Chuyện hai người già  

Minh họa: Đinh Trường Chinh
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Chuyện hai người già
Loading
/

Ai mà không có một quê hương để thương để nhớ, dù đó là quê hương bỏ lại…

Rồi phải mở một cánh cửa khác…

Người chăm sóc đẩy phăng cửa lách qua người bà lão đang chậm chạp mở cửa, vào luôn phòng khách. Vừa đi vừa nói với giọng điệu không vui, em hẹn với họ 10h mới gặp, còn sớm mà. Trong phòng tiếng ông lão vọng ra, thì gọi nhắc cô cho khỏi trễ giờ hẹn, giờ bác sĩ khó lấy lại. Ngồi uống nước đi. Có trà ngon mới pha đó. Bà lão chen vào, giọng nhún nhường: Bánh này ngon lắm, không ngọt nhiều, cô ăn đi.

Người chăm sóc tháo khẩu trang, rửa tay, tự nhiên như khách quen, với lấy hộp bánh mở ăn. Những câu chuyện về đời sống đồng hương trong hội người già thành phố, không đầu không cuối, cứ thế tuôn ra. Bà lão chậm chạp đứng dậy lấy khăn lau cái bàn đầy những vụn bánh…

Tôi thấy khó chịu khi kẹt trong một tình huống không thể có phản ứng nào. Tôi muốn nhắc cô ấy mới là người chăm sóc hai người già trong căn phòng này, không phải là khách. Cảm giác giống như bị xem một bức tranh treo ngược. Nhưng thái độ nhẫn nhịn của ông bà lão làm tôi khó mở miệng. Nói rồi thì sao. Tôi cũng chỉ là khách, đâu đến đây mỗi ngày để lên tiếng. Mà lên tiếng rồi thì cô ấy có chăm sóc tốt hơn không? Có thực sự để tâm đến ông bà lão hay không?

Mấy người con của ông bà cũng ở quanh vùng này, trong vòng 10-15 phút lái xe nhưng ai cũng bận đi làm hãng, không ai đến chăm sóc cha mẹ mỗi ngày được. Dịch bệnh con cháu ít lui tới, thấy ông bà buồn họ hỏi ý và đăng ký với thành phố nhờ giúp đỡ, tìm người chăm sóc cha mẹ tại gia. Người già có được sự chăm sóc miễn phí này từ chính sách an sinh xã hội.

Một tuần ba ngày, người phụ nữ tầm tuổi trung niên kia lại đến, làm khách. Con cái biết được, đòi đổi người, ông bà kêu thôi, kệ họ, ông bà vẫn tự nấu ăn, giặt giũ được, nhà nhỏ cũng có gì đâu mà kêu họ làm. Thôi thì được cái, cô ấy là người Việt biết tiếng Anh, biết lái xe chở ông bà đi chợ, đi chơi loanh quanh cuối tuần, biết hóng chuyện, tám đủ thứ chuyện của người Việt từ trong nước qua tới bên này. Ông bà vui là được. Con cái nghĩ vậy, hay phải cố nghĩ vậy, để khỏi thấy lòng mình đang day dứt, áy náy?

Tôi đã chứng kiến lúc nửa đêm ông hay bà tỉnh giấc vẫn ngồi nhìn trân trối vào bức tường câm lặng trước mặt, đôi mắt mờ đục, bờ mi thường viêm đỏ vì hay dụi. Người này lo cho người kia. Ông bà đã hơn 80 tuổi cả rồi. Con cái không ai thấy được những hình ảnh này. Ông bà cũng không khi nào kể lể, phàn nàn.

Một mai khi anh xa vắng, em sẽ ra sao, một mình…”. Trúc Hồ viết chi bản nhạc buồn thốn thấu như vậy không biết nữa…

Thương nhớ bờ tre, bụi chuối…

Ai mà không có một quê hương để nhớ thương, dù đó là quê hương bỏ lại. Bà yêu thích đồng ruộng dân dã nên càng nhớ quê hơn. Bà qua Mỹ là đi theo chồng và vì đàn con không có lối thoát ở quê nhà, nhưng lòng bà luôn nhớ về làng quê của mình. Vài năm lại đòi con mua vé về thăm quê. Mọi thứ vẫn ổn cho tới khi dịch bệnh xảy ra, đúng vào hạn kỳ về quê của bà. Vé đã mua, quà cáp đã gói ghém, đóng thùng.

Chưa kịp đi thì mọi thứ đóng băng lại hết, các nước phong tỏa tới lui, thành phố đóng cửa mở cửa mấy lần cũng chưa qua dịch. Ban đầu ngay cả con cái không dám tới nhà cha mẹ, vì những cảnh báo về sức khỏe người già, về nhiều cái chết trong viện dưỡng lão. Khu housing này vào những cuối tuần bình thường con cháu lui tới thăm ông bà cha mẹ cũng nhiều, giờ vắng ngắt.

Mấy đứa con đi Costco mua đủ thứ đồ ăn đồ dùng về chỉ để ở lobby và nhấn chuông cho ông bà xuống lấy. Những tháng ngày bức bối và lo lắng, chán nản và trông mong. Rồi thì mọi thứ cũng trở lại bình thường, dù dịch bệnh chưa qua, nhưng người ta cũng nhờn dần với những cảnh báo. Ông bà được ra ngoài đi dạo, đi chợ, đỡ ngột ngạt hơn. Nhưng mỗi ngày bà vẫn ước, giá mà giờ này được ở quê. Tuổi này rồi thì sợ gì dịch bệnh, chết luôn ở quê cũng được, bà ở gần tổ tiên, cha mẹ của bà. Họ mà cho bay bà sẽ về quê ngay – bà vẫn luôn nói vậy với người chăm sóc.

Ông thương bà những lần bà từ bỏ bản thân mình vì gia đình, từ bỏ sở thích của mình vì hoàn cảnh. Hồi mới qua, riêng cái vụ bỏ ăn trầu cũng khiến bà rớt nước mắt. Đem theo cả bộ đồ ăn trầu, tưởng ở Mỹ mua gì cũng có, tới khi con bà chạy xe đâu đó cả ngày mua về cho bà mấy lá trầu héo queo, lá trầu sấy khô thì đúng hơn, bà bỏ luôn. Mà có mua được liễn trầu vàng gốc Bà Điểm thì bà cũng bỏ thôi, làm gì có bạn trầu mà ngồi tem với ngoáy. Đó là chuyện của gần 30 năm trước. Giờ bà ra chợ Tàu, chợ Việt cũng có thể mua được đủ thứ hàng quê, nhưng bà vẫn cứ nhớ hương vị quê nhà.

Mấy năm nay mở tivi bà toàn coi chương trình của Đài Vĩnh Long bên đó trên YouTube. Cải lương, bolero, khám phá ẩm thực…, toàn những thứ gợi cho bà nhớ làng quê. Người nổi tiếng còn chạy về hết bên đó, rồi kể đủ thứ trên truyền hình. Quê bây giờ có giống quê ngày bà bỏ đi nữa đâu. Mấy chuyến về thăm quê bà cũng thấy nhiều thay đổi, chắc là giờ dễ sống hơn ngày xưa rồi. Bà không biết được đời sống xã hội thực sự thế nào, cái gì là chiêu trò truyền thông. Nhưng vẫn luôn nhớ những năm tháng tay bồng tay dắt đám con chạy về quê.

Bà nhớ mình phải làm gì để đi thăm nuôi chồng chừng đó năm. Không có những chuyến thăm nuôi thường xuyên của bà, ông đã gởi thân lại chốn rừng thiêng nước độc. Ông thường nói lời biết ơn bà như vậy. Bà vẫn xót xa vì con cái thất học và đói khổ. Nhưng bà chẳng hận thù ai cả. Những kẻ đày đọa gia đình bà sau này có ra sao đâu, con cái được đi học thì học không ra, ngông cuồng rồi hư hỏng. Hãy để ông Trời phán quyết.

Minh họa: Đinh Trường Chinh

Bà kể chuyện ngày xưa khổ nhục tới mức nào nhưng ánh mắt lại lấp lánh niềm vui. Kỷ niệm với bà mới là vô giá. Bà vẫn thích nhìn bờ tre ruộng lúa. Bao nhiêu thứ hương vị cũ bà chưa quên cái nào. Tết năm rồi dịch bệnh ngăn trở, con cái không tề tựu về được, bà nhìn mâm cơm nấu cúng ông bà nguội ngắt trên bàn, nhìn ngoài trời tuyết rơi dày xuống khu vườn, đôi mắt bà nhòe nước. Cánh cửa nhà trong khu housing đóng im ỉm cả ba bữa Tết. Khi thành phố dần mở cửa trở lại, làm như con cháu bà quen với nếp “bình thường mới” – không lui tới chơi với ông bà nhiều như trước đây, có đứa còn chuyển đi tiểu bang khác cả năm không gặp, bà càng tủi thân.

Ông biết hết nhưng giả lơ… Quê hương đành đoạn…

Ông có thể ngồi cả đêm cùng bà nghe bà nhắc chuyện xưa ở quê cho bà vui nhưng ông cũng có nhiều câu chuyện chôn chặt đủ để ông không bao giờ nghĩ đến chuyện quay về an hưởng tuổi già ở quê hương xứ sở. Những năm tháng kinh hoàng trong trại cải tạo, ông chưa từng kể hết với gia đình. Vợ con nheo nhóc, mất nhà, mất của, kéo nhau về quê cũng bị hắt hủi, trù dập, sống những ngày hậu chiến kinh khủng không kém gì ông, ông làm nặng lòng họ thêm làm gì. Ngày từ trại cải tạo về hai đứa con trai lớn đã thất học. Hai đứa tiếp theo không vào được đại học. Đứa út không nhận ra ông, không chịu tới gần.

Năm 86, ông le lói một hy vọng con cái được vào đại học. Nhưng mọi thứ dường như chưa hề chuyển động tới cái làng quê heo hút này. Năm 88, ông liều mình đêm hôm tới nhà trưởng công an xã quỳ xuống trước mặt ông ta xin xác nhận một cái lý lịch không ghi phần phê dài hơn phần khai, cho con ông có một cơ hội. Đứa không còn cơ hội học hành thì đã đành, đứa còn trong độ tuổi thì kêu ông làm gì cũng được. Những ngày đói rách, những bất hạnh tiếp nối, mấy đứa nhỏ sẽ thế nào nếu tiếp tục ở nơi này, chịu sự đày ải cùng với cha mẹ? Ông quỳ xuống mà trong lòng cầu nguyện Chúa ban ơn, cũng không dám nghĩ tay trưởng công an hạ bút.

Nhưng đời có nhiều việc như an bài, có cầu nguyện có phước lành, không tin cũng không được. Khi ông quỳ được vài phút, tay trưởng công an vẫn thủng thỉnh ngồi uống trà trên bộ bàn ghế gỗ chạm rồng trổ phụng, thì cánh cửa đột ngột mở, kiểu mở tự nhiên của người nhà. Người bước vào là ông em vợ ở gần, tối qua nhà anh rể chơi. Người này là hiệu phó trường cấp hai, nơi những đứa con ông theo học và cũng biết rất rõ gia đình ông. Không khí đặc quánh. Khi quỳ xuống, ông chỉ biết vợ con trưởng công an đã ra ngoài, không nghĩ sẽ có người khác bước vào. Mà là thầy của con mình. Không ai nói gì cả trong một phút. Rồi tay trưởng công xã như giật mình nói vội, ông đứng lên đi, ngày mai ông ra văn phòng xã…

Đứa con năm đó vào đại học bằng cái lý lịch quỳ trong đêm của ba nó biết câu chuyện sau học kỳ đầu tiên ngồi ghế giảng đường. Không phải từ ba nó, mà từ cô giáo chủ nhiệm cũ của nó ở trường cấp hai. Về Tết nó đi thăm cô giáo cùng đám bạn, cô giáo đã giữ nó lại, chọn một cách kể để nó có thể chịu đựng được. Trở lại trường, nó từng nghĩ tới chuyện bỏ học, nhưng rồi cắn răng để cầm cái bằng tốt nghiệp, cắn răng chôn chặt câu chuyện, như cách của ba nó… Hai mươi năm sau nó nói với ông, ba, con đã biết chuyện ngay từ năm nhất. Không chỉ có ông mới phải gồng mình ôm giữ nhiều thứ… Khi dẫn được bầy con qua Mỹ, ông không muốn ngoái lại nhìn quê hương…

Nhiều năm rồi ông cũng thôi mộng tưởng sẽ quay về ở hẳn khi Việt Nam thay đổi. Mấy đứa con đã mua hai huyệt mộ trong khu nghĩa trang rất đẹp bên này. Không giống kiểu như bà nhưng ông cũng nhớ về quê cha đất tổ mỗi khi thắp hương lên bàn thờ. Cha ông mất khi ông còn ở trại cải tạo, nghe bà kể lại là mấy câu cuối chỉ đòi gặp ông. Điều khiến ông bà được an ủi là trong suốt 15 năm sau ngày tới Mỹ, ông bà đã dành dụm tất cả số tiền có được để lần lượt xây dựng, sửa sang mộ phần, nhà thờ tự của hai bên nội ngoại, giúp đỡ được những anh em, con cháu nghèo khổ ở quê, chuyện hiếu hỷ mỗi năm cũng chu toàn. Ông luôn mang ơn nước Mỹ, căn dặn con cháu phải biết giúp đỡ người khác ở nơi mình sống và đóng thuế đầy đủ!

Đôi khi ông tự hỏi, khi thế hệ của ông rời xa hết, còn ai nhớ đến những ngày xưa? Một thế hệ vong quốc, bao nhiêu thế hệ vong bản? Lớp con ông vẫn còn những ký ức gắn kết với quá khứ gia đình nhưng lớp cháu đã bày tỏ những góc nhìn khác, nếu được hỏi tới. Mà thật ra chúng cũng chẳng mấy quan tâm. Thế giới của chúng đã quá khác, dù chúng vẫn đọc sách, nghe đài, vẫn xem các chương trình của Asia, nhưng như một thói quen trong gia đình, không thể hiểu được nước mắt của ông bà. Cái lúc có thể kể, có thể chia sẻ ông còn giấu, bây giờ nói làm gì…

Mọi thứ dường như thay đổi quá nhanh. Trong nhà ông bà đã không còn theo kịp con cháu, ra ngoài chỉ là vài cuộc hội họp đồng hương mỗi năm. Phe này – phe kia, tin thật – tin giả, ông lạ gì mấy chiêu bài chính trị nhưng đôi lúc chính ông cũng thấy mình hoang mang. Ông nói, bây giờ nghĩ lại, điều duy nhất khiến ông không mặc cảm khi nước mất nhà tan mà mình chưa từng gánh vác một điều gì lại chính là việc ông đã trải qua những năm tháng địa ngục ở trại cải tạo. Ít nhất ông cũng đã cùng chịu nỗi đau chung với hàng triệu người khác. Ba năm trước ông đã thôi viết các loại văn tế Xuân Thu nhị kỳ cho hội đồng hương. Phần vì già, nhưng phần lớn là ông thấy nhạt. Quê hương thôi thì, đành đoạn…

Tôi chỉ là người khách, chứng kiến một lát cắt, nghe vài câu chuyện ngày xưa của họ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: