DUY

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: