Văn/Thơ/Ca Từ Nguyễn Đình Toàn, Như Một Lời Tuyên Cáo!

Ông Nguyễn Đình Toàn (ảnh: Uyên Nguyên)

Dẫn Nhập:

Tuần cuối của Tháng 4, 2022 vừa qua vùng Little Saigon có một sinh hoạt gọi là Ra Mắt Sách trong ngày 24 nơi nhà sách Tự Lực lớn nhất vùng Nam California (cũng của toàn hải ngoại), nay biến cải thành cơ sở bán trà và dược phẩm. Buổi Ra Mắt Sách có mặt hai Danh Tính Lớn/Lớn Nhất của nền Văn Học Miền Nam trước 1975 ở Sài Gòn và sau 1975 nơi hải ngoại: Nhà Văn Niên Trưởng Doãn Quốc Sỹ, và Nguyễn Đình Toàn. Buổi Ra Mắt Sách có sự tham dự của Diễn Viên Điện Ảnh Kiều Chinh và vài nhân sự thuộc giới viết văn, làm báo, hội họa trong vùng.

Là khách mời tham dự, cô Nhã Lan, Đài Little Saigon có nhận xét: “Khi hỏi chuyện, Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ 100 tuổi (sinh 1923) chỉ ngồi cười không nhớ!, và Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn (sinh 1936) thì: “Tay run không ký tròn chữ được trong tập “Thơ Và Ca Từ”. Bài viết nầy vì thế được viết nên nhằm nói cho ra lẽ: Hình Tướng -Tính Chất-Tiếng Lời riêng biệt của Nhà Văn-Nhà Thơ-Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn mà buổi (gọi là) Ra Mắt Sách kia không một ai nhắc nhở đến. Một tiếng cũng không.

#1- Một.

Suốt một thời gian qua hơn nửa thế kỷ cầm viết, bản thân anh luôn (tự) giữ nguyên tắc: Không viết hay nói đến những nhân vật trong giới văn học-nghệ thuật đương thời còn sống. Cụ thể (nếu) nói, viết về Nguyễn Chí Thiện, Bùi Bảo Trúc, Đào Vũ Anh Hùng… chỉ sau khi những người bạn nầy đã qua đời. Anh tự giải thích về “nguyên tắc tự biên/tự diễn” nầy như sau: Những nhân sự trong giới văn học-nghệ thuật là thành phần xã hội mà bản thân (là một Người Lính tác chiến) không có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp, vật chất hay tinh thần.

Không viết/nói về họ cũng để tránh rơi vào khuyết điểm/mà nói thật là một cái bẫy những người cầm bút Miền Nam trước 1975, hoặc sau nầy ở hải ngoại hầu như thường vấp phải: Ấy là quá xưng tụng, tung hô hoặc mặt đối lập là phê phán, chỉ trích theo quan điểm cá nhân vô cùng chủ quan. Những hiện tượng đấu đá/chia rẽ chính trị lại càng rõ nét, ngay tại hôm nay tại vùng Nam California, nơi Little Saigon.

Thế nhưng, hôm nay anh cần nói về Nhà Văn Niên Trưởng Nguyễn vì hai lẽ, khách quan và chủ quan mà thiết nghĩ buổi ra mắt sách ngày 24 Tháng 4 vừa qua phải có mục đích và yêu cầu trình bày đủ/chính xác về Sự Lớn Lao của Chữ và Người Nguyễn Đình Toàn – Qua tác phẩm cuối cuộc của một Tác Giả với độ tuổi 90 còn làm việc, sau cơn bão lửa rúng động tận căn cơ mấy chục triệu người Miền Nam/Cũng toàn thể Việt Nam suốt 47 năm sau Ngày 30 Tháng 4/1975. Sự đơn giản tưởng như một phép lạ nầy sao không ai thấy ra? Sao không ai nói ra?

Anh cần phải nói lên cũng vì còn mấy ai hiện nay nơi hải ngoại, ở trong nước biết rõ, đủ về người và việc (thuộc văn, báo giới mà bản thân anh hằng dự phần từ 1960’s) tại những năm 50, 60 nơi Miền Nam, ở Sài Gòn… Số lượng người nầy càng ngày càng giảm sút nhanh chóng do thời gian, sinh hoạt xã hội mà thoáng rất ngắn những sự kiện, con người mươi năm trước đã hóa nên cũ kỹ, mau chóng lãng quên.

Về mặt khách quan, cho dẫu bản thân là một người lính đơn vị đóng ở Phi Trường Biên Hòa, nhưng mỗi lần về phép Sài Gòn thường đến quán La Pagode (Cái Chùa), góc đường Tự Do/Lê Thánh Tôn nơi tụ họp thường xuyên giới làm báo, viết văn Sài Gòn để gặp những bạn bè cùng thế hệ (Phần đông gốc người Bắc, hay Trung) chưa phải động viên, nhập ngũ. Tới Quán Chùa, anh thường thấy Nguyễn Đình Toàn, người đàn ông gầy, ngồi lặng lẽ trong chiếc ghế bành màu đỏ với chiếc tẩu thuốc. Cách ngồi trầm tĩnh với ống tẩu tạo cho ông một cách thế riêng biệt rất dễ nhận trông đám đông ồn ào xởi lởi của một quán nước, nơi tập trung của giới người chuyên nghề “nói và viết”. Nguyễn Đình Toàn vốn rất ít nói, có nói cũng chỉ với tiếng nhỏ, ngắn lời..

Tuy nhiên mỗi lời nói ngắn, nhỏ kia chứa đựng sức nặng đáng kể khó ai phản bác, chống đỡ. Ví dụ nhận xét về một nhân vật đang giữ chức vụ cao trong chính quyền hay có những tuyên bố lớn tiếng, ồn ào, thái độ, đi đứng mạnh mẽ trong khi thể hình không mấy cao lớn, Nguyễn Đình Toàn đưa nhận xét: Nện gót giày kêu to, vung tay mạnh mẽ, tuyên bố ồn ào không làm cho người cao thêm chút nào cả! Kẻ bị/được nhận xét không (thể) có được một lời, một tiếng phản đối!

Đối với một gã trẻ tuổi giảo hoạt trong giới báo chí, sinh hoạt thanh niên sinh viên, đám đông trong quán nước phê phán: “Đấy chỉ là một tay lợi dụng cơ hội”. Nguyễn Đình Toàn cười nhạt, cất ống tẩu khỏi môi, nói tiếng chậm: “Các ông ông nói thế oan cho nó! Nó chỉ lăm le lợi dụng cơ hội!” Bàn nước chững lại không một ai biết được sau khuôn mặt bình thản kia có những phản ứng dữ dội ngấm ngầm thế nào? Từ lời nói, việc làm như vừa kể ra, dẫu không phải là người thân cận, anh nhìn thấy Nguyễn Đình Toàn quả thật là một người có bản lãnh, sắc sảo đáng quý trọng.

Ông không hề lớn tiếng, khoa trương, lớn lối. Đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật 1973 với giá hiện kim tương đương 40 lượng vàng, được hỏi sao không mua chiếc xe hơi đi cho nhàn hạ. Ông cười kín đáo: Thì đi Honda cũng sang chán. Nhận xét khách quan như trên về Nguyễn Đình Toàn thêm được củng cố sau năm 1968 khi gia đình người em gái có chồng là nhân viên hành chánh Ban Mê Thuột đổi về Tỉnh Gia Định.

Gia đình em anh trở nên là hàng xóm thân thiết với nhà Nguyễn Đình Toàn qua hai căn nhà đối lưng trong Khu Làng Báo Chí Thủ Đức. Sau năm 1975, bản thân anh, gia đình em, và Nguyễn Đình Toàn đồng lâm cơn đại loạn cùng lần nước mất nhà tan mà sống qua mỗi ngày, mỗi đêm là một lo sợ. Gặp lại ở Mỹ, vùng Nam California, anh và Nguyễn Đình Toàn là hai người cầm bút còn (sống) sót của Miền Nam vẫn tiếp tục công việc từ trước 1975 ở Sài Gòn: Chiến Đấu/Viết KHÔNG KHOAN NHƯỢNG VỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN Ở HÀ NỘI. Sự mến mộ trước 1975 nay thành một Lòng Kính Phục toàn phần cố kết.

#2- Hai.

Hiện nay, nước Việt Nam bên kia Thái Bình Dương bị độc trị bởi một chế độ chủ trương tận diệt tất cả di sản của người, và việc VNCH. Chủ trương độc hại nầy được hiện thực với Nghị Quyết 36 nhằm đánh sập Hệ Thống Chính Trị-Kinh Tế-Văn Hóa-Xã Hội” của Người Việt Tỵ Nạn CS nơi hải ngoại. Chiến dịch NQ36 nầy được khởi động từ 2008 với mục tiêu điển hình cụ thể, Vùng Little Saigon, Nam California. Trong cuộc chiến đấu không cân sức quyết liệt nầy – CHỮ/LỜI CỦA Nguyễn Đình Toàn NÓI CHUNG/CỤ THỂ QUA THƠ VÀ CA TỪ CÓ GIÁ TRỊ CÔNG LỰC VÔ CÙNG MẠNH MẼ.

Trước tiên, liên quan đến những cuốn sách viết trong một thời gian dài từ sau thập niên 1950, 60… đến trước 1975 và sau 1975 ở hải ngoại; không CHỈ tiểu thuyết, truyện ngắn mà bao gồm CẢ THƠ VÀ CA TỪ như cuốn sách giới thiệu hôm cuối tháng 4. Nhằm để trình bày đầy đủ, người viết sử dụng hai tiểu luận: Một của NTVinh, hai của Lưu Na về Nguyễn Đình Toàn. Hai tiểu luận của hai tác giả khác xa thế hệ, viết trước, sau 1975 ở Sài Gòn, và nay ở hải ngoại. Từ bài viết của NTVinh và Lưu Na với hai nhận định khác hẳn. Từ đấy, có thể tìm ra Điểm CHUNG NHẤT VỀ Nguyễn Đình Toàn mà chúng ta muốn nêu rõ. Trước tiên nói về Văn.

Nguyễn Đình Toàn sinh năm 1936 tại huyện Gia Lâm, bên bờ Sông Hồng, ngoại thành Hà Nội. Nên từ ngày khởi cuộc ông đã có câu xác nhận với cách tự tin: Tôi qua Sông Hồng, lên Hà Nội một thân không đàn anh, bậc thầy nào nào giúp sức! Di cư vào Nam 1954, ông cộng tác với hầu hết các nhật báo, tuần báo, giai phẩm ở Sài Gòn (do các bạn gốc người miền Bắc chủ trương, điều hành); biên tập viên Đài Phát Thanh Sài Gòn, nổi tiếng với chương trình Nhạc Chủ Đề. Tác phẩm đầu tiên, Chị Em Hải do NXB Tự Do, 1961.

Là tác phẩm đầu tay mang dấu ấn văn phong của Con Đường Nguyễn Đình Toàn xuyên suốt qua các tác phẩm sau nầy qua hơn một thập niên ở Miền Nam. Chị Em Hải, được Phạm Xuân Ninh (Nhà Thơ Hà Thượng Nhân) chuyển tới nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, đang là tổng thư ký nhật báo Tự Do. Như Phong nhìn ngay được viên ngọc ẩn thạch, văn tài của Nguyễn Đình Toàn từ cuốn sách đầu tiên đơn giản nầy. Hơn một thập niên sau, 1973 Áo Mơ Phai ra đời, hiện thực con đường đã được vạch ra từ dòng chữ đầu tiên trong Chị Em Hải nhưng được nâng lên bởi một kỹ thuật/nghệ thuật tinh tế hơn.

Trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng Áo Mơ Phai: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên.

Nhân vật chính trong tác phẩm là thành phố Hà Nội. Thành phố như giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi Nguyễn Đình Toàn xa Hà Nội mới 17 tuổi. Ông nói: Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử. Ôi chính xác và cảm động biết bao, Nguyễn Đình Toàn đã thấy trước Nỗi Đau của lần Mất Sài Gòn từ trước hơn ai hết của Ngày 30/4/1975. Và đây là lãnh vực RIÊNG của Nhạc Nguyễn Đình Toàn – Một Vùng Đất không hề chung đụng, ảnh hưởng, tác động bởi bất cứ ai, so với những nhạc sĩ chuyên nghiệp như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn.

#3-Ba.

Điểm đầu tiên cần phải nói tới là Nhạc Nguyễn Đình Toàn đưa đến cho người nghe, người hát những ca từ mà (có thể) họ không (cần) biết là của ai vì đó là LỜI CỦA NGƯỜI-CỦA CUỘC ĐỜI MÀ TÁC GIẢ – Nhà Văn-Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Toàn đã viết nên từ rung động tinh tế chân thành với chữ nghĩa giản dị, trong suốt – Chữ thấy ra nơi Chị Em Hải, trong Áo Mơ Phai.. Nhạc/Ca Từ Nguyễn Đình Toàn một lãnh vực độc đáo riêng mà bản thân anh dẫu là một kẻ thô thiển đứng ngoài cuộc của nhạc giới, cũng đã có những rúng động đến đổi lạ với chính mình qua nhiều lần lần tự hỏi.

Có thể những chữ nghĩa đơn giản/ca từ có thể tạo rung động lòng người đến thế sao? Cảm ứng nầy người viết xin mượn từ nhận định của Nhà Văn Nữ thuộc thế hệ thứ hai nơi hải ngoại –Lưu Na đã viết nên một cách chính xác.

Lời nhạc của ông thường là những lưỡi dao đâm suốt tim. Khi lớn lên, sau 1975 ở Việt Nam chưa bao giờ được nghe tên Nguyễn Đình Toàn. Giờ đây, ra hải ngoại nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn thì hóa ra đã nghe từ lúc nhỏ. Em Đến Thăm Anh Đêm 30, Tình Khúc Thứ Nhất. Rồi đến ca khúc thời kỳ sau của Nguyễn Đình Toàn, bài Hãy Thắp Cho Anh Một Ngọn Đèn. Lời ca hay ở chỗ giản dị, mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc, kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn.”

Vâng, mỗi Người Việt/Mỗi Người Việt Miền Nam cần thắp sáng cho nhau một ngọn đèn để hy vọng, để vượt sống 47 năm sau lần miền Nam sụp vỡ, Sài Gòn mất tên. Sài Gòn ơi! Bản thân người viết cũng như bao nhiêu người Sài Gòn vẫn còn nguyên Mối Đau. Sài Gòn ơi, Ta mất Người như người đã mất tên. Như dòng sông nước quẩn quanh buồn. Như người đi cách mặt xa lòng. Sài Gòn! Ta mất người như người đã mất tên. Như mộ bia đá lạnh hương nguyền. Như trời sâu đã bỏ đất sầu. Cám ơn Nguyễn Đình Toàn. Cám ơn Người Viết Ca Từ Nguyễn Đình Toàn.

#4-Bốn.

Dẫu viết văn, viết nhạc qua mọi hình thái biểu hiện – Nguyễn Đình Toàn trước tiên, chung nhất vẫn là/luôn là Một THI SĨ tức là Người Viết Văn-Viết Nhạc-Soạn Kịch- Viết Nhạc Chủ Đề. vv… Tất cả chỉ là hóa thân từ một tâm chất Một Thi Sĩ tức là Người Viết/Sống/Với Thơ là Một.

Phần định nghĩa nầy họa chăng chỉ riêng một mình Nguyễn Đình Toàn mới (có thể) trả lời chính xác. Tuy nhiên với tư thế, cảm ứng của người trình bày về một tác giả mà bản thân có mối kính trọng riêng thì anh có thể trả lời với kinh nghiệm chủ quan, và hoàn cảnh, điều kiện khách quan như sau: Con người, tất cả con người đều có chung những nhu cầu vật chất, tinh thần tổng quát trong cuộc nhân sinh – Nhưng người Làm Thơ có một nhu cầu riêng: SỐNG/VIẾT THƠ LÀ MỘT – TỨC SỐNG/VIẾT/THƠ LÀ MỘT. Ngày trước, Nguyễn Du phải viết Truyện Kiều; thời đại chúng ta Bùi Giáng; Tô Thùy Yên phải làm Thơ. Tương tự Phạm Duy phải viết Nhạc.

Trường hợp của Nguyễn Đình Toàn anh nghĩ cũng không khác. Cụ thể hơn, buổi ra mắt sách (chắc là cuối cuộc) ngày 24 Tháng 4 vừa rồi là một tập Thơ: Thơ và Ca Từ – Những chữ nghĩa của ông đúc kết trong tác phẩm cuối cuộc nầy. Chúng ta hãy đọc lại những lời khốc liệt: Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi. Bằng sức người vô hạn. Đầu đội trăm tấn bom. Tim mang nghìn dấu đạn. Tôi đã đổ mồ hôi. Đổ máu tươi. Để mong ở lại đây. Dù thế nào. Cũng ở lại đây… Không thể nào có những chữ, lời can đảm, chịu đựng hơn thế nữa. Những chữ, lời đã chuẩn bị thấy ra từ ngày 17 tuổi, 1954 khi xa Hà Nội với… những đêm khuya, những buổi chiều. Hà Nội như một cơ thể mắc chứng hoại huyết. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lầm lũi, ngày ngày gồng gánh, lếch thếch dắt díu nhau về Hà Nội… chờ để được đưa đi tới các phi trường, bến tầu – Di cư vào Nam. (Áo Mơ Phai).

Thơ nay được viết (lại) sau năm 1975 vì những gì (chế độ cộng sản Hà Nội) đốt được thì đã không còn. Tất cả hình ảnh của ngày phát giải Văn Học Nghệ Thuật 1973 (với Áo Mơ Phai) và tất cả sách Nguyễn Đình Toàn được/bị xếp vào loại “văn hóa đồi truỵ” nên tất cả bị tịch thu và trở thành “Tro Than“, như tên một tác phẩm định mệnh trong chiến dịch đốt sách khắp Miền Nam sau 30 Tháng 4, 1975. Nhưng như một phép lạ có thật, chiếc huy chương bằng đồng mạ vàng của giải thưởng năm 1973 đã được một người trẻ tuổi mua lại trên vỉa hè Hà Nội và giao lại cho ông.

Và quả thật là một phép lạ, trong vóc dáng gầy guộc, thêm mang bịnh lao phổi từ thập niên 60, Người Viết Thơ Nguyễn Đình Toàn đã vượt sống với một tinh thần chiến đấu quyết liệt. Hãy thắp cho anh một ngọn đèn. Dù mịt mùng xa xăm. Một ngọn đèn trong đêm mờ ám. Hãy thắp cho anh một ngọn đèn. Dù chẳng còn hơi ấm. Và kỳ diệu biết bao…

Cố thắp cho em một ngọn đèn. Để dù trong xa vắng. Em còn được cháy trong lòng anh. Ai trong chúng ta có thể nói những lời yêu thương đơn giản nhưng thắm thiết đến nhường nầy. Cách nói của “Những Người Viết Thơ”: Thế rồi, tôi sẽ đi tìm. Tìm em như thể là Người Đầu Tiên (Bùi Giáng); Ta về dẫu phải đi chân đất. Khắp thế gian nầy để gặp em… TTY. Cám ơn thêm một lần. Cám ơn rất nhiều lần những THI SĨ từ Miền Nam. Của Miền Nam.

Hậu Từ.

Bài viết có thể kết thúc nơi đây với ý kiến của Nguyễn Đình Toàn khi trả lời phỏng vấn của Hoàng Khởi Phong trên hệ thống RFA năm 2006. Ông có lời tường trình: “Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó (Áo Mơ Phai, SG, 1973-Pnn) chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử (Hà Nội-1954-Pnn) cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết”.

Phát biểu của Nguyễn Đình Toàn được NTVinh so sánh với diễn văn của Albert Camus khi dự lễ nhận giải Nobel văn chương 1957. Camus nhận định rằng: Ngày nay nhân loại gồm số nhỏ người làm lịch sử và đông đảo những người phải gánh chịu những hậu quả do biến cố lịch sử. Và Albert Camus cho rằng vị trí của những người làm văn học nghệ thuật là đứng về phía những người khổ vì lịch sử.

Qua hai nhận định nầy, anh có thể kết thúc bài viết như sau, Không có thể bảo: Ai khổ hơn Ai? Kẻ làm nên lịch sử hay số đông thường nhân (vô tình/cố ý) phải nhận mối oan nghiệt lịch sử ấy. Và nhà văn hay người dân dã muốn hay không muốn cũng phải nhận lấy. Chỉ riêng Nguyễn Đình Toàn thì nói rõ TÔI ĐÃ CỐ BÁM LẤY ĐẤT NƯỚC TÔI – Rất đông Người Việt cũng đã có quyết tâm ấy. Chỉ khác chúng ta không có điều kiện để nói ra như Nhà Văn-Thi Sĩ Nguyễn Đình Toàn mà thôi.

Nguyễn Đình Toàn lớn lao đến ngần nào.

Phan Nhật Nam

CA, 12 Tháng Năm 2022

Địa Ngục mở ra hằng ngày nơi An Lộc, Việt Nam, Tháng Tư, Tháng Năm 1972

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: