Hơn một tuần lễ ở trong “barrack” cuối cùng thì bọn chàng cũng được phân chia ra khắp tám khu.
Sáng hôm ấy khi nắng vừa lên tới đọt dừa là mọi người trong ghe của Tuấn được cho ra. Như chim sổ lồng mọi người kêu nhau ơi ới, hẹn sẽ gặp lại rồi túa đi khắp mọi nơi. Tuấn và Điều, cô gái đi chung, dẫn nhau ra gốc cây cổ thụ thật to, gần giếng nước ở Khu 7 để chia số vật dụng cần thiết vừa phát cho mỗi hai người, có đóng dấu của Trung Tâm Trợ Giúp Người Mất Nơi Cư Trú (The Center for Assistance to Displaced Persons) thường được gọi tắt là cơ quan CADP do Sơ L. T. T. thành lập và làm giám đốc sau khi có trại tị nạn PFAC này.
Ngày ấy người tị nạn vô cùng cảm động và biết ơn Sơ đã hy sinh, lo lắng cho đồng hương theo tinh thần của người nữ tu bác ái nhưng không ai biết được rằng số tặng phẩm này thật sự ra là của Cao Ủy Tị Nạn ủy thác cho CADP phân phối giùm mà thôi! Do xuất phát bởi lòng biết ơn lẫn kính trọng người tu hành đó, mọi người trong trại từ già đến trẻ thời ấy trở nên thương mến và kính sợ Sơ mỗi khi gặp mặt!
Đứng bên những vật phẩm gồm có hai cái chén nhựa, hai bàn chải đánh răng, một dây kem đánh răng hiệu Colgate có khoảng mười hai tép mỏng, hai cái áo thun hai màu trên dưới khác nhau không có cổ, hai đôi dép Nhật mỏng te, hai cái mùng cá nhân màu vàng, hai cái mền mỏng có nhiều sọc dọc màu xanh dương, màu đỏ, màu vàng, xanh lá cây, dài độ chín tấc (90cm) với một cái khăn lông tắm loại lớn, một đôi đũa tre, một cái xô vừa vừa vì không lớn lắm mà cũng chẳng nhỏ quá, màu đỏ, rất tiện dụng, Tuấn với Điều khá bối rối, khó xử. Vì các món nào có hai cái thì chia dễ dàng duy còn lại có đôi đũa và cái xô với cái khăn lông thì chẳng biết chia làm sao? Đang khi Tuấn còn phân vân chưa biết tính thế nào thì chú Trần Như Bình, đại úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH,) cùng ghe, cũng đang đi kiếm nhà bước tới thấy vậy bèn ghé lại giúp. Chú nói thật to:
-Trời ơi, dễ ợt. Có gì đâu mà tụi mày cứ đứng xớ rớ đó chia hoài không được vậy? Nè, để tao tính cho. Này nhé, tắm thì mày lấy xô hứng nước cho con Điều tắm trước, mày tắm sau. Khăn thì nó lau trước, mày lau sau. Đũa…hai đứa ăn chung. That’s it! Nó “easy” vậy chứ có gì đâu mà hai đứa bây tính lâu thế?
Đùa vui xong chú cười ha hả bỏ đi để lại hai đứa đứng ngượng ngập cả người. Tuấn thấy mặt Điều đỏ nhừ trông cũng khá xinh và dễ thương. Biết Tuấn đang nhìn mình, nàng bẽn lẽn một tí rồi nói một mạch như đã có chủ ý từ lâu.
-Thôi em tính thế này anh nghĩ coi thế nào nha? Bây giờ anh lấy đôi đũa với cái khăn, em lấy cái xô và em sẽ bù anh thêm mười lăm Pesos. Anh thấy được không?
Cái xô lúc ấy rất cần thiết cho mọi người vì nó được dùng để hứng nước, chứa nước hoặc giặt giũ, tắm rửa hay đi lãnh lương thực nhất là đối với phụ nữ thì nó lại càng quan trọng hơn. Biết vậy nhưng Tuấn nghĩ dẫu sao mình cũng là đàn ông thanh niên lẽ nào lại đi so đo với đàn bà con gái nên lên giọng “anh hùng rơm” dù đang túng thiếu vô vàn.
-Em tính thế cũng được. Thôi để anh lấy cái khăn và đôi đũa được rồi tiền bạc thì khỏi đi em!
Vậy là chàng không nhận tiền dù Điều một mực nài nỉ. Khi chia tay nàng có vẻ áy náy, đứng nấn ná thêm một lúc lâu mới rời đi. Phi là “quốc đảo” vì vậy gần như đất ở đây lẫn đầy đá được cấu tạo từ vôi do đó sau nhiều năm thì trở nên cứng vô cùng, đi rất đau chân. Bước được một quãng, Tuấn dừng lại, cúi nhìn tờ giấy đang cầm trên tay mà Ban Kế Hoạch vừa phát cho rồi ngẩng đầu lên, dáo dác ngó xung quanh. Nhà số 3, Khu 8! Chà, nó ở đâu đây? Đứng lớ ngớ nhìn mấy dãy nhà lá lụp xụp và các con đường nhỏ dọc ngang, chằng chịt trước mặt, Tuấn hoang mang. Bỗng có một anh thanh niên cao ráo, gầy gò, gương mặt sạm đen, khắc khổ bởi nắng gió miền biển bước trờ tới. Chàng chận anh lại giơ tờ giấy ra trước mặt anh, hỏi thăm.
Tuấn bước thấp bước cao theo hướng người thanh niên vừa chỉ qua các con đường lởm chởm đá. Khi đi ngang qua mấy con hẻm nhỏ chàng thấy nhiều người đứng ngồi, tán gẫu ồn ào, con nít thì vui đùa rượt bắt, tụm năm tụm ba hò hét inh ỏi. Ở bên hông vài ngôi nhà, người ta xếp rất nhiều chai, hũ, bình nhựa bốn lít (litre) ngoài nắng mà Tuấn không biết chứa thứ gì bên trong tuy nhiên mỗi khi có người tới gần thì ruồi nhặng lại bay lên loạn xạ trông thật ghê rợn.
Sau này ở lâu chàng mới biết đó là các bình, hũ, người ta dùng để đựng đầu cá, ruột cá, cá con, cá ươn… trộn với muối, phơi nắng làm nước mắm mà mỗi tháng lúc Cao Ủy đi thanh tra, ông Jun; Trưởng Ban Vệ Sinh, đã cho nhân viên tịch thu tất cả các thứ này mang đi vứt chẳng biết bao nhiêu lần nhưng rồi sau đó người ta vẫn tiếp tục làm và mang đi giấu khi có khám trại bởi nếu không “cải thiện” thì làm sao sống được? Thậm chí có người còn “sản xuất” nước mắm như thế này một cách quy mô hơn để bán cho đồng bào trong trại kiếm thêm tiền nữa!
Rồi cuối cùng Tuấn cũng tìm được ngôi nhà của mình nằm sát chỗ hứng nước của khu và gần “phi đạo” ngăn chia trại với Bộ Tư Lệnh Miền Tây. “Vòi Nước” là một cái nhà lớn dài chừng mười thước (10m), không vách, mái lợp bằng từng mảng tre đập dập, xếp trên lớp ni lông dày, trải dài. Nền có hai tầng, được làm bằng xi-măng, tô láng. Chiều ngang của tầng trên cỡ tám tấc, có hình dáng chữ U. Tầng dưới có ba vòi nước cách khoảng đều nhau. Nhìn một đám thanh niên đứng ngồi trên bệ, mình trần trùng trục cười nói oang oang, vừa phân phát nước vừa chửi thề um tỏi, Tuấn cảm thấy “oải” quá! Bên dưới, đoàn người gồm một số đàn ông, trẻ con với dăm ba phụ nữ hay mấy cô gái trẻ, rồng rắn đứng xếp hàng dài thườn thượt đợi chờ với đủ thứ bình, xô, can nhựa lớn nhỏ làm chàng ngao ngán. Quang cảnh ồn ào lúc nào cũng tấp nập ở “vòi nước” làm thành một bức tranh hiện thực của “đời tị nạn!”
Đi tới nhà mình sẽ ở, Tuấn ngập ngừng đứng trước cửa nhà bởi lúc ấy bên trong, trên cái sạp tre có bốn năm người thanh niên lớn nhỏ đang nằm ngồi lổn ngổn. Họ chợt im bặt khi thấy chàng xuất hiện. Và có lẽ như đoán ra được chuyện gì lúc họ thấy trên tay Tuấn đang cầm tờ giấy nên một người lớn tuổi nhất trong bọn cất tiếng hỏi:
-Anh được phân vô nhà này?
-Dạ, Nhà 3 Khu 8 là nhà này phải không anh?
Tuấn hỏi lại cho chắc chớ thật ra Tuấn đã thấy số 3 to “tổ bà Chảng” được vẽ bằng nước sơn màu xanh dương đậm trên cao nơi tấm cót phía tay trái chàng rồi. Nhưng Tuấn bỗng bị bất ngờ như ai dội một gáo nước lạnh vào người mình vì những gì anh thanh niên kia nói tiếp:
-Ừ, nhà này đúng là Nhà 3 Khu 8, nhưng anh không ở đây được đâu vì nhà này đông lắm. Hết chỗ rồi!
Tuấn chưng hửng bởi sự từ chối thẳng thừng của anh và không khỏi bẽ bàng, nhất thời chưa biết tính sao? Một hai phút sau, trong khi chàng còn đang lớ ngớ thì có một người thanh niên to con, vạm vỡ, da rám nắng đỏ hực từ trên bục xi măng bước xuống và tiến về phía Tuấn. Anh ta hất hàm hỏi và chìa tay ra:
-Trong “barrack” mới ra phải không? Có một mình thôi hả? Giấy phân nhà đâu?
Tuấn gật đầu đoạn đưa tờ giấy cho anh ta. Người thanh niên xem một chốc rồi quay vào trong hỏi:
-Nhà tụi mày bao nhiêu người rồi?
Người thanh niên từ chối ban nãy ngồi hẳn lên trả lời:
-Hai mươi hai. Mày coi nè, trong phòng là vợ chồng thằng Trân, gác Cao Ủy thì mười mạng, gác tư nhân bên đây là bốn, dưới này là sáu thằng. Bây giờ ông này vô nữa thì ổng ở đâu?
-Tao nghĩ mày cho ổng ở đi, nhà bên tao là hai mươi lăm người rồi đó mày. Mày không cho ổng vô, hôm nào Ban Kế Hoạch nó tống xuống nguyên một nhà bốn năm mạng nữa là bỏ mẹ luôn!
Nói rồi anh ta quay qua Tuấn:
-Có đồ đạc gì nhiều không?
-Có bao nhiêu đây thôi anh.
Đáp xong, Tuấn giơ cái bịch ni-lông chứa một ít đồ lặt vặt với mùng mền bà “Sơ” cho anh ta coi. Anh ta hất hàm:
-Để ông này vô ở đi Mành ơi. Thằng chả chỉ có mỗi cái “bì bóng” hà!
Người thanh niên tên Mành có lẽ là người lớn tuổi và có quyền nhất trong nhà đành miễn cưỡng cho Tuấn vô nhưng miệng vẫn lầm bầm:
-Thôi vô đi “ông ngoại, không mời mà tới!” Đ.m., để trưa chiều gì rảnh tao lên Ban Kế Hoạch hỏi coi mấy thằng chả làm ăn gì kỳ vậy? Cứ đưa vô hoài thì chỗ đâu mà ở?
Người thanh niên nọ phân bua:
-Hỏi mẹ gì, tụi nó cũng đâu biết làm sao hơn? Quan trọng là người ta đừng tới nữa thì OK. Còn tới thì họ phải kiếm nhà cho người ta ở thôi chứ làm sao?
Nói tới đó như sực nhớ ra, anh ta quay sang Tuấn:
-Ủa, mà bộ ở Việt Nam không nghe tin là đảo đã đóng cửa rồi sao?
-Có nghe.
-Nghe mà vẫn đi. Ông có “diện” gì không?
Chưa hiểu hết ý anh ta hỏi, nên chàng làm thinh không đáp.
-Không có là “mệt” à nhe!
Thế là nhờ người thanh niên; mà dạo sau Tuấn biết tên anh là Hòa, nhà ở gần cây điệp thật to của khu này nói giúp mà chàng đã có nhà ở và ngủ chung với mấy người tới trước trên gác Cao Ủy. Dĩ nhiên là sự có mặt của Tuấn tạo thêm chật chội cho họ nên không ai vui vẻ cả. Chàng may mắn hơn nhiều người cùng ghe vì một số thì bị đuổi thẳng cánh như Tuấn lúc ban đầu, số khác thì nhà quá chật đành phải đi ngủ “lan” như ra sân Cao Ủy hay tới các vỉa hè của trường CADP hoặc ARMDEV (Associated Resources for Management and Development)…vô cùng đau khổ cho cái thời mới “tắp đảo” ấy!
Trại PFAC được viết tắt từ chữ The Philippine First Asylum Camp tức là Trại Lánh Cư Đầu Tiên ở Phi Luật Tân mà dân chúng quen miệng gọi là “trại tị nạn,” tọa lạc gần thành phố Puerto Princesa cũng là thủ phủ của Palawan; một đảo lớn, có hình dáng của một mảnh xương cọp nằm về hướng tây nam của thủ đô Manila. Năm 1989, dân số bản địa vào khoảng trên dưới một triệu rưởi người và ngoài các nghề sinh sống chính giống như ở El Nido thì người dân tại đây còn có thêm kinh doanh mua bán vì là trung tâm thương mại, đầu mối giao tiếp với các đảo khác. Trại tị nạn nằm dưới sự quản lý của Bộ Tư Lệnh Miền Tây Phi Luật Tân (The Western Command of the Philippines) với một Ban Đại Diện Người Việt tức Hội Đồng Điều Hành đảm trách chuyện ăn ở, sinh hoạt của thuyền nhân trong trại. Hội Đồng Đại Diện này được điều hành bởi chính các vị dân cử người Việt do dân trong trại bầu ra với mỗi nhiệm kỳ là sáu tháng có nhiệm vụ làm cầu nối liên lạc giao tiếp giữa thuyền nhân với Bộ Tư Lệnh cũng như Cao Ủy Tị Nạn hay các phái đoàn ngoại quốc tới viếng thăm…
Dần dà, biết là sẽ còn ở lại đây “dài dài” nên thiên hạ bắt đầu kinh doanh mua bán quy mô hơn như anh Danh “thẹo” mở quán bán cà phê sáng rất là xôm tụ ở gốc cây me sau lưng Lớp Đánh Máy Liên Hội Đoàn bằng những phin (filter) cà phê tự chế từ các lon cá hộp, tới quán cà phê của Hân tại 22/1, đối diện Chùa Vạn Đức gần cổng chính của trại, lúc nào cũng đông nghịt khách, hay một số người lại thường xuống Căn Tin uống cà phê ngắm biển hoặc tới quán René; anh thanh niên có cha là người Phi, mẹ là người Việt, hồi hương về nước trước 1975, để vừa nghe nhạc Rock vừa thưởng thức mùi thơm nồng từ ly cà phê tỏa ra.
Sau này, nổi đình đám hơn thì có quán cà phê của anh Thao ở con đường hẻm Khu 3, sát sau lưng Ban Lương Thực với “Heavy Metal” ình ình từ sáng tới trưa khiến cho hầu hết thanh niên nam nữ ở trại lúc nào cũng la cà ở đó để nghe nhạc hơn là để uống cà phê dù cà phê nơi đây cũng rất ngon. Đôi khi người ta còn bắt gặp cả những thiện nguyện viên Việt Nam hay ngoại quốc như người Anh, Mỹ cũng tới đây tìm hiểu, nhấm nháp thử hương vị của cà phê Việt!
Ban đêm thì ngoài Ban Truyền Thông-Văn Hóa của Hội Đồng Trung Tâm chiếu phim Tàu cho dân chúng xem thì quán René có chiếu các phim hành động Mỹ từ các băng Video anh mướn ở những tiệm cho thuê băng nhạc ngoài phố cho những ai thích thể loại “action.” Nhận thấy lối làm ăn này khá phát đạt, Hội CQN rồi Hội Thanh Niên Phụng Sự cũng tậu một đầu máy Video để vừa kinh doanh vừa giúp bà con tiêu khiển, giải trí cho bớt căng thẳng. Riêng Tuấn thì lại thích tới trường Pháp do anh Phương và chị Giàu lúc này đang quản lý để xem hơn vì nơi đây thường chiếu các phim rất giá trị, rất nổi tiếng, đã từng đoạt được nhiều giải Oscars như Gone With The Wind, La Mélodie Du Bonheur, La Rivière Sans Retour (The River Of No Return,) The Bridge On The River Kwai…
Tuấn đến vào thời điểm ông Nguyễn Đức Bạn đang làm Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Nhiệm Kỳ Thứ 28. Lúc ấy cơ cấu của Hội Đồng Điều Hành này tương đối đơn giản với một ông Chủ Tịch, một ông Phó Chủ Tịch, Ban An Ninh, Ban Thư Tín, Ban Ngân Hàng, Ban Kế Hoạch, Ban Xã Hội, Ban Thông Tin Văn Hóa Kỹ Thuật, Ban Xây Dựng Bảo Trì nhà cửa do dân Việt đảm nhận, Ban Vệ Sinh thì ông Jun làm trưởng ban, Ban Lương Thực thì Rolly chịu trách nhiệm, Bộ phận lo về điện có thằng Tony trông coi và đóng, mở, nước hằng ngày là Papa, người Phi, phụ trách!
Trại có tám khu và dân số tị nạn từ khi trại thành lập vào năm 1979 tới trước khi đóng cửa chỉ khoảng chừng một ngàn tám tới hai ngàn hai trăm người thôi. Do đó mà nghe nói cuộc sống ở đây vào thời ấy rất thoải mái. Nhà cửa thì rộng thênh thang, lương thực cấp phát dư thừa, nửa ăn nửa đổ! Ban ngày chỉ ăn, ngủ, đi học nên lúc đó thiên hạ hay kháo nhau “Yes, yes, no, no, sáu tháng cũng go,” còn ban đêm thì xuống Căn Tin (Canteen) sát bãi biển uống cà phê, uống nước ngọt ngắm biển, xem trăng lên vào các ngày rằm hay mùng một hoặc đến Sân Khấu Trung Tâm xem phim Anh Hùng Xạ Điêu; là bộ tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình Trung Hoa rất nổi tiếng của nhà văn Kim Dung được TVB của Hong Kong chuyển thể thành phim năm 1983 do Huỳnh Nhật Hoa thủ vai Quách Tĩnh cùng với Ông Mỹ Linh trong hình ảnh của một Hoàng Dung khôn ngoan, ma lanh, đầy mưu chước, vô cùng thịnh hành và rất đình đám gây nên một cơn sốt “xem phim Tàu” ở khắp nơi trên thế giới, do Ban Truyền Thông chiếu cho đồng bào giải trí!
Một buổi chiều khi mặt trời vừa tắt nắng sau dãy nhà đối diện, từ “Vườn Dừa” của người Phi bên ngoài trại Tuấn trở về sau khi lang thang đi chơi cho vơi bớt nỗi nhớ nhà, lúc tạt ngang qua ngôi nhà đầu hẻm ở Khu 6 chàng thấy trước hàng ba có hơn mười thanh niên đang ngồi ở trần uống bia “San Miguel.” Đây là một trong các loại bia ngon nhất và rất phổ biến ở xứ sở này được người Phi và người Tây Ban Nha kết hợp sản xuất theo cách nấu bia truyền thống của Tây Ban Nha vào cuối Thế Kỷ 19. Nhìn họ la hét rùm beng, cười nói sảng khoái, thoải mái vô lo mới thấy được sự sung sướng của đời tự do, có người mặt đỏ ngầu, mắt long lên sòng sọc trông rất dễ sợ. Một người lên tiếng khi thấy Tuấn:
Ngó bộ ông này là biết “new comer” rồi. Chắc ổng phải ở đây trồng hai cây dừa là ít!
Tuấn biết họ muốn nói đến cái “cut off date” 21 Tháng 03 Năm 1989 ấy mà. Đấy là lưỡi dao oan nghiệt, là cái thòng lọng không tên giết biết bao thuyền nhân ngày sau. Một chuyện vô cùng quan trọng mà những ngày ở trong “barrack” chàng luôn nghe mọi người bàn tán với đầy nỗi lo âu sợ hãi. Và khi họ dùng chữ “trồng dừa” là ý họ muốn nói Tuấn sẽ phải ở lại đây lâu có thể tới sáu năm bởi một cây dừa từ khi bắt đầu trồng đến lúc có trái phải mất ba năm!
Sau lưng họ, tiếng nhạc phát ra từ chiếc cassette để trên bàn đang vang vọng khắp xóm “Saigon ơi, ta mất người như người đã mất tên. Như dòng sông nước quẩn quanh buồn. Như người đi cách mặt xa lòng. Ta nhủ thầm em có nhớ không? Saigon ơi, đâu…Ai ra đi nhớ hàng me già…Thôi hết rồi mộng ước xa xôi theo dòng đời trôi…Tay cầm tay nói nhỏ câu gì…Đâu Phạm Duy với tình ca sầu. Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu, còn gì..nữa đâu?”
Lời ca đó bây giờ nghe thật não nuột, tái tê và Tuấn nhận ra đó là bản “Saigon niềm nhớ không tên” của Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn mà Tuấn rất thích mỗi khi chàng nghe được lúc lén lút mở đài VOA dạo còn ở Việt Nam. Hôm nay đây là lần đầu tiên được nghe một cách công khai, to lớn giữa thanh thiên bạch nhật làm Tuấn vô cùng thích thú dù đang lo lắng trước hoàn cảnh hiện tại nhiều khó khăn của mình. Đúng là được tự do thì có tất cả!
Sáng một ngày nọ, dù đã thức từ lâu nhưng Tuấn làm biếng dậy nên vẫn còn nằm nướng trên gác bởi không biết sẽ làm gì vì dẫu đã lấy “test” và được xếp vào lớp hai, là lớp kế bét ở trường Anh Văn của CADP rồi bởi trường có tám lớp tất cả, tuy nhiên vẫn phải chờ đợi đến đầu tháng Bảy tới mới khai giảng khóa mới để nhập học, thành ra Tuấn hiện vẫn còn ở không, đi dạo, đi chơi, tới mấy thư viện đọc sách, báo…
Xung quanh chàng các người PA (The Philippine Arrival); là những người tới đảo trước ngày đóng cửa nên đương nhiên được công nhận là người tị nạn và sẽ có quyển định cư tại đệ tam quốc gia do đó họ rất yêu đời và hăng hái trong mọi sinh hoạt, đã dậy và đi mất từ lúc nào. Ngó quanh Tuấn thấy mùng mền chăn chiếu của họ thật bề bộn bừa bãi, có người còn cuộn lại thành một đống và quăng đại vào góc nên hèn chi mà gác Cao Ủy lúc nào cũng hôi hám, trông thảm hại, nhếch nhác vô cùng. Nằm mãi trên mấy nẹp tre lồi lõm khiến lưng chàng đau đớn, người ê ẩm, và mắt thì cứ dán chặt lên mái lá nghĩ ngợi vu vơ hoài cũng chán, Tuấn đứng lên ló đầu qua cửa sổ trên mái nhà nhìn ra ngoài.
Hôm ấy bầu trời thật đẹp và trong xanh, không gợn một chút mây nên dường như được kéo lên thật cao. Hít một hơi thật sâu cái không khí trong lành của buổi sớm mai ở miền biển Tuấn thấy “ôi chao, thật đã làm sao” rồi đưa mắt nhìn xuống con đường đầy người bên dưới. Thiên hạ tấp nập, kẻ đi tới, người trở lui, chật như nêm! Bên kia đường là Khu 7, sát bức tường, hông của Thư Viện Trung Tâm là chỗ bán xôi đậu xanh, đậu đen được đựng trong mấy cái thau nhôm hay thau nhựa, bánh bò, bánh tiêu, bánh tét nhưn mặn, nhưn chuối thì được bày trong mấy cái rổ đặt trên những chiếc bàn cũ kỹ, xiêu vẹo tự đóng, mà mấy người tị nạn làm và bày ra lúp xúp.
Xa một chút xuống dưới, qua con đường lớn dẫn vào miếng đất trống to rộng sau lưng trường ARMDEV; trường dạy tiếng Pháp cho các người đã được Canada chấp nhận cho đến nước này định cư, là xe bánh mì thịt của chị Hiền. Cạnh bên là gian hàng bánh canh chả cá, đặc sản của người miền Trung, rất ngon, sau này còn có thêm hàng bánh cuốn của chú Trương nữa. Trưa thì có Oanh nấu chè mang tới cho ai ngủ trưa dậy mà buồn miệng thì ra làm lai rai một chén! Về đêm thì nơi đây lại là gian hàng cháo lòng nổi tiếng của vợ chồng anh chị Son, đi lên xa hơn một chút là chỗ bán bánh canh giò heo cũng rất ngon mà thứ nào cũng có giá bình dân là mười Pesos một tô. Ai muốn ăn tráng miệng thì qua gian hàng của anh Hùng kem “lăn (Flandre)” hay tới chỗ mấy bà bán chè chuối chưng hay chè trôi nước. Có thể nói kể từ khi trại được thành lập thì không biết tự lúc nào, khu vực này đã trở thành “trung tâm ăn uống” của dân tị nạn qua bao mùa mưa nắng!
Đang còn mơ màng nhìn trời nhìn đất thì đột nhiên có tiếng rột rẹt từ chiếc loa phóng thanh gắn trên cột đèn phía trước một ngôi nhà của Khu 7 kêu vang rồi tiếng nhân viên Ban Truyền Thông cất lên:
-Thông báo của Ban Lương Thực. Hôm nay Ban Lương thực chúng tôi sẽ phát thịt và rau cho đồng bào trong trại. Tiêu chuẩn thịt cho mỗi đầu người là 200gram, rau là 250 gram… ngay bây giờ yêu cầu đồng bào lên Ban Lương Thực để nhận phần lương thực của mình. Ban Lương Thực nay thông báo!
Ngay tức thì sau đó, từ dưới nhà tiếng anh Mành gọi vọng lên:
-“Ông ngoại không mời mà tới” đâu rồi? Dậy chưa? Hôm nay tới phiên ông đi lãnh lương thực đó nghe!
Chẳng mấy chốc, từ trong nhà người ta túa ra gọi nhau rối rít và kéo nhau về Ban Lương Thực ở Khu 3. Tuấn bỏ cái bao đựng rau vào xô và lững thững đi theo mọi người. Tới nơi đã thấy những người ở mấy khu gần đó đến xếp hàng dài ngoằn từ các “Ô” phát lương thực tự khi nào rồi.
Sau gần hai tiếng đồng hồ đợi chờ, chen lấn mệt mỏi cuối cùng chàng cũng nhận được phần lượng thực cho nhà mình rồi è cổ vác bao rau tươi là mười một, mười hai trái đu đủ còn tươi và xanh với xô đựng thịt về. Ở đây các cô gái trong nhà đã đợi sẵn để phân chia. Tuấn không lấy miếng đu đủ tươi vì chẳng có nồi niêu xoong chảo gì để nấu nên chỉ nhận miếng thịt mỏng lét dính tí da lẫn mỡ bầy nhầy rửa sạch rồi mang qua “lò làm bánh tráng” bên Khu 7 tìm que tre xỏ vào và nướng nhờ đoạn chấm muối ăn một loáng là xong ngay. Những ngày này Tuấn sống vật vờ bữa đói bữa no vì phần gạo thì chàng đã đổi cho mấy bà Phi thường vô trại và luôn miệng rao “Change rice, change rice” để lấy tiền mất rồi!
Lúc ấy, Tuấn đã bán cái mùng xong và một thời gian sau chàng lại bán luôn cả cái mền cho mấy bà Phi này để có tiền gửi thư về Việt Nam cho gia đình. Đoạn chàng lượm cái mền của mấy người PA (The Philippine Arrival) đi định cư bỏ lại, để đắp đỡ qua ngày. Chữ PA là Cao Ủy dùng để gọi những người đến đảo trước ngày đóng cửa, đương nhiên được thế giới tự do công nhận có quyền tị nạn chính trị và cho tái định cư ở đệ tam quốc gia!
Có nhiều bữa, Tuấn cầm cái cánh gà bé tí với mấy cọng rau muống hay miếng đu đủ xanh bé xíu của phần mình được chia đi lên đi xuống dưới trời nắng chang chang mà chẳng biết giải quyết thế nào? Hoặc hai ba ngày mới đến lượt mình nhận lấy trọn nguyên lon cá hộp tròn nhỏ bằng cùm tay em bé hai ba tuổi, không đủ ăn trong ngày, Tuấn vô cùng chán nản thế mà Cao Ủy cứ ngày đêm phát loa ra rả dọa sẽ cắt hết mọi thứ nhu yếu phẩm sau này nếu không chịu hồi hương bây giờ khiến Tuấn không hiểu tương lai mình sẽ ra sao nữa? Đây có thể coi là hành động “khủng bố tinh thần” hợp pháp của Cao Ủy đối với người tị nạn trong giai đoạn cuối mùa khiến lắm kẻ trở nên “khùng điên, ba trợn!”
Chiều một hôm, Tuấn hối hả lên Ban Thư Tín nhận thơ sau khi nghe loa đọc tên mình. Thời gian này kẻ thì mong tin thân nhân bên nhà hay ở đệ tam quốc gia, người lại chờ thư bảo đảm với hy vọng có “Money Order” đặng có chút tiền tiêu xài!
-Tuấn nè! Đợi lâu chưa?
Đang đứng lóng nhóng xa xa vì thiên hạ đông nghẹt và leo trèo, la hét, ngoài cửa sổ của Phòng Thư Tín để tranh giành lãnh thư dữ quá thì chợt nghe ai gọi tên mình. Tuấn quay lại, hóa ra là chị Hạnh. Dưới chân chị là bé My, trông con nhỏ hôm nay tươi tỉnh và hồn nhiên chàng cũng mừng. Bởi hôm còn ở El Nido, thấy nó cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn Tuấn cũng lo sợ nó sẽ không trở lại bình thường được. Mãi lo nghĩ ngợi chàng quên khoáy trả lời chị.
-Em có biết chuyện “group” mình không? Chị hỏi tiếp.
Tuấn ngơ ngác:
-Chuyện gì chị?
-Ủa, em hỗng biết gì hết hả?
-Biết cái gì?
-Group mình bây giờ là 246 El Nido thôi chứ không còn là 247 nữa nha!
Tuấn ngạc nhiên, trợn tròn mắt. Thấy vậy chị Hạnh nói:
-Em biết ông Sang trong nhóm chủ ghe mình không?
-Sang nào chị?
-Thằng cha lúc nào miệng cũng ong óng như cái cống khi phát cơm với thằng Chín “Cùi” trên ghe đó!
-À, cái ông đen đen đó phải không? Chàng “ồ” lên.
-Ừ, đúng rồi. Một mình thằng chả mà có tới hai cái tên. Một là Trần Văn Sang, hai là Huỳnh Văn Giàu, báo hại Cao Ủy đi tìm người mất tích gần chết. Tới dạo gần đây lúc lãnh lương thực họ mới phát giác ra và bắt thằng chả lên Ban An Ninh vì tội khai gian. Hỏi ra thì ổng nói có giàu thì mới sang và người sang thì thường là người giàu. Do đó ổng bảo ổng không có khai gian mà khai như vậy để nhận được hai phần lương thực cho chắc ăn!
Tuấn cười ngất mà chẳng biết nói sao cho lý sự cùn ấy. Rồi Tuấn ngó bâng quơ và hỏi tiếp:
-Chị lãnh thư gì?
-Thư em chị bên Úc. Hôm nọ chị viết thư báo nó chị tới đảo rồi và xin nó tiền để mua đồ mặc cho bé My. Còn em?
-Thư Việt Nam. Chắc thư nhà!
(còn tiếp)
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.