Nhớ Sở thú Sài Gòn

Voi tại Sở Thú, trước có tên là Vườn Bách Thảo. (Tranh: Họa Sĩ Phạm Công Tâm)

Tôi nhớ hồi còn nhỏ trước năm 1975, khi Tết đến, người lớn có nhiều thứ phải lo nghĩ. Còn đám con nít chỉ có ba điều trông đợi: được may quần áo mới, được ăn ngon và được… đi Sở Thú.

Sở Thú, là cái tên huyền thoại của tất cả con nít miền Nam, miền trung từ vĩ tuyến 17 đổ vào. Mùa Hè, đứa nào được theo cha mẹ vô Sài gòn thì nhất thiết phải đến đó, để được ngắm nhiều loài thú lạ, ăn kem, mua bong bóng bay, ngắm lối phẳng cây trồng, thăm lâu đài công chúa ngủ trong rừng, thẩy vòng, xem xiếc và vô vàn thứ khác. Nhất thiết phải chụp vài tấm hình về khoe với bạn dưới quê, chắc chắn hãnh diện còn hơn bây giờ đi du lịch nước ngoài.

Tính đến năm 2024, Sở Thú Sài Gòn, còn có tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đã tồn tại 160 năm, từ khi thành lập năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Người có công xây dựng Sở Thú là Đô Đốc Toàn Quyền Đông Dương Pierre-Paul De La Grandière, với mục đích bảo tồn động thực vật và phục vụ việc nghiên cứu khoa học. Sau khi mở mang 12ha vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây, năm 1865, công trình hoàn thành với nhiều loại thú và cây quý hiếm được nhập về từ các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia… và mở rộng đến 20ha.

Dấu vết hoạt động của Sở Thú thời Pháp thuộc thể hiện qua báo chí lúc đó. Bài viết “Hai Vườn Bách Thú” của tác giả Nguyễn Khắc Hiếu tức nhà thơ Tản Đà trên tờ Đông Pháp thời báo, số 635 (14/10/1927) giúp độc giả ngày nay hình dung chi tiết về hoạt động của Thảo Cầm Viên Sài Gòn cách nay xấp xỉ 100 năm. Bên cạnh là những điều so sánh của ông với Vườn Bách Thú Hà Nội (sau này đổi lại là Vườn Bách Thảo) trong đoạn văn ở tập “Chơi còn chơi” mà ông dự định in ở tờ An Nam tạp chí, trích đăng trước ở Đông Pháp thời báo.

Ông viết: “Hà Nội và Sài Gòn, là hai chỗ đại đô hội ở nước ta, người Pháp đều có lập vườn nuôi bách thú. Vườn Bách Thú ở Hà Nội thời tôi đã rõ lắm; mới đây ở Sài Gòn, chơi vườn bách thú thời thấy phong cảnh có hơi khác; Về loại cây cỏ có vẻ sầm uất hơn, mà các giống nuôi lại hơn lắm. Như loài chim thực nhiều, không biết hết được rõ tên; có cả gà rừng gà gô, gà rừng có mái nuôi con, trông rất có cảnh trí. Về loài thú thời có như voi, như lợn rừng, đều là những vật ở Hà Nội hiện nay không có. Các hổ báo cũng nhiều, mà cách nuôi cũng khác.

Như Vườn Bách Thú ở Hà Nội thời chỗ nuôi hổ chỉ từng ô con, trên là mái ngói, dưới chung quanh có song sắt bên trong lại có cái ổ nhỏ con nữa, để những lúc người vào quét rửa, thời xưa cho các hổ chạy vào đó mà lấy then sắt chặn ngang lại. Nghĩ cho loài hổ, to lớn hung tợn như thế, mà hai ba con cùng ở chung một cái ô nhỏ hẹp không bằng nửa gian nhà, chỉ đủ quay mình mà không còn chạy nhảy chi được, như thế thời chắc chúng nó cũng tự lấy làm bực dọc lắm.

Cho nên, ở Hà Nội, mỗi khi lên chơi Vườn Bách Thú mà qua tới chuồng hổ, thì chỉ thấy những con hổ nằm dài cả ra, có nhiều con nhắm mắt, dẫu ném đá cho nó tỉnh thì nó cũng chỉ hơi mở mắt, rồi lại nhắm ngay lại mà thôi. Người không xét có lẽ cho là những con thú đó vì đói mà nằm dài; nhưng nhiều khi thấy ở bên cạnh những con hổ nằm dài ấy vẫn có những miếng thịt bỏ lạng tạ, vậy thì có phải là đói đâu?”

Theo ông, trước kia Vườn Bách Thú Hà Nội, hổ báo cũng nhiều, so với ở Vườn Bách Thú Sài Gòn này, có lẽ nhiều hơn, nhưng khoảng đầu xuân năm Đinh Mão (1927), khi ông đến Vườn Bách Thú Hà Nội, đến chỗ nuôi hổ thì chỉ thấy hổ còn một con, báo còn một con. Và tự hỏi từ khi ông vào Nam đến nay, không biết ở Vườn Bách Thú ở ngoài ấy ra làm sao.

Ông nhận xét: “Cách nuôi hổ ở Vườn Bách Thú trong này, so với ngoài Bắc rất là rộng rãi hơn. Chỗ hổ ở là một khu đất rộng, song sắt rào chung quanh, rào cao cho các hổ không thể nhảy ra được.

Trong khu rào, có làm những mô đất như thể cái gò con, trong cái gò ấy rỗng mà xây, là để cho các hổ nương núp lúc nắng mưa; lại có một chỗ đào trũng, vuông khá rộng, trong chứa nước, để cho các hổ tùy ý muốn uống nước hoặc đùa giỡn. Đi chung quanh chỗ hổ ở, thấy có con nằm ở góc rào, có con đi, có con đùa nước, có những con nằm trong mô đất thò đầu ra, thực là khoái hoạt hơn các bạn đồng chủng của nó ở ngoài Bắc, cho nên đến nay mà Vườn Bách Thú trong này còn có được nhiều hổ đến như thế. Ông liên tưởng “trong Vườn Bách Thú Hà Nội khi trước, cũng có voi, cũng có trăn to, có chó sói (lang) mà chết đã lâu cả, đến nay còn nhiều đó chỉ là những huơu, nai, cò, diệc đó mà thôi.”

Tất nhiên, đây chỉ là góc nhìn cá nhân nhưng có ý nghĩa vì tác giả là người làm báo nổi tiếng và là nhà thơ lịch duyệt, đi được nhiều nơi.

Bảo Tàng trong Sở Thú. (Tranh: Họa Sĩ Phạm Công Tâm)

Hoạt động của Sở Thú Sài Gòn tiếp tục được phản ánh rải rác trên báo. Năm 1924, chính quyền thuộc địa Pháp có gửi một con voi Việt sang thành phố Lyon, nước Pháp từ nhóm năm con voi đang nuôi ở Sở Thú Sài Gòn. Trong Tháng Sáu năm 1929, có thêm một con khỉ của ông Trần Văn Tâm, một sốp-phơ (tài xế) nhà số 52 đường Bourdais (nay là Calmette) tặng. Một con Calao (chim Hồng hoàng) lớn của ông David Beaulien là chủ quận ở Hớn Quản tặng. Hai con rắn của A Can, sở dầu Văn Chương Thang nhà số 38 Quai du Cambodge (đường Kim Biên) ở Chợ Lớn tặng. Cũng trong thời gian đó, một con heo giống Ấn Độ mới đẻ và Sở Thú mua thêm hai con chàng bè, hai con trĩ, năm con le le (theo báo Công Luận, số 1317, 4/7/1929).

Năm 1935, sau chuyến thăm Sài Gòn của Đức Vua Thái Lan Rama VI trước đó, một tượng voi bằng đồng từ Bangkok được đưa đến cảng Nhà Rồng, là quà tặng của Vua Thái Lan. Bốn mặt quanh bệ tượng đính bốn bảng đồng với dòng chữ “Đức Hoàng Đế Paramidr Maha Prajadhipok vua nước Xiêm đã tặng để làm kỷ niệm trong việc ngài ngự qua bên nước Indo Chine lần đầu. Ngự lên tại Sài Gòn ngày 14 April 1930” bằng bốn thứ tiếng Việt, Thái, Pháp và Anh. Bức tượng cao 1.5 m, nặng trên một tấn và được đặt trên bệ cao 1.6 m. Chính quyền Sài Gòn thời đó quyết định dựng tượng ở phía trước Đài Tưởng Niệm (nay là đền Vua Hùng) bên trong Sở Thú.

Bức tượng quý này càng làm tăng thêm tính hấp dẫn của vườn thú. Từ đó cho đến nay, gần 90 năm qua, bức tượng voi đồng này đã vào bao nhiêu bức ảnh của dân Sài gòn – Gia Định và các tỉnh khi có dịp đến thăm nơi này.

Báo chí thời đó khá quan tâm đến Vườn Bách Thú, nên đến năm 1937, báo Công Luận số 7479 ra ngày 9/8 giật tít khiến độc giả giật mình “Nên dẹp quách Vườn Bách Thú cho rồi.” Tuy nhiên, bài báo này không nói về Sở Thú Sài Gòn mà nói về Sở Thú Nam Vang thuộc Cambodge cũng nằm trong liên bang Đông Dương.

Theo tác giả Cô Tòng Tử, Nam Vang là kinh thành lớn của Đông Pháp, kinh đô của xứ Cao Miên nên nhiều khách du ngoạn đến viếng. Ở đây có chùa Vàng, chùa Bạc, bảo tàng viện Albert Sarraut… Khi du khách nghe nói xứ này rừng núi nhiều, nghĩ là nên đến xem vườn bách thú ắt có nhiều thú nhưng khi đến nơi lại phì cười vì ở đó chỉ có vài con cọp, vài con beo, ít con chim… vậy mà mang tiếng vườn bách thú kinh đô Cao Miên.

Tác giả cho rằng thà đừng lập ra còn hơn là để tên vườn bách thú mà trống trơn, tốt hơn là dẹp quách nó đi cho đỡ bị nhạo báng và đỡ tốn kém. Tác giả cho là ở đây chợ cũng đẹp hơn các chợ trên cõi Đông Pháp, vận động trường cũng đang xây dựng sắp hoàn thành, thì chẳng lẽ không lo cho được cái sở thú. Ông hiến kế vài việc cho Vườn Bách Thú Nam Vang được tốt đẹp như ở Nam kỳ.

Xem ra, Sở Thú Sài Gòn thời đó hoạt động rất tốt, và là niềm tự hào của dân chúng Nam kỳ thời ấy.

Sở Thú Sài Gòn còn có tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. (Tranh: Họa Sĩ Phạm Công Tâm)

Qua năm sau, Sở Thú Sài Gòn tiếp tục bổ sung thú mới với hai con đà điểu được đưa đến từ Vincennes (Pháp) đem qua do chiếc tàu Cap Varella chở đến Sài Gòn ngày 18 Tháng Mười Hai năm 1938. Thiên hạ đã lũ lượt đến xem vì hiếu kỳ trong cả tuần lễ sau đó. Báo chí đã phỏng vấn ông Feunteun cai quản sở thú. Theo ông, hai con này do ông Urbain cai quản vườn bách thú ở Vincennes gửi tặng. Mỗi con trị giá 1,000 đồng bạc Đông Dương, tiền chở qua là 3,000 đồng. Mỗi ngày mỗi con ăn 2.5 kg hột bắp. Giống chim này có sức mạnh lạ thường, chạy với tốc lực không thua con ngựa. Tuy nhiên, qua năm sau, báo Công Luận đưa tin một trong hai con đà điểu mới đưa bị chết do uống lầm lon nước sơn của một người thợ sơn lồng bỏ quên trong đó. Người thợ sơn bị ông Chánh cai quản sở thú la rầy và răn phạt.

Cuộc sống ở Nam kỳ dễ chịu hơn nhờ sự hiện diện của sở thú nổi tiếng này, đặc biệt khi nó nằm bên cạnh Viện Bảo Tàng Blanchard de la Brosse xây xong năm 1928 với nhiều cổ vật quý giá toàn Đông Dương tạo thành hai địa chỉ hấp dẫn để tham quan trong một chuyến viếng thăm đầy bổ ích cho cả gia đình, nhất là đối với lứa tuổi học sinh đang tiếp thu kiến thức xã hội.

Trong cuốn “Khách Sạn Continental,” tác giả Philippe Franchini viết về thú vui của gia đình ông Hưng, nhân viên ở Sở Bưu Điện, và làm việc thêm vào ban đêm trong một khách sạn của ông: “Ngày chủ nhật, ông ta đưa cả gia đình đi sở thú, vườn bách thảo trước kia, nơi ít có người ngoại quốc lui tới. Ngày hôm đó, vợ con ông mặc những chiếc áo cánh đẹp nhất của họ, còn những đứa con trai bận bộ vét ủi thẳng và giày da bóng lộn. Nhân dịp này, họ chụp hình trước viện bảo tàng; tấm hình sẽ nằm dưới tấm kính của mặt bàn phòng khách cùng với những kỷ niệm khác.

Bởi vì ông Hưng không bao giờ bỏ qua dịp bước vào viện bảo tàng. Ông sung sướng cho các con mình chiêm ngưỡng những di vật Trung Hoa, Việt Nam và Chàm được trưng bày ở đây. Chúng chứng thực tính cổ xưa của nền văn mình này. Nếu tình cờ họ chạm trán vài chàng lính Mỹ lạc loài, ông Hưng sẽ ưỡn ngực ra vênh váo. Đây là lúc mà mọi người ngoại quốc phải hiểu rằng nước Việt Nam không phải chỉ là xứ sở của những quầy rượu, của tham nhũng và ma túy, rằng Việt Nam còn hiện thực hơn cả quốc gia khác hiện hữu mà ông Hưng là công chức của Sở Bưu Điện hãnh diện.”

Từ năm 1959, khu vực Sở thú Sài Gòn càng thêm hấp dẫn khi phía sau nó, ngay bên bờ sông Thị Nghè mọc lên khu “Giải Trí Trường Thị Nghè” được tổ chức có quy mô lớn với hàng trăm gian hàng được xây cất mỹ thuật trong giải trí trường cùng với một hí viện lớn. Ở đây có những trò chơi mới nhất thời đó cho trẻ em như chuyến xe lửa tí hon chạy quanh khu giải trí, gian ngựa gỗ, đài máy bay. Dành cho người lớn có những quán ăn, giải khát, phòng trà, ca nhạc, rạp cải lương, rạp chiếu bóng, phòng đọc sách, các gian hàng đánh số tự động, quay số, xổ số, ném bóng, bắn súng, trò chơi đĩa bay,…

Cuối năm 1974, một Đại Hội Nhạc Trẻ Thảo Cầm Viên tổ chức với những ban nhạc trẻ và các nghệ sĩ quen thuộc. Tuy nhiên, đây là Đại Hội Nhạc Trẻ cuối cùng được tổ chức tại Sài Gòn khi tình hình chiến sự ngày càng nhiều biến động.

Từ năm 1975 đến nay, Sở Thú Sài Gòn trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn tồn tại. Hầu như mọi người dân Sài Gòn – Gia Định và nhiều người dân các nơi về thành phố này, qua nhiều thế hệ đều có dịp viếng thăm Sở Thú Sài Gòn – nơi ấp ủ nhiều kỷ niệm của bao thế hệ, bao gia đình trên đất Việt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Sát thủ Zodiac
Zodiac được trích từ tiếng Latin –  Zodiacus – có nghĩa là chu kỳ hay vòng tròn của sinh vật. Zodiac – theo tử vi bói toán của Tây phương…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: