Hoa Kỳ phải gia nhập CTTPP trước khi quá muộn

Để có chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc ở châu Á, Hoa Kỳ phải sớm gia nhập CTTPP. Ảnh CCO Public Domain/Pxhere.com

Để ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ không có cách nào tốt hơn là gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (CTTPP)

Hôm 16 Tháng Chín, Trung Quốc chính thức bắt đầu các thủ tục tham gia một hiệp ước thương mại tự do có tên là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP), gồm 11 quốc gia. Một tuần sau đó, Đài Loan cũng đề nghị tham gia vào hiệp định thương mại tự do quan trọng này. 

Cuộc chạy đua của Trung Quốc và Đài Loan bỗng chốc làm cho câu chuyện CTTPP nóng lên sau nhiều năm tưởng chừng đâu đã vào đấy. Giới quan sát hầu như cùng nhận định động tác của Trung Quốc và Đài Loan đang đặt Tổng thống Joe Biden trước một sức ép lớn: Mỹ phải gia nhập CPTPP trước khi quá muộn vì đó là cách hữu hiệu để ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh. “Việc Trung Quốc gia nhập CTTPP đang giáng một đòn mạnh vào nghệ thuật quản trị kinh tế của chính phủ Mỹ và củng cố hơn nữa vai trò lãnh đạo của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương,” trang The Hill nhận định.

CTTPP là hậu thân của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) mà chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã mất bảy năm đàm phán với 11 nước đối tác ven bờ Thái Bình Dương, cả châu Á và châu Mỹ. Khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra tuy chỉ có 12 quốc gia nhưng chiếm khoảng 40% tổng sản lượng (GDP) của thế giới. Hiệp định TPP đã được ký kết hồi tháng Hai 2016 tại Auckland, Tân Tây Lan nhưng còn phải chờ quốc hội các nước thành viên phê chuẩn thì mới có hiệu lực. 

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền vào ngày 20 Tháng Một 2017 và ngay trong tuần lễ làm việc đầu tiên, ông Trump đã quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP trước khi Quốc hội Mỹ có ý kiến. Washington nghĩ rằng, không có Mỹ thì TPP sẽ chết. Nhưng không phải như vậy, 11 nền kinh tế còn lại, dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, đã tiếp tục tiến tới, điều chỉnh một số điều khoản và cho ra đời hiệp định CTTPP vào năm 2018. Hành động rút Hoa Kỳ khỏi TPP của ông Trump được giới phân tích chính trị và kinh tế đánh giá là “món quà lớn nhất mà ông Trump tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.

Sở dĩ như vậy vì TPP không đơn giản là một hiệp định thương mại tự do mà còn là một bộ phận trong chiến lược tái cân bằng sang châu Á của chính quyền Obama nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế, song song với gia tăng áp lực về quân sự. Đại diện Thương mại Mỹ đánh giá TPP là “một hiệp định mạnh, giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp và người lao động Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21”. TPP không chỉ khuyến khích các nền kinh tế thành viên thực hiện cải cách theo thị trường mà còn đặt ra một con đường hấp dẫn thay thế cho mô hình kinh tế nhà nước của Trung Quốc và chứng minh Washington ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập của châu Á vào nền kinh tế thế giới.

Hiệp định bao gồm những điều khoản chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây như yêu cầu về quản trị tốt, chấm dứt trợ cấp của chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nhân quyền và quyền của người lao động, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đặc biệt hiệp định đặt cơ chế cho phép nhà kinh doanh khởi kiện các chính phủ nếu các chính phủ ban hành hoặc thay đổi luật lệ có hại cho hoạt động hợp pháp của họ. Khi chuyển thành CTTPP, hiệp định TPP nguyên thủy đã bị lược bỏ gần 20 điều khoản quy định về đầu tư, mua sắm của chính phủ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ – là những điều mà Mỹ cương quyết đưa vào trước kia.

Trung Quốc không được mời tham gia hiệp định TPP do nền kinh tế phi thị trường này có rất nhiều khía cạnh không tương thích với tinh thần của TPP. Các nhà đàm phán hy vọng TPP sẽ thúc đẩy Trung Quốc thực hiện cải cách nền kinh tế của họ theo hướng thị trường tự do và các chính trị gia có khuynh hướng cởi mở ở Trung Quốc sẽ dùng TPP để biện minh cho quan điểm cải cách của họ.

Nhưng tình hình đã không diễn ra theo hướng đó. Để đối lại TPP, Bắc Kinh đã lôi kéo 10 nước Đông Nam Á và năm đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Tân Tây Lan và Nam Hàn) cùng đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP) chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại. Hiệp định RCEP được ký kết ngày 15 tháng Mười Một năm 2010 tại Hà Nội.

Cùng với các hiệp định thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, đại dự án Vành Đai và Con Đường (BRI), hiệp định RCEP đã ràng buộc chặt chẽ các nền kinh tế châu Á vào kinh tế Trung Quốc, làm giảm vai trò và ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ tại khu vực này. Bây giờ nếu Trung Quốc có chân trong CTTPP thì rõ ràng Hoa Kỳ không còn chỗ đứng hoặc tiếng nói nào trên các diễn đàn kinh tế khu vực, một viễn cảnh mà chuyên gia Jeffrey J. Schott của Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế (PIIE) cho là “không thể tưởng tượng nổi”.

Đối với đa số thành viên CTTPP, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hơn Mỹ. Nguồn: Viện Peterson về kinh tế quốc tế (PIIE)

Trong tình huống như vậy, để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, Hoa Kỳ không có lựa chọn nào tốt hơn là tham gia hiệp định CTTPP trước khi quá muộn. Nếu Trung Quốc trở thành thành viên của CTTPP và Washington phải thương lượng với Bắc Kinh để được gia nhập một hiệp định thương mại tự do được Hoa Kỳ khởi xướng mười lăm năm trước thì đó quả là một chuyện trớ trêu cười ra nước mắt.

Năm 2015, khi cuộc đàm phán TPP đi vào giai đoạn cuối, bộ trưởng quốc phòng Mỹ là ông Ash Carter đã ví việc ký kết TPP có tác dụng giống như Hoa Kỳ bố trí một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm thường trực ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc. Nay đã đến lúc Mỹ phải đưa chiếc hàng không mẫu hạm đó trở về vị trí chiến đấu của nó. Trên báo The Washington Post, nhà bình luận chính trị nổi tiếng Fareed Zakaria thậm chí còn cho rằng, việc Mỹ tham gia hiệp định CTTPP thậm chí còn quan trọng hơn, có tác dụng mạnh hơn việc Washington ký kết liên minh quân sự Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) và cung cấp tàu ngầm nguyên tử cho Úc gây chấn động thế giới mới đây.

Có nhiều lý do để chính quyền Biden phải xem xét nghiêm chỉnh việc gia nhập hiệp định CTTPP, giống như đã quay lại với hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay thỏa thuận P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran. 

Tổng thống Biden nhiều lần tuyên bố rằng đối phó với Trung Quốc là một trong những chính sách ưu tiên của ông, tất nhiên bao gồm cả lĩnh vực kinh tế-thương mại. Trong mấy năm qua, sức hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc đã gia tăng rất mạnh; Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của 9 trong 11 nền kinh tế thành viên CTTPP, trừ Canada và Mexico là hai nước có hiệp định thương mại riêng với Mỹ gọi là USMCA. Trao đổi thương mại giữa các nước này với Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với trao đổi với Hoa Kỳ (xem bảng).

Ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ ở khu vực đang ngày càng giảm, tỷ lệ nghịch với đà gắn bó của các nước châu Á vào thị trường Trung Quốc. Xu hướng này là không thể đảo ngược và nếu không có chỗ đứng trong các hiệp định kinh tế thương mại khu vực, Hoa Kỳ sẽ đương nhiên bị loại khỏi cuộc chơi và nền kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu những tổn thất không thể hình dung được.

Nếu Hoa Kỳ chậm chân, vẫn tiếp tục đứng ngoài CTTPP thì Washington sẽ không có cách nào ngăn cản Bắc Kinh gia nhập hiệp định này, cho dù Trung Quốc vẫn đi theo mô hình kinh tế nhà nước phi thị trường, trái hẳn với nội dung của hiệp định CTTPP. Nhiều quan sát viên nhận định, khi xin vào TPP, Đài Loan đáp ứng được nhiều điều khoản hơn nhưng Trung Quốc có ảnh hưởng chính trị lớn hơn.

Còn nếu Trung Quốc vào CTTPP trước Mỹ thì chuyện trớ trêu đó có nghĩa là Mỹ sẽ bị đuổi ra khỏi sân chơi kinh tế khu vực, một cú đảo chính ngoạn mục mà sau đó Washington đừng mong đối đầu với thách thức về kinh tế và công nghệ của Bắc Kinh hoặc giành lại ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa tỏ dấu hiệu quan tâm tới CTTPP. Điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng Viện cách đây vài tháng, tân Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (Đới Kỳ) nói rằng, bà để ngỏ khả năng phục hồi một số chính sách thương mại thời Obama. “Hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chí hướng ở châu Á-Thái Bình Dương, cùng chia sẻ các lợi ích kinh tế và chiến lược là một giải pháp tốt”, bà Tai nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, “từ khi TPP được ký năm 2016 đến nay thế giới đã trải qua nhiều thay đổi”.

Cho đến nay vẫn chưa thấy cơ quan của bà Tai và chính quyền Biden nói chung đưa ra kế hoạch gia nhập CTTPP hoặc các sự điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với tình hình mới. Có lẽ ông Biden vẫn còn e ngại sự phản đối của công chúng và chính giới Mỹ đối với hiêp định TPP trước kia mà một số nhân vật phản đối mạnh mẽ nhất, như các thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Elizabeth Warren của đảng Dân Chủ và những nghị sĩ Cộng Hòa thân thiết với ông Trump vẫn đang là những gương mặt có ảnh hưởng lớn trong Quốc Hội Mỹ.

Tuy gia nhập CTTPP vào lúc này là một quyết định chính trị rất khó khăn cho ông Biden nhưng đó là điều cấp thiết về mặt chiến lược. Nếu chọn đứng ngoài không gian kinh tế khu vực châu Á và để cho Bắc Kinh khẳng định vai trò lãnh đạo kinh tế của họ thì những chiến lược khác của Washington như đối thoại Bộ Tứ (QUAD), liên minh ba bên AUKUS sẽ chẳng có mấy tác dụng, thậm chí quan hệ chiến lược với Nhật Bản, Nam Hàn và Ấn Độ cũng có thể bị suy giảm./-

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: