Vị nhạc sĩ ‘viết từ tim’

Nhạc sĩ Lam Phương. Ảnh PLO

“Tặng anh nhạc sĩ viết từ tim,

Bài ca hậu thế cuối cuộc đời.

Từ tim anh sáng tác lúc tuổi mười lăm

Không xúi căm thù, không nịnh người, không lệnh trên nhưng đến từ tim …”

Lời bài hát của nhạc sĩ Thu Chan một cựu Sinh viên Cao đẳng Sư phạm Saigon  (CĐSP) đã viết tặng vị nhạc sĩ tài ba Lam Phương; do nhóm ca sĩ không chuyên là cựu sinh viên trình bày, vẫn âm vang trong trí Hà mỗi khi cô ngân nga nhạc phẩm của Lam Phương. 

Hà nhận lời mời của nhóm cựu sinh viên CĐSP Sài Gòn tổ chức đêm Nhạc Lam Phương tại thành phố Garden Grove, Orange Couty vào ngày 11 Tháng Mười Một 2018.

Đêm ấy Hà được diện kiến ông lần đầu, âu cũng là một cái duyên. Đến sớm hơn mười phút mà khán phòng đã chật kín; là thân hữu lâu năm của nhóm, Hà được chị trưởng nhóm đưa vào một chỗ ngồi ưu tiên cùng dãy với nhạc sĩ, cách hai bác lớn tuổi, người hâm mộ và là tay đàn Hạ Uy cầm bản Phút cuối trong chương trình. 

Nhạc phẩm “Nhạc sĩ từ tim”. Ảnh do tác giả gửi

Tranh thủ bắt tay và chụp hình với ông, Hà được dịp đối diện mặt tận mặt. Ông vẫn còn nét phương phi và hình ảnh một thanh niên, một người đàn ông đẹp trai vẫn còn lộ rõ, dầu nay ông đã ở tuổi tám mươi ngoài.    

“Khung cảnh đẹp và ấm cúng quá, tuyệt vời. Mình tin rằng nhạc sĩ vui lắm,” vừa nói Hà vừa quay nhìn Lam Phương đang rạng rỡ tươi cười.

“Tụi mình rất quý tài năng của ông và đã cố gắng hết sức theo khả năng,” chị trưởng nhóm vui vẻ rời đi, sau khi chúc Hà có một đêm lý thú. 

Khán phòng chứa khoảng tám mươi ghế, nếu tính người đứng chắc hơn một trăm.  

Chương trình bắt đầu với lời tri ân và vinh danh nhạc sĩ của chị trưởng nhóm. Hà vô cùng xúc động vì nghe qua sự trình bày của chị thấy rõ tâm huyết của chị đặt vào chương trình này không ít. Chị cho biết gia tài nhạc sĩ dành cho dân Việt hơn hai trăm nhạc phẩm. 

Sau đó tặng hoa và quà cho nhạc sĩ, lúc này ông đã ngồi xe lăn sau cơn tai biến gần hai mươi năm qua, nhưng vẫn còn minh mẫn trả lời vài phỏng vấn ngắn. Câu nói nhớ đời ông để lại là “Nhạc của tôi viết từ tim”

Mở đầu chương trình nhưng lại là nhạc phẩm Phút cuối với phần độc tấu Hạ Uy cầm của một bác khoảng tuổi nhạc sĩ.   

Bác gái đàn bài Phút cuối mở đầu chương trình. Ảnh và ghi chú do tác giả gửi

 Tiếng ồn ào im bặt cả khán phòng chìm vào im lặng khi cung đàn cất lên réo rắt, từng nốt nhạc du dương nỉ non, da diết. Hà liếc qua nhìn gương mặt nhạc sĩ, ông không thể che giấu cảm xúc, nên mặc cho lệ ứa trào mi, ông run run đưa chiếc khăn giấy chậm nước mắt. Ông đã rơi lệ, có lẽ vì một người lớn tuổi xấp xỉ tuổi ông đã tha thiết nhấn từng phím đàn nhả ra những nốt nhạc từ trái tim của ông. Phải ông đã khóc. Hà không biết ông khóc vì xúc động hay vì tiếc nuối thời gian vàng son ngày trước hoặc vì cơn tai biến cướp mất khả năng sáng tác của ông? Có những tiếng sụt sịt và trong khán phòng những chiếc khăn giấy đưa lên thấm lệ, giây phút ấy thật cảm động, sẽ không bao giờ có lại phút giây này.

Nhìn ông ngồi đó thật khó mà tưởng tượng về một cậu thiếu niên hơn bảy mươi năm trước, mới mười tuổi đời đã bôn ba vào Sài Gòn mưu sinh, rồi viết nhạc năm mười lăm tuổi và đã thành công rực rỡ sau bao thăng trầm, chua cay nghiệt ngã.  

Những nhạc phẩm được tuyển chọn lần lượt trình bày trước sự hiện diện của tác giả. Những bài hát mà Hà thường ngân nga không ngờ cũng của ông; những bản nhạc với xuất xứ đặc biệt như: “Bài Tango cho em,” “Thiên đường ái ân,” “ Biển tình,” “ Chiều Tây Đô” mà Hà đã từng yêu thích và hát mỗi khi có dịp chơi văn nghệ với bạn bè, nhưng không màng quan tâm tác giả là ai.  Thật vô tình, thích hát là hát không cần biết đến người đã vắt óc nặn tim viết ra nó, có lẽ không chỉ riêng Hà vô ý đâu nhỉ?    

Mỗi nhạc phẩm đều được tóm tắt ngắn hoàn cảnh sáng tác với sự đồng ý của nhạc sĩ.

Đặc biệt nhất là “Thành phố buồn,” nhạc phẩm lịch sử đã nâng ông từ thấp lên cao, từ nghèo thành giàu, từ vô danh đến nổi tiếng. Nhạc phẩm đã được tái bản rất nhiều lần đến hàng triệu bản theo nhu cầu của mọi người, một nhạc phẩm mà muốn mua phải xếp hàng rồng rắn chờ. Hình ảnh chưa từng thấy với văn hoá Việt nam vào thập niên sáu mươi, “ văn hóa xếp hàng” chờ mua chứ không chen lấn ồn ào, chỉ duy nhất để mua bài Thành phố buồn. Theo lời kể của bà Tuý Hồng vợ đầu của ông.

Nhạc sĩ Lam Phương và cựu sinh viên CĐSP Sài Gòn, 11/2018. Ảnh do tác giả gửi

Từ “Tình đẹp như mơ” đến “Tình bơ vơ”; từ “Em đi rồi” đến “Mùa xuân không còn nữa”. Từ “Vùng trời ngày đó” đến “Cho em quên tuổi ngọc”; từ “Buồn chi em ơi” đến “Anh vẫn chờ em”; từ “Biển sầu” đến “Nghẹn ngào”; từ “Biết đến bao giờ” đến “Ngày tạm biệt”; từ “Một mình” đến “ Thu sầu”; rồi “Tình chết theo mùa Đông”; từ “Tháng tư buồn” đến “Tôi sẽ đi”…  

Với hơn hai trăm nhạc phẩm, hơn tám mươi tuổi đời, bao buồn vui, sầu hận ông đã nếm đủ “hương vị cuộc đời”, khi lên voi lúc xuống chó đều đã trải qua. Làm sao chúng ta có thể kể hết ra trong mấy trang giấy hạn hẹp này. Hà chỉ biết dành cho ông hai từ “trân quý.”   

Đôi bạn trình bày nhạc phẩm “Duyên kiếp” đưa Hà trở về thời niên thiếu khắp xóm dưới làng trên, đi đâu cũng nghe bọn trẻ chế lời nhạc ông. Hình ảnh bên tốp trai hát “Em ơi nếu mộng không thành thì sao?” bên tốp gái vênh mặt “Mua chai thuốc chuột uống vô rồi đời,” cả bọn đuổi nhau chạy vòng vòng vừa chạy vừa hát. Cảnh tượng ấy như đang diễn ra trước mắt khiến cô chợt bật cười không ngăn được, phải đưa tay lên bụm miệng.

Nhạc phẩm “Khúc ca ngày mùa” Hà cũng được góp mặt trong đội múa của trường, ca và múa nhạc phẩm của ông mà đến nay mới được gặp tận mặt. Thật vinh hạnh vô cùng.

Hết vui rồi buồn mọi người cùng hòa tâm hồn với tác giả, về thôn quê rồi đến thành thị, yêu rồi hờn, hạnh phúc rồi chia ly, mùa Hạ đến mùa Thu, mùa Xuân đến mùa Đông, bốn mùa hiện ra qua từng nhạc phẩm.  Hình ảnh quê hương với dòng sông với đồng lúa vàng dạt dào trong tâm hồn ông “Quê hương ơi, Việt nam nước tôi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời…” còn gì gợi hình hơn, còn gì thấm thía hơn với tâm tư ấy. 

Bản nhạc nổi tiếng nhất của ông ở hải ngoại đã làm vơi đi bao tâm hồn cay đắng của những người chồng đưa vợ qua Mỹ rồi bị cắm sừng, bị phản bội, bị từ bỏ không cần biết lý do từ ai nhưng họ thường lẩm nhẩm ca cẩm, sau vài ly bia và tung hô Lam Phương là sư phụ, vì ông đã thay họ nói lên nỗi lòng của mình:  “Anh đã lầm đưa em sang đây, để đêm trường nghe tiếng thở dài. Thà cuộc đời yên trong lòng đất được trở về tiếng khóc ban sơ…,” qua nhạc phẩm “Lầm”.

Dòng nhạc Lam Phương thật phong phú và vô hạn, ông là một nhạc sĩ tài hoa đã dâng tặng cho kho tàng âm nhạc Việt nam một tài sản tinh thần vô giá, không đủ ngôn từ để ca tụng ông và dòng nhạc của ông. Chỉ biết gửi đến ông lời tri ân nồng nàn và trân trọng.    

Hà không thể quên được cảm xúc khi nắm bàn tay nhăn nheo chỉ còn da và xương của ông. Hà chợt ứa lệ vì người này đã để lại cho hậu thế một tài sản quý báu, với hơn hai trăm nhạc phẩm đa số đều được mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội yêu chuộng. Một kho tàng âm nhạc vô giá. 

“Cháu rất mê nhạc của bác, cháu hát từ năm mười bảy tuổi đến giờ vẫn thích nhất nhạc của bác.  Cảm ơn Bác đã cống hiến nhiều cho dòng nhạc Việt Nam,” Hà nắm bàn tay xương xẩu ấy với hai tay của mình, bóp nhè nhẹ, lòng chợt rưng rưng.

“Tôi rất vui vì được mọi người đón nhận nhạc của mình. Cảm ơn,” ông nói giọng hơi ngọng chút xíu nhưng vẫn nghe được.

Ông hoàn toàn tỉnh táo và lịch sự cám ơn mọi người.   

Giờ ông ngồi đây trên xe lăn, tại sao Thượng đế lại lấy đi bộ óc âm nhạc ấy, bộ óc quý giá vô cùng, giờ đã không nhả ra cho đời những âm điệu yêu thương ray rứt nữa.   

Không biết ông nghĩ gì trong bộ óc đã bị tê dại ấy, nhưng khi ban tổ chức tặng quà và hỏi:

“Ông nghĩ gì qua đêm nay, thưa ông?”

“Tôi cảm động lắm, tất cả anh chị  em đều hát rất, rất, rất hay. Tôi như được trở về từng vùng trời kỷ niệm của mỗi tác phẩm, như được sống lại thời gian sáng tác từng bài hát một. Rất cám ơn anh em,” ông ngước mắt nhìn lên sân khấu như nhìn vào vùng trời kỷ niệm ngày xưa. 

Nhạc sĩ Lam Phương chụp hình chung với các cựu Sinh viên Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn.

Phần cuối của chương trình thật sôi nổi và xúc động với nhạc phẩm “Nhạc sĩ Từ Tim” của Thu Chan viết riêng tôn vinh ông và kính tặng ông như lời tri ân của nhóm sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm.

Hà không ngờ đêm gặp gỡ ấy là lần đầu cũng là lần cuối khi nghe tin ông qua đời vào năm  2020.

Cô lặng người khi thấy cáo phó về tang lễ ông. Rồi cũng qua một kiếp người, 

“Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Nhạc sĩ Lam Phương đã để lại tiếng thơm muôn đời với những nhạc phẩm viết từ tim.

Vô cùng tiếc thương ông

Chúng ta có thể tìm qua google chương trình “Nhạc sĩ Lam Phương và cựu Sinh viên Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn, phần một và hai, “ để nghe lại một số nhạc phẩm đi vào huyền thoại âm nhạc Việt Nam, do ca sĩ không chuyên trình bày. Và cùng xem lại hình ảnh của nhạc sĩ trong đêm ấy.                  

Garden Grove, 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: