Tôi đi bán báo Xuân cho trường

Hình minh hoạ

 Trong đời tôi vài lần bị té xe gắn máy, trong đó có hai lần rất nặng tưởng sẽ để lại di chứng: Lần đầu lúc 16 tuổi, lần thứ nhì cách nay 5 năm ở Huế. Nhưng như người ta hay nói, chắc nhờ được ông bà phù hộ độ trì nên tôi vẫn bình yên“sống sót”.

Tuy bị tai nạn như vậy mà cái sở thích lãng du trên con ngựa sắt vẫn còn âm ỉ trong tôi chưa chừa, hẹn khi nào tên quỷ dịch nham hiểm Covid đầu hàng nhân loại tôi sẽ về Việt Nam dung dăng dung dẻ cùng các cháu đi thăm tiếp các cảnh quan xinh đẹp chỉ được đọc trong ca dao, lịch sử chứ chưa được tận mắt chiêm ngắm ngoài đời thật.

Ở đây tôi chỉ nhắc lại kỷ niệm lần té xe năm 16 tuổi, đó là vào dịp Tết Nguyên Đán năm tôi học lớp 10 trường trung học Kiên Thành.

Trường lúc ấy còn rất non trẻ, chỉ mới mở bậc trung học được 5 năm, mà chúng tôi là học sinh của một trong hai lớp đầu tiên vào lớp 6, do thầy Đỗ Hoà Lợi làm Hiệu trưởng–niên khoá sau thầy Lợi bàn giao chức hiệu trưởng cho thầy Nguyễn Văn Hiệu– Mỗi lớp 60 học sinh, chia ban Anh văn và Pháp văn. Hết niên học, lại thi tuyển sinh vào lớp 6, còn lớp 6 chúng tôi nâng lên lớp 7, nên mỗi lần tựu trường có thêm nhiều lớp hơn.

Năm chúng tôi học lớp 10, nhân dịp Tết Nguyên Đán thầy Hiệu có ý tưởng làm đặc san Xuân, kêu gọi tất cả học sinh từ lớp 6 đến lớp 10 hưởng ứng viết bài.

*Theo một ý nghĩa nào đó, hai lớp đầu tiên của chúng tôi luôn luôn là những cánh chim đầu đàn của trường trung học Kiên Thành, nên phải làm gương nếu không muốn bị chê bai là đàn anh đàn chị gì bất tài mặc dù chưa chắc tuổi đời chúng tôi “cao”hơn các học sinh lớp “nhỏ”, bởi thuở ấy có rất nhiều học sinh đến trường muộn 4 hoặc 5 năm là chuyện bình thường. Ngay trong lớp tôi cũng không thiếu trường hợp ấy, nên tôi là học sinh nhỏ tuổi nhất trong lớp.

Vấn đề là lúc mới mở hai lớp 6, sĩ số 120, 60 trò cho mỗi lớp. Nhưng khi niên khoá kết thúc, mỗi mùa tựu trường trở lại thì số học sinh vơi dần lý do chuyển trường, nghỉ học… nên đến năm lớp 10 thì cả hai lớp chúng tôi cộng lại chỉ khoảng 50 người. 

Mới thấy thầy Hiệu thật can đảm cho ra đặc san Xuân mà thầy biết rõ hơn ai hết thực lực cùng khả năng của một ngôi trường trung học quận hãy còn sơ khai, học trò trình độ cao nhất chỉ mới đến lớp 10. Hơn nữa, đâu phải trò nào cũng thích viết văn làm thơ.

Lúc ấy thầy Trần Khải Thành dạy Anh văn là giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi.

Không hiểu thế nào mà khi bầu Ban Đại diện học sinh, thì các đại diện mỗi lớp đồng thanh bầu tôi làm Trưởng ban Báo chí toàn trường mới lạ.

Từ khi còn học tiểu học tôi đã hí hoáy tập viết truyện nhi đồng, cổ tích, tất nhiên là rất non nớt vụng về. Theo thời gian, các nhân vật trong truyện cũng lớn cùng với tuổi, tôi viết về đề tài thiếu nữ, tình học trò… Bài thơ tình tôi làm năm 15 tuổi – có thể gọi như vậy, dù chỉ là chút xíu bâng khuâng– nhưng có điều tôi chỉ dám đưa những truyện, thơ ấy cho các chị em tôi đọc thì làm sao họ biết gì về tôi mà chịu bầu tôi vào chức vụ đó vậy nhỉ. A, có lẽ qua các bài luận văn tôi luôn được thầy Hiệu chấm điểm cao chăng?

Nghe nói trường sắp ra đặc san Xuân, tôi rất hào hứng viết nào là đoản văn, nào thơ, truyện… đồng thời khuyến khích cô em thứ năm, cậu em thứ sáu cũng là học sinh Kiên Thành tham gia. Nhưng “hai đứa nó” đâu có thích văn chương nên không chịu viết.

Đã vậy nhân tôi gợi ý, chúng nó bèn đề nghị ngược lại nhờ tôi viết dùm bài cho chúng đem nộp. Em gái có tài ca hát rất hay, em trai mới học lớp sáu còn ham chơi đập lon bắn bi vớt cá lia thia thôi. Thế là ngoài các bài đăng bằng tên của mình, tôi là tác giả cả các bài đứng tên các em. Khi đặc san được in ra, chúng nó kể là các bạn cùng lớp tưởng chúng viết, khen quá chừng. Vui thật.

Hình minh hoạ

Ngoài ra, thầy Hiệu còn kêu tôi làm Sớ Táo quân. Tôi nhủ thầm mà không dám tỏ lộ, rằng trong trường có bao nhiêu thầy cô tài giỏi, sao thầy không nhờ họ viết có phải hay hơn là giao cho tôi, một con bé mới vừa bước qua tuổi 16 được vài tháng, làm sao đủ khả năng viết bài Sớ Táo quân. Tôi biết mình vô lý, vì đặc san là phải do chính học sinh viết chứ đâu phải thầy cô. 

Ôm mối lo không ai giúp được, ráng chịu khó mày mò mấy đêm ngày, cuối cùng tôi cũng hoàn thành bài sớ theo khuôn mẫu mỗi hàng bốn chữ, đúng vần điệu hoà hợp nhau, không thiếu sót tên thầy cô nào, cũng như trình tấu Ngọc Hoàng những thành quả đạt được, cùng những hy vọng cho tương lai ngôi trường mới chào đời có mấy năm non trẻ.

Thầy xem gật đầu tỏ ý hài lòng. Sau in ra tôi thấy bài nguyên vẹn không bị xoá hay thêm thắt chữ nào.  

Trong đời, đó là lần duy nhứt tôi sáng tác Sớ Táo quân. Tuy không đặc sắc nhưng đầy đủ ý nghĩa không thể chê được. Giờ nếu ai yêu cầu tôi viết sớ thì xin đầu hàng thôi.

Yên tâm nghĩ phần việc mình đã xong, nhưng mấy ngày sau thầy Hiệu lại kêu tôi viết thêm một bài giới thiệu về lịch sử của trường từ lúc khởi đầu đến thời điểm đó như thế nào, trải qua giai đoạn gian nan khó khăn làm sao..v..v.. Tôi vẫn không dám từ chối dù trong bụng ngầm phản đối. 

—Trời ơi thầy ơi, em chỉ là một học sinh 16 tuổi thôi mà thầy.

Nhưng rồi tôi cũng làm tròn trách nhiệm. Nghĩ lại cũng có chút tự hào, bởi khi thầy quyết định giao việc ấy cho tôi, nghĩa là thầy đã tin tưởng khả năng viết của cô học trò nầy, đó là phần thưởng xứng đáng còn gì hơn nữa.

Có thể nói cuốn đặc san Xuân năm ấy riêng phần tôi đóng góp các bài văn, thơ, sớ, bài giới thiệu thành lập trường… chiếm một phần ba (hoặc hơn) của cuốn báo rồi. Kể cả các bài hai đứa em đứng tên mà tôi là tác giả nữa.

Tiếc là toàn bộ thư viện gia đình tôi đã bị tiêu huỷ hết sau ngày 30 Tháng Tư đen, tất nhiên có cả đặc san Xuân, nên chút kỷ vật thời học trò thơ ngây ấy chỉ còn lưu giữ trong hoài niệm mà thôi.

Chắc các cựu học sinh Kiên Thành, cũng không ai giữ được ấn phẩm Xuân đầu tiên ấy. Sáng nay chị Hoa Lý – hiện sống ở Sydney– gọi điện sang có nhắc lại nhiều kỷ niệm về lớp 10A chúng tôi năm ấy, về cuốn đặc san Xuân mà chị còn nhớ rõ ràng hình bìa như thế nào. Tiếc là chị cũng không thể mang theo khi xuống thuyền trốn chạy qua xứ sở của Kangourou.

Sau khi in ấn xong, tới giai đoạn phát hành. Dĩ nhiên, ưu tiên cho học sinh trường nhà mua trước. Sau đó mới tính chuyện đem chuông đi đánh xứ người. 

Tuy miền Nam chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng hơi hướm mùa Đông cũng len lỏi đến thăm khiến vài loại cây: Xoài, lý… trong sân nhà tôi lá trở màu vàng khô rơi rụng. Gió bấc khá lạnh, một lý do để giữ ấm vừa tăng phần duyên dáng cho các nữ sinh khoác thêm áo len bên ngoài áo dài trắng, đủ màu hài hoà trang nhã. Tôi còn nhớ mình mặc áo len màu vàng hột gà.

Chúng tôi được phân công thành hai toán đi hai ngả khác nhau. Toán của chị Hoa Lý được ưu tiên đến các trường tại tỉnh nhà cách đó bảy cây số: Trường Nguyễn Trung Trực, Lâm Quang Ky, Nguyễn Hiền Điều. Toán còn lại đi xa hơn do thầy Thành dạy Anh Văn và thầy Xợp dạy Sử Địa chọn năm học sinh đi cùng, chở nhau trên bốn chiếc Honda 67, gồm anh Hoà, anh Nhơn, anh Phước, nữ có Thanh Bạch và tôi.

Nhóm chúng tôi trực chỉ đến Long Xuyên cách đó 62 cây số. Trên đường đi tiện sẽ ghé qua trường trung học quận Kiên Tân, là ngôi trường đã có từ lâu rất bề thế. May là đường đi Long Xuyên chạy ngang nhà tôi, nên tôi yêu cầu thầy ghé lại xin phép má. Má tôi ngần ngừ – vì trước giờ đời thuở nào chị em tôi được quyền đi xa một mình mà không có người lớn trong gia đình dẫn dắt đâu – Nhưng vì lý do chính đáng, có hai giáo sư bảo đảm nên má miễn cưỡng chấp nhận. 

Lần đầu tôi được đi xa với thầy và các bạn lòng hớn hở với cảm giác phiêu lưu thật khó tả. Thầy Thành chở Thanh Bạch, anh Phước chung xe anh Nhơn, anh Hoà chở tôi, thầy Xợp chạy một mình. Phân công ai ngồi sau thì ôm chồng báo.

Chúng tôi ghé vào trường trung học Kiên Tân. Các thầy liên lạc ban giám hiệu trình bày mục đích và xin phép được vào các lớp đang giờ học để bán báo. Lác đác vài học sinh chịu móc tiền ra mua, tôi không còn nhớ giá. 

Cám ơn sự thông cảm của giáo sư đứng lớp và các học sinh mua báo, xong thầy trò tiếp tục lên đường. 

Đoạn từ Rạch Sỏi tới Kiên Tân, Kinh B… có tráng nhựa tương đối bằng phẳng dù đôi chỗ bị lở ổ gà nhưng càng đi xa đường càng xấu, lớp nhựa bị tróc gần hết lồi lõm mấy cục đá to giờ thành ổ voi, dằn xóc mạnh đất bụi tung theo vòng quay bánh xe. Thời ấy phái nữ được chở chỉ ngồi một bên xe. Nếu cô nào dám phá lệ ngồi bỏ chân hai bên thì bị đánh giá chê bai không đứng đắn.

Vì vậy, đương nhiên là tôi ngồi khép nép một bên cho anh Hoà chở, vạt áo dài sau vắt ra đằng trước cẩn thận để đừng vướng vào bánh. Vốn nhút nhát, tôi giữ một khoảng cách tài xế để tránh mỗi lần xe dằn xóc không đụng chạm vào bạn dù là bất đắc dĩ. Tay phải tôi vịn chặt vào yên xe, tay trái ôm chồng báo, lúc đầu không thành vấn đề, nhưng theo thời gian thì càng lúc nó càng trì nặng trên cánh tay mỏi nhừ. Bàn tay phải móc vào dưới yên xe cũng bải hoải, bị dằn xóc liên tu bất tận, tôi cảm thấy thế ngồi đã lệch lạc chông chênh, mà vì quá nhút nhát cũng không dám yêu cầu anh Hoà ngừng lại để chỉnh cho ngay ngắn.

Tôi cứ ngồi im lặng không dám hở môi nói một câu gì hết. Tương tự, biết tánh thẹn thùng của tôi nên anh cũng nín thinh. Chỉ còn tiếng động cơ xe nổ giòn và những lần xe lọt ổ gà thì trái tim dội mạnh trong lồng ngực nặng nề mệt mỏi.

Chịu đựng cho đến Láng Sen, đoạn dân cư nhà cửa thưa thớt, bên trái đường cập xuôi bờ sông đang nước lớn gần sát mé thì tai nạn xảy ra, mà nạn nhân không ai khác chính là tôi!

Sau một cú sụp hố khá sâu, trước khi ngã đập đầu xuống đường bất tỉnh tôi còn nhận thức toàn thân người mình bị bay bổng khỏi yên xe, chồng báo bên cánh tay trái rơi lả tả rồi tôi không biết gì nữa.

Hình minh hoạ

Rồi tôi nghe văng vẳng tiếng người nói lao xao bên tai. Hình như có ai đang ngồi cạnh đỡ lưng tôi, có vật gì mềm mại xoa xoa trên trán cạnh thái dương. Phải định thần một lát mới phân biệt rõ từng tiếng nói của thầy và bạn. A nhớ lại rồi, xe sụp ổ voi đầu tôi đập xuống đường bất tỉnh, trán bị đá đâm trúng chảy máu nên anh Phước lấy khăn tay lau chùi thử cầm máu cho tôi, Thanh Bạch ngồi phía sau đỡ lưng tôi dựa vào cô ấy.

Không biết thời gian tôi bất tỉnh bao lâu mà đã được thầy bạn kéo vào cạnh lề đường. Tôi lồm cồm định đứng dậy, nhưng các thầy lo lắng ngăn lại, bảo ngồi nghỉ thêm chút nữa, hỏi han xem tôi còn đau chỗ nào. Cái khăn chậm máu trên trán thấm đỏ, anh Phước nhúng nó xuống sông xả rồi tiếp tục đặt lên trán tôi thêm một lúc. Tôi nhìn xuống, bàn tay trái bị tróc một mảng da nho nhỏ. Cả áo len lẫn áo dài bên vai trái thủng lỗ tròn đường kính 3 cm.

Không thể ngồi hoài ở ngoài đường vắng, chờ một lát cho tôi hoàn hồn và tỉnh táo, chúng tôi đi tìm trạm y tế. Mọi người chờ bên ngoài chỉ thầy Thành và Thanh Bạch đưa tôi vào cho cô y tá chích thuốc ngừa đông máu, băng bó vết thương ở bàn tay.

Anh Nhơn có người bà con sống gần đó, nên thầy đề nghị đến xin cho tôi nghỉ ngơi, khi nào xong việc sẽ đón tôi cùng quay về Rạch Sỏi. Nhưng tôi từ chối, nói đã khoẻ rồi muốn được tiếp tục tham gia. Không thuyết phục được tôi, nên Thầy trò lại dắt díu nhau lên đường. Lần nầy thầy Xợp chở tôi, còn anh Hoà chạy một mình.

Rồi cũng đến đích. Trường Thoại Ngọc Hầu là ngôi trường công lớn nhất Long Xuyên, một tỉnh rất trù phú thịnh vượng ở miền Tây, chỉ thua Cần Thơ. Là nơi tổ chức hai kỳ thi tuyển Tú tài cho học sinh các tỉnh khác tụ hội về ứng thí.

Vào bên trong sân trường khang trang, tôi mới nhận thức: Với chiếc áo len lẫn áo dài rách rưới thủng vai, bộ mặt xanh xao thất thần như thế thì làm sao mà tôi dám bước chân vào các lớp học, đi từng bàn mời gọi các nam thanh nữ tú ủng hộ đặc san Xuân của ngôi trường quận Kiên Thành chưa có tăm tiếng gì hết đây hỡi Trời!

Thầy Thành giải quyết nỗi bối rối lo lắng dùm tôi. Thầy chỉ cái băng ghế đặt dưới gốc phượng trong sân trường, kêu tôi ngồi chờ. 

Thở phào nhẹ nhõm, tôi nhìn theo bóng mọi người ôm chồng báo Xuân khuất sau hành lang lớp học, chút tiếc nuối vì không được tham gia cùng thầy bạn.

Ngồi chưa ấm chỗ, bỗng nghe tiếng xe Honda từ ngoài cổng chạy vào, người lái là một anh chàng ốm nhom mặc quần xanh áo trắng mang phù hiệu Thoại Ngọc Hầu. Xe chạy ngang tôi, anh ta tò mò đưa mắt nhìn, hết vòng sân nghĩ sao anh ta quành xe nhắm hướng tôi mà chạy đến. Chết rồi, tôi đang mặc áo rách vai, ngồi bơ vơ ở một góc sân trong khi tiết học vẫn còn. 

Đậu xe trước mặt tôi, lên tiếng chào nhau. Sau đó anh ta hỏi tôi học lớp nào, sao không vào lớp..v..v.. tôi giải thích cho anh ta hiểu tôi không phải là học trò trường nầy, và vì sao tôi mặc áo rách ngồi đây đợi thầy, bạn.

Trao đổi thêm dăm câu, anh ta hỏi tên, tôi ngần ngại chưa kịp trả lời thì thoáng bóng các thầy và bạn xuất hiện ngoài hành lang nên anh ta vội vàng từ giã nổ máy xe chạy mất. 

Đặc san cũng vơi gần hết, kết quả khá tốt. Ăn trưa xong, đoàn chúng tôi quay về Rạch Sỏi. Chừng như té xe lúc đi, nếm chưa đủ mùi gian khổ nên lúc quay về tôi còn bị bồi thêm một nhát nữa cho công bằng cả đi lẫn về.

Số là sau khi tai nạn xảy ra thì thầy Xợp chở tôi chứ không để anh Hoà chở. Chắc lo tôi té nữa nên thầy chạy rất cẩn thận, tránh những chỗ đường bị lở có nhiều cục đá to lởm chởm. Chốc chốc ngoái đầu lại hỏi han xem tôi có ổn không. Nếu mệt thì báo để thầy ngừng lại cho tôi nghỉ ngơi. Tôi trấn an thầy là tôi khoẻ, thầy cứ yên tâm chạy xe.

Trên đường trở về trường, mọi việc suôn sẻ cho đến chợ Tân Hiệp cách trường tôi 25 km. Thời ấy muốn đi Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Saigon đều phải đi ngang quận Tân Hiệp, là quốc lộ duy nhất. Ai cũng đều biết rõ chợ Tân Hiệp khá sôi động, tấp nập người mua kẻ bán bày hàng lấn ra khỏi lề đường như thế nào rồi. Mỗi lần xe chở khách đi ngang, người lơ phải vỗ ầm ĩ vào thành xe và thét lên thật to: Tránh ra, tránh ra bà con ơi cho xe chạy.

Thầy Xợp nhận trách nhiệm lo cho sự an toàn của tôi quá cẩn thận– chắc sợ tôi lại té nhào bất tỉnh nữa chớ gì– nên chạy thật chậm, luôn luôn ở sau lưng mọi người. Vì thế khi chạy ngang qua chợ Tân Hiệp, ba chiếc kia đã chạy cách một đoạn khá xa vài trăm mét.

Bỗng từ trong chợ một con chó lông đen tuyền lù lù xuất hiện đâm bổ vào xe hai thầy trò tôi để băng qua đường. Thầy Xợp thắng gấp lại nhưng cũng không kềm được chiếc xe lật nhào qua một bên. Hai thầy trò ngã lăn cù xuống đường đau điếng. Trước khi té, một ý nghĩ như tia chớp kịp loé lên trong tôi: Trời ơi, mình sắp ngã bất tỉnh nữa rồi.

Nhưng may mắn lần này tôi không bị bất tỉnh. Cú té chỉ làm hai thầy trò ê ẩm lẫn sợ hãi. Ngoi ngóp đứng lên, thầy cuống quít vừa lôi chiếc xe dựng vào lề, quay qua hỏi tôi có sao không. Tôi cố mỉm cười cho thầy an lòng, trả lời lí nhí: Em hơi đau tí thôi thầy.

Thầy Thành và các bạn ung dung bon bon thẳng tiến đằng trước, không hề hay biết gì về tai nạn lần thứ nhì nầy cả.

Cuối cùng chúng tôi cũng về đến Rạch Sỏi. Mọi người dừng lại cho tôi xuống nhà trước. Tôi giấu luôn không dám kể vụ té lần thứ hai này cho ba má lẫn thầy Thành và các bạn kia nghe.

Giờ ngẫm lại, bộ tôi có duyên gặp gỡ giữa đường với mấy con chó thay vì gặp Lục Vân Tiên hay sao ấy. Cách nay mấy năm, trong lần đi chơi các tỉnh miền Trung, bao gồm Huế cùng với các cháu thuê ba chiếc xe gắn máy tại địa phương, tôi ngồi đằng sau cho một cháu gái chở.

Có hai con chó nhỏ đùa giỡn rượt đuổi nhau băng qua đường đúng vào lúc chiếc xe tôi ngồi chạy trờ tới. Cháu nhìn thấy đã kịp thắng xe lại, nhưng con chó xéo xắt luồn vào giữa hai bánh, lực va chạm khá mạnh nên tay lái cháu bẻ ngoặc qua bên khó kìm giữ khiến chiếc xe ngã nhào đè lên đầu gối trái mà vài tháng trước cháu đã bị người ta đụng té xe đè lên đúng chỗ ấy, vết thương chưa kịp lành giờ bồi thêm một nhát nên cháu đau đớn nằm bất động cả chục phút khiến chúng tôi thất thanh la toáng kêu réo tên cháu liên hồi tưởng đâu rằng…

Phần tôi thì nứt xương mũi, cùi chỏ u một cục tụ máu bằng trái chanh, phải dắt díu nhau đi tìm bịnh viện tư băng bó, chích thuốc, chiếu IRM… Sáng hôm sau đổi vé máy bay cấp tốc về Saigon vào bịnh viện Columbia chỉnh xương mũi cho ngay ngắn nguyên thuỷ như lúc mẹ sinh ra đời. Từ đó mỗi khi ra đường thấy chó lơn tơn thẩn thơ từ xa tiến lại là tim tôi đập rớt nhịp, đề cao cảnh giác ngay.

Hình minh hoạ

Sau lần tai nạn ở Huế, về Saigon chỉnh mũi băng bó xong, mấy ngày sau phải trở lại tái khám. Một cô cháu khác chở tôi đi- tất nhiên bằng xe hai bánh là phương tiện lưu thông nhanh chóng tiện lợi nhất ở thành phố dân quá tải. Lúc xe băng qua ngã tư, tôi thấy một ông trung niên chạy xe gắn máy song song với chúng tôi, ông cầm sợi dây cột vào cổ một con chó bự tổ màu trắng sải nhịp nhàng theo sau ông vài mét, trông nó oai phong lẫm liệt, tôi hoảng hồn nói với cháu :

–Trời ơi con chạy nhanh vượt qua ông nầy đi, ổng dẫn theo con chó coi chừng nó tông vô xe mình nữa là tiêu đời a.

Tết sắp đến, tự dưng hồi ức tôi bỗng quay về năm học đệ tam ấy (lớp 10), một trong những kỷ niệm khó quên là lần đầu tiên trường trung học Kiên Thành làm đặc san Xuân, có bàn tay tôi đắc lực nhúng vào – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng–từ lúc manh nha ý tưởng cho đến lúc khai sinh.

Sau khi ra đời, có cả máu từ đầu óc và ngón tay tôi đổ trên đường để mang nó đi giao lưu trường bạn chứ đâu vừa !! Sau tết đó, cô bạn thân nhất Thanh Bạch rời trường lớp theo chồng bỏ cuộc chơi, chúng tôi mất dấu cho đến khoảng hơn chục năm nay mới tìm gặp lại. 

Ngậm ngùi, bởi hai trong ba vị giáo sư tôi nhắc trên đây đã yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Thầy Thành cuối năm lớp 10 ấy cũng đổi đi nơi khác, chúng tôi bặt tin từ đó. Anh Hoà cũng không biết nơi đâu, còn anh Nhơn, Phước, Thanh Bạch vẫn bình an mạnh khoẻ. Trước cơn dịch chúng tôi còn may mắn hội ngộ cùng nhau. Chính anh Phước nhắc tôi nhớ nơi xảy ra tai nạn ở Láng Sen, chứ tôi thì quên mất địa danh.

Mỗi một ngày qua đi, là chúng ta càng tiến dần đến trạm dừng cuối của đường đời. Nếu còn cơ hội tái ngộ thầy cô bạn hữu ngày xưa, chúng ta đừng ngần ngại đưa tay nắm lấy.

LCDF, 15 Dec. 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: