Sáng nay một người bạn gọi điện thoại cho tôi biết, trong mục “Vườn Thơ Người Việt” trên báo Người Việt Online, có giới thiệu một bài thơ cũ của nhà thơ Phùng Minh Tiến. Tôi tò mò vào trang báo nầy và thấy thật có giới thiệu bài thơ “Lưu Đày” cùng rất ít dòng về tác giả. Sau khi đọc xong trang báo, tự dưng trong trí nhớ của tôi lại tràn về với biết bao kỷ niệm cùng những giai thoại về anh, thi sĩ Phùng Quân.
Tôi biết anh vào khoảng năm 1971 trong Đại Hội Sinh Viên Phật Tử ở trường Hành Chánh. Khi ấy anh đang là sinh viên lớp Cao Học, một số thành viên thuộc ban chấp hành cũ có đề cử anh làm Chủ tịch của Đoàn, nhưng anh từ chối và tiến cử một người bạn cùng lớp là anh Nguyễn Thanh Minh, sau đó anh Minh đắc cử Chủ tịch; tôi cùng với Lê Hiếu Liêm, Trần Bộ Mân và Trần Thị Mỹ Dung lần lượt được đề cử vào thành viên của Tân Ban chấp hành Đoàn, nhiệm kỳ 1971-1972.
Mặc dù không nhận đề cử của Đại Hội nhưng anh luôn hoạt động tích cực trong sinh hoạt của đoàn như một thành viên cốt cán. Tuy gương mặt thỉnh thoảng để râu tóc bờm xờm nhưng anh trông thật hiền từ. Đó là điều khác biệt so với “râu hùm hàm én mày ngài.” Lại thêm ăn nói nhỏ nhẹ nên anh rất được lòng nhiều người nhất là phụ nữ.
Từ lâu tôi vẫn thích gọi anh theo bút hiệu là Thi sĩ Phùng Quân, nghe thấy như cả một trời thơ hơn là gọi bằng nhà thơ. Cũng như ngày còn trẻ học ở trường, hồi đó giáo sư môn Việt văn vẫn gọi là thi sĩ Tản Đà chứ gần như chưa bao giờ gọi là nhà thơ Tản Đà. Có lẽ do thói quen mà cũng có thể do khuynh hướng xã hội lặp đi lặp lại nhiều lần, viết mãi, gọi mãi trở thành chuẩn. Có một thời trên báo chí, truyền thông người ta thường chỉ trích cách dùng các từ ngữ có nguồn gốc Hán Việt. Nói rõ ra, tôi thích gọi họ là thi sĩ vì họ xuất hiện trước con mắt người đời với những điều đặc biệt, với phong cách và ý tưởng khác thường. Điều nầy cũng không ngoại lệ với thi sĩ Phùng Quân.
Trước kia anh cũng có một mối tình đẹp thuở mới lớn, cũng vô cùng lãng mạn và dễ thương đầy ắp kỷ niệm êm đềm bên bờ sông Thu Bồn, Hội An quê anh. Lúc bấy giờ anh làm không biết bao nhiêu bài thơ trên giấy học trò đề tặng và dán khắp nơi, đến nỗi bạn bè cùng lớp gọi anh là thi sĩ từ dạo đó. Nhưng rồi mối tình sớm tan vỡ khi anh vào Đà Lạt theo học trường Chính trị, Kinh doanh với những mong sẽ sớm thi đỗ để “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Vì thời gian chờ đợi mỏi mòn xa cách quá lâu nên sau đó nàng vâng lệnh song thân lập gia đình môn đăng hộ đối còn anh thì vẫn tay trắng. Từ đấy anh thả lòng trôi nổi theo những mối tình với bao người đẹp ở xứ lạnh sương mù, đầy thơ mộng.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Đà Lạt, anh về Sài Gòn, thi đậu vào Ban Cao Học khóa 6, Học viện QGHC. Ra trường anh chọn nhiệm sở về cơ quan Giám Sát Viện và làm công chức ở đây cho đến ngày chính quyền VNCH tan rã.
Sau 30 Tháng Tư, anh sang Hoa Kỳ theo đợt di tản đầu tiên của người Việt. Khi sang đến Mỹ, anh sinh hoạt hầu như trong tất cả hội đoàn, không phân biệt thành phần quân nhân hay công chức, chỗ nào cũng có anh, nhưng không bao giờ giữ bất cứ chức vụ gì. Có lẽ vì anh thích để râu ria, không siêng cắt tỉa nên không thích hợp với cương vị lãnh đạo xuất hiện trước công chúng chăng? Nhưng điều hay nhất của anh và cũng thuận tiện nhất trong mọi cuộc họp hành hay đi đây, đi đó mà không bị vướng bận giờ giấc là vì anh “độc thân bền vững”.
Nhà anh ở thành phố Lake Elsinore, Riverside, nhưng cuối tuần hay xuống khu Bolsa sinh hoạt chung với anh em, đủ mọi hình thức từ cà phê, quán xá, họp hành cho đến tham gia biểu tình. Anh là một trong những người sáng lập viên danh xưng thủ phủ Little Saigon.
Có hôm bạn bè ở quán cà phê hỏi suốt tuần ở Lake Elsinore chắc anh tha hồ ngắm cảnh đẹp hoàng hôn xuống bên hồ hay dạo bước trên triền đồi phủ đầy những thảm hoa đủ màu sắc, đẹp nhất vùng Riverside rồi làm thơ, anh trả lời:
-Cửu niên diện bích. Ngày hai thời kinh Phật.
Thật vậy, rải rác trên các báo chí hay đặc san chỉ in lại hoặc sưu tầm những bài thơ cũ của anh mà thôi. Lâu lắm rồi, anh không còn làm thơ nhiều như trước nữa. Thỉnh thoảng khi có cảm hứng thì cũng viết ít dòng. “Còn sáng tác là còn sống”, anh thường nói vậy. Bây giờ anh đã là ẩn sĩ tại gia, ăn mặn và ngủ chay từ hơn mấy mươi năm trường kể từ dạo ấy.
Thế rồi cách đây không lâu, trong lúc lập danh sách những anh em ở Nam Cali dự Đại Hội Liên Khóa QGHC toàn thế giới được tổ chức tại Washington DC vào những ngày cuối Tháng Chín 2019, chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ Canada của một anh bạn QGHC đi một mình xin được xếp vào chung phòng với Phùng Minh Tiến.
Thường thì các anh chị đi có đôi vợ chồng rất dễ dàng sắp xếp đặt phòng ở khách sạn, nhưng đối với những người đi một mình thì cũng phải chọn người cùng phòng sao cho thích hợp. Rồi con số người đi tham dự đơn nam, đơn nữ đôi khi cũng không chẳn, rất rắc rối, cho nên khi có yêu cầu đăng ký share phòng, chúng tôi rất hoan nghênh vì đỡ phải dò xét thăm hỏi các anh chị có thuận tiện hay không. Đây cũng là dịp để những đôi bạn thân tình có dịp sinh hoạt chung trong suốt thời gian hội họp hay đi chơi, thăm viếng danh lam thắng cảnh, hầu tạo nên những kỷ niệm đẹp trong quãng đời xế bóng.
Dĩ nhiên việc xếp chung phòng cho hai người đi một mình là điều bình thường, nhưng khi anh bạn đề nghị ở chung phòng với Phùng Minh Tiến thì anh em lại có những suy đoán hơi bất thường. Xưa nay anh Tiến giao du thân thiết với tất cả mọi người. Tánh tình hiền lành, vui vẻ, phong thái tao nhân mặc khách là bẩm sinh, văn chương thi phú thì cũng đủ để góp mặt với đời. Biết là vậy, nhưng từ xa mà có người ái mộ đến độ muốn trọ chung phòng thì cũng hơi lạ. Hỏi anh thì chính anh trả lời:
-Lần đầu tiên mới nghe tên anh bạn ấy.
Khi đến Washington DC, chúng tôi được các bạn ở địa phương tổ chức đón rước chu đáo. Những cặp vợ chồng về chung trong một khu, còn những anh em đi một mình thì ban tổ chức sẽ tập họp cho biết rõ số phòng để hai người cùng nhau về phòng. Riêng thi sĩ Phùng Minh Tiến về cùng phòng với anh bạn đã đăng ký từ trước. Hai người hơi ngô ngố, y thật như là mới gặp lần đầu.
Sáng sớm hôm sau, trong sảnh đường của khách sạn, anh em có buổi cà phê tọa đàm với một số anh em thân tình, nhất là chúng tôi đã biết rõ lai lịch của cả hai người nhưng thật tình muốn biết duyên cớ vì sao mà anh bạn nầy lại muốn share chung phòng với Phùng Minh Tiến. Một đại huynh khóa đàn anh của cả nhóm mở đầu câu chuyện:
-Anh Thanh có quen biết ra sao với anh Tiến?
-Chỉ nghe tên Phùng Minh Tiến có một lần.
-Thế thì có giây dưa ân oán gì không?
-Không ân mà cũng không oán… chỉ hơi gờm nhau như người “giấu mặt”
Anh Thanh sau khi tốt nghiệp ra trường về nhận nhiệm sở ở tỉnh Tuyên Đức, Đà Lạt vào cuối năm 1967 và được cử giữ chức chỉ huy hành chánh tại địa phương. Trong quan hệ công tác, anh có thân quen với một người bạn đồng liêu lớn tuổi có cô con gái lớn xinh đẹp, hoa khôi của trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Anh Thanh để ý rồi đem lòng yêu mến và muốn tiến tới hôn nhân, và trong thời gian tìm hiểu cũng muốn biết xem cô ấy sinh hoạt xã hội, học đường như thế nào.
Một hôm có người báo cho anh Thanh biết là thường sau khi tan trường có một anh chàng lúc nào cũng đi sóng đôi với người đẹp. Hình ảnh mường tượng ra… trên những con dốc sương mù buổi chiều rợp bóng hàng thông trữ tình và lãng đãng khiến anh tò mò muốn biết thêm; và sau nhiều nguồn tin khả tín thì người thanh niên ấy là sinh viên năm thứ tư trường Chính trị, Kinh doanh Đà Lạt – đích danh Phùng Minh Tiến. Chỉ có vậy thôi và anh nhớ cái tên ấy hằng bao nhiêu năm trời mà chưa hề biết mặt.
-Còn anh Tiến thì sao? Anh em cùng lên tiếng hỏi.
-Lâu quá rồi cũng không nhớ. Hơn nữa quen nhiều người nên cũng không biết rõ.
-Nhưng với người đẹp hoa khôi của cả tỉnh thì làm gì mà không nhớ hả bạn. Nói thiệt đi.
Anh Tiến kể lại trong đời anh quen với rất nhiều người đẹp khắp vùng, miền từ quê ra tỉnh thành, riêng ở Sài Gòn cũng có nhiều mối tình chân thật, nhưng đến hồi gần kết thúc thì anh lại biến đi… cho tới ngày hôm nay.
-Có lẽ chim sợ cành cong chăng? Đã một lần tan vỡ khiến phải sợ cả đời.
-Không phải vậy.
Anh viện dẫn là đã đọc được ở đâu đó hay có khi là do chính anh nghĩ ra rồi nói tránh đi: “Yêu một người suốt đời là có thể, nhưng sống chung với một người suốt đời là một bi kịch”. Vì vậy anh chọn lối sống độc thân bền vững cho đến hết cả đời nầy.
Sau đó hai anh quàng vai nhau chụp một tấm hình chung khiến ai cũng cảm động. Hình ảnh ấy khiến mọi người sực nhớ lại bài thơ nổi tiếng của Thi sĩ Phùng Quân:
ĐÔI NẺO CÓ KHÔNG
Hữu dã hồi
Vô dã hồi
Mạc tại giang biên lãnh phong xuy
(Bài Kệ cổ của Phật giáo)
Có cũng về
Không cũng về
Sao còn đứng đợi bến sông mê
Bốn phương gió nổi mùa hư ảo
Ngoảnh lại hoa xuân rụng não nề
Có cũng về
Không cũng về
Về đâu, non nước về đâu nhỉ
Chảy xiết cuồng lưu, vọng khứ hề
Có cũng về
Không cũng về
Sáu bảy mươi năm làm khách lạ
Một chiều tuyết phủ với sương che
Có cũng về
Không cũng về
Thanh xuân giờ đã xa biền biệt
Dừng lại bên sông, lạnh bốn bề.
Ngoài sân, tiếng còi xe buýt giục mọi người lên xe đi tham quan Điện Capitol ở thủ đô Washington trong một buổi sớm mai trời trong xanh, nắng rõ, ghi dấu một cuộc hạnh ngộ đầy thú vị.