Tuổi Hồng Con Gái (kỳ cuối)

(Hình: Hau Nguyen/Unsplash)

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới ngày nào thiên hạ nô nức mừng xuân mà nay lại đón hạ về. Mùa hè đến, chỉ đem chia ly cho đám học trò và mang lo âu cho những người thi cử. Nhạn bù đầu với chương trình thi Tú Tài phần hai sắp đến. Nhạn thức khuya dậy sớm để “ngấu” cho hết một chồng sách vở nặng nề. Lâu nay, Khải vẫn thỉnh thoảng viết thư hỏi thăm Nhạn. Biết Nhạn bận rộn chuyện sách đèn Khải cũng thôi, không quấy rầy nàng nữa. Với lại thư chàng đến trong kiểu “một đi không trở lại” thư đi mà không có thư trả lời, riết rồi, Khải cũng nản. Dung thì chả lo lắng gì, cứ ăn no ngủ khỏe. Thời gian cũng làm cho nàng nguôi ngoai vết thương lòng vừa qua, nàng không còn quan tâm gì đến việc chồng con nữa, thỉnh thoảng lắm nàng mới buồn chút chút khi một cơn gió thoảng hay một ý nghĩ thoáng qua khơi nàng nhớ lại chuyện cũ mà thôi. Nên vì thế nàng tươi tắn mập mạnh bao nhiêu thì Nhạn ốm o gầy còm bấy nhiêu, Nhạn xanh lè vì những đêm thức khuya học bài, làm tính.

Ông bà Trí thấy con chăm chỉ học hành thì hài lòng lắm, song thấy sức khoẻ Nhạn kém dần thì đem lòng thương hại, săn sóc tẩm bổ đủ thứ. Bà Trí ngày ngày pha cho nàng một ly cam vắt. Sinh tố C hy vọng giúp Nhạn tươi tỉnh hơn. Bà cũng luôn nhắc nhở Nhạn ba bữa cơm sáng trưa chiều tối, thậm chí có khi bà phải bưng lên cho Nhạn ăn tại chỗ, nếu không, Nhạn mãi lo học hành quên luôn cả việc ăn uống.

Rồi cuối cùng ngày thi cũng trôi qua và phần thưởng danh dự cho Nhạn đền bù trong những ngày cần cù vất vả với đèn sách, tên Nhạn đã ghi đầu bảng vàng của những người trúng tuyển. Nhạn lại đậu ưu như năm vừa rồi. Hay được tin này cả nhà vui tươi hớn hở, bàn tán xôn xao rối rít đến việc nhập vào đại học của Nhạn.

Bố mẹ thì nói Nhạn học trường chính trị kinh doanh Đà Lạt để gần gia đình. Thảo thì khuyên học về y khoa, chọn ngành sản khoa cho chị em nhà được nhờ. Còn Dung mặc dù vừa qua bị té “cái rầm” vì Kiệt, nhưng xưa nay vẫn có cảm tình với ngành không quân nên bảo Nhạn thi vào hàng không làm cô chiêu đãi viên trông cũng ngon và mát mẻ lắm rồi. Cuối cùng Nhạn chẳng nghe ai cả, nàng quyết định:

-Con vào Sài Gòn học ngành nha khoa, ngành này chỉ học vỏn vẹn 32 cái răng, gọn và nhẹ nhàng hơn, khỏi phải trực đêm hay bị bệnh nhân quấy rầy khi đang ngủ.

Thằng Minh nghe nói, hoan hô:

-Đúng rồi, em đồng ý với chị Nhạn, răng với tóc là gốc con người. Cái răng mà sún hay sâu thì làm sao mà ăn mà đẹp được.

Nhạn nhìn Minh:

-Ý kiến này hay à. Thế để tao phụ trách về răng, còn mày thì lo về tóc  nhá! Không chịu học, mai mua cho cái tông-đơ làm thợ hớt tóc là vừa.

Ngưng một lát, Nhạn lại cười nói tiếp:

-Tao mà làm nha sĩ, người đầu tiên tao nhổ hết răng là mày, cho mày bớt ăn bớt nói.

Minh cũng không vừa, trả đũa:

-Nếu em mà làm thợ hớt tóc, người đầu tiên em cạo trọc lóc đầu là chị. Cho chị đi tu để khỏi làm khổ đàn ông.

Nói rồi, Minh háy Nhạn một cái có đuôi.

Bà Trí giờ mới lên tiếng:

-Bố mẹ không muốn con học ở Sài Gòn. Con gái một thân một mình xa gia đình, mẹ lo quá!

Nhạn cười:

-Mẹ an tâm, con có thân thì phải lo, hơn nữa con cũng muốn xa gia đình một vài năm để làm quen với đời sống tự lập và đồng thời…

Nói đến đây, Nhạn im bặt, ý Nhạn định nói rằng: “Và biết đâu con đi vắng rồi chị Dung mới dễ dàng đi lấy chồng.” Nhưng nghĩ nhắc lại chuyện buồn của chị Dung, Nhạn lại thôi.

Bà Trí hỏi tiếp:

-Thế bao giờ con định lên đường, để mẹ dắt con đi?

Nhạn khoát tay:

-Thôi, mẹ khỏi đi mẹ ạ. Tháng nữa chúng con mới lên đường. Con đi cùng với nhóm bạn, mẹ đừng lo. Bọn chúng đều có bà con thân thích ở Sài Gòn, nhưng chúng con bàn với nhau đều vào nội trú cả.

Ông bà Trí đành chiều theo ý của Nhạn. Ông bà cũng an tâm vì hiểu tính nết Nhạn rồi. Con bé còn nhỏ tuổi, nhưng biết lo xa, và chín chắn.Tuy nhiên thấy con học quá mà gầy mòn, bà Trí liền nhắc nhở:

-Ở Sài Gòn, xa bố mẹ, con phải ráng giữ gìn sức khoẻ, học vừa thôi, chỉ cần thi đỗ là được rồi, dù có đỗ hạng bét cũng quý. Ham đỗ cao mà làm gì để thân thể hao mòn như thế kia.

Nhạn cười:

-Thì con cũng chỉ biết học để mong cho đỗ, chứ con có biết học cỡ thế nào để đỗ đầu, đỗ bét đâu.

Thằng Minh thấy vậy cũng chêm vào:

-Mẹ nói đúng đấy, học vừa thôi bà cận, chứ học quá lại đui con mắt bây giờ thì dù có làm bà trời cũng hết giá trị, khó lấy chồng à.

Nhạn cười nạt em:

-Thôi im đi ông luật sư cùn, lý luận theo kiểu những thằng làm biếng và học dốt.

Minh cãi:

-Cái đầu mình dốt ai biết đâu. Chứ con mắt đui là thấy ngay và bị chê liền à.

Nhạn đáp:

-Mắt mày sáng mà cái đầu mày tối, mày… thấy gì được?

Minh lý sự:

-Sao mà không thấy, chị thử để bạc cắc cách đây chục thước, xem thử có mất không?

Nhạn bực mình:

-Thôi im đi mày, người ta nói “thấy” đây là “thấy xa hiểu rộng” chứ thấy những vật trước mắt, ai nói làm gì.

Thằng Minh hiểu ra, gật đầu:

-À ra thế nhỉ!

Và cái ngày Nhạn đi Sài Gòn đã đến, cả nhà lúc thúc đưa Nhạn ra phi trường Liên Khương. Trời hôm đó  nắng gắt. Bầu trời xanh không một gợn mây. Một vài con chim núp trên hàng cây đâu đó cũng không buồn cất tiếng. Gió như biến đâu, trốn tiệt phương nào, không ghé về để thủ thỉ cùng Nhạn vài câu cho mát lòng mát ruột. Chỉ có bà Trí bịn rịn vấn vương sụt sùi khóc, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Bà đứng bên Nhạn  từng chặp rút khăn mùi xoa ra chậm mắt. Bà không nói gì. Nỗi xúc cảm đang trào dâng làm nghẹn cứng cuống họng bà. Bà thương Nhạn quá, từ bé đến giờ bà đã xa Nhạn bao giờ đâu. Nay Nhạn đi xa, ở xa, bà không còn cơ hội gần gũi để chăm sóc con, để an tâm khi thấy con bình an bên cạnh. Lòng bà cứ xốn xang, trăm mối tơ vò, bà vừa thương vừa nhớ vừa lo, mọi cảm giác ập đến làm ngổn ngang lòng bà.

Thấy mẹ khóc, Nhạn cũng bồi hồi xúc động, nàng cố kìm để nước mắt đừng trào ra. Nhưng có cái gì đó cay cay làm đôi mắt nàng hoen đỏ. Nhạn nửa háo hức ra đi vì đó là niềm vui lớn lao của nàng còn là tương lai cho đời nàng, nhưng nửa lại vấn vương thương nhớ mẹ và gia đình. Nhưng biết làm sao hơn. Cuộc sống như vậy đó. Nó đẩy Nhạn trôi theo dòng đời. Không sao khác được.

Còn Minh từ nãy giờ đứng xớ rớ bên Nhạn, cái mặt cũng buồn hiu. Xưa nay chị Nhạn là người nó thương nhất nhà, dù chị hay nạt nộ nó nhưng Nhạn là người nó thường hay chơi. Thằng Minh đến nắm tay Nhạn, nghẹn ngào như muốn khóc:

-Đến Sài Gòn chị nhớ gửi thư riêng về cho em nhé!

Nhạn quay lại, xoa đầu nó:

-Nhưng với điều kiện em phải học hành chăm chỉ để xứng đáng với lòng chị nghĩ, chị sẽ gởi quà về thưởng em chứ đừng nói là có thư không đâu. Học giỏi và thi đỗ nay mai em cũng vào Sài Gòn ở bên chị.

Dung và vợ chồng Thảo, Huy cũng quấn quít bên Nhạn dặn dò đủ thứ…

Ông Trí đến nắm tay con, xoè bàn tay nàng ra và dúi vào tay Nhạn ít tiền rồi căn dặn:

Ba cho thêm con tí tiền tiêu vặt. Đến nơi bình yên, con nhớ đánh điện tín về ngay để nhà an tâm. Ở Sài Gòn, xa bố mẹ gia đình, không ai chăm sóc, con cố gắng giữ gìn sức khoẻ.

Nhạn rơm rớm nước mắt trước tình cảm của gia đình. Nàng không nói gì, chỉ gật đầu vâng dạ trong khi nghẹn ngào xiết tay cha, nắm tay mẹ và anh chị em, cố nén dòng lệ để không phải trào ra. Nhạn biết, nàng mà khóc trong lúc này càng làm cho gia đình mủi lòng, buồn bã, lo lắng hơn. Nàng phải tỏ ra cứng rắn, đầy nghị lực, ra vẻ chấp nhận mọi khó khăn mà nàng một mình ở Sài Gòn phải đương đầu khi vắng sự bảo bọc của người thân. Cuối cùng, để mọi người an tâm tin tưởng hơn, Nhạn nhoẻn miệng cười, nói cứng:

Cả nhà an tâm đi mà. Con đi học chỉ vài năm rồi về chứ có phải đi luôn đâu mà ai nấy buồn dữ thế. Hè con về thăm nhà, lúc đó cả nhà tha hồ cười vui nhé. Đừng buồn nữa, đừng buồn nữa…

Nói như vậy nhưng hai giọt nước mắt từ trong khóe mắt Nhạn vẫn âm thầm trào ra…

Tiếng phóng thanh vang lên, thông báo hành khách chuẩn bị lên phi cơ làm cho Nhạn quýnh quáng vội vàng bắt tay Huy, hôn bố mẹ, chị Thảo, chị Dung và thằng Minh, xong, theo bạn bè lẩn trong hành khách bước lên máy bay.

Vài phút sau phi cơ cất cánh, chỉ trong chốc lát mất hút trong bầu trời xanh, bỏ lại nơi phi trường một nhóm người ngơ ngẩn nhìn theo với lòng bồi hồi thương nhớ…

* * *

Kể từ ngày Nhạn đi vắng, Minh thơ thẩn một mình chẳng còn biết chơi với ai, nó buồn hiu hắt. Dung thì cũng thế, sau những chuyện buồn liên tiếp đến trong đời, nàng như ốc thu mình vào vỏ, trầm lặng ít nói hơn, mà cho dù muốn nói, cũng chẳng biết nói chuyện với ai bây giờ. Chị Thảo thì ở nhà chồng, thỉnh thoảng mới về thăm, Nhạn thì đi học xa, Dung cảm thấy cô đơn lạ lùng trong căn nhà vắng lặng, nàng bèn xin bố mẹ đi học một lớp kế toán đánh máy để đi làm.

Ông bà Trí chiều theo ý Dung. Ông bà nhận thấy ước muốn của Dung thật chính đáng. Bao lâu nay, kể từ khi Dung… tiểu đăng khoa cũng rớt mà đại đăng khoa cũng chẳng xong, ông bà biết Dung thất vọng buồn chán nên thường nhắc nhở hướng dẫn Dung nên học hay làm một việc gì đó cho khuây khỏa không thể nằm nhà nghiền ngẫm gặm nhấm nỗi đau… sẽ sinh bệnh, nhất là bịnh tâm thần. Ông bà chỉ khuyên, không thúc hối, ép buộc và cũng không la mắng, ông bà để Dung tự định đoạt đời mình, tự tìm cho mình một lối thoát. Nay, sau một thời gian nằm… vạ, ù lì biếng nhác, Dung đã tự trỗi dậy chọn cho mình một hướng đi. Ông bà hỗ trợ và mừng cho nàng.

Sau khi tốt nghiệp khóa kế toán, ông Trí xin cho nàng một chân thư ký ở hãng xăng của bạn ông, lương cũng đủ sống. Thế là từ đó ngày hai buổi Dung bận rộn với công việc của hãng cũng giết được thì giờ.

Từ khi vào làm việc ở đây Dung thấy vui nhiều, nàng hăng hái, yêu đời hơn. Những chuyện cũ dần dần cũng phôi pha. Dung dường như đã quên hẳn. Nàng cảm tưởng cuộc sống nàng bừng dậy như mầm cây nằm vùi lâu ngày dưới lòng đất nay gặp tiết xuân đâm chồi nảy lộc để đón chào một cuộc sống mới, khởi sắc hơn… Nhiều khi, nghĩ và nhìn lại thời gian qua, Dung chợt hối hận và cảm thấy buồn cười. Tại sao nàng phải quan tâm và hành xác để tự chuốc phiền muộn cho mình và những người thân liên hệ với nàng bởi từ những người đàn ông xa lạ. Dung cố quên quá khứ, lấy công việc làm vui, và thời gian là lều thuốc hay chữa lành tâm bịnh, tuy nhiên đôi khi, nàng không lý giải được những ẩn ức nội tâm còn chất chứa trong lòng khi một buổi chiều vàng hắt hiu nhè nhẹ quyện vào hồn để nàng nhớ lại chuyện xưa rồi lại sa sầm nét mặt. Nhưng tựu trung Dung cảm thấy nàng thay đổi thật nhiều thành một người mới từ thể chất đến tâm hồn.

Hằng ngày tới hãng, Dung vui với công việc, cần mẫn, siêng năng trong sổ sách, yêu và nổ lực cho công việc thật chu đáo đàng hoàng nên được ông giám đốc tin cậy, cất nhắc nàng lên làm thư ký riêng cho ông. Có lẽ sau cái sốc tình cảm quá nặng, Dung đâm lầm lì ít nói, nhờ thế trông nàng có vẻ hiền lành, đoan trang, ông giám đốc thương mến lắm và cũng nhờ làm việc tại đây Dung được gặp Lễ, con trai út của ông giám đốc, vừa tốt nghiệp trường đại học chính trị, kinh tế, kinh doanh.

Vừa ra trường, Lễ chưa biết làm việc tại đâu, nên thân phụ chàng đưa chàng về trông nom việc của hãng. Mấy hôm nay Lễ lái xe cùng bố đến sở làm. Ngay lần đầu gặp Dung nơi văn phòng, chỉ thấy Dung thoáng qua, lòng chàng đã xôn xao, giao động. Không chỉ dáng vẻ thùy mị dịu hiền của Dung khiến chàng chú ý, mà trên khuôn mặt trắng trẻo dễ thương kia như phảng phất một nét buồn sâu kín càng làm Dung quyến rũ, thu hút Lễ hơn. Thời gian sau đó, có cơ hội bên Dung, Lễ có cảm tưởng, ngay cả lúc nàng cười, dù gượng gạo hay thích thú, ánh mắt nàng vẫn xa xôi, trầm lắng. Và ngay cả lúc nàng ngồi im lặng trầm tư, bâng khuâng nhìn vạt nắng ngoài sân, trong nàng vẫn ẩn chứa một điều gì sâu kín, một nỗi buồn vời vợi khiến Lễ càng nhìn càng như bị thôi miên.

-Dung, có gì buồn mà ngồi thừ ra thế?

Dung không trả lời, chỉ nhoẻn miệng cười, lắc đầu nhưng trong nụ cười đó vẫn không dấu được ánh mắt đăm chiêu xa vắng mà Lễ không giải thích được. Thỉnh thoảng, Lễ bắt gặp Dung kín đáo nhìn chàng, buồn bã nhưng khi bị chàng nhìn lại thì nàng vội vàng quay đi.

Sẵn ngày hai buổi lái xe cùng bố đến sở làm, tiện đường ngang nhà Dung, Lễ đề nghị đón nàng. Ban đầu Dung còn ngần ngại, từ chối, nhưng thấy Lễ ân cần, cuối cùng Dung chấp thuận. Từ đó, Lễ và Dung có cơ hội gần gũi và thân thiện nhau hơn. Tuy ngoài mặt còn xa cách nhưng lòng riêng thì đã… Lòng trong như đã, mặt ngoài còn e!

Ông bà Trí gần đây thấy Lễ săn đón con gái mình, còn Dung thì sắc diện tươi vui hơn, ăn mặc dạo này xem ra chải chuốt hơn, và ngay cả tính tình cũng thay đổi đằm thắm dịu dàng hơn xưa, dường như tình yêu đã đổi thay toàn diện con người nàng, thâm tâm ông bà mừng lắm. Nhưng niềm vui đó ông bà chỉ dấu trong lòng hoặc thủ thỉ với nhau, tuyệt nhiên ông bà lặng yên không bàn ra tán vào gì với Dung cả. Chính ông bà, sau những vụ việc vừa qua, cũng chiêm nghiệm ra rằng vợ chồng có duyên số. Hãy để nó tự nhiên, điều gì đến sẽ đến. Sự áp đặt hay sắp xếp theo quan niệm của thế hệ ông bà đã lạc hậu, không còn hợp thời nữa. Đã qua rồi thời đồ đá, đã qua rồi thời phong kiến và bây giờ những suy nghĩ cổ xưa của ông bà đang bị đào thải. Tự nó bị đẩy dần ra khỏi nếp sống, nếp suy nghĩ thời thượng của lũ trẻ ngày nay. Không thể cưỡng được. Ông bà không nên đi ngược dòng, chỉ mệt mỏi thêm thôi mà hãy nương theo dòng chảy của cuộc sống như chiếc thuyền con lênh đênh trên dòng sông chỉ khéo lái xuôi dòng thì con thuyền dễ dàng lướt sóng.

Còn ông Yên, thân phụ Lễ, hiểu tình ý của con mình cũng rất lấy làm hài lòng, vì dù sao qua thời gian làm việc chung tiếp cận với Dung, ông đã hiểu bản chất tính nết của Dung. Dung đằm thắm, chững chạc. Đã vậy, Dung còn là con của một gia đình người bạn đàng hoàng ông từng quen biết. Không còn gì để ông phải lo ngại e dè khi Lễ, đứa con trai hiếu thảo nhất nhà của ông, hết mực tuân thủ theo khuôn khổ giáo dục đúng đắn của ông, yêu thương Dung, ông hy vọng, nhưng cũng không nói ra, một ngày nào đó Lễ và Dung nên duyên chồng vợ, ông sẽ giao hết cơ đồ để hai người nối nghiệp ông trông nom gìn giữ.

Riêng Dung, tình cảm đối với nàng bây giờ dè dặt hơn. Nàng không dám đặt trọn niềm tin vào một thứ tình yêu nào cả. Những bước vấp đầu đời ít nhiều cũng cho nàng chút kinh nghiệm sống nhất là đối với tình yêu. Nên dù thấy Lễ ân cần tiếp đón mình, Dung vẫn ngờ ngợ không tin, không vồn vã, vồ vập. Nàng cứ thản nhiên coi như mọi chuyện không có gì quan trọng cả. Và sẵn sàng đón nhận, những bất trắc hay những điều không như ý, nếu có, đến với nàng. Chính sự an phận trong dáng vẻ thờ ơ đó làm tăng nét cao quý trong nàng, càng làm nổi bật nét điềm đạm, chín chắn, cẩn trọng nơi Dung. Đối với Dung bây giờ, mặc kệ, điều gì đến sẽ đến. Tất cả đều do nhân duyên. Phải duyên thì dính như keo, chạy trời không khỏi nắng. Vô duyên thì… như chuyện của nàng và Khải cùng Kiệt đó đã là bài học cho chính nàng.

Một ngày đẹp trời, khi gió xuân mơn man thổi về, khi nắng xuân chan hòa rãi xuống vạn vật vẫn không xua nổi tiết xuân se lạnh của khung trời Đà Lạt; trai thanh nữ tú như cảm thấy khao khát một điều gì đó để sưởi ấm cõi lòng, Lễ lái xe mời Dung lên đồi thông đi dạo.

Trên con đường mòn quanh co, hàng thông hai bên liu xiu đón gió. Mặt trời đỏ rực xuyên qua kẽ lá hắt một vệt dài soi rõ hai chiếc bóng song song nhau, một nam một nữ. Họ còn e ấp chưa dựa vào nhau. Họ thư thả từng bước chậm rãi vừa đi vừa nói chuyện dưới tàng cây thông quanh năm xanh biếc. Thoai thoải dưới chân đồi là bãi cỏ xanh mướt một màu. Một dòng nước trong quanh co lượn lờ uốn khúc, như vươn mình tới những khe đá lấp lánh dưới ánh chiều tà, phản chiếu lại những tia sáng hắt lên khoảng bầu trời xanh lơ.

Khi tới cuối sườn đồi, không gian xung quanh im lắng, chỉ còn nghe tiếng chim hót ríu rít trên đồi thông, gió thì thầm mơn man trên hàng cây kẽ lá, và cá vẫy đuôi đập dưới dòng nước; thiên nhiên yên lắng êm đềm, một bức tranh nên thơ của tạo hóa dễ khiến tâm hồn người thoáng khoát mở rộng để đón lấy cái bao la của trời đất, Lễ bất chợt nắm lấy tay Dung. Dung không rút tay về. Nàng để gọn bàn tay nàng trong tay chàng. Cả hai, tay đan tay im lặng đi bên nhau, không nói thêm lời nào. Không gian bấy giờ như ngưng đọng, thời gian như cũng ngừng trôi để cả hai lắng nghe nhịp đập của trái tim nhau, rồi bất chợt Lễ xoay người, buông tay Dung ra, ôm lấy eo nàng, nhìn thẳng vào mắt nàng, chàng thỏ thẻ:

-Dung, anh yêu em.

Dung giật mình, đẩy Lễ ra, lắc đầu rồi vùng bỏ chạy:

-Không, em không tin, em không bao giờ tin cả.

Lễ đuổi theo, ôm trọn Dung trong vòng tay, một lần nữa, chàng nhìn thẳng vào mắt Dung, hỏi vặn:

-Tại sao?

Nước mắt Dung chan hòa như dòng suối, nàng đáp trong nước mắt nhạt nhòa:

-Đàn ông các anh giả dối lắm và tàn nhẫn lắm! Em không tin đâu.

Lễ ngạc nhiên, kéo nàng lại sát chàng hơn, vòng tay qua ôm nhẹ eo nàng, lời nồng nàn thành thật:

-Không, anh không bao giờ tàn nhẫn với em đâu. Tại sao em lại nói thế?

Vết thương lòng bao lâu đè nặng, tưởng như khép kín tận đáy sâu tâm hồn nay như xé toạc ra, dần dần rỉ máu. Dung đau đớn gục đầu vào ngực áo Lễ, nức nở khóc như chưa bao giờ được khóc. Nàng khóc như một đứa trẻ bị hàm oan, cần có người thông cảm vỗ về. Lễ đưa tay nhẹ nhàng vuốt tóc Dung, ghì đầu nàng vào ngực mình như an ủi dỗ dành để xoa dịu niềm đau mà nàng đang gánh chịu. Dung thổn thức mãi, nước mắt cứ tuôn tràn thấm ướt cả ngực áo Lễ. Chàng cứ để yên cho Dung khóc, cho đến lúc cơn xúc động trong Dung đã trôi qua, nỗi buồn tủi cũng vơi đi, Dung ngước mặt lên nhìn Lễ, nước mắt vẫn còn đầm đìa quanh khóe, Dung bắt đầu kể hết cho Lễ nghe những chuyện buồn mà nàng đã gặp. Cuối cùng, Dung kết luận:

-Con Nhạn xinh lắm, đã có sắc mà lại có tài. Nó hơn em về mọi phương diện nên đứng bên Nhạn em như một cái bóng bị lu mờ rồi cuối cùng ai cũng phụ và cũng bỏ em hết.

Nghe Dung nói, Lễ mỉm cười:

-Không, em yên tâm, anh được nghe em kể, anh đã chuẩn bị tinh thần rồi. Dù có gặp mười cô Nhạn, anh cũng chỉ yêu em vì anh thấy hợp với em. Dung ạ, tình yêu không chỉ là bóng sắc bên ngoài mà đòi hỏi hai tâm hồn cùng hòa điệu với nhau. Anh hợp với em và yêu em, chỉ thế thôi. Không bao giờ anh nỡ phụ và bỏ em đâu.

Dung sung sướng ngả đầu vào ngực chàng, đến giây phút này nàng mới thổ lộ tâm tình :

-Thật ra, em cũng cảm thấy yêu anh. Nhưng…

Dung ngập ngừng:

-Nhưng em vẫn cảm thấy lo sợ làm sao ấy!

Lễ ôm Dung vào lòng xiết chặt:

-Không, Dung đừng lo sợ viển vông rồi cứ luẩn quẩn nghĩ vớ vẩn. Anh yêu Dung thật mà. Nếu em không tin, tối nay anh sẽ về thưa với ba mẹ chuyện của chúng mình. Ba anh cũng thương em lắm, ở nhà vẫn thường nhắc đến em luôn. Tuần sau ba mẹ anh sẽ thưa chuyện với ba mẹ em. Tháng sau mình làm lễ đính hôn và trong dịp tết này chúng ta làm lễ cưới.

Dung nghe Lễ nói, đứng ngẩn người ra, giương hai con mắt tròn xoe nhìn chàng đắm đuối. Chàng cũng đưa mắt nhìn nàng. Bốn con mắt say đắm nhìn nhau, trong khi hai con tim đang nhịp cùng hơi thở và… lần đầu tiên Lễ nhè nhẹ đặt lên môi nàng một chiếc hôn nồng cháy, miệng thì thào:

-Dung, anh yêu em quá!

Và trong gió chiều của đồi thông lành lạnh, hai chiếc bóng quyện vào nhau, cho nhau một chiếc hôn dài ngây ngất…

* * *

Minh ngồi nơi bàn học, trên chiếc ghế nệm bọc vải mà ông Trí đã ưu ái mua tặng Minh khi thấy Minh chăm chỉ học hành. Minh gấp sách vở lại dạt qua một bên sau khi đã thanh toán tất cả bài học, bài tính trong ngày. Trước mặt Minh bây giờ, ngọn đèn bàn néon ba tấc tỏa ra thứ ánh sáng dịu dàng soi rõ tờ giấy trắng vẫn còn nguyên đặt trên một tập vở. Minh đang cắn bút suy nghĩ viết cho Nhạn một bức thư.

Trong nhà, Minh hợp với Nhạn nhất. Hai chị em thường vui đùa bên nhau, ngoài tình thân gia đình còn như là đôi bạn thân thiết, không lúc nào rời, không lúc nào xa. Dù có lúc bị Nhạn xì nẹc, Minh vẫn thương Nhạn nhất nhà.

Từ khi Nhạn đi rồi, Minh cảm thấy trống vắng lạ lùng như mất mát một vật gì quý giá nhất trong đời. Một cảm giác buồn man mác cứ len lỏi vào hồn nhưng Minh không hiểu tại sao. Nó chỉ biết là, mỗi khi đi học về, nhìn những vật dụng của Nhạn từ chiếc cặp đã cũ, cây bút chì, cục tẩy đã cùn, cho đến cái tủ áo, tủ sách mà hằng ngày Nhạn thường mở ra lục lạo và cả những chỗ mà ngày nào bóng dáng Nhạn qua lại, đâu đâu Minh cũng như nhìn thấy hình ảnh của Nhạn. Minh nhớ Nhạn da diết. Nỗi nhung nhớ đôi khi làm Minh tưởng như không muốn… sống nữa. Minh ao ước được ở bên chị. Rồi để khỏa lấp nỗi nhớ nhung cùng để được học ở Sài Gòn bên Nhạn, nhớ lời Nhạn dặn và thỉnh thoảng Nhạn vẫn viết thư về khuyên răn, Minh chăm chỉ học hành. Phần để quên nỗi nhớ, phần để Nhạn vui lòng, Minh siêng năng với sách vở, trí não Minh dần dần như được mở sáng ra. Thật ra Minh cũng không phải là dốt hay u tối nhưng vì bấy lâu lười biếng với sách đèn nên thường đội sổ luôn. Nay tiến bộ thấy rõ, nó liền viết thư khoe với Nhạn:

“Chị Nhạn ơi, kể từ ngày xa chị, em thương nhớ thật nhiều nên tìm vui bên sách vở, tự nhiên thấy giỏi liền hà. Vị thứ hàng tháng từ từ nâng cao em chuẩn bị nay mai cũng dẫn đầu lớp như chị đó. Thấy thích ghê chị nhỉ! Học không còn biết mệt, chả trách ngày xưa em thấy chị cứ bù đầu. Nhưng có một điều, học quá em thấy con mắt cứ lu dần chị ạ. Đó có phải là triệu chứng bị cận thị không chị? Để em tả cho chị nghe nha có giống con mắt của chị không nào. Người cận thị khi nhìn xa thấy gà lại tưởng vịt, nhìn cá bống lại tưởng là tôm phải thế không? Nhất là nhìn người thì không nhận ra đó là người già hay trẻ. Chỉ lờ mờ biết có người trước mặt mình thôi. Có lẽ vậy mà, một hôm khách của bố đến nhà , em nhìn ngỡ là người yêu của chị Dung (chị Dung giờ đã có người yêu rồi đấy), em vội vàng: “Chào anh!” Ông khách tưởng em giỡn mặt, rồi khi gặp bố vừa ra, ông méc em vô phép.

Cũng may bố cải chính cho đấy. Qua hôm sau bố phải đặt mua cho em một cái kính liền. Hai độ rồi, chị ơi! Đeo kính vào, em soi gương thấy giống ông cụ non quá, ngắm nghía thật kỹ thì in hệt một ông thầy bói. Thế mà xưa nay ai cũng bảo cận thị trông trí thức?!

Chị Nhạn này. Học giỏi, em thấy đúng như lời chị nói “thấy xa hiểu rộng”. Chẳng hạn mình học giỏi, con gái nó mê nó theo nhiều thì tha hồ mà lựa. Chứ con mắt sáng thấy được gái đẹp, nhưng cái đầu dốt, nó chê nó ngoe nguẩy bỏ đi thì mắt sáng cũng chỉ đứng đó… chết thèm, nhìn theo mà chảy nước bọt phải không chị?

Thôi thư dài, em dừng nhá, chúc chị vui và khỏe.

Hôn chị. Em Minh.”

Đọc thư Minh, Nhạn thấy buồn cười cho tâm hồn của nó. Nửa còn con nít, nửa cụ non. Đúng là đang chuyển mình sắp làm người lớn, gần 16 tuổi rồi. Thời gian đi nhanh thật. Xa Minh lâu, Nhạn thấy Minh có vẻ trưởng thành tuy vẫn còn phảng phất một vài nét thơ ngây trong tâm hồn nó. Có xa gia đình, Nhạn mới thấm thía đến tình ruột thịt, thương cha, thương mẹ, thương chị, thương em. Nhất là khi Nhạn nghĩ đến Dung, Nhạn thương Dung thật nhiều cho cái đời lắm bất hạnh của chị. Nay đọc thư Minh, Nhạn rất mừng khi biết Dung đã có người yêu. Thế mà bấy lâu, viết thư cho Nhạn, Nhạn chẳng hề được nghe Dung nói đến. Nhạn nghĩ: “Có lẽ chị Dung bị hố vài lần, giờ chị đợi cho chắc mới tuyên bố ra chăng?”. Đúng như điều Nhạn nghĩ, chỉ một tháng sau Nhạn nhận được thư Dung, trong thư có một đoạn Dung viết:

“Nhạn ơi, hôm nay chị mới báo cho em hay một tin mừng, chị đã thật sự có người yêu và sắp sửa lấy chồng trong dịp tết này đó. Nhạn nhớ về dự nghe khi có điện của chị. “Chàng” của chị, “chàng” tên là Lễ. Lễ…Lễ…Lễ…Người thật xứng với tên, anh lễ nghĩa và phép tắc vô cùng. Tuy người không đẹp lắm nhưng rất có duyên, Nhạn ạ!

Chàng là con trai của ông giám đốc hãng xăng chị đang làm, vừa tốt nghiệp trường đại học chính trị kinh tế kinh doanh xong. Anh thương chị hết lòng, gặp và quen nhau do sự tình cờ ở hãng thôi chứ không phải nhờ người làm mai, coi mắt gì cả. Nhiều khi nghĩ những chuyện đã qua thấy khôi hài ghê Nhạn nhỉ? Ở thời buổi văn minh hiện đại này mà hôn nhân còn quan niệm lạc hậu theo kiểu đó thật chỉ chết cho mình. Thế mà hồi đó chị cũng thật “ngố” ghê, để “mất mặt bầu cua” mấy lần, nằm mà than thân trách phận, “rủa” thấu ông trời xanh, sao ông đã sanh Dung, ông nỡ còn sinh Nhạn?”

Riêng em, chắc giờ đã biết yêu rồi chứ? Cũng lớn rồi, sự nghiệp đã nắm chắc trong tay. Nghĩ đến hôn nhân là vừa đấy. Nhớ giới thiệu chị nha…”

Đọc thư Dung đến đây, Nhạn mỉm cười hài lòng khi liên tưởng đến tình yêu của mình. Trịnh Tường, chàng sinh viên y khoa, Nhạn quen trong dịp lễ cuối năm khi nhóm sinh viên tổ chức ăn tất niên.

Buổi tiệc hôm đó, cũng là lần đầu tiên Nhạn tham dự, khá hào hứng và vui tươi. Sau khi ăn uống, chỉ một món bò kho bánh mì đơn giản, ít bánh kẹo trà nước… tiếp đến là chương trình văn nghệ, dạ vũ. Cái ngón soul sở trường của Nhạn được bày ra, một lần nữa, Nhạn lại thu hút bao sinh viên trong đó có Trịnh Tường. Trịnh Tường không bỏ lỡ cơ hội để làm quen và mời Nhạn vào ban văn nghệ.

-Chào… Nhạn. Tôi là Trịnh Tường. Rất hân hạnh được làm quen với Nhạn.

-Dạ, chào anh. Nhạn cũng rất hân hạnh được quen anh.

-Vừa rồi, Nhạn nhảy hay quá!

-Thì vừa rồi anh hát cũng hay vậy!

Nói câu này, Nhạn liên tưởng lại bài hát “Áo lụa Hà Đông” mà Trịnh Tường đã trình bày. Giọng anh ấm và ngọt ngào. Tuy ở đây đều là sinh viên, sinh hoạt văn nghệ trong tinh thần “cây nhà lá vườn” không phải ca sĩ, nhưng chất giọng và điệu bộ trình diễn không chỉ riêng anh mà hầu hết sinh viên khác cũng vậy, không thua mấy dân chuyên nghiệp. Họ còn có những màn nhạc cảnh “ Thiên thai”, “Ngưu Lang, Chức Nữ” thật hữu tình, dàn dựng sân khấu công phu, tốn kém. Những màn vũ độc đáo đa dạng từ dân tộc cho đến tân thời. Cùng những màn kịch vui nhộn, ý nhị làm khán giả ai nấy cười thoải mái.

Lần đầu tiên sống ở Sài Gòn và cũng là lần đầu tham dự sinh hoạt cùng giới sinh viên, Nhạn bị thu hút không ngờ, cảm thấy thích thú như lạc vào thế giới mới.

-Tôi trong ban văn nghệ. Không đóng góp thì ai hát cho?

Tiếng của Trịnh Tường lại cất lên kéo Nhạn về thực tại. Anh nói tiếp:

-Mời Nhạn vào ban văn nghệ sinh hoạt cho vui.

Nhạn cười:

-Nhạn vào đó thì làm gì?

-Múa! Nhạn nhảy hay mà!

Câu chuyện vớ vẩn bắt đầu từ đó dẫn dắt cả hai bước sang giai đoạn mới, không còn ngại ngần khách sáo để thay vào những lời thăm hỏi gia cảnh, học hành, ngành nghề, sinh hoạt. Khi biết được cùng học về thuốc, dù một bên là y, một phía là nha, nhưng cũng là ngành… chích, cả hai cùng cảm thấy gần gũi, thân thiện nhau hơn. Rồi cứ thế hết chuyện nọ chuyển sang chuyện kia đủ mọi vấn đề. Càng trò chuyện càng cảm thấy xích gần nhau hơn và ngay sau buổi tất niên đó đã tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng nhau giữa Nhạn và Trịnh Tường.

Rồi họ hẹn gặp nhau. Được sự hướng dẫn của Trịnh Tường, Nhạn không ngần ngại gia nhập vào ban tổ chức của nhóm sinh viên hoạt động với mục đích “mở rộng vòng tay” tạo cơ hội không chỉ riêng phân khoa của mình mà qui tụ hết các trường có dịp quen biết và học hỏi nhau. Cùng sống đời sống thật lành mạnh, vững vàng trong chủ trương: “Học mà không chơi, giết mòn tuổi trẻ. Chơi mà không học giết chết tương lai”. Do đó, ngoài những lúc miệt mài mệt mỏi vì bài vở, việc học làm họ quá căng thẳng, họ không bỏ qua những lúc để sống trọn vẹn cho tuổi trẻ của mình. Tự tạo cho mình cuộc sống vui tươi với những giây phút thoải mái qua những buổi tiệc tùng, đi du ngoạn, hoặc cả những ngày làm từ thiện… và như thế, họ cảm thấy đời sống thăng hoa, có ý nghĩa.

Nhạn bị thu hút ngay với nếp sống và suy nghĩ đó. Cởi mở. năng động. Rồi thời gian, trong những lần sinh hoạt bên nhau, Nhạn và Trịnh Tường cảm nhận được sự hoà hợp của hai tâm hồn và họ đến với nhau tự nhiên như hơi thở, như gió gặp mây, như thuyền yêu nước, như mùa xuân đón nắng mới, và như một bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời trong vườn hoa rực rỡ đầy ong bướm bay lượn. Nhạn và Trịnh Tường yêu nhau tha thiết. Tình cảm của họ càng lúc càng sâu đậm. Họ thường gặp nhau vào những lúc cuối tuần, những ngày nghỉ, cùng nhau đi ăn kem, ăn chè, xem xi nê… Cả hai dự định học xong khi sự nghiệp vững vàng trong tay sẽ bàn chuyện hôn nhân, cưới hỏi.

Gấp lá thư Dung trên tay, Nhạn thầm nhủ trong lòng:“Ngày mai ta sẽ viết thư về thưa bố mẹ.”

* * *

Phi trường Tân Sơn Nhất vào ngày 25 Tết rộn ràng nhộn nhịp. Kẻ qua người lại đông nghẹt. Những chuyến bay được tăng cường để giải quyết cho đông đảo hành khách lũ lượt về quê ăn tết. Hàng hóa chuyên chở để buôn bán cho ngày tết cũng nhiều hơn. Kẻ đưa người đón cũng đông hơn. Nhạn cùng Trịnh Tường phải vất vả lách trong đám đông để luôn có bên nhau. Anh lo lắng sắp xếp hành lý cho Nhạn gởi theo máy bay. Dịp Tết Nhạn sắm đủ thứ quà Sài Gòn về cho gia đình. Từ chiếc áo len tặng mẹ, chai rượu biếu bố, hai xấp áo dài cho chị Thảo chị Dung đến quần áo cho Minh. Nhạn không quên hai chiếc cà vạt, một dành cho Huy và một cho Lễ nữa.

Nghĩ đến sắp sửa gặp lại gia đình, quây quần bên nhau ấm cúng, hạnh phúc ngập tràn lòng Nhạn. Nhưng lát nữa đây phải xa Trịnh Tường, dù chỉ hơn tuần, Nhạn lại sa sầm nét mặt. Nỗi nhung nhớ đã bắt đầu vương trong ánh mắt. Nhạn nói:

-Em về thăm gia đình, em rất vui. Nhưng xa anh, em buồn.

Trịnh Tường xiết tay Nhạn:

-Anh cũng rất nhớ em. Nhưng cô bé ơi, đừng nhõng nhẽo với anh nữa. Hãy chuẩn bị về làm nũng với bố mẹ.

Nhạn cười, nguýt anh một cái có đuôi. Rồi họ chia tay nhau.

Nỗi nhung nhớ trong Nhạn cũng quên mau khi máy bay đáp xuống phi trường Liên Khương. Nhạn vui sướng trong lòng khi hình dung cả nhà đang đợi mình ở phi trường, nhất là dịp này lại có thêm chàng Lễ, chồng sắp cưới của chị Dung. Lòng rộn rã, vừa bước ra khỏi máy bay, nhận hành lý xong, Nhạn chạy ngay đến ôm chầm bố mẹ. Cả nhà tíu tít mừng rỡ rối rít. Riêng Lễ đứng ngẩn người ra ngắm cô em vợ khen thầm: “Nhạn ở ngoài còn xinh hơn trong hình và lời Dung tả. Cô bé trông duyên dáng thật. Chả trách Dung cứ phải lỡ duyên vì cô này.” Lễ lại cười thầm khi một ý nghĩ chợt loé lên trong trí: “Nếu ta gặp nàng sớm hơn chắc có lẽ… chẳng biết đâu được?” Lễ vội lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ vẩn vơ.

Nhạn bất chợt thấy Lễ nhìn mình, vội cúi đầu chào:

-Chắc anh là Lễ? Em về dự ngày vui của anh chị đây.

Lễ gật đầu từ tốn đáp:

-Vâng, hân hạnh được biết cô Nhạn. Còn Trịnh Tường của cô đâu?

Nhạn cười:

-Có lẽ giờ này sang năm em sẽ… xỏ mũi kéo về.

Cả nhà đồng cười xòa, cùng lững thững bước đi trong nắng sớm giữa tiếng cười giòn giã yêu đời của cô nha sĩ tương lai.

(HẾT)

Tuổi Hồng Con Gái – Kỳ 1)

Tuổi Hồng Con Gái – Kỳ 2)

Tuổi Hồng Con Gái – Kỳ 3)

Tuổi Hồng Con Gái – Kỳ 4)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: