Và trong cái sự hỗn độn nọ có biết bao chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra như trong “group” Tuấn chẳng hạn.
Bởi “group” này có anh Lạc tới đảo một mình vì vợ anh bị rớt lại làm cho anh bơ vơ trong các ngày đầu ở trại. Suốt ngày Tuấn thấy anh ngồi thẫn thờ dưới gốc cây me trước sân Cao Ủy mà khóc vì nhớ thương vợ trông tội làm sao! Rồi bốn năm tháng sau bỗng một ngày kia Tuấn thấy anh cười nói vui vẻ nắm tay một cô cũng cỡ tuổi anh đi khắp trại với gương mặt rạng rỡ vì hạnh phúc.
Và hơn năm sau, cô kia đậu thanh lọc, lên đường đi định cư đoàn tụ với chồng đang ở Mỹ thì anh lại khóc lóc thảm thiết hôm tiễn đưa. Bây giờ thì “rổ rá cạp lại,” anh ăn ở như vợ chồng cùng một chị “single mom” khác có một đứa con trai chừng bốn tuổi với một tiệm tạp hóa ở ngay ngã ba “quốc tế” của trại một cách an lành. Do đó mà thiên hạ hay đùa những cuộc tình ở Palawan là tình Ba Lăng Nhăng hay “Palawan, tình xù” là vậy!
Riêng Tuấn vì là “con bà sơ,” không tiền để nhậu nhẹt hay dạo phố Puerto Princesa nên chàng chỉ còn biết chúi mũi vào học tiếng Anh để trau dồi sinh ngữ cũng như để quên đời mà thôi. Một hôm sau khi xong lớp, chàng đi lại lớp của anh Vinh (lớn) cạnh thư viện CADP để dự thính. Đứng bên ngoài nghe giảng, lâu lâu các ngọn gió từ ngoài biển lùa vào man mát làm chàng đưa mắt bâng quơ nhìn ra khơi, trông những ngọn sóng trắng xóa lượn lờ ngoài xa, lòng nghĩ ngợi miên man. Tiếng rì rào của từng con sóng vỗ vào bờ đá như ru hồn người làm chàng quên cả thực tại. Giữa cái cảnh “nước sắc trời không lẫn một màu” của đại dương bao la ấy, Tuấn chạnh lòng, tủi thân cho phận muộn màng của các vị khách “không mời” mà tới như chàng lúc này!
Lúc lớp học chấm dứt, Tuấn lại lân la đến lớp cô Thu Thảo gần nhà giam “Monkey House” ngoài đầu cổng khi nghe tiếng ồn ào phát ra từ đây. Đứng bên ngoài chàng nghe cô giáo hỏi anh Hoàng bằng tiếng Anh:
-Nếu được quyền tị nạn và đi định cư, điều gì làm bạn mong muốn nhất?
-Tôi sẽ mang thủ đô âm nhạc thế giới ở Vienne về Việt Nam!
Anh đáp ngay không nghĩ ngợi. Cả lớp im phăng phắc, Tuấn đứng bên ngoài giật nảy người lúc nghe câu trả lời. Ở PFAC ai cũng biết anh Hoàng chơi guitar cổ điển rất hay và có thể nói là nhất trại nên không ai có ý kiến gì, tuy vậy vẫn có nhiều tiếng xì xào vang lên. Cô Thu Thảo sững người giây lâu, mặt ngơ ngác cả phút sau mới bừng tỉnh, nói như một thói quen lịch sự cố hữu của người sống ở Âu Mỹ.
-Great!
Đoạn cô quay sang hỏi cô bé khá xinh ngồi ở đầu bàn dãy kế bên. Cô gái đứng lên nhỏ nhẹ:
-Em chỉ muốn làm một viên gạch thôi!
-Why? Cô Thu Thảo ngạc nhiên hỏi lại.
-Em mong muốn làm viên gạch nhỏ, tầm thường nhưng để liên kết với các viên gạch khác tạo nên thành một bức tường lớn!
Cô Thu Thảo và cả lớp vỗ tay rào rào, tán thưởng cái “idea” tưởng chừng nhỏ nhưng lại rất lớn kia. Cuối năm 1992, cô gái nhỏ nọ đậu “thanh lọc” và lên đường đi định cư, anh Hoàng thì mãi đến năm 1994 mới đi sau khi đậu “kháng cáo!”
Nhiều năm trôi qua, câu chuyện tưởng rơi vào quên lãng nhưng cách đây khoảng một năm, nhờ Facebook, cô gái nhỏ kia tìm lại bạn bè ở Palawan ngày cũ. Và cũng từ đó Tuấn biết rằng cô gái với ước mơ bé bỏng năm xưa nay đã là một bác sĩ tốt nghiệp đại học Columbia, NY, về khoa thần kinh học!
Khoảng hơn tháng sau, một vài anh em cùng ghe Tuấn năn nỉ chị Trinh chủ Nhà 14, Khu 1 với các người khác suốt mấy tuần lễ để họ đồng ý cho chàng vô sống chung với chúng trên căn gác “Cao Ủy” vì nhà mới có mấy người PA vừa chuyển trại lên PRPC (The Philippine Refugee Processing Center) ở Bataan để chờ đi định cư. Bên kia là cái gác “tư nhân” của chú cháu thằng Lâm mà tụi nó tự ra phố mua cây, ván ép, đinh…bằng tiền túi của mình để làm nên.
Chị Trinh là dân PA và ở nhà này lâu nhất, nghe đâu đã hơn bốn năm nên mấy đứa nhỏ hay gọi đùa là bà chủ “vườn dừa.” Vì dừa trồng ba năm thì có trái do đó mà thiên hạ hay ví von những ai sống nơi này lâu là ở trồng dừa. Chị vốn thuộc gia đình đánh cá “nòi” tại Bình Tuy, cả đời chị đi đánh cá có biết gì đâu do đó chị bị hết phái đoàn này từ chối đến phái đoàn kia lắc đầu. Ngay cả phái đoàn Pháp muốn nhận chị vì lý do nhân đạo chỉ với điều kiện là chỉ cần chị nói được một câu tiếng Pháp thôi thì họ sẽ bốc chị đi liền mà chị cũng chưa nói được!
Nhà này nằm đối diện với văn phòng CADP, nhà “minor nữ” đơn hành và các lớp Anh Văn. Nó cũng ở gần Thư Viện CADP và sát với bãi biển, rất tiện lợi cho việc học hành hơn là phải sống tận trên Khu 8 xa xôi, khiến Tuấn rất thích!
Suốt vài tháng sau đó có thêm một số ghe nữa tắp đảo, đến PFAC. Ban Kế Hoạch lại chia một cặp vợ chồng vào nhà Tuấn. Mọi người ào ạt phản đối, không cho vô vì nhà này đã có tới hai mươi bốn người rồi!
Nhìn cô vợ trẻ, quê mùa với cái bụng bự lù lù vì sắp đến ngày sanh đứng khóc tỉ tê trước ngạch cửa, Tuấn động lòng trắc ẩn, năn nỉ chị Trinh cho họ che cái chái nơi miếng đất bên hông, phía ngoài cửa sổ phòng chị, chỗ đang trồng hành, rau, é quế cho rồi.
Thế là chị Trinh phải dẹp bỏ cái vườn rau của chị và từ đó vợ chồng thằng Trí, con Lẹ, có cái “nhà” để trú nắng che mưa nên tụi nó rất mến chàng vì cái ơn ấy. Độ tháng sau thì tụi nó sinh được thằng con trai đặt tên Lì.
Một hôm thằng Trí chạy vô nhà mời Tuấn qua nhà nó ăn sáng. Chàng hí hửng đi theo, bước vào trong là đã thấy nó bày sẵn trên cái chõng tre cũng là giường ngủ của vợ chồng nó một đĩa bánh tráng, một tô rau é quế và chén nước tương dầm ớt rồi.
Nó giục Tuấn ngồi lên trong khi nó ngồi xổm xuống, lui cui bên cái nồi. Tuấn tưởng nó lấy tôm cá chi đây vì ở đây ngoài thời gian ở nhà đi học, làm việc vặt nó cũng theo hàng xóm xung quanh “đi bạn,” đánh cá nữa. Nhưng lúc nó leo lên, hai chân phủi vào nhau rồi đặt tô cơm nguội xuống làm chàng chưng hửng, chẳng hiểu thằng này bưng tô cơm ra đây làm gì?
Khi nó lấy bánh tráng nhúng nước, rồi lấy muỗng múc cơm bỏ vào, đoạn nhón tay lấy thêm mấy cọng rau để lên trên và cuốn lại, chấm vô chén nước tương mà thấy Tuấn vẫn còn ngồi yên, Trí lên tiếng:
-Cuốn đi anh!
Tới lúc ấy Tuấn mới giật mình, hoàn hồn! Vị tình em út, chàng cũng ráng làm một cuốn và cố gắng nuốt cho xong, đoạn viện cớ có lớp Anh Văn lúc 8 giờ sáng hôm nay, trốn mất!
Ngồi trong lớp nhiều khi Tuấn nghĩ ngợi tới buổi điểm tâm sáng của nó khi nảy mà thấy tội. Trong khi còn ở VN, dù giàu nghèo gì, sáng chàng cũng có thể ăn cơm tấm hoặc phở hay bánh cuốn rồi nhâm nhi ly cà phê, phì phèo điếu ba số 5 tùy theo túi tiền chứ đâu có như vầy! Nhưng sau này Tuấn mới biết đó là buổi điểm tâm thông thường của người ở vùng ngoài. Câu chuyện điểm tâm ấy bắt nguồn từ chỗ người dân quê khi ra đồng hay đi biển cần no bụng trước khi đi làm nhưng vì nghèo quá nên họ đành tìm xem trong nhà có thứ gì thì ăn đại. Theo năm tháng nó trở thành một món điểm tâm của họ mà nếu lâu lâu không ăn thì dân chúng sẽ thèm như người thành phố ghiền phở vậy! Huống chi ở trại tị nạn này, gạo còn không đủ ăn thì lấy đâu mà có cơm dư để nguội?
Do vậy mới hiểu Trí mời Tuấn ăn điểm tâm với nó sáng nay là quý mến chàng lắm chứ chẳng chơi!
Chiều hôm đó, Tuấn cảm thấy “đã đời ông Địa” khi đọc xong hồi ký “Ó đen” của Lý Tống nên không muốn xem gì nữa bèn bước ra khỏi thư viện, về nhà. Lúc vừa qua khỏi lò bánh mì CADP, bỗng nhiên chàng thấy con Lẹ khóc la, tóc tai rũ rượi, ẵm thằng Lì trần truồng như nhộng chạy ra khỏi nhà.
-Tời ơi là tời. Tời ơi, thằng Tí nó uýnh tui kìa tời !
Cứ thế, con Lẹ đứng giữa bãi đất trống to trước sân nhà rống lên. Một vài người đang đứng chờ vô học, tò mò bước lại gần. Dường như sợ thiên hạ dị nghị thằng Trí chạy ra kêu vợ nó vào không quên lấy tay dí vô đầu con nhỏ miệng đay nghiến, chửi rủa:
-Má, mày dô nhà nha. Mày đứng đây tru tréo ông đá chết mẹ mày bây giờ đó!
Bất ngờ, khi ấy Sister Eleanor, vị sơ già và vô cùng nghiêm khắc của CADP từ trong nhà “minor nữ” bước ra. Ngó thấy thằng Trí đang hành hung con Lẹ, Sơ la lớn:
-Hey, hey! Stop it! Stop!
Thằng Trí bỏ con Lẹ ra đi vội vào nhà đúng lúc Tuấn vừa trờ tới. Sister ngoắc chàng lại dẫn đến trước căn chòi của Trí, bảo chàng kêu nó ra. Thoáng thấy mặt nó, Sơ làm cho một tràng như bắn đạn đại liên.
-Tại sao mày đánh con nhỏ này hả? Hả? Nó làm gì mày? Nó là gì của mày?
Tuấn dịch lại. Con Lẹ chạy tới bù lu bù loa:
-Nó hút thuốc, phà vô mặt em bé làm thằng nhỏ khóc. Em nói nó ra ngoài hút, nó không nghe, bảo đây là nhà nó rồi còn đánh đuổi hai mẹ con em nữa.
Tuấn gãi đầu, dịch lại cho vị Sơ già. Nghe xong câu chuyện sơ lại càng giận dữ hơn. Bà rít qua kẽ răng:
-Mày không được quyền đánh phụ nữ, nhất là người ta nói đúng và hơn nữa đó lại là vợ con mày. Tại sao mày làm thế?
Lúc này thấy đám đông bu quanh càng lúc càng nhiều, vài nhân viên Ban An Ninh người Việt ở ngoài cổng chạy vô xem xét sự tình. Nghe xong câu chuyện, họ bắt thằng Trí đưa về Monkey House. Sơ Eleanor chợt gọi giật giọng:
-Hold on your horses!
Rồi bà bảo thằng Trí mặc áo và mang dép vào. Con Lẹ vô nhà lấy cái áo sơ mi ra đưa cho nó mà vẫn còn khóc rấm rứt. Thằng Trí lầm lì bận áo, chẳng nói tiếng nào. Con Lẹ nhìn Tuấn:
-Không cần dép anh. Chỗ quê em không có mang dép!
Tuấn ngơ ngác lúc nghe con Lẹ nói.
-Tại sao? Quê em ở đâu? Chàng hỏi lại.
-Em ở ngoài Én.
-Én là chỗ nào?
-Em không biết. Từ nhỏ tới lớn em không có mang dép!
Bấy giờ thì thiên hạ bu tới khá đông, có cả cô Thu Thảo và một vài cô OV (Oversea) khác nữa. Chợt một chú lớn tuổi nói chen vào:
-Nha Trang đi ra có nhiều hòn đảo nhỏ đó Tuấn. Nó nói ngoài Én là Hòn Yến đấy em. Con chim Yến sống và làm tổ ở đây, trên đảo toàn cát nên mang dép khó đi do vậy mà dân chúng sống chỗ này không mang dép cho dễ đi ấy mà!
Sister Eleanor nhìn mọi người mặt nhăn nhó vì không hiểu chuyện gì. Riêng mấy cô OV nghe xong, lấy tay che miệng thốt “Oh, my Gosh!” Thu Thảo quay sang giải thích cho vị Sơ già rõ rồi từ từ giải tán khi nhân viên an ninh dẫn thằng Trí đi mất. Đêm hôm đó nằm trên gác mà Tuấn nghe tiếng thằng Trí thỉnh thoảng vang lên từ Monkey House:
-Sister, help me! Sister, help me!
Một buổi sáng loa phóng thanh phát đi thông báo rằng ông Cao Ủy Trưởng mời mọi người đúng bốn giờ chiều ra Sân Khấu Trung Tâm để nghe nói về Chương Trình Thanh Lọc CPA dành cho các người tới sau ngày đóng cửa đảo. Thế là suốt ngày hôm đó mọi người nao nức, đi khắp trại tới chỗ nào cũng nghe thiên hạ bàn tán xôn xao, trong lúc đó Liên Hội Đoàn đã khẩn cấp mời những hội đoàn như Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH, Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên Công Giáo, Ban Đại Diện Chùa Vạn Đức, Hội Thánh Tin Lành, Cao Đài… họp gấp để thảo luận nhằm đưa ra các thắc mắc, yêu cầu cho biết thể thức hay những vấn đề cần minh bạch trong tiến trình thanh lọc tị nạn… lúc gặp Cao Ủy.
Gần tới giờ, Tuấn theo dòng người đổ ra Sân Khấu Trung Tâm, đứng dựa cột bóng rổ nhìn lên, thấy trên sàn sân khấu đã đặt sẵn hai cái giá đỡ “microphone” và, đúng giờ hẹn, ông Jan Top xuất hiện trên khán đài, đi theo sau là một người thông dịch viên còn khá trẻ. Khi anh ta đứng yên trên sân khấu, Tuấn giật mình vì người ấy giống y chang thằng Quý bạn tù ở Đồng Phú của chàng năm nào!
Ông Jan Top mở đầu buổi nói chuyện thông qua anh thông dịch bên cạnh:
-Đầu tiên tôi xin chúc mừng quý vị đã bình an đến bến bờ tự do! Xin chào tất cả các người đến sau ngày đóng cửa đảo; “những vị khách không mời mà tới!”
Nhiều tiếng lao xao rồi tiếng ồn ào, la ó phản đối nổi lên khắp nơi bên dưới. Ông Jan Top đứng yên một lúc chờ đợi cho sự phản đối lắng dịu bớt mới nói tiếp:
-Tôi biết các bạn đang giận dữ và phản đối tôi vì điều tôi vừa nói. Tôi thành thật xin lỗi nhưng mong các bạn hiểu cho rằng đó không phải là những gì tôi đưa ra mà đó là từ cuộc họp của hơn bảy quốc gia trên thế giới tại Geneva vừa qua về vấn đề tị nạn của các bạn. Hiện chúng tôi đã thống nhất đưa ra một giải pháp mới, đó là Chương Trình Hành Động Toàn Diện (The Comprehensive Plan of Action) nhằm thanh lọc để xác định tư cách tị nạn của những thuyền nhân đến sau ngày đóng cửa đảo. Và ngày đóng cửa đảo thì tùy thuộc vào chính quyền nước sở tại. Ví dụ như ở Mã Lai là ngày 14 tháng 03 năm 1989 còn Phi Luật Tân là 21-03-1989.
Ông Cao Ủy Trưởng ngừng lại một tí rồi lại lên tiếng:
-Do đó để có quyền đi định cư ở đệ tam quốc gia thì các bạn phải chứng minh cho được là các bạn đã bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam ngược đãi đến độ bị nguy hiểm đến tính mạng hay không thể tiếp tục sống được dưới chế độ đó mà phải ra đi thì quý vị mới được ban cho “quy chế tị nạn.” Nếu các bạn không qua khỏi thì các bạn bị xem là “di dân kinh tế” và sẽ phải hồi hương về quốc gia gốc. Vì thế mà các bạn thấy hiện nay thẻ ID của các bạn mang số PS nghĩa là (The Philippine Screening) tức phải trải qua cuộc thanh lọc chứ không giống như mấy người tới trước ngày đóng cửa đảo, thẻ của họ là PA (The Philippine Arrival) tức là những người đương nhiên được công nhận có quyền tị nạn để đi định cư.
Giải thích xong và xem dường như là đã đầy đủ, ông dừng lại một chút chờ đợi. Thấy mọi người im lặng ông hiểu họ đã “thấm đòn” nên lên tiếng.
-Quý vị có thắc mắc gì không?
Đúng như ông dự đoán, tất cả có lẽ đã bị một cú “knock out” sau những gì ông vừa nói vì thế nhất thời chưa ai lên tiếng. Riêng Tuấn thì cảm thấy choáng váng và bàng hoàng xen lẫn nhục nhã bởi các từ ngữ tuy hoa mỹ, lịch sự nhưng chết người ấy. Xem ra anh hùng ngày xưa và ăn xin ngày nay cũng không khác nhau là mấy, chẳng qua đều do quan điểm chính trị đổi thay và miệng lưỡi con người mà nên!
Cuối cùng thì chú Phạm Nhã, một cựu trung tá của quân đội VNCH, đại diện Hội Cựu Quân Nhân, hỏi về trường hợp của những người lính. Ông Jan Top trả lời:
-Dù các bạn là cựu quân nhân chế độ Cộng Hòa các bạn vẫn phải thanh lọc nhưng các bạn có nhiều cơ hội chứng minh mình bị đàn áp hơn để được công nhận tị nạn chính trị.
Rồi một tu sĩ hỏi về tôn giáo. Ông Cao Ủy Trưởng nói:
-Chúng tôi biết có tình trạng tôn giáo bị đàn áp ở Việt Nam, quý vị hãy chứng minh mình là nạn nhân đi.
Một cô gái trạc tuổi Tuấn nói cha cô là sĩ quan bị đi tù cải tạo nhiều năm thế cô có được quyền tị nạn không? Ông ta trả lời ngay:
-Dĩ nhiên là được nếu cô chứng minh được là cô từng bị ngược đãi!
Mọi người bắt đầu nhao nhao vì ai cũng cảm thấy mọi thứ ông nói có vẻ dễ mà không dễ nọ. Đoán biết suy nghĩ của thiên hạ bên dưới. Ông nói luôn:
-Theo Công Ước Quốc Tế về Tị Nạn thì bất cứ ai cũng đều có quyền xin đi tị nạn miễn là người đó hội đủ một trong các điều khoản quy định về tị nạn mà Liên Hiệp Quốc đã minh định. Ngay cả người cộng sản họ cũng có quyền xin đi tị nạn trốn khỏi chính chế độ của họ nữa và có khi là họ còn có lý do chính đáng và mạnh mẽ hơn cả quý vị đang có mặt ở đây là khác.
Ông nhấn mạnh câu cuối cùng hàm ý nhắc lại chuyện ông đại úy Việt Cộng Lê Hồng Thắng bị đánh trong “barrack” hôm nọ khiến nhiều người bất bình và bên dưới lại xôn xao. Một người khác giơ tay, Ông Cao Ủy mời anh ta phát biểu, anh nói:
-Xin cho biết thể thức và thời gian chờ thanh lọc? Cao Ủy có sách cẩm nang hay hướng dẫn điều lệ gì giúp chúng tôi không?
Ông Jan Top đáp ngay:
-Khi các bạn tới nước thứ hai tức nước lánh cư thì chúng tôi sẽ thu xếp cho các bạn làm thủ tục điền đơn khai báo, cái này gọi là Tiền Thanh Lọc (Pre-Screening.) Và các bạn có khoảng sáu tháng chờ đợi để được phỏng vấn thanh lọc. Thời gian này có thể thay đổi tùy theo số lượng người nhập trại nhiều hay ít, có khi là tới một năm cũng không chừng. Đây cũng là cơ hội tốt cho các bạn chuẩn bị lời khai, chuẩn bị tâm lý, kêu gọi gia đình ở Việt Nam hay ngoại quốc gửi thêm giấy tờ bổ sung hoặc trình cho nhân viên lúc phỏng vấn để chứng minh cho lời khai của bạn là sự thật… Còn về phía chúng tôi, Đại Diện Cao Ủy Tị Nạn tại mỗi quốc gia chỉ giữ vai trò “giám sát!” Quyết định cấp quy chế tị nạn là quyền của nhân viên phỏng vấn ở Sở Di Trú của nước chủ nhà.
Tuy nhiên Cao Ủy có thể can thiệp, hay tái xem xét nếu thấy có bất công hay sai sót cho ai đó và ngoài ra Cao Ủy cũng có 1% “đặc quyền (mandate)” để phát quyền tị nạn cho bất cứ người nào mà Cao Ủy thấy là xứng đáng dù họ đã bị khước từ! Và khi bị từ chối thì các bạn có mười lăm ngày để “kháng cáo” như giải thích thêm hoặc bổ túc thêm giấy tờ cần thiết. Quá thời hạn đó nếu các bạn không nộp kháng cáo thì xem như các bạn đồng ý và chấp nhận kết quả của Sở Di Trú. Kể từ lúc đó các bạn có thể “đăng ký” xin hồi hương, chúng tôi sẽ sắp xếp để đưa các bạn trở về và tái hội nhập vào quê hương của các bạn.
Ông Jan Top ngừng lại chờ xem còn ai hỏi gì nữa không, ở dưới nhiều người tụm năm tụm ba lại bàn tán nho nhỏ. Một người trung niên, tầm ngoài bốn mươi tuổi rụt rè lên tiếng nói với anh thông dịch:
-Xin anh hỏi giùm ổng là tôi từng ở tù bên Việt Nam, nếu bây giờ tôi trở về nữa thì có bị bắt tiếp không?
Câu hỏi của anh cũng là mối lo lắng lâu nay của Tuấn nên chàng nín thở nghe. Người thông dịch quay sang nói lại với ông Trưởng Cao Ủy ngay. Phải công nhận là anh ta dịch rất lưu loát, rõ ràng, giọng tiếng Anh của anh ta rất hay, phát âm rất chuẩn làm Tuấn nghĩ có lẽ mình nhìn lầm người vì không lẽ thằng Quý ở chung tù với Tuấn ngày xưa lại giỏi thế sao? Ông Jan Top lập tức trả lời anh thanh niên nọ:
-Việt Nam có ký cam kết trong chương trình là sẽ không bắt bớ hay giam cầm người hồi hương vì chuyện trốn ra đi bất hợp pháp và trở về lại lần này.
Câu đáp của ông lại khiến dân chúng bất mãn. Một ai đó la lên:
-Anh hỏi ổng có bao giờ nghe ông cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm chưa?”
Người thông dịch lặng thinh không dịch lại câu hỏi tự phát ấy. Đợi một lúc không thấy anh lên tiếng, ông Jan top hỏi:
-What did he say?
Anh lưỡng lự giây lâu, sau cùng đành dịch lại.
-Tôi đang nói về hiện tại ở đây, còn quá khứ kia là chuyện của các bạn. Một điều khác cần phải nói thêm, chúng tôi là người giúp đỡ các bạn chớ không phải là người để các bạn chất vấn. Các bạn có thể hồi hương nếu các bạn cảm thấy không thỏa mãn!
Ông Jan Top trả lời và có vẻ tức giận hẳn lên. Buổi nói chuyện kết thúc lúc trời đã tắt nắng, và ông Jan Top đã ra về từ lâu nhưng vẫn còn rất nhiều người nán lại trên Sân Khấu Trung Tâm và sân Cao Ủy gần đó bàn tán trong lo âu sợ hãi. Một viễn ảnh không mấy sáng sủa, một bầu trời u ám phủ trùm lên trại tị nạn.
Phần Tuấn sau khi cuộc nói chuyện kết thúc chàng đã cố chen trong dòng người đông đúc ra phía sau sân khấu để tìm anh thông dịch hỏi thăm xem anh ta có phải là bạn chàng không nhưng đến chừng Tuấn tới được cửa sau thì anh ta đã biến mất. Chàng dò hỏi mấy người xung quanh thì được biết anh thông dịch viên của Cao Ủy Trưởng Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại PFAC ấy đúng là tên Trần Minh Quý, và cũng là dân “PA.”
Tuấn ra về với cõi lòng lòng ngơ ngác, mừng cho người bạn tù của mình ngày xưa quá may mắn và đồng thời cũng chua xót cho phận mình!
Mùa Halloween năm đó là lần đầu tiên Tuấn biết về Lễ Hội Hóa Trang ma quỷ này. Ngay từ chiều, hai chú cháu dân PA trong nhà là Ninh và Lâm đã lăng xăng tìm dây thừng xâu hết cả nồi niêu xoong chảo lại thành một chùm thật to, đoạn xé áo, xé quần cho te tua rồi lấy lọ nghẹ nồi trét đầy mặt mày không những cho mình thôi mà còn cho cả thằng Quang, thằng Vỹ, thằng Tiến, thằng Thành con chị Năm và Tuấn nữa thành một “bầy quỷ sứ” không hơn, không kém!
Khi đêm xuống, Ninh dẫn cả đám ra khỏi nhà, kéo chùm nồi niêu và một đống con nít ở xung quanh theo sau tạo thành những âm thanh loảng xoảng nghe “đinh tai nhức óc.” Như thích chí với trò chơi quái quỷ này và dường như vẫn chưa bằng lòng, Ninh còn cầm theo một thanh sắt dài thỉnh thoảng gõ vô đống xoong chảo tạo thêm các thanh âm rùng rợn hơn. Cả đám cười khoái trá khi khuấy động cả Khu 1 và kéo nhau lên các Khu 5, Khu 6, gia nhập vào đám đông cũng đang phá phách trên kia. Cứ thế cả đám reo hò:
“Trick or Treat!”
Và đi lòng vòng khắp trại, cuối cùng mọi người tới Sân Khấu Trung Tâm xem ca nhạc và lễ hội chính thức được Hội Đồng Đại Diện tổ chức nơi đây với sự tham gia của các thiện nguyện viên cùng những nhân viên ngoại quốc khắp mọi cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong trại.
Tuấn thấy một số thiện nguyện viên của cơ quan IOM (The International Organization for Migration) như bà bác sĩ Sabine; người Bỉ, thật đẹp bên phòng Y Tế vẽ vằn vện nửa khuôn mặt của mình thật ghê rợn, nên trông bà ta như người nhị diện; một bên là thiên thần phía kia là ác quỷ, thật lạ! Còn cô Rachel duyên dáng, xinh xắn người Mỹ chỉ kẻ một vệt đen dài ở đuôi mắt với đôi môi đỏ chót khiến cô như tiên nữ giáng trần. Cạnh nàng là Kimberley; người Mỹ gốc Hàn lại trang điểm như công chúa giữa rừng hoa đang nhảy múa hăng say trên sân trong tiếng nhạc xập xình. Họ chỉ cần lấy dụng cụ “make up” như bút chì hay son môi vẽ lên gương mặt mình đôi chút là thành ngạ quỷ hay thiên thần đáng yêu ngay. Đến khi Andrew; một thầy giáo Phi của trường HTC (The Holy Trinity College,) cất tiếng ca bản nhạc “Hello” đang rất thịnh hành thì không khí như lắng đọng lại và trầm xuống:
-“I’ve been alone with you inside my mind. And in my dreams I’ve kissed your lips a thousand times… Hello, is it me you’re looking for? I can see it in your eyes….. And you know just what to do. And I want to tell you so much, I love you… Are you somewhere feeling lonely, or is someone loving you?… I love you.”
Andrew ca rất hay và tha thiết. Anh đã để hết tâm hồn mình vào bản nhạc mà diễn tả và giọng anh thì lại mùi mẫn nên nghe thật xúc động. Lúc này trên sân người ta có thể thấy ông William Barriga; người Phi, Trưởng Phòng IOM ở Palawan, đang dìu bà Sabine bước chầm chậm theo điệu nhạc thật tình tứ. Phải công nhận là người Phi ca tiếng Anh có thể nói là nhất Châu Á vì họ được học ngôn ngữ này khi còn ở bậc tiểu học và chín mươi lăm phần trăm dân số nước này đều sử dụng tiếng Anh lúc giao tiếp với người ngoại quốc. Tuy nhiên khi nói tiếng Anh họ đánh lưỡi rất nhiều tạo ra hơi gió và hình thành một lối nói tiếng Anh riêng của người Phi mà trong các lần đầu giao tiếp nó có một số khó khăn trong việc nghe để hiểu cho người đối diện.
Buổi lễ kết thúc vào khoảng mười giờ đêm, bọn Tuấn kéo về nhà, ngồi trước khoảng đất rộng tiếp tục vui đùa ca hát đến nửa khuya mới đi ngủ!
(còn tiếp)
“Tình xưa rực nắng thu vàng” của tác giả Triều Phong được đăng nhiều kỳ trên SGN mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Mời quý độc giả đón đọc.