Sinead O’Connor, một cuộc đời đầy sóng gió

Sinead O’Connor, 1988 (ảnh: Independent News and Media/Getty Images)

Sinead O’Connor – ca sĩ Ireland nổi tiếng với ca khúc “Nothing Compares 2 U” – vừa từ trần, ở tuổi 56.

Gia đình Sinead O’Connor vừa thông báo về cái chết của bà, theo BBC và Đài truyền hình Ireland RTE. “Chúng tôi vô cùng đau buồn thông báo về sự ra đi của Sinead yêu quý của chúng tôi. Gia đình và bạn bè của bà rất đau khổ và yêu cầu sự riêng tư vào thời điểm rất khó khăn này.” Thông báo của gia đình không cho biết lý do Sinead O’Connor chết.

Ngoại hình quen thuộc với cái đầu cạo trọc và đôi mắt to luôn chứa đựng vẻ đau đớn hoặc giận dữ, O’Connor đã phát hành 10 album phòng thu, bắt đầu với bản hit “The Lion and the Cobra” vào năm 1987. Bà đã bán được hàng triệu bản album trên toàn thế giới, trong đó có album xuất sắc “I Do Not Want What I Haven’t Got” vào năm 1990. Đây chính là album có ca khúc đóng dấu ấn sự nghiệp Sinead O’Connor – “Nothing Compares 2 U”, từng một thời là bản hit số 1 của MTV, mang lại cho Sinead O’Connor Giải Grammy năm 1991 hạng mục Trình diễn thể loại alternative hay nhất (“Best alternative music performance”) – dù Sinead O’Connor tẩy chay chương trình trao giải khi cho rằng ban tổ chức đã thương mại hóa Giải Grammy danh giá.

Sinead O’Connor sinh ở Dublin ngày 8 Tháng Mười Hai 1966. Cha bà, John, là một kỹ sư và mẹ bà, Johanna, là thợ may. Trong các cuộc phỏng vấn và trong cuốn hồi ký của mình, O’Connor đã kể về một tuổi thơ đau thương, về việc bị chính mẹ ruột bạo hành thể xác và có cuộc sống niên thiếu lăn lóc bởi những ảnh hưởng sâu sắc từ sự chia tay của cha mẹ khi Sinead O’Connor mới tám tuổi. Sinead O’Connor từng bị bắt vì tội ăn cắp vặt và bị gửi đến trường giáo dưỡng.

Tại một đám cưới, khi nghe Sinead O’Connor (lúc đó 15 tuổi) hát “Evergreen” – tình khúc trong bộ phim nổi tiếng “A Star Is Born” với thủ diễn của ngôi sao Barbra Streisand, tay trống Paul Byrne đã lập tức chú ý bà. Sinead O’Connor rời trường nội trú năm 16 tuổi và bắt đầu sự nghiệp khi tự nuôi sống bằng việc phục vụ bàn…

Tự đánh giá mình “tự hào là một kẻ gây rối,” O’Connor tạo ra một kiểu thể hiện âm nhạc rất riêng, phản ánh cuộc sống cá nhân đầy biến động của bà, với những ca khúc về phân biệt giới tính, tôn giáo, lạm dụng trẻ em, nạn đói và sự tàn bạo của cảnh sát. Sinead O’Connor được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương phức tạp, rối loạn nhân cách và rối loạn lưỡng cực.

Sinead O’Connor, Glastonbury, United Kingdom, 1990 (ảnh: Martyn Goodacre/Getty Images)
(ảnh: Michel Linssen/Redferns)

Khi cậu con trai Shane của bà qua đời do tự tử vào Tháng Giêng 2022, Sinead O’Connor cho biết bà cũng muốn tự kết liễu mạng sống. Là người nổi tiếng quái dị, O’Connor bắt đầu sử dụng nghệ danh Shuhada Sadaqat sau khi chuyển sang đạo Hồi vào năm 2018… Với giới truyền thông, Sinead O’Connor luôn là một nhân vật lập dị.

Tháng Mười 1992, vài ngày sau khi phát hành album thứ ba “Am I Not Your Girl?”, Sinead O’Connor xuất hiện trong một chương trình SNL (Saturday Night Live). Khi hát cappella bài “War” của Bob Marley, Sinead O’Connor sửa lời bài hát để ám chỉ việc lạm dụng trẻ em và sau đó bất ngờ giơ bức ảnh Giáo hoàng John Paul II lúc hát câu cuối: “Chúng tôi tin tưởng vào chiến thắng của cái thiện trước cái ác.” Thế rồi không nói không rằng, Sinead O’Connor xé bức ảnh, nhìn chằm chằm vào máy quay và kêu gọi mọi người “chiến đấu với kẻ thù thực sự” trước khi tung những mảnh vụn giấy khắp sân khấu.

Sinead O’Connor, trưởng thành với nền giáo dục Công giáo, luôn phản đối gắt gao việc lạm dụng tình dục trong giáo hội. Cách thể hiện dữ dội khiến những màn trình diễn của bà bị chỉ trích gay gắt. Ca sĩ cựu trào Frank Sinatra từng gọi Sinead O’Connor là “một kẻ ngu xuẩn”.

Tờ New York Daily News gán cho bà là “Thánh khủng bố”; trong khi những người chống đối bà từng xếp những chồng đĩa hát của bà rồi cho xe lu cán nát. Khi xuất hiện tại buổi hòa nhạc tưởng nhớ Bob Dylan ở Madison Square Garden, O’Connor đã được đón chào bằng một tràng la ó dữ dội. Năm 2021, trả lời phỏng vấn The New York Times, Sinead O’Connor nói rằng bà chưa bao giờ hối hận về sự kiện Saturday Night Live 1992.

Sinead O’Connor được trao “Classic Irish Album” cho “I Do Not Want What I Haven’t Got” tại RTÉ Choice Music Prize, Dublin, Ireland ngày 9 Tháng Ba 2023 (ảnh: Kieran Frost/Redferns)

O’Connor không có album nào khác đáng chú ý hơn “I Do Not Want What I Haven’t Got” (trong đó có “Nothing Compares 2 U”) nhưng một số album – “How About I Be Me (And You Be You)?” (2012) và “I’m Not Bossy, I’m the Boss” (2014) – cũng được giới phê bình đánh giá cao…

Sinead O’Connor tiếp tục gây chú ý vài năm gần đây khi chỉ trích ngành công nghiệp âm nhạc, trong đó có bức thư ngỏ viết cho Miley Cyrus năm 2013, kêu gọi ca sĩ này đừng để các ông chủ công nghiệp âm nhạc “dụ dỗ”. Trong cuốn hồi ký, Sinead O’Connor viết rằng bà đã “suy sụp hoàn toàn” sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung vào năm 2015, và đã trải qua sáu năm ra vào các cơ sở điều trị tâm thần. Những trải nghiệm đau khổ này được bà thể hiện trong album cuối cùng “No Veteran Dies Alone”. Album này bị hoãn phát hành vào năm ngoái sau khi con trai Shane của bà qua đời ở tuổi 17.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: