Vĩnh biệt nhà văn Linh Bảo, vĩnh biệt ‘Mây Tần’

(Hình: tác giả cung cấp)

Nhà văn Linh Bảo vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 98 tuổi hôm Chủ Nhật 14 Tháng Tư 2024, mới qua đời tại tư gia vào Thứ Hai 22 Tháng Tư ở thành phố Westminster, Nam California.

“Linh Bảo sống trong một ngôi nhà nhỏ nơi Thị Trấn Giữa Đường / Midway City, có vườn cây trái phía sau, một hồ cá Koi. Cùng sống trong ngôi nhà ấy là ba thế hệ cũng là ba thế giới: Linh Bảo, con gái và một cháu ngoại nay cũng tới cái tuổi tam thập nhi lập…”  (Ngô Thế Vinh, 2015) từ đó cho đến nay.

Theo ước nguyện của nhà văn, gia đình sẽ tổ chức buổi lễ tưởng niệm tại niệm tại chùa Vạn Hạnh ở San Diego vào cuối Tháng Năm 2024. Đây là ngôi chùa mà nhà văn và người em Võ Sum, người đồng sáng lập vào năm 1977. Thân phụ bà thời làm quan ở Kontum, Quảng Ngãi cũng xây nhiều ngôi chùa.

Nhà văn Linh Bảo không sáng tác nhiều, đã ấn hành: Gió Bấc, truyện dài, Nxb Phượng Giang 1953. Chiếc Áo Nhung Lam, Sách Hồng, Nxb Đời Nay 1953. Tàu Ngựa Cũ, tập truyện ngắn, Nxb Đời Nay 1961, Tàu Ngựa Cũ, tựa đề của truyện ngắn, được lấy làm tựa đề của tuyển tập gồm 9 truyện, được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc của Việt Nam Cộng Hòa năm 1961 (Truyện dài Thềm Hoang của Nhật Tiến đoạt giải nhất, tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc của Doãn Quốc Sỹ và Tàu Ngựa Cũ giải đồng hạng). Những Đêm Mưa, truyện dài, Nxb Đời Nay 1961. Con Chồn Tinh Quái, truyện cổ tích, có 47 chương, Nxb Ngày Mới 1967. Những Cánh Diều, tập truyện ngắn, Nxb Trí Đăng 1971. Mây Tần, tuyển tập, đoản văn, Nxb Việt Nam Hải Ngoại 1981 (trùng tên với tập thơ Mây Tần của Nguyễn Bính năm 1942)… nhưng tên tuổi của bà được biết đến từ thập niên 1950’ cho đến nay.

(Hình: tác giả cung cấp)

Truyện của bà thường xuất hiện trên tạp chí Văn Hóa Ngày Nay năm 1958 của nhà văn Nhất Linh, Tân Phong của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, chủ bút (thân nhau từ khi ở Hong Kong),  Bách Khoa của Lê Ngộ Châu và sau đó trên các tạp chí văn học khác.

Không hiểu vì sao thời gian ở Mỹ bà không sáng tác. Theo nhà văn Ngô Thế Vinh: “Sau 1975, Linh Bảo hầu như hoàn toàn không viết và chị cũng chẳng mấy quan tâm tới những tác phẩm đã tạo nên văn nghiệp của mình. Linh Bảo thì lúc nào cũng vẫn như Một Cánh Diều sống lưu lạc ngoài Việt Nam, nhưng lòng thì vẫn khắc khoải hướng về quê nhà. Linh Bảo ví thân phận những người Việt tha hương như những cánh diều, chỉ vì một cơn cuồng phong, cơn bão thời đại đã thổi bạt họ đi khắp mọi nơi trên thế giới” và duy nhất với tác phẩm Mây Tần.

Tập truyện Mây Tần của nhà văn Linh Bảo, dày 450 trang, có 27 truyện từ Tàu Ngựa Cũ đến Những Cái Tết Tha Hương. Trong đó có Tàu Ngựa Cũ, Những Cánh Diều…

Có lẽ tác giả lấy tựa đề Mây Tần vì trong Những Cái Tết Tha Hương (1979) ghi lại quãng đời lưu lạc Tết Hong Kong năm 1946, Tết Nam Kinh, Tết Thượng Hải, Tết Quảng Châu, Tết Ba Lê, Tết Luân Đôn, Tết Mỹ, Lại Tết Mỹ.

Trong bài viết này, bà lấy bối cảnh những nơi đã sống, có thật nhưng với Mỹ, có lẽ với người bạn nào đó vì bà giảng dạy môn Việt ngữ Trường Sinh Ngữ Quân Đội ở Mỹ (1962-1976), chồng bà là giáo sư đại học Berkeley về sinh thái học (ecology).

Một đoạn trong Tết Mỹ, bà viết: “Tôi ăn Tết đầu tiên ở Mỹ với ‘bà cô các cháu.’ Bà chị sang Mỹ từ lâu. Chồng chết, bà sống một mình trong tòa nhà hai tầng. Tầng trên đẹp đẽ sang trọng, tầng dưới – hay đúng hơn là nhà hầm, có một phòng tắm, chỗ để máy giặt máy sấy, một cái tủ lạnh thứ hai để đồ ăn tích trữ và một cái giường cũ.

Tôi phải tha hai con đến nhà bà trong bước đầu tiên để chờ thẻ di trú, và cũng để cho phải phép. Mình đến cũng chả ai hoan nghênh, nhưng nếu không đến trước thì sẽ bị giận suốt đời.

Sau bữa cơm Tết đúng nghi thức, bà lùa ba mẹ con xuống phòng dưới ngủ. Phòng sát mặt đất, sàn xi-măng, lại không có sưởi, nên lạnh buốt. Tôi không ngủ được, lên cầu thang định tìm nước nóng uống thì cửa cầu thang đã khóa trái lại bên trên. Định mở tủ lạnh xem có gì uống được không, thì vừa nhìn đến, tôi bỗng ngẩn người ra. Cái tủ lạnh, lúc chiều hai con bé tò mò mở ra xem, tôi nhìn thoáng thấy bên trong đầy một tủ đào. Có lẽ bà chị mua sỉ nguyên cả thùng nên để dưới này cho khỏi chật tủ trên. Bây giờ, tôi thấy một sợi dây xích to bằng ngón chân cái buộc quanh, lại có khóa xích lại ở cửa tủ cẩn thận.

Tôi không thể nhịn được cười, nghĩ thầm đến cuốn sách tên là “Một Nghìn Lẻ Một Cách Làm Nhục Kẻ Khác.” Nếu sách này tái bản, tôi xin ghi thêm cái mục xích khóa tủ lạnh khi có bà con đến thăm và ở lại.

Hai con bé ôm nhau nằm co quắp ngủ say. Tôi không biết làm gì cho bớt lạnh, dậy sắp hành lý để ngày mai tha con về miền Cali. Ngày mai, tôi sẽ từ giã bà chị cô đơn, từ giã mưa rét Seattle, từ giã cái tủ lạnh có sợi xích sắt to tổ bố. Tôi tự dặn mình sẽ tìm nơi có nắng ấm, ít nhất là dù có đói cũng không đến nỗi rét.”

Trích đoạn Lại Tết Mỹ.

“17 cái Tết ở đất Mỹ; 17 năm làm thân con kiến để có kết quả ngày nay: tấm ngân phiếu dưỡng lão. Cái phần thưởng suốt mấy chục năm làm ngày làm đêm, lao tâm khổ lực để sửa soạn cho tuổi già. Người con gái bướng bỉnh, gan lì bạt mạng ngày xưa, bây giờ ngồi chờ lãnh lương hưu! Tôi chỉ thành công ở một điểm: không phải là một gánh nặng cho gia đình hay xã hội…

Tết San Diego năm nay lại chỉ là một Tết tha hương cô đơn như tất cả những Tết tha hương cô đơn khác. Cô đơn một mình và càng cô đơn hơn trong những lúc ở chỗ đông người. Có khác chăng, là tôi không cần phải có, dù chỉ tấm màn mỏng để làm biên giới. Tôi chỉ ngước mắt nhìn ra xa, trong một thoáng giây, là tôi có thể lẫn vào vùng ảo ảnh tâm linh khác, cách biệt hẳn với tất cả mọi người; hồn tôi đã tách riêng ra ở bên kia thế giới vô hình.”

Nếu không đọc tiểu sử của bà thì tưởng đoạn văn trên là thân phận của bà khi đến Mỹ.

Hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

“Đoái trông muôn dặm tử phần,

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.”

Mây Tần lấy từ điển tích từ hai câu thơ của Hàn Dũ (768-823) ở Trung Hoa bị đọa dày xa cố hương nên làm bài thơ than trách số phận với nỗi niềm: “Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại. Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.” (Mây ngang Tần Lĩnh biết nhà ta ở đâu? Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua) nói đến nỗi nhớ nhà.

(Hình: tác giả cung cấp)

Theo tiểu sử, nhà văn Linh Bảo, tên Võ Thị Diệu Viên, sinh ngày 14 Tháng Tư năm 1926 (trong gia đình vọng tộc, quan lại triều đình Huế: Ông nội: Thượng Thư Bộ Lễ Võ Liêm (1973-1936) cha Võ Chuẩn (1873-1936), Tổng Đốc dưới triều vua Bảo Đại, mẹ là Tôn Nữ Thị Lịch, vợ thứ), trong sáu anh chị em, có: Võ Sum (Hải Quân Đại Tá), Võ Thị Tuyết Phiến, Võ Thị Diệu Viên, Võ Thị Băng Thanh, dịch giả, cùng dịch Nỗi Buồn Chiến Tranh, Võ Thị Hoài Trinh (nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh 1930-2017), và Võ Tá Bá.

Trong những người cháu của bà có nhạc sĩ Võ Tá Hân, tuy du học trước năm 1975, thành danh trên xứ người, nhưng sáng tác của anh luôn mang tâm trạng của kẻ lưu vong.

Từ thời trẻ, Linh Bảo với mộng du học, rời xa gia đình sớm, vừa học xong năm thứ hai (1947-1949) đại học Tôn Trung Sơn thì Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục, bà sống lưu lạc qua nhiều nơi ở Hoa Lục như Nam Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hong Kong (Hương Cảng)… và sau đó sang Anh, Pháp và cuối cùng ở Mỹ. Bà là người Việt Nam hiếm hoi lúc đó biết tiếng Quảng Đông, Quan Thoại,tiếng Pháp, tiếng Anh…

Năm 1951, bà lập gia đình với một người Hoa Ling Po Chan (Trần Linh Bảo) mang quốc tịch Anh, và trở thành công dân Anh. Bút hiệu Linh Bảo theo tên chồng từ đó. Ngoài ra, bà còn có hai tên khác: Lại Cẩm Hoa (thư nhà văn Nhất Linh gửi cho bà khi còn ở Hong Kong với tên Lại Cẩm Hoa, tại đây bà quen thân với hai nhà văn Nguyễn Thị Vinh và Trương Bảo Sơn) và Vũ Trung Thư (Mo Chung Shu) tên ghi danh đi học ở Nam Kinh và Quảng Châu.

Tác phẩm Gió Bấc của bà viết xong tại Hương Cảng 1952, năm 1953 nhà văn Nhất Linh cho ấn hành Gió Bấc.

Năm 1954, khi Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hoà mới được thành lập, với khả năng thông thạo nhiều ngoại ngữ, bà được tuyển làm nhân viên của toà Lãnh Sự Việt Nam tại Hong Kong.

Làm việc tới năm 1957, bà trở về nước và chỉ sau hai năm, 1959 Linh Bảo lại chọn một cuộc sống xa quê nhà. Từ Hong Kong qua Pháp rồi qua Anh một thời gian, cuối cùng bà chọn định cư ở Mỹ sau khi được tuyển dụng vào giảng dạy môn Việt ngữ (1962-1976) tại trường Sinh Ngữ Quân Đội Mỹ (Defense Language Institute) Monterey, Bắc California cho đến khi ngôi trường bị giải thể sau chiến tranh Việt Nam.

Theo nhà văn Ngô Thế Vinh: “Học giả Nghiêm Xuân Việt, Văn Bút Việt Nam với thiện chí trao đổi văn hoá với ngoại quốc đã chọn hai truyện Người Quân Tử và Áo Mới trong Tàu Ngựa Cũ dịch ra Anh ngữ với tên truyện The Noble Man và Our Brand New Robes và gửi đi dự cuộc thi truyện ngắn do International PEN tổ chức 1961. Thành phần ban giám khảo gồm những tên tuổi như: Storm Jameson (Anh), André Maurois (Pháp), và Whit Burnett (Mỹ). Kết quả là cả hai truyện ngắn này được tuyển chọn vào chung kết trong số 26 truyện ngắn quốc tế hay nhất năm đó. Cũng thời gian đó Linh Bảo đang sống ở Luân Đôn. Hình như sau đó, hai truyện ngắn này được PEN Vietnam Centre dịch sang tiếng Pháp: L’ homme noble, và Robles Nouvelles để in trong tuyển tập truyện ngắn của Văn Bút Việt Nam.”

Nhà văn Viên Linh khi gặp bà lần đầu tiên năm 2006, viết: “Bà có nước da trắng hơn một người Á Châu bình thường, dung mạo như một phụ nữ Tây phương, hai mắt nhìn thẳng, nhân trung mở, sống mũi cao, cặp lông mày hơi xếch, và một vừng trán rộng, một cái cằm có góc cân đối, khiến toàn thể khuôn mặt – gọi là gương mặt thì đúng hơn – tỏa ra một ánh sáng khỏe mạnh, thẳng thắn.”

***

Trong quyển Văn Học Miền Nam Tổng Quan, nhà văn Võ Phiến đề cập đến khuynh hướng tình cảm có: Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Nhã Ca, Thanh Nam, Văn Quang.

Võ Phiến viết về Linh Bảo trên tạp chí Bách Khoa, năm 1962: “Trong số những người đàn bà viết văn ở ta hiện nay, có lẽ Linh Bảo có tài nhất: có tài quan sát, lại có tài diễn tả một cách thông minh những điều mình quan sát. Quan sát và phân tích tâm lý, Linh Bảo đã trình bầy được mỗi nhân vật với một hình dạng, một cá tính rõ ràng, một lối sinh sống và ăn nói riêng biệt… Linh Bảo thường hay tìm ra cơ hội để làm người đọc mỉm cười, dù là trong những trường hợp buồn thảm: nhà ngập lụt, vợ chồng giận nhau. Giữ được nét mặt tươi tắn cả trong khi buồn, đó là một lối làm đẹp rất khéo của đàn bà, nhất là đàn bà ‘lịch sự’: vì vậy mà cái cười do Linh Bảo gợi lên lắm lúc có chua chát, người đọc vẫn dễ có cảm tình với giọng văn của tác giả.”

Trong ký sự văn học Giai Thoại Hồng của nhà văn Hồ Trường An năm 1989, về các nhà văn nữ. Chương V: Linh Bảo & Minh Đức Hoài Trinh (trang 73- 94).

“Sau năm 1959, trên văn đàn, Linh Bảo như một bóng ma, hiện đó rồi mất đó, gieo lại cho người theo dõi văn chương cái ám ảnh bàng bạc… Giữa lúc mọi người sắp quên, thì bà hiện đến, múa vài đường bút ngoạn mục rồi biến đi. Khi rời nước, bà cộng tác với tập san Tân Phong qua hình thức các lá thư gởi cho chị Nguyễn Thị Vinh rồi biến bặt tăm khi tờ báo đóng cửa… Sự ẩn hiện của bà có vẻ quyến rũ. Một nhà văn ăn khách vụt biến đi dễ gây khao khát thèm thuồng cho người đọc… Sáng tác dù hay, nhưng sự xuất hiện thường xuyên cũng dễ gây nhàm chán cho độc giả”.

 Trong cuốn sách Các Nhà Văn Nữ Tại Miền Nam Việt Nam (1954-1975). Nguyên tác Anh ngữ: “Women Writers of South Vietnam (1954-1975)” của Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang do Đoàn Thanh Liêm dịch, người viết ghi về Linh Bảo với những dòng trang trọng: “Nhân vật nữ trong các tác phẩm của Linh Bảo thường cũng biểu lộ một khía cạnh trong nhân cách của tác giả. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của vấn đề, cái phần liên hệ tới chủ đề. Ngay trong nghệ thuật viết, tính chủ quan của bà cũng được biểu lộ một cách độc đáo. Thường xuyên trong các tác phẩm của mình, Linh Bảo xác định cá tính của mình qua sự phê phán với giọng văn khôi hài chua cay về những tình huống liên hệ đến phụ nữ.”

Có lẽ trong gần nửa thế kỷ qua, tập truyện Mây Tần của nhà văn Linh Bảo ấn hành năm 1981 rồi bà không còn xuất hiện trên văn đàn Việt Nam ở hải ngoại nên bị lãng quên… Với các tác phẩm trước năm 1975 đã được đề cập ở trên qua các bài viết sau này còn được nhắc đến.

Với tôi, tác phẩm Con Chồn Tinh Quái (Ngày Mới 1967), chưa thấy nhận định nào, nhưng tôi rất thích. Từ những mẩu chuyện Tại Sao Loài Chồn Ra Đời, Bạn Bè Họ Hàng Của Chồn, Chồn, Chó & Mèo, Chồn & Quạ, Chồn, Chim & Thỏ, Chồn Chữa Bệnh, Gà Trống Gặp Chồn, Chồn Về Kinh, Chồn Tự Biện Hộ, Vận Mệnh Chồn, Chồn Nhạc Sĩ, Chồn Báo Thù Gấu, Chồn Cứu Sư Tử, Chồn Học Cách Chia Phần, Chồn Từ Quan Về Quê… cuối cùng Cái Chết Của Chồn. Với cái nhìn tinh tế, sâu sắc, ví von với giọng văn dí dỏm, trêu chọc lôi cuốn người đọc đi vào thế giới động vật rất sinh động.

 Khi nhà văn Nguyễn Thị Vinh qua đời ngày 8 Tháng Giêng năm 2020, tôi viết bài Tưởng Nhớ Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh (1924-2020) ngày 10 Tháng Giêng 2020 được đăng trong tuyển tập này (trang 698-701) có tấm hình ở tòa soạn Văn Hóa Ngày Nay năm 1958 với Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Nhất Linh, Bình Nguyên Lộc (có lẽ là hình ảnh duy nhất với nhà văn Linh Bảo?) cùng với bài viết về nhà thơ Hoàng Anh Tuấn và bài viết Khái Quát Báo Chí Việt Ngữ Tại Little Saigon (trong mục sinh hoạt).

 Bài viết của nhà văn Ngô Thế Vinh năm 2015 về nhà văn Linh Bảo, sau đó ấn hành trong  tác phẩm Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa năm 2017, Viet Ecology Press xuất bản được xem là tài liệu văn học hữu ích. Với 18 chân dung gồm 13 nhà văn, nhà thơ, nhà báo, ba họa sĩ và hai nhà văn hóa, hai trí thức khoa bảng đáng kính bậc nhất của Việt Nam.

Ngô Thế Vinh lần đầu tiên gặp Linh Bảo khi sang tu nghiệp ngành Y tại San Francisco nên từ đó quen thân và có nhiều tài liệu để viết về bà rất chính xác. Tuyển tập 2 ấn hành năm 2022 (Viet Ecology Press).

Tháng Hai 2024, tác phẩm Ngô Thế Vinh, bằng hữu & văn chương do Ngôn Ngữ ấn hành, dày 700 với nhiều tác giả từ thời ở miền Nam VN cho đến nay. Tuy xuất thân ngành y nhưng anh đam mê nghiệp cầm bút với những sáng tác và công trình biên khảo văn học nghệ thuật & môi trường, lịch sử rất giá trị. Nhân đây, cảm ơn anh đã có nhã ý gởi tặng tôi những tác phẩm giá trị làm tài liệu.

Kể từ tác phẩm đầu tay đến nay đã bảy thập niên, nhà văn phái nữ nổi tiếng cũng chẳng gây thù oán gì trên văn đàn nhưng ít được nhắc đến, bị bỏ quên trong khi những nhà văn nữ cùng thời và sau đó, được đề cập.

 Nay nhận tin bà đã ra người thiên cổ, tưởng nhớ đến bà, Vĩnh Biệt “Mây Tần” với nỗi ngậm ngùi. Cầu nguyện nhà văn Linh Bảo về cõi vĩnh hằng “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” xa lánh chốn lao xao nơi cõi trần.

 Little Saigon, April 25, 2024

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: