Khen chê, nào phải dễ

Ở đời chúng ta không ít lần buông lời khen hoặc chê nhưng mấy khi chúng ta bình thản xem xét lại có khi nào lời khen của mình mà làm mất lòng người được khen không? Hoặc khi chê mà ta chưa thật sự thẩm thấu hiểu biết đúng mực về điều chúng ta buông lời phê phán?

Thật vậy, khen hay chê là văn hóa ứng xử chứ không phải chuyện ta có toàn quyền bày tỏ cảm xúc của mình sao cũng được, trước một người hay một đám đông nào đó. Lời khen tiếng chê của chúng ta có thể làm người khác tổn thương và cũng có thể làm cho họ thăng hoa vì cảm thấy mình được trân trọng. Tuy nhiên sự trân trọng qua lời khen không phải cứ “hay quá”, “giỏi quá” “đẹp quá” là có thể làm cho đối tượng được khen hài lòng, bởi tiếng khen trong một chừng mực nào đó phải cho người được khen thấy sự đồng cảm của chúng ta và lời khen là thực sự dành cho kết quả mà họ đạt được từ nỗ lực hay tài năng mà họ thể hiện.

Vào một phòng tranh, khi ta buộc miệng khen “họa sĩ vẽ giống quá” thì vô tình chúng ta đã hạ thấp giá trị của người được khen xuống mặc dù lời khen của chúng ta là chân tình. Bởi trước khi khen chúng ta nên tìm hiểu chút ít về hội họa, để ít nhất ta biết được rằng “vẽ giống” không phải là yếu tố thành công của một họa sĩ mà “vẽ giống” chỉ là yêu cầu dành cho sinh viên các trường mỹ thuật khi mới bước chân vào những lớp học đầu tiên. Trong trường hợp này, tốt nhất là chúng ta có thể khen bức tranh “sống động quá” thay vì khen “giống quá”, để tránh được những ánh nhìn thiếu thiện cảm ở phòng tranh dành cho mình.

Còn muốn chê tranh thì lại càng phải hiểu sâu hơn trước khi “phán” về một tác phẩm hội họa nào đó. Nếu nhìn vào một tác phẩm theo trường phái trừu tượng hay lập thể hoặc conceptual hay installation, chúng ta vội cho rằng tranh đó khó hiểu, làm dáng hoặc hù dọa người xem thì e rằng chúng ta tự làm lộ sự hiểu biết nông cạn về các khuynh hướng hội họa. Cách tốt nhất để khỏi “chê” hố, chúng ta cần điềm tĩnh, quan sát và chiêm nghiệm xem trong tác phẩm “khó hiểu” ấy ta có thể cảm nhận người họa sĩ gửi gắm điều gì và có gợi mở cho ta được cảm xúc gì hay không?

Có lẽ ban đầu chúng ta thấy chán, thấy khó, nhưng nếu ta có một chút cảm thông, nhạy bén và một chút hiểu biết về hội hoạ, thì chắc chắn chúng ta sẽ có cơ hội cảm nhận nhiều hơn về những tác phẩm thuộc thể loại “đánh đố” này.

Đối với âm nhạc, việc khen chê lại càng khó hơn, bởi nó đầy cảm tính chủ quan.

Chúng ta không lạ khi thấy một người khen lấy khen để một ca khúc mà ta cho là tầm thường và ngược lại người khác cũng có cảm giác ấy đối với ta. Không lạ chút nào khi bạn nghe bản nhạc ấy trong một hoàn cảnh đặc biệt, người yêu chia tay chẳng hạn, thì ca khúc ấy, đoạn nhạc ấy sẽ gây ấn tượng và theo mãi bạn cho đến lúc bạn không còn biết… yêu nữa!

Hơn cả âm nhạc, với ẩm thực thì khẩu vị là vô cùng đa dạng nên việc thẩm định ngon dở là rất nhiêu khê. Bạn không khỏi bực mình khi thấy bạn bè, người quen của mình cứ khen lấy khen để một món ăn mà bạn ghét. Đấy là khẩu vị, là cảm giác, là hạnh phúc của từng người. Mà đã là khẩu vị thì người này không thể hoàn toàn giống với người kia. Cảm giác cũng vậy, tùy theo từng sợi thần kinh trong các giác quan mà chúng ta cảm nhận sự vật khác nhau, hay ít ra chúng ta chỉ có thể chia sẻ sự đồng tình nhưng chưa chắc mọi chia sẻ đều nhận được sự đồng cảm. Đồng tình diễn ra rất nhanh nhưng có thể thay đổi cũng rất nhanh, còn đồng cảm xảy ra chậm hơn vì đòi hỏi thời gian tiếp xúc nhưng chính vì vậy sự đồng cảm mới làm nên tri kỷ.

Khen nhau lúc nào cũng làm cho đời sống tươi đẹp hơn, nhất là những lời khen chân thành và đúng lúc. Cũng có những lời khen tuy người được khen biết rằng khách sáo nhưng họ vẫn bằng lòng sự khách sáo cần thiết ấy. Thí dụ, bạn được mời một bữa cơm thanh đạm với gia đình người bạn, sau khi ăn chắc một câu khen tài nấu nướng của gia chủ không bao giờ thừa trước khi cám ơn bữa ăn mà họ đã chiêu đãi. Bất kể thức ăn ngon hay dở, có hợp với khẩu vị của bạn hay không nhưng “khẩu vị” chung của mọi người là mong được một lời khen nhẹ nhàng sau khi họ đã bỏ công nấu nướng cho bạn một món ăn nào đó.

Nhưng khen món ăn cũng là một nghệ thuật. Trong trường hợp những món ăn đãi bạn không có gì đặc biệt, vậy không lẽ bạn dành lời khen cho trái ớt hay chén nước mắm? Bạn hãy để ý đến từng món ăn, trong đó luôn có sự pha trộn gia vị, cách trình bày, hay hương thơm bốc lên. Bạn có thể hỏi về gia vị trong từng món ăn, cách nấu nướng ra sao hoặc làm cách nào mà gia chủ sắp xếp bàn ăn hấp dẫn như vậy? Những câu hỏi đầy tính khích lệ ấy sẽ chiếm trọn cảm tình của gia chủ và chắc rằng khi ra về chính bạn cũng cảm thấy ấm áp hài lòng dù món ăn không hề đặc sắc.

Tiếng chào cao hơn mâm cỗ là vậy. Tiếng chào ở đây là lời khen nhẹ nhàng, tinh tế nhưng không kém sự chân thành. Đừng bao giờ khen những lời như “đây là lần đầu tiên tôi mới ăn món này” hay “chị học món này ở đâu mà ngon vậy?”

Nếu bạn là người Nam mà bảo rằng “đây là lần đầu tiên ăn món canh chua” thì điều đó thật là tệ hại, thấy ngay sự không thật lòng. Còn câu hỏi “học món này ở đâu” thì khác gì lời chê một cách gián tiếp. Bởi người ta có thể lập luận ngay: “ ý là nếu không học từ ai đó thì chắc mình cũng chẳng thể nấu nướng món này cho ra hồn?”

Tóm lại, chúng ta đừng để lời khen vô ý hay lời chê thiếu hiểu biết của mình có thể làm giảm hay mất đi tình cảm đẹp đẽ mà bạn bè đã dành cho ta, bạn nhé!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: