Tin từ gia đình cho hay, nhà văn Văn Quang, tác giả nhiều truyện ngắn và kịch bản phim nổi tiếng trước 1975, đã qua đời vào lúc 10g20 (giờ Việt Nam) sáng ngày 15 Tháng Ba, 2022 tại nhà riêng ở Cư xá Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, Sài Gòn, hưởng thọ 89 tuổi.
Sau năm 1975, nhà văn Văn Quang ở lại Sài Gòn, sống ẩn dật và chọn viết những tâm tình và ký sự của một Sài Gòn thời cộng sản cho các tờ báo hải ngoại. Từ một nhà văn với số lượng tác phẩm văn chương và báo chí nhiều đến đáng kinh ngạc, ông chọn dừng lại mọi thứ trước thời thế mới.
Trước năm 1975, nhà văn Văn Quang không phải là một cái tên xa lạ. Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình.
Năm 1953, động viên gia nhập Quân Đội Quốc Gia, phục vụ trong nhiều đơn vị tác chiến tại miền Bắc trước hiệp định Geneve năm 1954.
Từ năm 1957, chuyển sang ngành Tâm lý chiến với nhiệm vụ Trưởng phòng Báo chí Quân Đội thuộc Cục Tâm lý chiến, Tổng cục Chiến tranh Chính trị QLVNCH và là Trưởng Ban biên tập của các tờ báo Quân Đội VNCH thời đó.
Từ năm 1969 cho đến 30/4/1075, là Quản đốc đài Phát thanh Quân Đội, cấp bậc Trung tá. Tác phẩm đầu tay của Văn Quang là “Tiếng Tơ Lòng” được đăng trên nhật báo Thanh Dân, Hà Nội cuối năm 1953 và tác phẩm thứ nhì là tập truyện ngắn Thùy Dương Trang do Lạc Việt xuất bản tại Sài Gòn năm 1957.
Từ đó cho đến 30 Tháng Tư 1975, Văn Quang cộng tác thường xuyên với nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang, Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ, Tiền Phong, Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San…
Trong khoảng thời gian này, Văn Quang hoàn thành hơn 50 tác phẩm in trên các báo và đã có 28 tác phẩm được xuất bản. Các tác phẩm của ông hầu hết là truyện dài, trong số có những tác phẩm từng gây sôi nổi một thời trong giới độc giả trẻ như “Nét Môi Cuồng Vọng”, “Nguyệt Áo Đỏ”, “Người yêu Của Lính”… và đặc biệt đã có bốn tác phẩm được chuyển thành phim từ 1962 đến 1972 là “Ngàn Năm Mây Bay”, “Chân Trời Tím”, “Đời Chưa Trang Điểm”, “Tiếng Hát Học Trò”.
Các tác phẩm của Văn Quang có thể phân thành bốn nhóm đề tài: Mô tả cuộc sống tuổi trẻ; Phản ảnh đời sống quân ngũ; Phản ảnh thực đời sống thời chiến; và những châm biếm những lề lói thời thượng lố lăng thuộc nhiều lãnh vực sinh hoạt, đặc biệt là các giới làm nghệ thuật.
Sau 30 Tháng Tư 1975, cũng như mọi sĩ quan quân lực VNCH khác, Văn Quang bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong thời gian dài hơn 12 năm. Ông trải qua nhiều năm tù ở K5 Vĩnh Phú và K2 thuộc Z30 tại Hàm Tân. Tháng Chín năm 1987, được thả ra khỏi trại tù, Văn Quang trở về Sài Gòn và từ chối ra đi theo diện HO, quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam. Năm 2002, ông rời bỏ Sài Gòn và dọn lên Lộc Ninh sinh sống. Ở đấy hàng tuần, Văn Quang cho ra loạt ký sự “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự”, và chỉ gửi ra cho các báo Việt Nam ở hải ngoại. Loạt bài này rất được độc giả hải ngoại ưu ái đón nhận.
Về văn nghiệp, từ năm 1992, Văn Quang là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại như báo Chiêu Dương tại Australia, báo Người Việt, Thời Luận của nhà văn Đỗ Tiến Đức tại Nam California và Tiếng Vang tại Sacramento…
Bộ phim chuyển thể Chân Trời Tím được thực hiện vào năm 1970, dưới sự hợp lực của Liên-ảnh Công-ty (tổ hợp gồm bảy hãng phim, mà lớn nhất là Trung-tâm Quốc-gia Điện-ảnh và Mỹ-Vân Điện-ảnh Công-ty) và tán trợ Bộ Quốc-phòng cùng ba binh chủng. Bộ phim được quay ròng rã ba tháng, với 100 chiến xa, 45 trực thăng, 300 xe cơ giới các loại, 600 tài tử chính phụ và đã thu về 94 triệu đồng, nghĩa là lời gấp gần bảy lần so với số vốn bỏ ra. Cho tới thời điểm 2020 vẫn là xuất phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh có kinh phí, nhân sự và cả doanh thu lớn nhất tại Việt Nam.
Sau khi được đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao tượng vàng Văn học Nghệ thuật tại tiệc chiêu đãi ở Dinh Độc Lập năm 1970, bộ phim này cũng lại đoạt giải nhất nghệ thuật tại Liên hoan phim Á châu – Đài Bắc (Best Artistic Expression Award from the Asian Film Festival) năm 1971. Theo lời nghệ sĩ Hùng Cường, bức ảnh chụp Kim Vui – Hùng Cường hôn nhau trên bãi tắm (phục vụ cảnh phim) được phóng to rồi đem trưng tại một triển lãm trong “chiến dịch bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” năm 1978.
Ngược lại thời điểm sách mới phát hành, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã cảm tác ca khúc Chân trời tím. Năm 1970, trong quá trình thảo luận về nhạc phim, đã có đề nghị đưa ca khúc này làm nền, nhưng vì lúc đó bài hát đã lỗi thời nên nhà sản xuất Quốc Phong quyết định đặt nhạc sĩ Phạm Đình Chương soạn các bài Nửa hồn thương đau và Người đi qua đời tôi thay thế, bản thân ông Phạm Đình Chương cũng được mời góp một vai phụ (nhạc công phòng trà) trong phim.
Nhà thơ Du Tử Lê (tựa lần tái bản Chân trời tím năm 2006, nhà Tiếng Quê Hương) viết:
Thời điểm 1954, khi cuộc phân chia đất nước diễn ra, rất nhiều nhà văn trẻ, từng cầm bút trước Hiệp định Geneva ở miền Bắc di cư vào Nam. Trong số này, chúng ta không có nhiều nhà văn sớm có tiểu thuyết được các báo hàng ngày chọn đăng như trường hợp Văn Quang. Người xưa từng nói, tuy sống suốt một đời thật đấy, nhưng nghiệm lại xem, đã mấy ai, tới khi từ trần, viết được trọn vẹn chỉ một nét thôi, của chữ “Nhân” hai nét, theo Hán tự?
Càng hiếm hoi hơn nữa, số người viết nốt được nét còn lại của chữ “Nhân” ấy! Riêng ông, trong ghi nhận của tôi thì chẳng những ông đã viết được trọn vẹn chữ “Nhân” hai nét – mà ông còn viết được trong một hoàn cảnh khó khăn hơn những gì chúng ta có thể tưởng. Vì thế, thưa ông, cho phép tôi được gửi tới ông, lời chúc mừng chân thành của một người ở bên ngoài đất nước.
(Tổng hợp)